Điểm nhấn chính:
- Phúc lợi là phần thù lao gián tiếp được trả dưới dạng các hỗ trợ về mặt vật chất và tinh thần cho người lao động.
- Tại Việt Nam, chế độ phúc lợi của doanh nghiệp bao gồm chế độ phúc lợi tự nguyện và chế độ phúc lợi bắt buộc.
- Phúc lợi giúp nhân viên thấy yêu công việc hơn, tăng năng suất lao động và khả năng nghỉ việc thấp hơn.
Khi tìm hiểu về một công ty để đi đến quyết định ký kết hợp đồng lao động với họ, bên cạnh lương thưởng và danh tiếng công ty, phúc lợi mà công ty cung cấp cho nhân viên là một yếu tố mà bạn không thể bỏ qua trong quá trình lựa chọn nơi làm việc.
Vậy phúc lợi là gì? Người lao động được hưởng phúc lợi gì trong quá trình làm việc? Hãy cùng Tititada tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Phúc lợi là gì?
Theo Tổ chức Lao động quốc tế ILO, phúc lợi là mọi lợi ích về vật chất và tinh thần được xây dựng theo cam kết tạo điều kiện cho người lao động được làm việc trong môi trường lành mạnh, cũng như tận dụng các lợi ích có sẵn để cải thiện sức khỏe, tinh thần và năng suất làm việc.
Phúc lợi cho người lao động là quyền lợi về vật chất và tinh thần mà nhà nước hay cơ quan, doanh nghiệp bảo đảm cho người lao động được hưởng như: Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm sức khỏe, Bảo hiểm nhân thọ, Bảo hiểm mất khả năng lao động; các khoản bảo đảm thu nhập, bảo đảm hưu trí tự nguyện; mua cổ phần cổ phiếu của doanh nghiệp; bữa ăn trưa; trợ cấp nhà ở; trợ cấp đi lại; giúp đỡ tài chính của đơn vị, doanh nghiệp; dịch vụ bán hàng hạ giá; trợ cấp về giáo dục và đào tạo; trợ giúp về y tế chăm sóc tại chỗ; dịch vụ giải trí, chương trình thể thao văn hóa, chăm sóc con của người lao động…
Phúc lợi là một trong những điêu mà người lao động quan tâm nhất khi quyết định ký kết hợp đồng lao động bên cạnh lương thưởng. Chế độ phúc lợi cũng là yếu tố phản ánh điều kiện làm việc và chất lượng lao động của nhân viên.
Quỹ phúc lợi được hình thành như thế nào?
Pháp luật Việt Nam quy định, doanh nghiệp được trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi từ lợi nhuận của doanh nghiệp để dùng cho công tác khen thưởng, khuyến khích lợi ích vật chất, phục vụ nhu cầu phúc lợi công cộng, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.
Việc trích lập quỹ phúc lợi doanh nghiệp và chế độ ưu đãi thuế trong việc trích lập quỹ phúc lợi được quy định trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, ngày 03/06/2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, ngày 19/06/2013. Khoản 4, Điều 1, Nghị định số 91/2014/NĐ-CP, ngày 01/10/2014, của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều tại các nghị định về thuế, quy định các khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động mà doanh nghiệp có hóa đơn, chứng từ theo quy định thì được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; tổng số chi không quá 1 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế.
Các loại phúc lợi của người lao động
Chế độ phúc lợi là một trong những quyền lợi của người đi làm được pháp luật bảo hộ. Có rất nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng chế độ phúc lợi cho người lao động nhằm thu hút và giữ chân nhân tài.
Tại Việt Nam, chế độ phúc lợi của nhân viên trong doanh nghiệp bao gồm chế độ phúc lợi bắt buộc và chế độ phúc lợi tự nguyện.
1. Chế độ phúc lợi bắt buộc
Chế độ phúc lợi bắt buộc là khoản thanh toán tối thiểu mà các tổ chức, doanh nghiệp phải trả cho người lao động theo đúng yêu cầu pháp luật. Tại Việt Nam, các loại phúc lợi bắt buộc bao gồm 5 chế độ bảo hiểm xã hội dành cho người lao động cũng như toàn bộ công dân: trợ cấp ốm đau, tai nạn trong quá trình lao động và bệnh tật nghề nghiệp, trợ cấp thai sản, hưu trí, tửu tuất.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải đóng bảo hiểm y tế cho nhân viên theo quy định của pháp luật. Theo Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/04/2017 của BHXH Việt Nam, quy định tỷ lệ đóng, mức đóng tiền lương đóng, đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTNLĐ, BNN (Bệnh nghề nghiệp) cụ thể như sau:
Như vậy, hàng tháng doanh nghiệp đóng cho người lao động và trích từ tiền lương tháng của người lao động để đóng cùng một lúc vào Quỹ BHXH, BHYT, BHTNLĐ, BNN (Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) với tỷ lệ đóng là 32%. Và đóng cho Liên đoàn Lao động Quận, Huyện với tỷ lệ đóng kinh phí công đoàn là 2%.
2. Chế độ phúc lợi tự nguyện
Một số doanh nghiệp có khả năng kinh tế còn thể hiện sự quan tâm đến người lao động thông qua chế độ phúc lợi tự nguyện. Các chế độ phúc lợi tự nguyện bao gồm:
a. Phúc lợi bảo hiểm:
- Bảo hiểm sức khỏe: trả cho việc ngăn chặn bệnh tật như các chương trình thể dục thể thao để tránh căng thẳng khi mà hiệu ứng stress ngày càng tăng trong môi trường làm việc hoặc chăm sóc ốm đau, bệnh tật.
- Bảo hiểm nhân thọ: trả tiền cho gia đình người lao động khi người lao động qua đời. Có thể người sử dụng lao động hỗ trợ đóng một phần bảo hiểm hoặc toàn bộ khoản tiền bảo hiểm.
- Bảo hiểm mất khả năng lao động: trong một số công ty còn cung cấp loại bảo hiểm cho những người lao động bị mất khả năng lao động không liên quan đến công việc họ đảm nhận.
b. Các phúc lợi bảo đảm:
- Bảo đảm thu nhập: là những khoản tiền trả cho người lao động bị mất việc làm, trong đó lý do đến từ phía tổ chức như tài chính khó khăn, thu hẹp sản xuất,…
- Bảo đảm hưu trí: Khoản tiền trả cho người lao động khi người lao động làm cho công ty đến một mức tuổi nào đó phải nghỉ hưu với số năm làm tại công ty theo công ty quy định.
c. Các phúc lợi khác cho người lao động:
- Bán giảm giá: Một số công ty bán sản phẩm hoặc dịch vụ có cung cấp chế độ bán cho nhân viên với giá ưu đãi, hay với phương thức thanh toán ưu đãi hơn cho nhân viên như trả góp với lãi suất thấp hơn.
- Mua cổ phần của công ty: Một số công ty sẽ phát hành cổ phiếu ESOP cho nhân viên của công ty với giá ưu đãi để họ có thể trở thành cổ đông công ty và kiếm lời dựa trên số vốn của họ.
- Trợ cấp về giáo dục, đào tạo: Tổ chức trợ cấp một phần hay toàn bộ kinh phí cho người lao động học tập ở các trình độ khác nhau liên quan đến công việc.
- Trợ cấp đi lại: Một số tổ chức sẽ có xe để đưa đón nhân viên của họ đi làm hoặc chế độ hưởng tiền trợ cấp đi lại.
Vai trò của phúc lợi đối với người lao động và doanh nghiệp
Phúc lợi giúp cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách cung cấp các quyền lợi và dịch vụ như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, và nghỉ phép, giúp bảo vệ sức khỏe và tăng cường an ninh tài chính của người lao động. Điều này góp phần làm tăng chất lượng cuộc sống của họ và gia đình.
Ngoài ra, nó còn tạo ra sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Các chính sách như nghỉ phép, chế độ làm việc linh hoạt và chăm sóc trẻ giúp người lao động duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân, giảm căng thẳng và mệt mỏi hiệu quả.
Với một doanh nghiệp, một chế độ phúc lợi mạnh mẽ có thể làm tăng tính hấp dẫn của công việc. Các doanh nghiệp cung cấp chế độ phúc lợi tốt có thể thu hút và giữ chân nhân tài, giảm tỷ lệ nghỉ việc và tăng cường lòng trung thành của nhân viên.
Khi nhân viên hài lòng với các chính sách phúc lợi thường có khả năng làm việc hiệu quả hơn. Họ có thể tập trung vào công việc của mình mà không lo lắng nhiều về các vấn đề liên quan đến sức khỏe, tài chính hay các vấn đề gia đình.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.