Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Tài chính phi tập trung (DeFi) là gì?

Nội dung

    Tại Việt Nam, các loại DeFi chưa được phổ biến và phát triển như các nước khác trên thế giới, và các sàn giao dịch crypto chưa được Nhà nước cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, một số dự án liên quan đến DeFi đã được ra mắt và phát triển ở Việt Nam trong vài năm gần đây. Ví dụ như Kyber Network, một nền tảng trao đổi phi tập trung cho phép người dùng trao đổi các loại tiền điện tử khác nhau với nhau. Hay là TomoChain, một mạng lưới blockchain phi tập trung, hỗ trợ giao dịch và phát triển các ứng dụng DeFi.

    Theo pháp luật, Bộ Tài chính và Ủy ban Giao dịch Chứng khoán là các cơ quan xác định các quy tắc cho các tổ chức tài chính tập trung như ngân hàng và công ty môi giới, nơi mà người tiêu dùng có thể tiếp cận trực tiếp các dịch vụ tài chính và vốn. Tuy nhiên, DeFi lại thách thức hệ thống tài chính tập trung này bằng cách trao quyền cho mọi người một cách tiếp cận vốn thông qua hình thức giao dịch kỹ thuật số ngang hàng (peer-to-peer).

    DeFi giúp loại bỏ các khoản phí mà ngân hàng và các công ty tài chính khác tính khi sử dụng dịch vụ của họ. Các cá nhân giữ tiền trong ví kỹ thuật số an toàn, có thể chuyển tiền trong vài phút và bất kỳ ai có kết nối internet đều có thể sử dụng một hệ thống hay ứng dụng DeFi.

    Tài chính tập trung (CeFi) vs. Tài chính phi tập trung (DeFi)

    Tài chính phi tập trung sẽ khác với tài chính tập trung ở cách thức giao dịch và một số điều khoản hoạt động khác.

    Tài chính tập trung (CeFi)

    Trong hệ thống CeFi, tiền được nắm giữ bởi các ngân hàng và tổ chức tài chính trung gian khác, là những người tạo điều kiện cho việc chuyển tiền giữa các bên với nhau, đổi lấy các phí dịch vụ, hoặc các loại phí khác.

    Ví dụ, khi bạn quẹt thẻ tín dụng để thanh toán, số tiền đó sẽ được tính bắt đầu từ người bán và chuyển đến ngân hàng của họ, và sau đó thông tin chi tiết của thẻ sẽ được chuyển tiếp đến mạng lưới thẻ tín dụng để thanh toán bù trừ. Tiếp đến, mạng lưới đó sẽ ghi nhận khoản thanh toán đó và rồi yêu cầu thanh toán từ ngân hàng, hoặc từ một tài khoản thanh toán khác của người dùng. Mỗi thực thể trong chuỗi này nhận được một khoản phí nhỏ cho các dịch vụ của mình, thường là do người bán hoặc người tiêu dùng trả tiền cho việc sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của mình.

    Tất cả các giao dịch tài chính đều được giám sát trong hệ thống tài chính tập trung, từ các đơn xin vay đến các dịch vụ của ngân hàng địa phương.

    Về mức độ an toàn, CeFi được đánh giá là có các phương thức bảo mật và an toàn dữ liệu cao hơn DeFi, nhờ các hệ thống bảo mật tân tiến luôn được cập nhật và nâng cấp. Ngoài ra còn có các phương tiện bảo vệ tiền, ví dụ như bảo hiểm tiền gửi, bảo vệ khách hàng và các quy định liên quan đến an ninh tài chính được yêu cầu bởi các cơ quan chính phủ.

    Tài chính phi tập trung (DeFi)

    Khác với CeFi, DeFi loại bỏ các bên trung gian bằng cách cho phép mọi người, thương nhân và doanh nghiệp thực hiện các giao dịch tài chính thông qua công nghệ mới nổi, cho phép hình thức giao dịch tài chính ngang hàng. DeFi sử dụng các giao thức bảo mật, kết nối, phần mềm và các cải tiến phần cứng, như blockchain, để tạo nên một mạng lưới tài chính phi tập trung.

    Bất cứ nơi nào có kết nối internet, các cá nhân đều có thể thực hiện cho vay, giao dịch và vay thông qua một phần mềm mà có ghi lại và xác minh các hoạt động tài chính trong nhiều tập cơ sở dữ liệu tài chính phân tán. Cơ sở dữ liệu phân tán (hay blockchain) có thể được truy cập ở bất kỳ nơi nào trong khi nó thu thập và tổng hợp dữ liệu từ tất cả người dùng, và sử dụng cơ chế đồng thuận để xác minh cơ sở dữ liệu đó, hay một giao dịch bất kỳ.

    Nhìn chung, các ứng dụng DeFi cung cấp cho người dùng nhiều quyền kiểm soát hơn đối với tiền của họ thông qua ví cá nhân và các dịch vụ phục vụ cho việc giao dịch trực tuyến.

    Nhưng lưu ý rằng, DeFi không cung cấp tính ẩn danh một cách trọn vẹn thông qua blockchain. Tuy các giao dịch không hiển thị tên của một cá nhân, nhưng chúng vẫn có thể được theo dõi bởi tất cả các thực thể có quyền truy cập vào blockchain, bao gồm cả chính phủ và luật pháp để bảo vệ lợi ích tài chính của một cá nhân. Đồng thời, DeFi cũng có một số rủi ro nhất định, như bị tấn công mạng bởi các hacker hoặc có lỗ hổng bảo mật nào đó ở một ứng dụng giao dịch phi tập trung.

    DeFi hoạt động như thế nào?

    Tài chính phi tập trung sử dụng công nghệ blockchain mà các loại tiền điện tử đang sử dụng. Blockchain là một cơ sở dữ liệu hoặc sổ cái được phân phối và bảo mật.

    Trong blockchain, các giao dịch được ghi lại trong các khối (blocks) và sau đó được xác minh bởi những người dùng khác. Nếu những người xác minh này chấp thuận về một giao dịch, khối đó sẽ được đóng và mã hóa; một khối khác sẽ được tạo ra chứa các thông tin về khối trước đó bên trong nó. Các khối được "xâu chuỗi" (chained) với nhau thông qua thông tin trong mỗi khối nối tiếp nhau, qua đó được gọi là blockchain.

    Thông tin trong các khối trước nếu thay đổi sẽ làm thay đổi đến các khối sau, vì vậy không có cách nào để thay đổi chuỗi khối một khi đã được thiết lập. Do vậy, khi mà một giao dịch được các bên chấp thuận sẽ được ghi vào trong sổ cái và được lưu giữ trên một phần mềm cứng hoặc điện toán đám mây, mà không thể biến đổi hay làm sai lệch. Điều này, cùng với các giao thức bảo mật khác, sẽ cung cấp tính an toàn cao cho những ai tham gia giao dịch trong hệ thống phi tập trung.

    Công dụng của DeFi

    Các giao dịch tài chính ngang hàng (peer-to-peer, hay P2P) là một trong những cơ sở cốt lõi đằng sau DeFi. Giao dịch P2P DeFi là nơi hai bên đồng ý trao đổi tiền để đổi lấy hàng hóa hoặc dịch vụ mà không cần đến bên thứ ba tham gia.

    Trong DeFi, P2P có thể đáp ứng nhu cầu vay của một cá nhân bằng một thuật toán mà có thể khớp các cá nhân đồng ý với nhau về các điều khoản cho vay và khoản vay được phát hành. Các khoản thanh toán từ P2P được thực hiện thông qua các ứng dụng phi tập trung trực tuyến và tuân theo quy trình của blockchain nói trên. Sử dụng DeFi cho phép:

    - Khả năng truy cập: Bất kỳ ai có kết nối internet đều có thể truy cập nền tảng DeFi và các giao dịch diễn ra mà không có bất kỳ giới hạn địa lý nào.

    - Phí thấp và lãi suất cao: DeFi cho phép bất kỳ hai bên nào đàm phán trực tiếp lãi suất và cho vay tiền qua mạng lưới DeFi.

    - Bảo mật và minh bạch: Các hợp đồng thông minh được phát hành trên blockchain và hồ sơ của các giao dịch luôn được ghi vào sổ cái và có sẵn cho bất kỳ ai muốn xem, nhưng không tiết lộ danh tính của người dùng. Blockchain là bất biến, có nghĩa là chúng không thể thay đổi.

    - Quyền tự chủ: Các nền tảng DeFi không phụ thuộc vào bất kỳ tổ chức tài chính tập trung nào.

    Ưu điểm của DeFi:

    - Các ứng dụng DeFi cho phép các cá nhân di chuyển vốn trên khắp thế giới từ bất kỳ nơi đâu

    - Khả năng tạo thu nhập

    - Mức độ bảo mật cao

    Nhược điểm của DeFi:

    - Việc tham gia DeFi có thể phức tạp và không dễ hiểu

    - Nguy cơ gian lận và lừa đảo cao

    - Mức độ biến động cao

    Tương lai của DeFi

    Trong bối cảnh các nền kinh tế trên toàn cầu tích cực phát triển công nghệ và hướng tới chuyển đổi số một cách toàn diện hơn, thì tài chính phi tập trung cũng đang không ngừng phát triển và được dự đoán sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong ngành công nghiệp tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, nó vẫn chưa thực sự được kiểm soát và hệ sinh thái của nó chứa nhiều rủi ro về cơ sở hạ tầng, hack và lừa đảo.

    Hiện nay, các luật pháp hiện hành được xây dựng dựa trên quy định và ý tưởng của các khu vực pháp lý tài chính riêng biệt, mỗi khu vực địa lý có một bộ luật và quy tắc riêng của họ. Do vậy mà việc quản lý khả năng giao dịch không biên giới của DeFi là một vấn đề lớn, vẫn chưa có giải pháp hoàn chỉnh.

    Ví dụ như, ai sẽ chịu trách nhiệm điều tra tội phạm tài chính xảy ra xuyên biên giới; một tổ chức chính phủ hay ứng dụng DeFi? Ai sẽ thực thi các quy định, và họ sẽ thực thi chúng như thế nào?

    Ngoài ra, các mối quan tâm khác bao gồm tính ổn định của hệ thống, năng lượng sử dụng, lượng khí thải carbon, nâng cấp hệ thống, bảo trì hệ thống và lỗi phần cứng.

    Bitcoin có phải là tài chính phi tập trung không?

    Bitcoin là một loại tiền điện tử. DeFi được thiết kế để tiền điện tử có thể được sử dụng trong hệ sinh thái của nó, vì vậy Bitcoin không hẳn là một Tài chính phi tập trung mà là chỉ là một phần trong đó.

    Tóm tắt:

    - Tài chính phi tập trung (DeFi) là một công nghệ tài chính mới nổi dựa trên blockchain, tương tự như các công nghệ được sử dụng bởi các loại tiền điện tử.

    - So với tài chính tập trung thì giao dịch trong DeFi có thể được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng và tiện lợi hơn khi có kết nối mạng Internet.

    - DeFi là một lĩnh vực đầy tiềm năng trong ngành công nghiệp tài chính, và được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

    - DeFi là một hệ sinh thái không có sự ràng buộc bởi một bộ pháp lý cụ thể nào, vì thế nó có thể chứa nhiều rủi ro về cơ sở hạ tầng, toàn bộ tài sản ảo có thể bị lừa đảo bất cứ lúc nào.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán