Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Banking 101 – Kiến thức cơ bản về ngân hàng

Nội dung

    Điểm nhấn chính: 

    - Tài chính ngân hàng (banking) là một phần trong cuộc sống hiện tại, giúp bạn cất giữ, lưu trữ, thanh toán tiền bạc và vay nợ khi có nhu cầu.

    - Tiền tiết kiệm có kỳ hạn có lãi suất cao và sinh sôi, tăng trưởng theo thời gian.

    - Những kiến thức tài chính cá nhân, về ngân hàng và các sản phẩm của ngân hàng cơ bản bạn cần nên biết là: Tài khoản tiết kiệm, tài khoản thanh toán, tài khoản thị trường tiền tệ, thẻ tín dụng, nợ và bảng sao kê ngân hàng.

    Một trong những  kiến thức tài chính cá nhân là kiến thức cơ bản về ngân hàng, hoạt động ngân hàng, cũng như các dịch vụ của ngân hàng (thường gọi là banking).

    Ngân hàng là một tổ chức tài chính được phép nhận tiền gửi, tiết kiệm và cho vay, thực hiện việc thanh toán, thu đổi ngoại tệ…Các ngân hàng đã ra đời từ thế kỷ XIV, đóng vai trò là tổ chức trung gian giúp các cá nhân và chủ doanh nghiệp lưu trữ và tích trữ tiền mặt. Từ nguồn tiền mặt giữ hộ các cá nhân, tổ chức, ngân hàng sẽ cho các cá nhân và tổ chức có nhu cầu cần tiền cho các hoạt động kinh doanh vay tiền. Các ngân hàng thu lãi từ hoạt động cho vay.

    Mở tài khoản ngân hàng hay là mở một thẻ tín dụng không phải là tất cả những gì bạn cần biết về ngân hàng. Bài viết này là một phần trong chuỗi bài học về các khái niệm tài chính cá nhân cần thiết cho các bạn trẻ. Nó sẽ giúp bạn có được bài học cơ bản về ngân hàng và là một phần quan trọng trong quản lý tài chính cá nhân.

    Các ngân hàng cung cấp nhiều loại tài khoản khác nhau cho dịch vụ tiền gửi, và nhiều loại tài khoản khác nhau cho việc vay tiền.


    Tài khoản tiết kiệm

    Nếu bạn đang nhắm tới việc mua một chiếc xe, hay để dành tiền đóng học phí đại học hoặc các mục tiêu lớn khác, bạn có thể gửi tiền tích lũy này vào tài khoản tiết kiệm.

    Tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn cho phép tiền của bạn tăng trưởng với một mức lãi suất nhất định. Mức lãi suất này thường khác nhau tùy theo các kỳ hạn gửi, và kỳ hạn gửi sẽ phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng tiền trong tương lai của bạn. Gửi tiết kiếm là kiến thức tài chính cá nhân và hoạt động đầu tư cơ bản nhất để bắt đầu hành trình đầu tư, tích lũy. 

    Nhiều cố vấn tài chính cá nhân thường khuyên là bạn nên bắt đầu tiết kiệm 10%-20% số tiền bạn kiếm được hàng tháng. Số tiền tiết kiệm này tích lũy theo thời gian, với sức mạnh của lãi kép sẽ sinh sôi nảy nở và giúp bạn tích lũy cho cả những mục đích lớn như mua nhà.

    Bạn có thể chọn một tài khoản tiết kiệm thông thường, được thiết lập và đăng ký một cách dễ dàng tại bất kỳ ngân hàng nào, với mức lãi suất hiện nay dao động trong khoảng 3.0%-7.3%/năm tuỳ kỳ hạn. Hoặc, nếu bạn có am hiểu về công nghệ, cũng có các tài khoản tiết kiệm trực tuyến từ các tổ chức có uy tín và đem lại một mức lãi suất cạnh tranh hơn, có thể lên tới 8%/năm. Các tổ chức này có thể cho lãi suất tốt hơn ngân hàng, một phần do tiết kiệm chi phí vận hành từ việc sử dụng công nghệ.

    Bạn có thể mở thiết lập cơ chế gửi tiền tự động hàng tháng ngay khi lương về. Hầu hết các ngân hàng đều có tính năng mở tài khoản tiết kiệm tự động, điều này giúp bạn “cất” số tiền muốn tiết kiệm đi ngay, và vì không thấy, nên bạn sẽ không thể tiêu xài số tiền này.

    Khi gửi tiết kiệm cần lưu ý kiểm tra lãi suất hàng quý. Tài khoản tiết kiệm của bạn thường hay tự động đáo hạn khi hết hạn, và khi đáo hạn thường được gia hạn ở mức lãi suất cũ. Tuy nhiên lãi suất tiền gửi có thể thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát như hiện nay thì lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng, và việc theo dõi lãi suất, tất toán khi đáo hạn, và gửi lại có thể có lãi suất cao.

    Tài khoản thanh toán (Checking account)

    Tiền tiết kiệm thường có kỳ hạn thường không thể chi tiêu hàng ngày. Cho mục đích nhận lương, chuyển khoản thanh toán hàng ngày, bạn sẽ cần một tài khoản thanh toán.

    Không giống như tài khoản tiết kiệm, tài khoản thanh toán có thể sử dụng bất cứ lúc nào, thông qua nhiều kênh khác nhau như đến chi nhánh ngân hàng, dùng thẻ ghi nợ hoặc máy rút tiền tự động (ATM) của ngân hàng. Tài khoản thanh toán có mức độ bảo mật cao, ngay cả trong trường hợp thẻ ATM cho tài khoản thanh toán của bạn bị đánh cắp, ngân hàng có thể hủy thẻ để người khác không thể sử dụng tài khoản/thẻ của bạn tuỳ ý.

    Các cố vấn tài chính cá nhân khuyên bạn cần luôn chắc chắn rằng tài khoản thanh toán của mình có đủ số dư vì hầu hết các ngân hàng đều tính phí cho các giao dịch mua vượt quá số dư của bạn (gọi là phí thấu chi). Nếu được, hãy yêu cầu không sử dụng dịch vụ thấu chi từ ngân hàng, như vậy bạn sẽ không bị tính phí trên số tiền chi vượt quá số dư khả dụng, và sẽ có thói quen không chi tiêu khi không có đủ tiền trong tài khoản.

    Đối với các tài khoản thanh toán, cần lưu ý phí chuyển khoản và các loại phí khác. Hiện nay phần lớn các ngân hàng đều miễn phí chuyển khoản trong cùng hệ thống hoặc thậm chí liên ngân hàng. Nếu ngân hàng của bạn tính fee cho việc chuyển khoản thì cần phải xem xét và theo dõi mức phí này.

    Khi truy cập vào tài khoản của mình, hãy đảm bảo rằng bạn theo dõi chi phí qua ngân hàng của mình hàng tháng và quản lý mức chi tiêu của mình, và chắc chắn rằng nó đang ở mức mục tiêu mình đã xác định. Đây cũng được xem là một trong những việc quan trọng nhất trong quản lý tài chính cá nhân và trong việc lập ngân sách.

    Thẻ tín dụng

    Thẻ tín dụng đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của bạn. Sở hữu thẻ tín dụng cho phép bạn bắt đầu xây dựng lịch sử tín dụng cho riêng mình. Một lịch sử tín dụng tốt, thanh toán đúng kỳ hạn sẽ giúp bạn vay tiền dễ dàng hơn.

    Ở Việt Nam, hầu hết các ngân hàng đều có yêu cầu về độ tuổi được cho phép mở thẻ và đứng tên thẻ tín dụng, thường là trên 18 tuổi, tuy có một số nơi yêu cầu trên 20 tuổi. Tuy vậy, độ tuổi từ 15-18 tuổi cũng có thể mở thẻ nếu có đầy đủ chứng minh nhân dân/căn cước công dân, được đánh giá là “có đầy đủ năng lực hành vi dân sự”, theo luật, và cung cấp bằng chứng chứng minh tài chính, thu nhập hiện tại.

    Nếu bạn không có việc làm, bạn vẫn có thể sở hữu thẻ “tín dụng bảo đảm”, nghĩa là bạn sẽ được yêu cầu có một khoản ký quỹ trước khi được phép sử dụng thẻ. Khoản tiền ký quỹ này đóng vai trò là tài sản thế chấp cho thẻ tín dụng trong trường hợp bạn không thể trả hết số dư nợ đúng thời hạn.

    Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng tài khoản ký cùng với cha mẹ hoặc người giám hộ của mình, như là đồng sở hữu thẻ, nhưng hãy đảm bảo thanh toán đúng hạn vì thanh toán trễ không chỉ gây ảnh hưởng đến điểm tín dụng của bạn mà còn ảnh hưởng đến báo cáo tín dụng của cha mẹ bạn, hoặc người cùng đứng tên thẻ.

    Thẻ tín dụng không phải là một dạng “tiền miễn phí” như bạn nghĩ, và đặc biệt nó không phải là tiền của bạn. Về cơ bản, bạn đang vay tiền từ ngân hàng, đó là lý do tại sao bạn chỉ nên sử dụng thẻ tín dụng để thực hiện những thanh toán mà mình chắc chắn là sẽ hoàn trả được trong đúng hạn. Nếu không kiểm soát chi tiêu với tấm thẻ này, số dư nợ của bạn có thể tăng cao dần, vượt quá khả năng chi trả của mình, và lãi suất (APR) trên số dư nợ sẽ trở thành gánh nặng tài chính lớn cho bạn.

    Vào cuối mỗi tháng, bạn sẽ nhận được bảng sao kê từ công ty phát hành thẻ tín dụng với số dư nợ cần thanh toán trong tháng đó. Từ thời điểm này, bạn sẽ có thêm thời gian ân hạn (thường là 15 ngày tiếp theo) để thanh toán hết số dư, hoặc ít nhất là trả dư nợ tối thiểu hàng tháng, nếu không sẽ bị tính lãi suất hoặc phí trả chậm. Nếu bạn định bắt đầu sử dụng thẻ tín dụng, hãy tập thói quen thanh toán đầy đủ và đúng hạn mỗi tháng để tránh phải trả những mức lãi suất (APR) cao ngất ngưỡng.

    Lãi suất thẻ tín dụng hiện nay dao động trong khoảng 25-40%/năm, với mức phí trả chậm rơi vào khoảng 4-6% trên số dư nợ tối thiểu.

    Thẻ tín dụng có tùy chọn trả "khoản thanh toán tối thiểu". Tuy nhiên, bạn không nên thực hiện các khoản thanh toán tối thiểu vì điều đó có nghĩa là bạn vẫn phải chịu phí lãi suất cao và bạn sẽ phải chuyển số dư còn lại sang tháng tiếp theo, và như vậy lãi vay sẽ ngày càng tích luỹ và lớn dần hơn. Các cố vấn tài chính cá nhân khuyên bạn luôn thanh toán toàn bộ các khoản nợ phát sinh trong thẻ tín dung, và chỉ nên dùng thẻ tín dụng cho các chi phí  thiêt yếu hàng ngày. 

    Nợ hay khoản vay

    Hầu hết mọi người khi nghe thấy từ vay nợ đều liên tưởng đến cảm giác sợ hãi và tiêu cực với nó. Bạn không bao giờ thích mắc nợ với ai; nó chỉ tạo thêm áp lực cho bạn. Nhưng nếu bạn có khoản vay, liệu có khoản nào được xem là ‘tốt’ không?

    Câu trả lời là có. Một số khoản vay thực sự có lợi cho bạn trong dài hạn, vì chúng giúp cải thiện giá trị ròng và khả năng tạo thu nhập của bạn. Ví dụ khoản vay nhằm mục đích đi học đại học, xây dựng một doanh nghiệp nhỏ hay đầu tư ngắn hạn vào một tài sản nào đó, cũng sẽ cho thấy là bạn có thể chịu trách nhiệm về mặt tài chính của mình như thế nào. Khoản vay 'tốt' cho phép bạn mua những thứ bạn cần và có thể đối phó với những trường hợp khẩn cấp không lường trước được.

    Khoản vay cũng có thể mang lại cho bạn một sự nghiệp tốt nếu bạn đi theo đúng hướng của mình. Ví dụ như khoản vay học phí của sinh viên là khoản vay “tốt” vì có thể giúp ích rất nhiều cho bạn trong tương lai, về mặt công việc, tài chính. Hãy nhớ rằng, mục đích vay là yếu tố quan trọng để đánh giá và xác định một khoản vay là có lợi hay có hại cho tài chính cá nhân của bạn trong tương lai.

    Ngược lại, khoản vay là ‘xấu’ nếu không giúp cải thiện giá trị tài sản ròng của bạn hay tạo thêm thu nhập ví dụ số dư thẻ tín dụng cho các khoản shopping, ăn uống chưa thanh toán, hoặc mất khả năng thanh toán. Việc không thanh toán những khoản đó sẽ ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng của bạn và có thể mất một thời gian khá dài để có thể khắc phục điểm tín dụng của mình.

    Trước hết hãy tìm hiểu, làm thế nào để chọn ngân hàng?

    Ở Việt Nam, hệ thống ngân hàng có thể chia thành 3 loại:

    - Ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, BIDV, hay Ngân hàng Công thương (CTG), Ngân hàng Quân đội (MBB),…

    - Ngân hàng tư nhân như Techcombank, VIB, VPB, ACB,...

    - Ngân hàng nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam như HSBC, Shinhan Bank, Citibank, UOB,…

    Tiêu chí đầu tiên để chọn ngân hàng là ngân hàng bán lẻ. Thường các ngân hàng bán lẻ sẽ có các dịch vụ ngân hàng cơ bản cho khách hàng cá nhân, là ngân hàng thích hợp nhất cho hoạt động ngân hàng hàng ngày. Bạn có thể chọn một ngân hàng bán lẻ truyền thống như VCB, có nhiều chi nhánh hoặc một ngân hàng trực tuyến nếu bạn không muốn hoặc không cần đến chi nhánh ngân hàng. Đối với ngân hàng bán lẻ, bạn cũng cần tìm hiểu xem online banking, dịch vụ thanh toán chuyển khoản của họ có tốt không, và có dịch vụ ngân hàng tính phí như thế nào.

    Quy mô ngân hàng là một yếu tố cần xem xét khi lựa chọn ngân hàng. Các ngân hàng bán lẻ lớn thường là những ngân hàng nổi tiếng, có tên tuổi và có chi nhánh ở nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, và thường có ít rủi ro hơn. Ở Việt Nam chưa có hiện tượng ngân hàng phá sản, tuy nhiên ở nhiều nước, các ngân hàng nhỏ, địa phương cũng có khả năng mất thanh khoản, nên cũng cần phải lựa chọn ngân hàng có uy tín. Tuy nhiên, các ngân hàng lớn thường sẽ có lãi suất tiền gửi thấp hơn những ngân hàng có qui mô nhỏ hơn.

    Yếu tố thứ ba để chọn một ngân hàng đó là xem liệu ngân hàng bạn đang chọn có cung cấp các dịch vụ khác như thẻ tín dụng, việc xét duyệt các khoản vay có nhanh chóng, dễ dàng hay không?

    Và yếu tố thứ tư là kiểm tra các khoản phí liên quan đến tài khoản bạn muốn mở. Các ngân hàng tính lãi cho các khoản vay cũng như phí duy trì hàng tháng, phí thấu chi và phí chuyển khoản. Kiểm tra mức lãi suất tiền gửi xem có cạnh tranh so với các ngân hàng khác hay không? Và kiểm tra các chi phí lãi vay trong thẻ tín dụng cũng như các lợi ích mà thẻ tín dụng có.

    Nếu bạn đã sử dụng ngân hàng thì cũng lưu ý thêm các báo cáo mà ngân hàng mà bạn có thể dễ dàng truy cập.

    Bảng sao kê ngân hàng hàng tháng

    Bảng sao kê này là một bản ghi chép cụ thể về số dư tài khoản của bạn, bao gồm danh sách chi tiết các khoản tiền gửi, rút tiền, chuyển tiền, và kể cả chi tiêu hàng ngày của bạn. Báo cáo sẽ này giúp lưu giữ thông tin về các giao dịch của mình. Những báo cáo này rất đơn giản và dễ hiểu, và bạn có thể truy xuất theo dạng PDF hoặc là xuất file Excel từ tài khoản trực tuyến của mình.

    Cân đối sổ sách của bạn

    Khi bạn đã nhận được bảng sao kê từ ngân hàng và đọc lại nó, hãy kiểm tra tất cả các mục cũng có trong bảng sao kê. Sau đó, thực hiện một số phép toán cộng trừ, để cập nhật bảng chi tiêu/ngân sách của mình. Nếu những phép tính cho ra những con số không nhất quán và cân bằng, hãy nhớ gọi cho ngân hàng của bạn và hỏi bất kỳ câu hỏi cần thiết nào.




    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán

    Bài viết liên quan