Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Rủi ro địa chính trị là gì?

Nội dung

    Điểm nhấn chính: 

    - Sự bất ổn địa chính trị đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia vì những hậu quả mà nó để lại. 

    - Rủi ro địa chính trị đề cập đến tác động tiềm tàng của các yếu tố chính trị, xã hội, kinh tế hoặc quân sự đối với sự ổn định và lợi nhuận của một khu vực hoặc quốc gia.   

    Tìm hiểu cùng Tititada! 

    Khái niệm hoạt động như một tập đoàn đa quốc gia về cơ bản đã được thử nghiệm trên toàn cầu. Tuy nhiên, trong một thế giới mà sự phân mảnh diễn ra ngày càng nhanh chóng, câu hỏi đặt ra bây giờ là, làm thế nào để một doanh nghiệp có thể có hoặc duy trì sự hiện diện toàn cầu? 

    Hãy cùng tìm hiểu về những động lực toàn cầu ngày nay có ý nghĩa như thế nào đối với các nhà lãnh đạo và cách họ có thể đối phó với những rủi ro địa chính trị như thế nào nhé.   

    Tìm hiểu thêm về rủi ro địa chính trị 

    Rủi ro địa chính trị (Geopolitical risk) đề cập đến tác động tiềm tàng của các yếu tố chính trị, xã hội, kinh tế hoặc quân sự đối với sự ổn định và lợi nhuận của một khu vực hoặc quốc gia. Những rủi ro này phát sinh từ sự tương tác giữa các quốc gia, chính phủ và các tổ chức quốc tế, và có thể có tác động quan trọng trực tiếp lên các doanh nghiệp, hoạt động đầu tư và nền kinh tế toàn cầu. 

    Các sự kiện địa chính trị, nói chung, thường xảy ra ở nơi giao thoa của các yếu tố địa lý (vd: tiếp cận tài nguyên thiên nhiên, địa lý gần các quốc gia bất ổn chính trị, v.v.), các quyết định chính sách (vd: giới hạn đầu tư trực tiếp nước ngoài, dung túng cho tham nhũng, v.v.) và khí hậu văn hóa địa phương (vd: nhận thức về các nhà đầu tư nước ngoài, sự không chắc chắn trước cuộc bầu cử hoặc thay đổi chế độ, v.v.).   

    Đánh giá rủi ro địa chính trị  

    Việc đánh giá rủi ro địa chính trị nên được thiết kế để tập trung vào các ngành liên quan và các mối quan tâm cụ thể tùy thuộc vào loại hình đầu tư, sự mở rộng hoặc quan hệ đối tác của một tổ chức hoặc quốc gia. Việc thẩm định địa chính trị hiệu quả có thể bao gồm: 

    - Phân tích sự ổn định của nền kinh tế

    - Đánh giá hạ tầng trọng điểm và khả năng tiếp cận điện, internet, lao động...

    - Đánh giá sự bất ổn chính trị theo quan điểm của các cuộc bầu cử hoặc thời kỳ chế độ chính phủ 

    - Đánh giá mức độ tham nhũng trong các cơ quan chính phủ và khu vực tư nhân

    - Đánh giá quan hệ đối ngoại với các nước láng giềng, đối thủ cạnh tranh, đối tác thương mại và cộng đồng quốc tế

    - Đánh giá các cơ chế kiểm soát, làm ảnh hưởng đến hoạt động tham gia đầu tư của nước ngoài như rào cản gia nhập hoặc giới hạn đầu tư trực tiếp nước ngoài 

    - Phân tích các mối đe dọa về bảo mật mà con người, tài sản và các hoạt động khác phải đối mặt   

    Cách các công ty toàn cầu có thể quản lý rủi ro địa chính trị 

    1. Bắt đầu với hội đồng quản trị  

    Các công ty nên bắt đầu bằng cách khuyến khích hội đồng quản trị thảo luận về rủi ro tiềm ẩn tổng quát thay vì tập trung chỉ vào lợi nhuận, đầu tư hoặc dự án cụ thể. Đồng thời dành thời gian thường xuyên để phân tích một loạt các kịch bản rủi ro và hậu quả. 

    Trước tiên, họ có thể ưu tiên xem xét các rủi ro có khả năng gây ảnh hưởng lớn nhất đến doanh nghiệp của họ, ví dụ, sự cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Họ có thể bắt đầu cuộc thảo luận bằng việc đánh giá các yếu tố như, bối cảnh lịch sử của mối quan hệ giữa hai nước, tình hình hiện tại, xu hướng tương lai, các vấn đề chính tiềm năng, và sau cùng đề cập đến câu hỏi "Phải làm gì với những thông tin đó?". 

    Ngoài ra, các công ty cũng có thể muốn tìm kiếm thêm quan điểm từ bên ngoài từ các nhà kinh doanh và chính trị, các cơ quan chính phủ và phi chính phủ để có được cái nhìn toàn diện về các rủi ro.  

    2. Đánh giá các rủi ro tiềm ẩn 

    Các tổ chức cần chuẩn bị để ứng phó với các rủi ro địa chính trị qua nhiều mốc thời gian, hay thời kỳ, khác nhau. 

    Hành động ngắn hạn: Ví dụ, các công ty có thể thành lập một đơn vị ứng phó khủng, chịu trách nhiệm phân tích các sự kiện chính trị có nguy cơ đe dọa hoạt động của công ty, phát triển các chiến lược giảm thiểu rủi ro, hoặc chuẩn bị phản hồi cho các câu hỏi của chính phủ về các chủ đề nhạy cảm. 

    Hành động trung hạn: Tổ chức các phiên họp giao ban thường xuyên với hội đồng quản trị và các lãnh đạo cấp cao về các rủi ro địa chính trị có liên quan. Các cuộc thảo luận có thể tập trung vào ba lĩnh vực rủi ro: thương hiệu và danh tiếng; các vấn đề về hoạt động; và các sản phẩm, dịch vụ và quan hệ đối tác. 

    Hành động dài hạn: Các công ty có thể thực hành các bài diễn tập để đánh giá phản ứng của mình đối với các kịch bản thay đổi của thị trường. Lập kế hoạch dài hạn có thể bao gồm: Liệt kê các cơ hội và thách thức quan trọng trong bối cảnh địa chính trị thay đổi; xem xét điều chỉnh các khoản đầu tư cần thiết; đánh giá hậu quả tiềm ẩn của những quyết định ứng phó rủi ro; rút ra bài học từ cách các công ty cùng ngành phản ứng với các tình huống tương tự. 

    3. Cẩn trọng với hình ảnh, câu chuyện của công ty 

    Việc luôn lo âu về yếu tố địa chính trị có thể khiến các nhà lãnh đạo phải suy nghĩ lại về cách họ nhìn nhận và định vị công ty của họ. Một số công ty có thể vì lý do thương mại và chiến lược mà lựa chọn tăng cường quan hệ với các quốc gia nơi các công ty đặt trụ sở. Nhưng số khác có thể chọn trở thành các thực thể toàn cầu vì điều này cho phép họ theo đuổi các cơ hội kinh doanh ở các thị trường mới nổi. 

    Tuy nhiên, trong thời đại tiếp cận thông tin dễ dàng ngày nay, câu chuyện mà một công ty kể về mình ở một thị trường có thể nhanh chóng lan sang các thị trường khác. Một câu chuyện hiệu quả ở một thị trường này có thể không hiệu quả ở một thị trường khác và thậm chí nó có thể hạn chế cơ hội thành công của công ty ở các thị trường khác nhau hoặc dẫn đến căng thẳng giữa các khu vực khác nhau. 

    4. Triển khai các khuôn khổ và hướng dẫn rủi ro  Nếu các công ty hoạt động trong thị trường có rủi ro cao do bất ổn địa chính trị, họ có thể phải phát triển các công cụ đánh giá rủi ro cụ thể theo thị trường, kết hợp chiến lược quản lý rủi ro của công ty. Việc này có thể làm rõ những ưu tiên của một tổ chức trong thị trường rủi ro cao, các tiêu chí được sử dụng để đánh giá và quản lý rủi ro và cách triển khai các tiêu chí phù hợp với mục tiêu hoạt động và hiệu suất được đảm bảo.   

    Ví dụ về Rủi ro địa chính trị 

    Chiến tranh thương mại  

    Chính phủ các nước thường đặt ra các lệnh trừng phạt thương mại như một biện pháp để đảm bảo các vấn đề an ninh quốc gia, bảo vệ ngành công nghiệp non trẻ trong nước họ, hoặc thậm chí dùng để trả đũa các quốc gia khác. 

    Các loại trừng phạt thương mại phổ biến có thể kể đến như: 

    - Thuế quan: Các loại thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu do chính phủ thu. 

    - Hạn ngạch: Giới hạn về số lượng nhập khẩu trong một khoảng thời gian. 

    - Yêu cầu hàm lượng nội địa: Yêu cầu về số phần trăm thành phần sản phẩm phải đến từ trong nước. 

    Ví dụ, cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, bắt đầu vào năm 2018, liên quan đến việc áp thuế đối với hàng hóa của nhau. Cụ thể, sau thời gian dài xích mích, Mỹ thông báo tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, đồng thời, Trung Quốc cũng tuyên bố áp thuế 10-25% lên 60 tỷ USD hàng hoá Mỹ. Sau cuộc chiến, tình hình kinh tế 2 nước trở nên kém sắc, khi doanh thu bán lẻ và đầu tư bất ngờ sụt giảm, giá cả hàng hoá leo thang, thị trường chứng khoán lao dốc và nhiều công ty phải rời đi khỏi Trung Quốc hoặc Mỹ vì sự kêu gọi tẩy chay của Chính phủ nước đó. Những tác động đa chiều từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không chỉ ảnh hưởng đến hai quốc gia Mỹ và Trung Quốc, mà còn đến cả nền kinh tế toàn cầu.  

    Biến động tiền tệ 

    Các sự kiện địa chính trị có thể dẫn đến biến động tiền tệ, ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư quốc tế. Ví dụ, sự kiện Brexit năm 2016 – Anh quyết định rời khỏi EU – đã gây ra sự suy giảm tỷ giá hối đoái và khiến đồng bảng Anh (GBP) rớt giá nhanh chóng, tạo ra những hậu quả trầm trọng về chính trị, văn hóa và kinh tế cho nước Anh. Tỷ giá GBP/EUR đã giảm 15%, sau cuộc trưng cầu dân ý về việc Brexit, và tiếp tục giảm tới 17% ngay sau khi cuộc bỏ phiếu diễn ra. Sự sụt giảm giá trị đồng bảng Anh đã tác động đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước theo nhiều chiều hướng khác nhau. Khách hàng muốn trao đổi đồng bảng Anh sang các loại đồng ngoại tệ khác cũng phải chịu thiệt, trong khi người khác muốn đổi ngoại tệ mua bảng Anh lại nhận được nhiều lợi ích hơn. 

    Đại dịch 

    Đại dịch COVID-19, xuất hiện vào cuối năm 2019, đã gây ra những hậu quả địa chính trị sâu rộng. Nó ảnh hưởng đến hệ thống quản lý và chính trị của nhiều quốc gia khi gây ra sự gián đoạn trong các hoạt động lập pháp và các cuộc bầu cử. Dịch bệnh cũng khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng; làm tăng khó khăn cho các chính phủ trước áp lực lạm phát, nợ xấu, nợ công và đảm bảo an sinh xã hội. Ngoài ra, đại dịch đã khiến cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Và như đã nói trên, cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc luôn là mối đe doạ cho nền kinh tế toàn cầu.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán

    Bài viết liên quan