Điểm nhấn chính:
- Việc hoàn thành chương trình đại học là một mục tiêu tài chính cá nhân trong cuộc đời. Bằng đại học làm tăng đáng kể cơ hội có được việc làm và giữ được việc làm sau khi tốt nghiệp.
- Tuy nhiên, không phải lúc nào chỉ có bằng cấp cũng đủ để có được công việc bạn mong muốn.
- Chọn một chuyên ngành, trường đại học và kế hoạch học tập có chiến lược chính là cách giúp bạn có được việc làm sau khi tốt nghiệp.
Nhiều người nghĩ rằng, đại học quá tốn kém, chi phí cơ hội cho việc học đại học là quá cao. Thay vì bỏ một số tiền lớn và 4 nằm dài để ngồi ở giảng đường đại học, nhiều người đã có thể kiếm tiền, phụ giúp gia đình, hoàn thành nhiều mục tiêu tài chính cá nhân, xây dựng sức khỏe tài chính.
Nhiều
người còn cho rằng, học đại học không chắc ra trường đã làm giàu được. Nhưng thực
tế, đại học chính là khoản đầu tư xứng đáng, hãy cùng Tititada tìm hiểu nhé!
Những lợi ích khi có bằng đại học
1. Bằng đại học là một trong những điều kiện việc làm cần thiết
Ngày này, hầu hết các công việc đều yêu cầu bằng cấp, thấp nhất là bằng trung cấp, phổ biến là bằng cử nhân và cao hơn có thể là bằng thạc sĩ. Một số công việc, vị trí còn yêu cầu có những bằng cấp bổ trợ, như bằng IELTS, TOEIC, ACCA, CFA,…
Nếu bạn có mong muốn làm một công việc văn phòng, thì tốt nhất bạn nên chuẩn bị cho mình một tấm bằng đại học, bởi nó có thể là điều kiện kiên quyết giúp bạn vượt qua vòng CV của quy trình tuyển dụng.
2.Bằng đại học là thứ không dễ bị lấy mất
Không ai có thể lấy đi thứ gì mang tên bạn, và bằng đại học cũng vậy. Sâu hơn, tấm bằng chính là cái đại diện cho những gì bạn đạt được trong bốn năm đại học, bao gồm kiến thức, kỹ năng, nỗ lực và quyết tâm.
Đầu tư cho giáo dục không bao giờ lãng phí. Nó ăn sâu vào con người bạn, là hành trang cho bạn tiếp tục phát triển trong xã hội.
3.Cơ hội tăng thu nhập cao
Có một mối tương quan chặt chẽ giữa trình độ học vấn và thu nhập của bạn. Theo một nghiên cứu vào tháng 2 năm 2022 của Cục Thống kê Lao động (BLS), tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp đại học chỉ ở mức 2.2%, so với 4.5% đối với sinh viên tốt nghiệp trung học và 4.3% đối với những người không có bằng trung học.
Ngay cả vào tháng 8 năm 2008, trong cuộc Đại suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp đại học chỉ là 2.8%, so với 5.8% của sinh viên tốt nghiệp trung học và 9.7% của những người không có bằng trung học.
Một nghiên cứu của OECD cũng chứng minh một thực tế không thể chối bỏ: Những người có bằng đại học vẫn được trả lương hậu hĩnh hơn rất nhiều so với những người có bằng cấp thấp hơn.
Như vậy, những số liệu thống kê ở trên phần nào đã ủng hộ việc đầu tư thời gian và tiền bạc vào đại học là xứng đáng. Mặc dù đại học không phải là con đường tốt nhất để tìm được việc làm, nhưng khi nói đến cách để thoát nghèo, hay tìm một công việc ổn định thì đại học là một trong những con đường tốt nhất để đạt được điều đó.
4.Mở mang tầm mắt
Học tập giúp bạn tạo ra sự kết nối với mọi người – những người mà bạn chưa quen biết. Trong một môi trường đại học, bạn có cơ hội tiếp xúc và học hỏi với nhiều đến từ mọi miền đất nước, không chỉ sinh viên trong nước mà còn có sinh viên nước ngoài. Bạn có thể gặp gỡ nhiều giảng viên – những người có nhiều kinh nghiệm trên thương trường, họ có thể truyền đạt lại những kinh nghiệm và quan điểm của họ về lĩnh vực chuyên môn, thậm chí là bài học từ cuộc sống. Bạn sẽ được trau dồi nhiều kiến thức, kỹ năng chuyên môn, cơ hội tiếp xúc với nhiều quan điểm, tư tưởng và kỹ năng khác nhau, cũng như là cơ hội thực hành những gì mình học được.
5 cách để tăng cơ hội kiếm việc làm sau đại học
Tại sao nhiều người cho rằng học đại học là điều không cần thiết. Nhiều người đã học đại học và tốt nghiệp đại học, và có thể không kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Dưới đây là 5 cách giúp bạn giải quyết vấn đề này và cũng là cách tốt nhất đảm bảo rằng bạn sẽ thu được nhiều lợi ích nhất từ tấm bằng của mình sau này.
1. Chọn chuyên ngành và trường đại học một cách có chiến lược
Tốt nhất là bạn nên biết mình muốn làm gì trước khi chọn trường đại học. Bởi việc học đại học ngày nay rất tốn kém, bạn có thể không đủ khả năng để học như cách trước đây.
Bạn nên dành thời gian nghiên cứu những gì mình thích trước đó. Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể sẽ dành nhiều giờ để làm việc hơn là chơi, vì vậy hãy chọn chuyên ngành mà bạn yêu thích, bởi khi bạn yêu thích, bạn mới thấy ý nghĩa và có động lực đối mặt với nó liên tục trong suốt 9 tiếng/ngày.
Yêu thích thôi là chưa đủ, bạn cũng nên tìm hiểu xem sau khi bạn ra trường, dự báo nhu cầu cho công việc đó có còn cao không, dự báo thị trường lao động đó khi nào đạt đến trạng thái bão hòa, hứa hẹn mức lương có ổn định không và con đường phát triển sau này,… Điều đó có thể khiến bạn chọn một lĩnh vực có thể không phải là lựa chọn đầu tiên của bạn. May mắn thay, hầu hết mọi người đều có nhiều hơn một con đường sự nghiệp mà họ sẽ thích thú khi đi khám phá nó.
2. Đừng cố gắng theo đuổi đam mê ban đầu
Bạn đã thử đăng ký các khóa làm việc ngắn hạn để trải nghiệm công việc đó, nhưng bạn vẫn gặp khó khăn trong việc tìm ra những gì bạn muốn làm với cuộc sống mình. Một doanh nhân và ngôi sao của loạt show truyền hình “Shark Tank” – Mark Cuban khuyên mọi người đừng cố gắng theo đuổi đam mê của mình. Vì con người có rất nhiều đam mê trong cuộc sống, nhưng cũng rất nhiều người lại thất bại trong chính đam mê đó.
Thay vào đó, hãy nhìn vào cách bạn sử dụng thời gian, nỗ lực để hoàn thành điều gì đó. Bất cứ điều gì bạn dành nhiều thời gian để hoàn thành đều có thể là sự nghiệp hoàn hảo của bạn. Khi bạn dành nhiều thời gian cho một việc gì đó, bạn sẽ phát triển nhiều kỹ năng liên quan, mở mang kiến thức chuyên môn và khả năng trở thành chuyên gia, đồng nghĩa với thành công trong sự nghiệp.
Hãy thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu đam mê của bạn là một trong những công việc được trả lương thấp, ít nhu cầu tuyển dụng,… Đam mê nhưng phải đi kèm với thực tế, nghĩa là có tiềm năng kiếm được nhiều tiền hơn. Điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội thăng tiến hơn và cho phép bạn trả hết nợ đại học nhanh hơn.
3. Chọn nghề nghiệp đòi hỏi nhiều kỹ năng chuyên môn
Một số công việc có quá nhiều ứng viên, cạnh tranh rất cao, trong khi những công việc khác lại có nhiều nhà tuyển dụng dành rất nhiều thời gian để tuyển được một ứng viên đủ tiêu chuẩn. Điều này là bởi vì kỹ năng chuyên môn cần thiết cho một lĩnh vực sẽ làm thu nhỏ tệp ứng viên đủ điều kiện.
Hiện nay, có một số chuyên ngành sẽ giúp bạn trở thành chuyên gia và không khó để tìm được việc làm, thậm chí bạn sẽ được trả lương cao ngay từ đầu. Hãy tìm những công việc mà bằng cử nhân trong lĩnh vực chuyên môn cao là tất cả những gì bạn cần để bắt đầu, chẳng hạn như máy tính và hệ thống thông tin.
Để nhận được mức lương cao ngay từ đầu, bạn gần như dành hết thời gian để tìm tòi, học hỏi trong suốt quãng thời gian học đại học. Các lĩnh vực như y học, luật, công nghệ thông ti n có thể được trả lương rất cao, nhưng chúng yêu cầu bạn có bằng cấp cao, đạt được chứng chỉ cần thiết thì mới vượt qua được vòng CV của quy trình tuyển dụng.
4. Mở rộng mối quan hệ và giữ kết nối
Mạng lưới là việc hình thành các mối quan hệ và thực sự quan tâm đến những người xung quanh bạn. Hãy giữ kết nối với những người quen cũ, vì bạn có thể tìm được việc làm nhờ một người bạn cũ thời đại học.
Đừng tự nhốt mình ở trong phòng, bạn nên ra ngoài, tham dự các sự kiện liên quan đến lĩnh vực học tập của mình, gặp gỡ mọi người thông qua những người bạn quen biết. Ngoài ra, bạn có thể tìm kiếm các nhóm cộng đồng liên quan đến lĩnh vực của mình trên LinkedIn, những người ở các trường cao đẳng và đại học khác.
Gặp gỡ thôi là chưa đủ, bạn cũng nên cởi mở, trò chuyện, đặt câu hỏi với mọi người, nhưng hãy tìm hiểu kỹ về lĩnh vực của bạn để có thể nói về nó một cách dễ dàng. Hãy cố gắng tương tác một cách tự nhiên, nhưng đừng để mất bản thân mình. Bằng cách này hay cách khác, gặp gỡ và trò chuyện sẽ âm thầm giúp nhiều người biết đến bạn hơn, từ đó mở rộng con đường sự nghiệp của mình.
5. Đi thực tập
Nhiều người cố gắng học để đạt được điểm cao, đạt được học bổng, tốt nghiệp loại giỏi và thậm chí là bằng xuất sắc, nhưng khi đi xin việc thì chẳng nơi nào nhận. Tư tưởng giáo dục ngày nay đang gặp phải vấn nạn, đó chính là học để đạt được điểm cao, để nở mày nở mặt với mọi người.
Không chỉ học sinh cấp 1, cấp 2, hay cấp 3, mà chính sinh viên đại học cũng rơi vào vào xoáy này. Trong suốt 4 năm đại học, sinh viên chỉ tập trung vào các môn học trên lớp, không đi thực tập, báo cáo khóa luận cũng đi xin để về “xào” lại, chứng chỉ Tiếng Anh thì không có.
Hãy nhớ rằng, dù bạn có cố gắng điểm cao đến đâu, nhà tuyển dụng đều rất nhạy cảm với vấn đề học “vẹt”, vì thế, nếu bạn không đi thực tập trước khi xin việc làm chính thức, bạn khó có thể lọt vào mắt họ. Các trường đại học đều chỉ cung cấp cho sinh viên một nền tảng kiến thức cơ bản, phần còn lại người học phải tự định hướng và tự trau dồi thêm. Nếu bạn chỉ thụ động ngồi đợi người ta dạy cho mình, thì việc bạn bị đào thải chỉ là vấn đề thời gian.
Bắt đầu từ mùa hè sau năm đầu
tiên của bạn, hãy thử đi đến một công ty nào đó để thực tập, không cần phải là
một công ty danh tiếng, những gì bạn học được từ nơi đó quan trọng hơn là danh
tiếng của nó. Hoặc cân nhắc việc kết hợp công việc thực tập bán thời gian được
trả lương thấp trong lĩnh vực bạn muốn với công việc phi nghề nghiệp được trả
lương cao hơn, bởi nó cũng giúp bạn phần nào tài chính trong thời gian bạn học
đại học.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.