Điểm nhấn chính:
- “Tẩy xanh” là hành vi đưa ra những thông tin sai lệch và gian lận về lợi ích môi trường của một sản phẩm hoặc dịch vụ nhằm đạt các chuẩn mực về ESG, phục vụ cho việc bán hàng kiếm lợi nhuận.
- Chính phủ các nước trong khu vực Đông Á đang nỗ lực tạo ra các khung quy định pháp lý để chống lại vấn đề “tẩy xanh”.
Xu hướng ESG và vấn đề Tẩy xanh
Với sự phổ biến của các hoạt động đầu tư vào môi trường, xã hội và quản trị (ESG), việc đảm bảo rằng các công ty và dự án liên quan “đầu tư xanh” như những gì họ nói trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. PwC ước tính rằng tài sản liên quan đến ESG được quản lý (AUM) sẽ đạt 33.9 nghìn tỷ USD vào năm 2026, từ mức 18.4 nghìn tỷ USD vào năm 2021. Với tốc độ tăng trưởng 12.9% hàng năm, tài sản ESG đang trên đà chiếm 21.5% AUM toàn cầu vào năm 2026 .
Với xu hướng đó, chính phủ các nước Đông Á đang đưa ra các cách tiếp cận khác nhau để chống lại vấn đề “tẩy xanh” (Greenwashing) đang gia tăng. “Tẩy xanh” là những tuyên bố sai lệch hoặc gây hiểu lầm về lợi ích môi trường của một sản phẩm hoặc dịch vụ nhằm thu hút người tiêu dùng và nhà đầu tư. Bởi vì người tiêu dùng thường sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, hiện tượng “tẩy xanh” có thể mang lại lợi nhuận đáng kể cho những kẻ kinh doanh thiếu đạo đức.
Ví dụ, các chuỗi siêu thị ở nhiều quốc gia, bao gồm cả ở Việt Nam, đã giới thiệu túi nhựa ‘có thể phân hủy sinh học’ để thể hiện động thái quan tâm tới môi trường. Nhưng các nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng một số loại túi này có thể không thực sự mang lại hiệu quả như lời hứa của chúng và thậm chí có thể phân hủy thành các hạt vi nhựa có hại hơn.
Điều tương tự cũng có thể xảy ra trong đầu tư. Chẳng hạn, sự gia tăng của các quỹ hoán đổi doanh mục (ETF) đầu tư theo nguyên tắc ESG, tăng hơn gấp đôi từ năm 2020 lên gần 1,300 vào cuối năm 2022, theo ETFGI – công ty cố vấn có trụ sở tại London, đã khiến các nhà quản lý quỹ lo lắng rằng hiện tượng “tẩy xanh” đang xảy ra.
Dẫn đầu ở Đông Á cho đến nay trong việc chống lại hành vi “tẩy xanh” là Hàn Quốc, các khu vực khác như Singapore và Hồng Kông cũng đang đạt được những tiến bộ đáng chú ý. Trung Quốc cũng đang tiến hành giải quyết vấn đề này, nhưng vẫn chưa triệt để.
Hàn Quốc dẫn đầu với những hành động nhỏ
Một luật mới hiện đang được Quốc hội Hàn Quốc thông qua đó là những công ty nào bị Bộ Môi trường đánh giá là đã lừa dối công chúng về chứng chỉ xanh của họ sẽ bị phạt 3 triệu won (~ 56,460,000 VND). Luật này có thể sẽ được thông qua trước cuối năm 2023.
Mặc dù mức phạt còn khiêm tốn, nhưng Hàn Quốc vẫn là quốc gia đầu tiên ở Đông Á đưa ra luật cho các công ty có những tuyên bố sai lệch hoặc phóng đại về kinh doanh “xanh”. Đây là một sự thay đổi đáng kể, do trước đây, Hàn Quốc đã xử lý vấn đề này bằng cách cung cấp “hướng dẫn hành chính” cho người vi phạm, tuy nhiên không đạt được kết quả tốt.
Người phát ngôn của Bộ Môi trường Hàn Quốc nói rằng : “Giống như quy định về việc ngừng gây hiểu lầm cho người tiêu dùng trong các quảng cáo về thuốc lá, loại quy định tương tự được áp dụng cùng với các biện pháp trừng phạt phù hợp sẽ ngăn chặn hành vi tẩy xanh. Để mức độ “tẩy xanh” đạt ở mức 0 vào năm 2050, các hoạt động kinh doanh cần phải thay đổi.”
Cơ quan Giám sát dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSS) đã ban hành các hướng dẫn để các tổ chức xếp hạng tín dụng sử dụng để thực hiện đánh giá chứng nhận trái phiếu ESG, có hiệu lực từ ngày 01/02/2023. Đây là một trong những quy định đầu tiên liên quan đến việc đánh giá chứng nhận trái phiếu ESG ở quốc gia này.
Triển vọng của các trung tâm tài chính xanh
Singapore và Hồng Kông đều đã đạt được một số bước tiến quan trọng trong việc giải quyết vấn đề “tẩy xanh”. Vào tháng 4/2023, Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) đã công bố một kế hoạch hành động nhằm củng cố vị thế ban đầu của thành phố với tư cách là một trung tâm tài chính xanh và các tiêu chuẩn về báo cáo môi trường. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong cũng thông báo rằng các cơ quan quản lý đang nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề “tẩy xanh quá trình chuyển đổi” – khi các công ty sử dụng nguồn tài chính xanh để tài trợ cho các dự án, hoạt động sử dụng nhiều carbon.
"Châu Á là một chiến trường quan trọng trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu vì khoảng một nửa lượng khí thải nhà kính toàn cầu là từ châu Á", ông Wong cho biết.
Thách thức của Trung Quốc
Là một trong những thị trường lớn nhất trên thế giới về tài chính xanh, những gì Trung Quốc làm để hạn chế hành vi “tẩy xanh” sẽ có sự tác động đến toàn cầu. Sau tất cả, Trung Quốc hiện đang là nơi thải ra lượng khí nhà kính lớn nhất thế giới, chiếm gần 1/3 tổng lượng toàn cầu. Nhận thức rõ về tác động của khí thải đối với biến đổi khí hậu, Bắc Kinh đã đưa ra cam kết trung hòa carbon vào năm 2060, với lượng khí thải đạt đỉnh vào năm 2030.
Mặc dù Trung Quốc đã thiết lập một thị trường trái phiếu xanh có quy mô lớn, nhưng tính minh bạch của thị trường này lại không cao, làm dấy lên mối lo ngại về vấn đề “tẩy xanh” của các nhà đầu tư quốc tế.
Một báo cáo của Wall Street Journal cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2021, 33 trong số 127 trái phiếu xanh được phát hành ở Trung Quốc đã không đáp ứng các tiêu chí do Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu khí hậu (CBI) đặt ra, vì một trong số họ đã sử dụng số tiền thu được từ trái phiếu xanh để xây dựng năng lượng mặt trời và hỗ trợ các hoạt động kinh doanh truyền thống sử dụng nhiều carbon. Vào tháng 8 năm 2022, Trung Quốc đã thực hiện một bước cải cách quan trọng để chống lại hành vi “tẩy xanh”. Theo đó, Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải bắt đầu yêu cầu 100% số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu xanh phải được đầu tư vào các dự án xanh như năng lượng sạch, tăng từ mức 70% trước đây.
Việt Nam cần khung pháp lý cho trái phiếu xanh
Việt Nam đã cam kết theo đuổi phát triển bền vững và bắt đầu gia nhập vào thị trường trái phiếu xanh. Tại Hội nghị COP 26 và COP 27, vào năm 2021 và 2022, Việt Nam nhấn mạnh cam kết chống biến đổi khí hậu, hướng tới nền kinh tế xanh và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Báo cáo Thị trường tài chính bền vững ASEAN 2021 đã xếp hạng Việt Nam là quốc gia phát hành trái phiếu xanh lớn thứ hai trong số các quốc gia thành viên ASEAN.
Tuy nhiên, vẫn chưa có quy định pháp lý nào về việc phân loại trái phiếu xanh hoặc chỉ số quốc gia về trái phiếu xanh ở Việt Nam. Mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp “tẩy xanh” nào, nhưng những vụ bê bối “tẩy xanh” từ các quốc gia khác là một hồi chuông cảnh tỉnh. Nếu không có khung pháp lý, “tẩy xanh” có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Hướng tới một tương lai ESG bền vững
Có nhiều lý do chính đáng để chúng ta tin rằng các nước trong khu vực Đông Á sẽ tiếp tục nâng cao cảnh giác chống lại hành vi “tẩy xanh”.
Đầu tiên, các chính phủ trong khu vực đều hiểu rõ về thách thức do biến đổi khí hậu gây ra và tránh tạo ra các xung đột về chính trị, điều có thể cản trở nỗ lực phát triển bền vững của các quốc gia khác trên thế giới. Thứ hai, họ cũng nhận thức rõ rằng việc “tẩy xanh” có thể gây ra bất lợi lớn đối với thị trường tài chính, đặc biệt là khi tài chính khí hậu của Đông Á đang ở giai đoạn non trẻ. Thứ ba, họ nhận thức được khi các rủi ro biến đổi khí hậu được quản lý một cách có trách nhiệm, sẽ có những tác động tích cực đối với dư luận và niềm tin của công chúng vào chính phủ.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.