Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Luật hoá nghị quyết 42 – Tăng tốc xử lý nợ xấu

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Việc luật hóa Nghị quyết 42 có hiệu lực từ 15/10/2025, được kỳ vọng tạo điều kiện để hệ thống ngân hàng xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.

    - Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống, bao gồm nợ tiềm ẩn rủi ro, tăng vọt từ 4.55% vào cuối năm 2023 (ngay sau khi NQ42 hết hiệu lực) lên 5.29% vào cuối tháng 2/2025.  

    Sự cần thiết của việc Luật hóa Nghị quyết 42

    “Nợ xấu” không còn xa lạ với hệ thống tài chính – ngân hàng Việt Nam, nhưng việc xử lý hiệu quả, minh bạch và theo cơ chế thị trường vẫn là bài toán nan giải. Nghị quyết 42/2017 từng mở ra bước đột phá khi lần đầu trao cho ngân hàng công cụ pháp lý mạnh để thu hồi nợ. Tuy nhiên, sau 6 năm có hiệu lực, nghị quyết đã hết hạn vào 31/12/2023, để lại khoảng trống pháp lý đáng lo ngại.

    Việc luật hóa Nghị quyết 42 thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng – được Quốc hội thông qua vào sáng nay 27/06/2025, có hiệu lực từ 15/10/2025 – được xem là phiên bản nâng cấp cần thiết. Đây là bước đi nhằm củng cố khung pháp lý xử lý nợ xấu, tạo điều kiện để hệ thống ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) hiệu quả hơn.  

    Từ bế tắc đến bước ngoặt: Nghị quyết 42 đã thay đổi cuộc chơi ra sao?

    1.Trước Nghị quyết 42: Nợ xấu “tắc đường”, ngân hàng loay hoay

    Trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 2008 và bong bóng BĐS tại Việt Nam (2011–2013), hệ thống ngân hàng đối mặt với tỷ lệ nợ xấu rất lớn. Thông công bố từ NHNN, tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm 30/09/2012 lên tới 17.21%, so với mức 15% theo đánh giá của Fitch là 15% và 20% theo Barclay. 

    Việc xử lý nợ xấu trong giai đoạn này gặp nhiều trở ngại, chủ yếu đến từ sự bất cập trong khung pháp lý. Các quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Thi hành án dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự thời điểm này chưa cho phép ngân hàng thu giữ TSBĐ nếu không có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng – dù là chủ nợ hợp pháp – vẫn phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm giải quyết thủ tục tố tụng mới có thể thu hồi tài sản đã thế chấp.

    Bên cạnh đó, lượng lớn tài sản đảm bảo như BĐS, xe cơ giới, máy móc sản xuất… bị người vay chiếm giữ hoặc cố tình chuyển nhượng trái phép cho bên thứ ba nhằm né tránh nghĩa vụ trả nợ. Tình trạng này làm phát sinh tranh chấp dân sự, khiến quá trình thu hồi kéo dài và rơi vào bế tắc.

    Trong nỗ lực xử lý tình hình, Chính phủ thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vào năm 2013, với vai trò là “người mua” nợ xấu của các ngân hàng. Tuy nhiên, do thiếu một thị trường thứ cấp cho mua bán nợ, thiếu khung định giá tài sản tin cậy và cơ chế xử lý tài sản triệt để, nên VAMC chủ yếu đóng vai trò “gom nợ để giữ”, chứ chưa thực sự xử lý được gốc rễ của vấn đề.

    Hệ quả là các ngân hàng phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, làm sụt giảm lợi nhuận và giảm khả năng mở rộng cho vay. Tín dụng bị siết lại, đặc biệt là đối với khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhỏ, kéo theo hệ lụy là nền kinh tế thiếu vốn trung dài hạn trong giai đoạn hồi phục sau khủng hoảng.

    2. Nghị quyết 42 (2017): Công cụ pháp lý “mở đường”

    Ngày 21/06/2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 với thời hạn ban đầu 5 năm (sau gia hạn đến 31/12/2023), nhằm đưa ra một bộ công cụ pháp lý đột phá, tháo gỡ hàng loạt nút thắt trong xử lý nợ xấu vốn tồn tại lâu nay.

    Trước hết, ngân hàng và VAMC được quyền thu giữ TSBĐ mà không cần chờ bản án có hiệu lực, nếu hợp đồng vay có điều khoản cụ thể thương thảo giữa các bên. Đây là bước chuyển mang tính lịch sử, rút ngắn đáng kể thời gian xử lý nợ, thay vì phải mất thời gian chờ cơ quan tố tụng giải quyết.

    Tiếp đến, Nghị quyết 42 xác định rõ trình tự ưu tiên khi xử lý TSBĐ: trả nợ ngân hàng trước, rồi mới đến nghĩa vụ tài chính khác, giúp giảm tranh chấp và tránh tài sản bị rơi vào “vòng xoáy kê biên chồng chéo”.

    Đáng chú ý, nghị quyết này cũng đưa ra định nghĩa chuẩn mực về nợ xấu và TSBĐ, tạo sự thống nhất trong áp dụng giữa ngân hàng, tòa án và cơ quan thi hành án, giúp giảm tình trạng đánh giá thiếu đồng nhất, tạo tiền lệ cho tranh chấp pháp lý.

    Cuối cùng, với khuôn khổ định rõ, Nghị quyết đã tiếp sức cho VAMC — Công ty Quản lý Tài sản các TCTD — bán, đấu giá và chuyển nhượng nợ xấu dễ dàng hơn, vốn là công cụ chính trong kỳ cơ cấu vốn giai đoạn 2017–2023.

    Sau 6 năm, theo NHNN, Nghị quyết 42 đã góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm xuống dưới 2%. Lũy kế từ 15/08/2017 đến 31/12/2021, trong tổng số 380.2 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã được xử lý có 148 nghìn tỷ đồng là do khách hàng tự trả nợ (chiếm 38.93%), cao hơn so với mức 22.8% trung bình năm từ 2012-2017. Đồng thời, kết quả xử lý, bán, phát mại TSBĐ để thu hồi nợ của TCTD và VAMC đạt 77.2 nghìn tỷ đồng, chiếm 20.3% (theo báo cáo Chính phủ số 174, năm 2022).  

    Vì sao cần luật hóa? Những lý do không thể trì hoãn

    1. Khoảng trống pháp lý, nợ xấu có nguy cơ “bật trở lại”

    Sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực vào cuối năm 2023, hệ thống ngân hàng đã rơi vào tình trạng “khoảng trống pháp lý” nghiêm trọng trong xử lý nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu gia tăng gây áp lực lên ngành ngân hàng trong bối cảnh 2025 được kỳ vọng là năm bứt phá với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, tạo đà cho tăng trưởng hai chữ số những năm sau.

    Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống, bao gồm nợ tiềm ẩn rủi ro, tăng vọt từ 4.55% vào cuối năm 2023 (ngay sau khi NQ42 hết hiệu lực) lên 5.29% vào cuối tháng 2/2025, tương đương quy mô nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ở mức 833,000 tỷ đồng. Nợ xấu tại các tổ chức tín dụng yếu kém (MBV, GPBank, VCBNeo, Vikki Bank, SCB) ước tính khoảng 537,000 tỷ đồng, chiếm 65% nợ xấu nội bảng của hệ thống và tập trung chủ yếu tại ngân hàng SCB.

    Đáng chú ý, theo dữ liệu WiGroup/Wichart, tại cuối năm 2024, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của 27 ngân hàng niêm yết và Agribank đạt hơn 131,000 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2023. Tỷ trọng của nợ nhóm 5 trong tổng dư nợ cho vay có xu hướng tăng, từ 0.91% năm 2023 lên 1.11% năm 2024.

    Đến cuối Q1/2025, quy mô nợ xấu của 28 ngân hàng niêm yết đạt 266,403 tỷ đồng, tăng gần 16% so với đầu năm.Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) toàn ngành tại thời điểm cuối Q1/2025 giảm về mức 80% - thấp nhất kể từ năm 2018, và đặc biệt giảm mạnh ở các ngân hàng quốc doanh BID, CTG và một số NHTMCP như TPB, MBB, HDB. Điều này cho thấy dư địa tài chính để xử lý nợ đang ngày càng suy giảm, và nếu không sớm có khung pháp lý thay thế, tình trạng trì trệ xử lý nợ sẽ tiếp tục đẩy chi phí dự phòng lên cao, làm giảm lợi nhuận ngân hàng và kéo theo hệ lụy giảm tín dụng.

    2. Nguy cơ nợ xấu gia tăng trở lại sau dịch và khủng hoảng BĐS

    Theo báo cáo Công ty VIS Rating và các cơ quan nghiên cứu, nợ xấu trong ngành ngân hàng đang tăng trở lại, chủ yếu từ các khoản cho vay mua nhà cá nhân, cho vay BĐS và tín dụng tiêu dùng. Trong khi đó, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản đạt khoảng 1.56 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 260,000 tỷ đồng (~ 20%) so với cuối năm 2024; trong đó, nhiều ngân hàng tư nhân thậm chí tăng mạnh tới 50–60% dư nợ BĐS chỉ trong năm 2024.

    Nếu tín dụng tăng trưởng 16% trong năm 2025, dư nợ BĐS có thể tiệm cận mốc 3.8–3.9 triệu tỷ đồng, làm gia tăng rủi ro nợ xấu, mất khả năng thanh toán và nguy cơ lan truyền nợ chéo trong hệ thống. Trong bối cảnh đó, việc luật hóa Nghị quyết 42 thành một đạo luật chính thức, đồng bộ là yêu cầu cấp thiết nhằm củng cố năng lực xử lý nợ, bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia.

    3. Tác động kỳ vọng: Không chỉ là câu chuyện của ngành ngân hàng

    Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN, chi nhánh Khu vực 2 đánh giá, luật hóa Nghị quyết 42 không chỉ cải thiện xử lý nợ mà còn hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

    a/ Với ngành ngân hàng: Gỡ nút thắt, khơi dòng vốn

    Luật hóa Nghị quyết 42 sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho các TCTD trong việc thu giữ và xử lý TSBĐ, qua đó rút ngắn thời gian xử lý nợ xấu, giảm chi phí trích lập dự phòng và cải thiện lợi nhuận. Theo đánh giá của VNDirect, SSI và Yuanta Việt Nam, nếu ba trụ cột chính của Nghị quyết 42 được luật hóa, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành có thể giảm xuống dưới 3% chỉ trong năm đầu tiên triển khai.

    PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân đánh giá, quy định cho phép ngân hàng thu giữ tài sản bảo đảm là bước đột phá, giúp loại bỏ thủ tục kéo dài, nâng hiệu quả thu hồi nợ và củng cố kỷ luật tín dụng. Đây là nền tảng quan trọng để mở rộng cho vay, đặc biệt với nhóm SME – lực lượng then chốt trong phục hồi kinh tế.

    b/ Với nền kinh tế: Tăng hiệu quả phân bổ vốn

    Nợ xấu không chỉ là gánh nặng của ngân hàng, mà còn là “vốn chết” trong các tài sản không thể thu hồi, khiến dòng vốn luân chuyển trong nền kinh tế bị đình trệ. Khi cơ chế xử lý được thông suốt, nguồn vốn trung và dài hạn được giải phóng, sẽ hỗ trợ tăng đầu tư tư nhân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong toàn nền kinh tế. Ngoài ra, việc xử lý hiệu quả TSBĐ còn giúp định giá lại tài sản trên cơ sở thị trường, góp phần cải thiện chất lượng bảng cân đối doanh nghiệp và thúc đẩy minh bạch tài chính.

    c/ Với thị trường tài chính: Mở cửa cho thị trường mua bán nợ

    Một hành lang pháp lý rõ ràng sẽ mở đường cho sự hình thành và phát triển của thị trường mua bán nợ thứ cấp – lĩnh vực còn mới tại Việt Nam. Khi quyền thu giữ và xử lý tài sản được luật định, các tổ chức trong và ngoài nước sẽ có cơ sở pháp lý để tham gia thị trường xử lý nợ xấu, bao gồm khả năng hình thành các quỹ xử lý tài sản xấu (Asset Management Companies – AMCs) theo chuẩn quốc tế.  

    Luật hóa Nghị quyết 42: Những nội dung chính

    Sáng nay (27/06), với 435/443 đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó nổi bật là quy định luật hóa quyền thu giữ TSĐB của các tổ chức tín dụng khi xử lý nợ xấu – Nghị quyết 42.

    TCTD được thu giữ tài sản – nhưng phải theo quy định của Chính phủ

    Theo nội dung được thông qua, TCTD có quyền thu giữ TSBĐ, tuy nhiên điều kiện thu giữ phải tuân theo hướng dẫn chi tiết của Chính phủ. Đây là bước đi quan trọng trong việc chuyển hóa Nghị quyết 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu thành luật định, đồng thời tạo khung pháp lý minh bạch cho các hoạt động thu hồi nợ của ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều khoản nợ xấu hiện vẫn "mắc kẹt" ở khâu xử lý tài sản.

    TSĐB phải “sạch tranh chấp”, niêm yết công khai trước khi thu giữ

    Luật mới bổ sung quy định: TSBĐ chỉ được thu giữ khi không nằm trong vụ án tranh chấp đang được tòa thụ lý. Với BĐS, các tổ chức tín dụng phải niêm yết công khai văn bản thông báo tại trụ sở UBND cấp xã nơi bên bảo đảm cư trú và nơi có tài sản trước khi thực hiện thu giữ. Với động sản – loại tài sản dễ di chuyển, hình thức công khai sẽ được giữ nguyên theo quy định hiện hành.

    Tài sản là vật chứng vụ án vẫn có thể hoàn trả để xử lý nợ

    Luật sửa đổi cho phép ngân hàng được hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự để xử lý nợ xấu, nếu hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận rõ ràng về quyền thu giữ của bên nhận bảo đảm. Tuy nhiên, quy định liên quan đến tang vật vi phạm hành chính sẽ được chuyển sang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính.

    Ngân hàng Nhà nước được cho vay đặc biệt lãi suất 0%

    Ngoài ra, việc trao quyền cho NHNN cho vay đặc biệt không cần tài sản bảo đảm với lãi suất 0% là bước bổ trợ quan trọng cho quá trình luật hóa Nghị quyết 42, giúp tăng hiệu quả xử lý nợ xấu và ổn định hệ thống tài chính. Khác với trước đây phải trình Thủ tướng, NHNN nay được chủ động quyết định trong các trường hợp TCTD rơi vào khủng hoảng thanh khoản nghiêm trọng hoặc đang tái cơ cấu bắt buộc để bảo vệ người gửi tiền và giữ an toàn hệ thống.

    Nhìn chung, việc luật hóa Nghị quyết 42 là bước đi tất yếu trong lộ trình hoàn thiện thể chế tài chính – ngân hàng theo hướng hiện đại, minh bạch và bền vững. Tuy nhiên, hiệu quả của luật không nằm ở văn bản, mà phụ thuộc vào cơ chế thực thi cụ thể, sự đồng bộ giữa các đạo luật liên quan, năng lực xử lý ở cấp địa phương và đặc biệt là thay đổi trong tư duy xã hội về nghĩa vụ vay – trả và trách nhiệm với TSBĐ. Nếu làm tốt, đây không chỉ là giải pháp xử lý nợ xấu, mà còn là nền móng cho một hệ thống tài chính kỷ cương, minh bạch – yếu tố cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn.

      Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

      Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada
      Tải App Ngay
      hoặc truy cập tititada.com

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 7.5%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán