Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Golden Gate và triển vọng ngành F&B Việt

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Golden Gate là thương hiệu chuỗi nhà hàng nổi tiếng nhất tại Việt Nam hiện nay, với hoạt động kinh doanh ẩm thực đa dạng, nhưng nổi bật nhất vẫn là các sản phẩm về lẩu.

    - Trước cơn sóng lớn là Haidilao đổ bộ vào Việt Nam, đến nay đã hơn 5 năm, Golden Gate vẫn ăn nên làm ra và tiếp tục đạt nhiều cột mốc kỷ lục mới.  

    Về Golden Gate

    Được thành lập vào năm 2005, Golden Gate hiện là doanh nghiệp F&B lớn nhất Việt Nam. Công ty cũng là người tiên phong trong việc áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng, với 5 phong cách ẩm thực chính: Lẩu, BBQ, Món Á, Món Tây và nhà hàng tự phục vụ (Cafeteria), trải dài đa dạng từ phong cách ẩm thực Nhật, Hàn, Trung, Việt Nam, Mông Cổ, đồ Âu-Mỹ, quán nhậu, thức ăn nhanh đến cửa hàng cà phê và sản xuất bia. Golden Gate được ví như một “đế chế ăn uống” vì doanh nghiệp này hiện sở hữu 21 thương hiệu gồm hơn 500 nhà hàng với độ phủ 45/63 tỉnh thành, phục vụ hơn 18 triệu thực khách mỗi năm. Trong đó, phải kể đến một loạt các thương hiệu quốc dân đình đám như Sumo, Gogi, Manwah v.v và cả thương hiệu lẩu băng chuyền đình đám Kichi Kichi.

    Golden Gate có xuất phát điểm là chuỗi nhà hàng lẩu nấm Ashima, chuyên phục vụ cho đối tượng VIP. Sau này, CEO của công ty Đào Thế Vinh quyết định mở rộng thị trường sang nhóm đối tượng bình dân hơn là sinh viên, nhân viên văn phòng nên đã thành lập chuỗi Kichi Kichi, cũng phục vụ lẩu nhưng với mô hình băng chuyền độc đáo và giá cả phải chăng hơn nhiều.

    Trong suốt 20 năm hoạt động, Golden Gate đã khẳng định được vị thế của mình như một hình mẫu trong ngành F&B Việt Nam. Công ty không chỉ trở thành thương hiệu được yêu thích hàng đầu nhờ vào chất lượng dịch vụ vượt trội, hệ thống quản lý bài bản và đồng nhất, mà còn nhờ vào mức độ nhận diện thương hiệu rộng rãi trên toàn quốc, phủ sóng khắp các thế hệ và tầng lớp tiêu dùng khác nhau. Đặc biệt, Golden Gate vẫn giữ vững vị trí thống trị của mình trong phân khúc hạng trung và cao cấp với các sản phẩm lẩu và BBQ “đỉnh” của mình. Mặc dù sự xuất hiện của Haidilao đã tạo ra một thách thức mới, nhưng nó cũng mở ra cơ hội thúc đẩy Golden Gate đổi mới và sáng tạo hơn nữa. Vì thế, công ty không chỉ duy trì được sự mở rộng bền vững mà còn đạt kỷ lục về số lượng nhà hàng và doanh thu trong các năm sau đại dịch, mà còn giữ vững vị thế dẫn đầu trong ngành.

    Quay ngược lại tháng 4/2008, Golden Gate chỉ mới là một doanh nghiệp nhà hàng quy mô nhỏ. Bước ngoặt lớn của công ty đến khi nhận được khoản đầu tư 2.6 triệu USD từ Mekong Capital. Đến năm 2014, khi quỹ đầu tư này thoái vốn, Golden Gate đã mang về cho Mekong Capital mức lợi suất hơn 800%. Mới đây, vào năm 2022, ba quỹ đầu tư lớn từ Singapore, bao gồm cả Temasek, đã đầu tư 234 triệu USD để mua lại gần 36% cổ phần của Golden Gate, nâng định giá công ty lên gần 653 triệu USD. Hiện tại, Golden Gate đang chuẩn bị cho đợt IPO trên sàn HOSE trong năm nay, sau khi phải hoãn do ảnh hưởng của Covid.  

    Golden Gate x Mekong Capital

    Thành công của Golden Gate ngày nay có đóng góp rất lớn của quỹ đầu tư Mekong Capital. Sau thành tựu ban đầu với 6 nhà hàng lẩu nấm Ashima tại Hà Nội và TP.HCM, GGG lúc bấy giờ đang rất cần vốn để mở rộng thị phần và thúc đẩy tăng trưởng. Vào năm 2008, mô hình chuỗi nhà hàng lúc này còn đang là một ngành kinh doanh rất mới, và chỉ được thống trị bởi các hãng thức ăn nhanh nước ngoài như KFC. Do đó, công ty quyết định xâm nhập vào mảng casual dining.

    Nhận thấy tiềm năng phát triển ở một đội ngũ R&D sáng tạo, và một mô hình kinh doanh chuyên biệt theo kiểu quốc tế, Mekong Capital quyết định rót 2.6 triệu USD vào Golden Gate nhân lúc thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang mở rộng cơ hội cho các quỹ đầu tư nước ngoài. Từ đây Golden Gate đã tăng trưởng ngoạn mục.

    Mekong Capital giúp GGG đi đúng hướng hơn bằng cách hỗ trợ mời cựu CEO chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh KFC khu vực Châu Á về làm cố vấn và tiếp cận với những người có kinh nghiệm trên thế giới ở những công tyd dã trải qua thời kỳ tăng trưởng tương tự. Nhờ đó, công ty này đã củng cố lại chuỗi cung ứng, giúp giảm đáng kể chi phí nguyên liệu đầu vào, và xây dựng nên một quy trình set up và vận hành trơn tru, chuyên nghiệp - tạo nên một chiếc đà vững chắc cho tốc độ phát triển mạnh mẽ sau này.

    Những đồng vốn đầu tư của Mekong Capital đã đáng giá đến từng xu khi GGG đã tăng trưởng lên đến 120 nhà hàng, gấp 24 lần quy mô ban đầu khi quỹ này mới đầu tư. Cuối năm 2009, Golden Gate cho ra mắt thương hiệu lẩu băng chuyền Kichi Kichi với mô hình lẩu tự chọn chạy tự động trên băng chuyền độc đáo nhắm vào tệp khách hàng trẻ. Kết quả, Kichi Kichi tạo nên hiện tượng trong làng F&B, đưa doanh thu công ty mẹ tăng hơn gấp đôi trong năm sau đó.  

    Tháng 8/2014, Mekong Capital thoái toàn bộ vốn khỏi GGG, với những con số ấn tượng không thể đẹp hơn, làm hài lòng cả các nhà đầu tư của quỹ lẫn bản thân các nhà sáng lập GGG:

    - Từ chuỗi chỉ có 8 nhà hàng lẩu nấm thành chuỗi nhà hàng tầm trung về giá với hơn 70 cơ sở khi quỹ thoái vốn. Công ty vẫn tiếp tục tập trung vào mở rộng và hướng đến những tỉnh thành cấp độ 2. Điều này đã giúp EBITDA của GGG tăng tới 1.9 lần, và tăng trưởng trên mỗi cửa hàng tăng từ 2% lên 9% trong khoảng thời gian từ quý 1/2013 và quý 2/2014. Điều này đã mang đến kết quả khả quan là công ty được định giá tăng gấp 3 lần trong vòng 18 tháng trước khi quỹ thoái vốn.

    - Sau hơn 1 năm quỹ thoái vốn, công ty vẫn tiếp tục tăng trưởng từ 70 lên 120 nhà hàng trên khắp VN.

    - Doanh thu của Golden Gate đã tăng trưởng 100% ngay trong năm 2008. Với mỗi mô hình, mức lãi gộp đem lại lên đến hơn 30%, riêng Vuvuzela và City Beer Station tỷ lệ này lên đến 50%. Thậm chí, có những quý các nhà hàng của GGG tăng trưởng đến 10%.

    - Tăng trưởng trung bình của Golden Gate trong giai đoạn 2010-2014 đạt mức ấn tượng 44% - một con số trong mơ của nhiều mô hình chuỗi hiện tại. Con số này giữ ở mức 25% trong suốt giai đoạn 2010 – 2013 và tăng lên mức trên 30% trong giai đoạn 2014 -2016. Từ 1 triệu khách năm 2008, số lượng khách hàng của Golden Gate đã tăng gấp 3 lần sau 6 năm, và lên 4 triệu khách chỉ thêm 2 năm sau đó.

    - Mekong cũng đã lãi gấp hơn 9 lần số tiền đầu tư ban đầu, tương ứng mức lợi suất hơn 800%. Tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) của khoản đầu tư xuất sắc đạt 45.1%.

    Về sau, Mekong Capital cũng đã rót vốn vào các chuỗi nhà hàng như Wrap & Roll và Pizza 4P’s nhưng chưa có chuỗi nào mang lại lợi nhuận vượt trội như Golden Gate. Mặc dù Wrap&Roll biên lợi nhuận gộp cao hơn so với GGG, quanh mức 63% nhưng chuỗi nhà hàng này vẫn thua lỗ do chi phí bán hàng lớn. Trong khi đó, Golden Gate duy trì biên lợi nhuận gộp trên 60% trong một thời gian dài, biên lợi nhuận gộp của Pizza 4P's khoảng 48%.

    Sau khi Mekong Capital thoái vốn, SCPE là tổ chức đầu tư của Ngân hàng Standard Chartered đã mua lại lượng lớn cổ phần của Golden Gate với giá 35 triệu USD. Rất có thể khoản vốn đầu tư của Mekong Capital đã được chuyển nhượng cho SCPE. Sau đó phần vốn này được chuyển cho một cổ đông ngoại khác là Prosperity Food Concepts Pte Ltd – một công ty quỹ mở được mở tại Singapore, được biết cuối năm 2018 công ty này đã mua lại 37.9% vốn của GGG từ SCPE, cũng như mua lại một phần vốn từ 3 lãnh đạo công ty.  

    Kết quả kinh doanh

    Bắt đầu từ năm 2014, doanh thu Golden Gate vượt mức nghìn tỷ nhờ thành công từ Vuvuzela và Gogi House. Chuỗi beer club Vuvuzela đánh dấu lần đầu tiên Golden Gate lấn sân ra khỏi thị trường lẩu, bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào khâu nấu nướng và chế biến thực phẩm. Có khởi đầu khó khăn do concept mới lạ kết hợp giữa club và quán bia, thế nhưng chỉ sau 2 tháng, Vuvuzela đã mau chóng đông dần và trở thành một trong những chuỗi nhà hàng chủ lực của Golden Gate.

    Công ty bắt đầu thể hiện rõ tham vọng trở thành ông lớn trong ngành F&B khi mà giai đoạn 2010-2015 chứng kiến số lượng kỷ lục các thương hiệu mới được Golden Gate ra mắt: tổng cộng 12 thương hiệu, với trung bình 1 năm Golden Gate nghiên cứu, thử nghiệm và cho ra đời 2 mô hình mới. Công ty cũng lăn xả nhiều hơn với các lĩnh vực không phải là thế mạnh với các Isushi, Itacha Ramen, Phố 37 (ẩm thực Việt), v.v. Kèm với đó, công ty cũng tận dụng thế mạnh của mình để lấn sân sang hoạt động sản xuất và phân phối nước lẩu, nước chấm và các nguyên liệu nấu lẩu từ các thương hiệu sẵn có trong chuỗi để người tiêu dùng có thể nấu lẩu tại gia. Kết quả, bước sang 2015-2016, Golden Gate tiếp tục đà tăng trưởng hơn 40%/năm và tiếp tục tăng 30% cho năm 2017.

     Trong giai đoạn 2014 - 2019, ngành F&B Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình 18%/năm. Tới năm 2020, bất chấp sự tàn phá của đại dịch, tổng doanh thu bán hàng ngành F&B vẫn đạt hơn 975,000 tỷ đồng, đóng góp 15.8% GDP. Doanh thu của Golden Gate cho năm 2019 cũng đạt đỉnh 4,776 tỷ, cao hơn năm trước đó 806 tỷ đồng, và chỉ giảm 4.5% cho năm 2020. Tuy nhiên nếu nhìn vào lợi nhuận sau thuế, số tiền mà Golden Gate kiếm được để duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh cho năm khó khăn này đã bốc hơi gần 80%, chưa bằng kết quả của 8 năm trước đó.

    Bước sang năm 2021, đỉnh điểm của dịch Covid tại Việt Nam, Golden Gate lần đầu tiên chứng kiến mức lợi nhuận âm trong lịch sử hoạt động: doanh thu giảm kỷ lục 27.22% xuống còn 3,318 tỷ trong khi lợi nhuận rơi tự do xuống mức âm 431 tỷ đồng. Để sống sót qua đại dịch, GGG đã đàm phán với từng chủ nhà, 400 cửa hàng là 400 cuộc thương quyết, có chủ nhà đồng ý giảm 30-50%, có nơi ít hơn nhưng cũng đã phần nào hỗ trợ cho GGG. Công ty đã bắt đầu bán hàng trực tuyến, đẩy mạnh dịch vụ phục vụ lẩu tại gia để giảm lực tài chính và xoay xở dòng tiền. Tuy nhiên, trung bình, cứ thu 100 đồng, công ty lại bị lỗ 13 đồng.

    Ngược lại, Golden Gate có lịch sử tín dụng tốt với các nhà băng, trong giai đoạn khó khăn nhất vẫn trả nợ ngân hàng đúng hẹn để không rơi vào nhóm nợ xấu. Nguồn tài chính bổ sung đến từ tài sản của lãnh đạo, vay mượn bên ngoài bằng uy tín cá nhân. Quý 3/2021 công ty đã huy động 700 tỷ đồng trái phiếu để bổ sung nguồn vốn lưu động.

    Năm 2022 doanh thu và lợi nhuận đều lên cao mức cao nhất trong lịch sử, lần lượt 6,965 tỷ và 659 tỷ đồng - tương ứng mức tăng 109.92% và 252.90%. Trong năm này, Golden Gate cũng đã giới thiệu 5 nhà hàng dưới nhãn hiệu mới mang tên Citi Station, là mô hình nhậu với không gian mở, trẻ trung và sôi động hướng đến phục vụ nhóm đối tượng là nhân viên công sở sau giờ tan tầm. Ngoài ra, công ty cũng ghi dấu khi lần đầu bước chân vào lĩnh vực canteen bệnh viện ở Bạch Mai, cung cấp suất ăn cho bệnh viện lớn nhất miền Bắc.

    Dù tình hình kinh tế năm 2023 trở nên khó khăn hơn, thị trường F&B vẫn ghi nhận tăng trưởng ở mức vừa phải, đạt 11.6%. Nhưng mức tăng trưởng này chỉ đạt hơn một nửa so với năm 2022 (Khoảng 19.7%). Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Golden Gate lại đi ngược với xu hướng chung của ngành dịch vụ ăn uống: doanh thu thuần của công ty giảm 9.7% so với năm trước và không hoàn thành chỉ tiêu đề ra, thị phần chỉ đạt 5.2%. Doanh thu giảm, cộng với chi phí thuê cửa hàng tăng mạnh hơn 22% nên lợi nhuận sau thuế của công ty cũng chỉ còn 139 tỷ đồng, bằng 1/5 cùng kỳ. Công ty cũng thực hiện hoạt động tái cấu trúc nội bộ khi đóng cửa hàng loạt 39 chi nhánh chỉ trong tháng 3/2023. Tuy vậy, công ty vẫn tiếp tục thể hiện rõ tầm nhìn đa dạng hoá khi bổ sung thêm 12 thương hiệu mới  và tiến công vào mảng đồ uống với trà sữa Universal Tea bên cạnh tham vọng gia nhập thị trường FMCG.

    Nhìn chung, Kichi Kichi thành công nhất về quy mô, Gogi House thành công nhất về tài chính. Manwah là phong cách ẩm thực phát triển rất nhanh. iSushi cho phép thưởng thức ẩm thực Nhật Bản với giá bình dân.

    Công ty cũng dồn lực cho mảng sản xuất thực phẩm với việc thâu tóm 79.9% cổ phần của CTCP Sumibi Việt Nam và góp thêm 90 tỷ đồng vào công ty TNHH Đầu tư Tây Hồ - Vĩnh Phúc. T2/2024, Golden Gate chính thức khai trương nhà máy sản xuất cốt canh, kem, há cảo và đồ viên tại Thạch Thất, Hà Nội.  Nhà máy này có diện tích gần 2ha và công suất 15,000 tấn. Nhà máy này sẽ giúp Golden Gate đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu ngày một tăng.  

    Cơ cấu sở Công ty Golden Gate

    Golden Gate được thành lập ban đầu bởi 3 doanh nhân Việt là các ông Đào Thế Vinh, Nguyễn Xuân Tường và Trần Việt Trung. Tuy nhiên đến nay, cơ cấu cổ đông của công ty đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể. Tính đến cuối 2023, 3 nhà sáng lập sở hữu tổng cộng 10.56%, trong khi CTCP Golden Gate Partners mới là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 43.88% vốn điều lệ, tương đương 3.37 triệu cổ phần. Được biết, đây là công ty đầu tư do 2 thành viên sáng lập của Golden Gate là ông Đào Thế Vinh, Trần Việt Trung và Nguyễn Xuân Trường góp vốn. Trong đó ông Đào Thế Vinh là cổ đông chính và ông Trần Việt Trung là CEO. Ngoài ra, ông Đào Thế Vinh còn là thành viên HĐQT độc lập của MWG.

    Mặc dù có sự tham gia mạnh mẽ của vốn nước ngoài (40.23%), ban lãnh đạo cốt lõi của Golden Gate vẫn do các cổ đông nội địa nắm giữ, với Hội đồng Quản trị 6 thành viên chủ yếu là người Việt Nam. Gần đây, cổ đông lớn nhất Golden Gate Partners đã đăng ký bán thỏa thuận gần 1.1 triệu cổ phiếu đồng thời cho cả 3 cá nhân gồm ông Trần Việt Trung (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Xuân Tường (Phó TGĐ) và bà Nguyễn Thị Thắng (vợ ông Trần Việt Trung), nâng tổng tỷ lệ sở hữu của họ lên mức 19.06%.

    Một điểm đáng chú trong cơ cấu sở hữu công ty là là sự xuất hiện của nhóm nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm các quỹ có liên kết với Temasek Holdings như Seletar Investments Pte, SeaTown Private Capital Master Fund và Periwinkle Pte Ltd. Nhóm này nắm giữ 35.67% cổ phần thông qua một giao dịch vào tháng 3/2022. Theo dữ liệu của VietTimes, cùng thời điểm đó, Golden Gate Partners đã thế chấp 1.4 triệu cổ phần (tương đương 18.34% tổng số cổ phần đã phát hành) cho ba nhà đầu tư nước ngoài này.  

    Định hướng phát triển

    Năm 2024, Golden Gate đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt hơn 7,000 tỷ đồng (+12% YoY) và LNST 162 tỷ đồng (+17% YoY). Công ty vẫn tiếp tục tập trung vào mở rộng mạng lưới nhà hàng. Công ty cũng thông qua chi trả cổ tức 2023 với tỷ lệ 53%, đồng thời phát hành gần 3.9 triệu cp mới, trong đó 124,755 cổ phiếu ESOP và phần còn lại để trả cổ tức cho cổ đông.

    Theo hé lộ của CEO Golden Gate, vì không dự đoán chính xác được năm 2024 thị trường sẽ như thế nào, nên Golden Gate đã tạo ra 2 phương án để có thể ứng phó kịp thời. Nếu thị trường khó, họ có thể quay lại mảng nước giải khát – nơi họ từng thử nghiệm và chưa thành công.

    Ngoài ra, Golden Gate sẽ cố IPO vào 2024 khi luật định cho phép. Tuy nhiên, CEO vẫn tỏ ra lạc quan, nhưng không đề cập rõ sẽ làm thế nào để thực hiện lời hứa niêm yết được ông đưa ra vào năm 2023. Được biết, Golden Gate đã dự tính IPO vào năm 2021 nhưng phải hoãn lại khi đại dịch COVID-19 ập đến, khiến công ty ghi nhận mức lợi nhuận âm lần đầu tiên trong lịch sử và không đáp ứng điều kiện của Luật Chứng khoán 2019, yêu cầu doanh nghiệp phải hoạt động kinh doanh có lãi 2 năm liên tiếp trước năm thực hiện IPO. Tuy nhiên, các nhà sáng lập Golden Gate hiện nay vẫn chưa có nhu cầu thoái vốn, nên thời điểm doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu lên sàn là không quá quan trọng.

    Chưa niêm yết nhưng Golden Gate hợp khẩu vị của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Các định chế tài chính tên tuổi như Mekong Capital, MAJ Invest, Standard Chartered Private Equity từng là cổ đông lớn của công ty. Mới nhất, đầu năm 2022, Temasek, quỹ đầu tư từ chính phủ Singapore và hai quỹ đầu tư khác nhận chuyển nhượng cổ phần từ các cổ đông cũ, nắm giữ gần 36% cổ phần công ty này. Các giao dịch tài chính gần đây cho thấy công ty được định giá khoảng 650 triệu đô la Mỹ.

    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán