Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Rủi ro về sự liên kết của các thị trường

Nội dung

    Điểm nhấn chính: 

    - Mọi thị trường tài chính đều có mối liên kết với nhau, có thể có mối tương quan cùng chiều hoặc ngược chiều. 

    - Toàn cầu hóa thương mại phát triển càng mở ra khả năng tiếp cận thị trường tài chính với rủi ro lớn hơn bao giờ hết.   

    Tìm hiểu cùng Tititada! 

    Trên thực tế, không chỉ thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, mà tất cả các thị trường tài chính trên toàn cầu đều được liên kết trực tiếp hoặc gián tiếp với nhau.  

    Sự liên kết có thể chỉ đơn giản là mối quan hệ giữa cổ phiếu với trái phiếu, đến sự liên kết có vẻ không mấy liên quan như thị trường trái phiếu và giá vàng. Tuy nhiên, mọi thị trường tài chính đều liên kết với nhau, thậm chí là có tương quan trực tiếp.   

    Mọi thứ đều có sự liên kết 

    Thị trường tài chính có thể được ví như các dòng sông lớn, chảy qua mọi kênh rạch, và tất cả chúng đều được liên kết với nhau. Mặt khác, sự phát triển mạnh mẽ của toàn cầu hóa thương mại như hiện nay đã mở ra cơ hội tiếp cận thị trường tài chính một cách khá dễ dàng với tốc độ liên kết lớn hơn bao giờ hết. 

    Mặc dù sự liên kết này mang lại lợi ích toàn cầu, nhưng nó cũng có thể từng bước hình thành những gián đoạn nhỏ và từ đó dẫn đến các cuộc khủng hoảng quy mô lớn. Ví dụ: giá sữa tăng 10% có thể không ảnh hưởng đáng kể đến hành vi tiêu dùng của riêng bạn nhưng nó có thể tác động lớn hơn đến nhu cầu và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. 

    Bên cạnh đó, tác động trực tiếp ban đầu có vẻ không rõ ràng, nhưng chính những ảnh hưởng lan tỏa từ các vấn đề nhỏ có thể lan sang các loại tài sản và nhiều thị trường tài chính khác nhau, từ đó có thể gây ra các sự kiện lớn hơn và dẫn đến rủi ro hệ thống. Các mối tương quan có thể không rõ ràng cho đến khi xuất hiện rủi ro hệ thống hoặc sự kiện thiên nga đen, một ví dụ như cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra vào năm 1997.   

    Khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 

    Vào ngày 01/07/1997, ngân hàng trung ương Thái Lan đã tạo một cú sốc đến thị trường tiền tệ châu Á khi phá giá đồng baht Thái Lan, mặc dù trước đó họ đã phủ nhận ý định này. Điều này gây ra phản ứng dây chuyền, khiến thị trường chứng khoán và giá trị tài sản sụt giảm trong khi nợ vay tư nhân tăng chóng mặt ở khắp các thị trường châu Á, gồm Hàn Quốc, Philippines, Lào, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Việt Nam, Indonesia, Nhật Bản, Hồng Kông và thậm chí cả Trung Quốc. 

    Sự gián đoạn ở các thị trường châu Á sau cùng được cho là dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ năm 1997. Chỉ số Dow Jones đã trải qua đợt giảm điểm lớn nhất trong lịch sử (tính đến thời điểm đó) khi giảm 554 điểm, tương đương mất 7.18%. Đây là một ví dụ quan trọng cho thấy việc một thị trường tài chính không liên quan cộng hưởng với “hiệu ứng cánh bướm” cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ bốn tháng sau đó. 

    Hiệu ứng cánh bướm  

    Hiệu ứng cánh bướm (Butterfly effect) đề cập đến tình huống hoặc sự thay đổi có vẻ không có liên kết đáng kể ban đầu, có thể khuếch đại và dẫn đến một loạt các tác động phức tạp, từ đó là tiền đề cho một thảm họa lớn hơn trong tương lai. Nó được dựa trên một câu nói nổi tiếng: "Chỉ cần một con bướm đập cánh ở New York có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Hong Kong.” 

    Ví dụ điển hình như, việc phá giá đồng tiền của Thái Lan đã gián tiếp gây ra sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ năm 1997, khiến vốn hóa thị trường bốc hơi 663 tỷ đô la chỉ trong một ngày. Hiệu ứng này luôn được cân nhắc với tất cả các khía cạnh của thị trường tài chính và các loại tài sản có tác động nhỏ nhưng quan trọng. Theo đó, những tác động nhỏ này dần sẽ dẫn đến hiệu ứng lớn hơn. 

    Một ví dụ khác là tình trạng hạn hán xảy ra với yến mạch, ngô và lúa mạch làm tăng giá thức ăn cho bò, từ đó đẩy giá thịt bò đắt hơn và khiến McDonald’s tăng giá bánh mì kẹp thịt của họ.   

    Stock Trading Butterfly Effect

    Nguồn: centerpointsecurities.com   

    Cung và cầu 

    Rủi ro về sự liên kết của các thị trường cũng có thể được hiểu thông qua nguyên tắc cung và cầu trên mọi thị trường. Khi cầu áp đảo cung (mua nhiều hơn bán), giá sẽ tăng và ngược lại, khi cung vượt cầu, giá sẽ giảm. 

    Động lực cung và cầu tác động đến giá, nhưng chỉ giá mới có thể tác động đến nhận thức về cung và cầu. Ví dụ, khi giá tăng đột biến, nó ngay lập tức ngụ ý rằng nhu cầu đang lớn hơn nguồn cung, như việc mua dẫn đến mua nhiều. Điều này phản ánh xu hướng của những người tham gia thị trường đi theo xu hướng phổ biến. Sự thao túng giá “nhân tạo” này là một yếu tố thường bị bỏ sót trong các thị trường tài chính. 

    Khi việc cung và cầu biến động quá mạnh, ảnh hưởng của nó có thể leo thang lan rộng nhanh chóng trên các thị trường khác nhau và khuếch đại cả xu hướng tích cực và tiêu cực.   

    Các loại tương quan 

    Thị trường tài chính thường có cả mối tương quan cùng chiều và ngược chiều với các thị trường khác. Những mối tương quan này là nền tảng cho động lực thị trường. Điều quan trọng là bạn có thể phân biệt khi nào sự phận kỳ (sự đổi hướng) bắt đầu xuất hiện.  

    Tương quan cùng chiều 

    Khi một thị trường hoặc công cụ tài chính có xu hướng dịch chuyển song song, đồng thời với một thị trường hoặc công cụ tài chính khác, nó được cho là có tương quan dương, hay cùng chiều. Ví dụ, các cổ phiếu ngành tài chính thường có xu hướng tương quan cùng chiều với nhau và với chỉ số VN-Index.  

    Hoặc, ví dụ, nếu doanh số bán điện thoại thông minh tăng thì lượng mua các gói ứng dụng, nền tảng công nghệ cũng có xu hướng tăng theo. 

    Tương quan ngược chiều 

    Tương quan ngược chiều, hay tương quan âm, xảy ra khi một yếu tố tăng thì yếu tố còn lại giảm. Một ví dụ điển hình là thị trường cổ phiếu có mối tương quan ngược chiều với thị trường trái phiếu. Khi thị trường cổ phiếu tăng, giá trái phiếu thường giảm và ngược lại.    

    Các thị trường và yếu tố liên kết 

    Thông thường, các thị trường được liên kết với nhau thông qua các công cụ có mối tương quan khác nhau. Điều quan trọng là bạn phải biết được thế nào được gọi là một mối tương quan “bình thường” để có thể nhận biết được tình huống bất thường đang hình thành.  

    Thị trường chứng khoán 

    Các thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, như chỉ số S&P 500 và Dow Jones, có xu hướng trở thành điểm neo tiêu chuẩn hàng đầu cho hầu hết các thị trường chứng khoán toàn cầu. Nếu chỉ số S&P 500 tăng đột biến, thì thị trường châu Âu sẽ có xu hướng tăng theo và phản ánh trên chỉ số FTSE. Như vậy, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu có thể được hiểu là có mối tương quan cùng chiều. 

    Sức ảnh hưởng của S&P 500 cũng có xu hướng tác động đến các thị trường châu Á, dẫn đầu là Nikkei của Nhật Bản và KOSPI của Hàn Quốc. Chỉ số thị trường Hang Seng của Trung Quốc có xu hướng dao động giữa mối tương quan cùng chiều và ngược chiều với Hoa Kỳ và các thị trường khác trong châu Á. Khi mối tương quan thông thường có dấu hiệu không còn đúng, nó có thể gây ra tình trạng biến động do sự liên kết giờ đây đã biến mất. 

    Ngoài ra, cổ phiếu trong các ngành thường có mối tương quan cùng chiều với nhau; tuy nhiên, mối tương quan ngược chiều cũng có thể hình thành giữa các đối thủ cạnh tranh trong một lĩnh vực. Mặt khác, các ngành “rủi ro” như cổ phiếu công nghệ có xu hướng tương quan ngược chiều với các ngành “ít rủi ro” như tiện ích và bất động sản, nhưng mối tương quan này không phải lúc nào cũng đúng. Trong một thị trường chứng khoán đang tăng khá mạnh, tất cả các lĩnh vực đều có thể cùng tăng nhưng mức độ tăng có thể khác nhau.  

    Chính sách lãi suất của FED, Mỹ 

    Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) là ngân hàng trung ương quyền lực và có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Cơ quan này thiết lập chính sách lãi suất kiểm soát dòng tiền, thường được các ngân hàng trung ương khác trên thế giới tuân theo hoặc neo theo. 

    FED cung cấp thanh khoản và theo dõi các kịch bản lạm phát và giảm phát. Họ luôn căng thẳng chờ đợi tác động từ hành động của họ đến nền kinh tế toàn cầu. Khi họ tăng lãi suất, dòng tiền sẽ chảy từ cổ phiếu vào trái phiếu và các chứng khoán thu nhập cố định, và ngược lại khi cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng như vậy. Ví dụ, kể từ khi Fed bắt đầu chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng lãi suất, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tiếp tục tăng và hút mạnh dòng tiền.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán