Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Biến động tỷ giá USD/VND năm 2023

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Việt Nam quy định tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với USD hàng ngày.

    NHNN quan tâm tới tỷ giá hối đoái vì nó ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế, khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu cũng như tỷ lệ lạm phát.

    Tỷ giá USD/VND

    Tỷ giá giữa USD và VNĐ là giá của một đồng đô la Mỹ bằng đồng Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Việt Nam quy định tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với USD hàng ngày.

    Tỷ giá trung tâm được sử dụng làm mức tham chiếu cho các ngân hàng thương mại và những người tham gia thị trường khác xác định tỷ giá hối đoái của chính họ trong một biên độ nhất định.

    Tỷ giá trung tâm ngày 12/09/2023 cho USD/VND là 23,981. Biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND hiện nay là +-5 %. Còn tỷ giá trên thị trường tự do là 24,095 (theo Business Insider).




    Biến động tỷ giá USD/VND theo lãi suất


    Tại sao tỷ giá được quan tâm tới?

    NHNN quan tâm tới tỷ giá hối đoái vì nó ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam, khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam cũng như tỷ lệ lạm phát. NHNN có thể điều chỉnh biên độ tỷ giá để đối phó với các cú sốc bên ngoài hoặc biến động thị trường.

    Đặc biệt, tỷ giá USD/ VND là một trong những công cụ chính sách tiền tệ quan trọng nhất của Chính phủ Việt Nam. Bởi khoảng 60-80% tất cả giao dịch quốc tế ở Việt Nam đều sử dụng đồng đô la Mỹ để thực hiện.

    Ngoài ra, sự ổn định của tỷ giá cũng giúp tạo niềm tin vào đồng Việt Nam. Việc này rất quan trọng đối với cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế và có thể tác động tích cực đến dòng vốn chảy vào nước và môi trường kinh tế nói chung.

    Yếu tố ảnh hưởng tỷ giá

    1. Lãi suất. Lãi suất cao hơn có nghĩa là việc tiết kiệm hoặc đầu tư vào tài sản bằng VND sẽ hấp dẫn hơn, điều này làm tăng nhu cầu đối với đồng VND. Ngược lại, lãi suất thấp hơn có thể làm giảm nhu cầu về VNĐ.

    2. Cán cân thương mại. Cán cân thương mại dương, hay thặng dư thương mại, có nghĩa là Việt Nam kiếm được nhiều tiền ngoại tệ hơn chi tiêu, nhờ xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu, điều này có thể củng cố đồng VND; và tương tự ngược lại với cán cân thương mại âm.

    3. Tỷ lệ lạm phát. Tỷ lệ lạm phát cao đồng nghĩa với việc sức mua của đồng tiền giảm, điều này làm giảm giá trị của nó so với các loại tiền tệ khác.

    4. Chính sách tiền tệ. NHNN có thể sử dụng nhiều công cụ khác nhau như thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất tái cấp vốn, hoặc nghiệp vụ thị trường mở để tác động đến tính thanh khoản và sự sẵn có của tiền trên thị trường. NHNN cũng có thể can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách mua hoặc bán ngoại tệ để tác động đến tỷ giá.

    5. Hiệu quả nền kinh tế của Việt nam và các đối tác thương mại chính như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ; được đo lường bằng các chỉ số như tăng trưởng GDP, sản xuất công nghiệp, niềm tin người tiêu dùng, v.v. Các chỉ số mạnh hơn có nghĩa là nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ từ Việt Nam hoặc các đối tác thương mại của nước này nhiều hơn, điều này có thể làm tăng dòng chảy thương mại và dòng vốn giữa chúng, từ đó tác động đến cung và cầu đối với tiền tệ của họ và tạo sức ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái.

    6. Yếu tố kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các xu hướng của nền kinh tế Mỹ, như Fed tăng/giảm lãi suất, lạm phát và tăng trưởng kinh tế cũng như chính sách thương mại có thể tác động đáng kể đến nhu cầu về USD, từ đó trực tiếp tác động đến tỷ giá USD/VND.

    Nhìn lại những thời kỳ tỷ giá thay đổi mạnh

    Năm 2011

    Trong 2 tháng đầu năm, tỷ giá USD/VND tăng vọt 7.1%, từ mức 19,495 vào tháng 1 lên 20,875 vào tháng 2, và sau đó duy trì ổn định ở mức cao này và kết năm trên mốc 21,000. Một số nguyên nhân chính được cho là:

    Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam năm 2011 đạt 18.58%, trong khi tỷ lệ lạm phát của Mỹ chỉ là 3.16%. Điều này làm giảm mạnh sức mua của đồng VND và làm tăng nhu cầu đối với USD. Nguyên nhân được cho rằng mô hình tăng trưởng của Việt Nam lúc đó là lỗi thời, tăng trưởng kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất thâm dụng vốn và lao động hơn là đầu tư hiệu quả, khiến chi phí tăng cao và giá cả chung tăng theo.

    Lãi suất của Việt Nam lúc đó được cắt giảm từ 14% xuống 11%, trong khi lãi suất của Mỹ vẫn ở mức 0.25%. Điều này làm giảm sức hấp dẫn của VND.

    Cán cân thương mại tiếp tục âm 5 tỷ USD trong năm 2011, điều này khiến nguồn cung tiền VND tăng, hay dư ra, và cung USD thì giảm.

    Tính đến quý 1/2011, dự trữ ngoại hối của VN chỉ còn tương đương khoảng 3.5 tuần nhập khẩu, là con số quá nhỏ để NHNN có thể điều chỉnh nhằm hạ nhiệt tỷ giá.

    Năm 2015

    Tỷ giá USD/VND tăng 5.7% từ mức 21,267 đầu năm lên tới 22,480 vào tháng 8, và duy trì ổn định sau đó.

    Năm 2015, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong quá trình phục hồi sau tác động của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

    Nợ công cao và hệ thống ngân hàng yếu kém với tỷ lệ nợ xấu cao. GDP năm 2015 là 193.6 tỷ USD và nợ công lúc đó đạt 120.4 tỷ USD, bằng 62.2% GDP.

    Thâm hụt thương mại 3.55 tỷ USD.

    Chỉ số đô la Mỹ (DXY) đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, vượt 100 điểm, gây áp lực lớn lên tỷ giá.

    Năm 2020

    Tỷ giá VND giảm từ tháng 4/2020, ở mức 23,600, xuống còn 22,800 vào cuối năm 2021. Một số nguyên nhân chính được cho là:

    Tác động của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế toàn cầu và trong nước, làm giảm nhu cầu ngoại tệ và cung đô la Mỹ tăng trở lại, điều này giúp giá trị VND tăng.

    Sự phục hồi của nền kinh tế như tăng trưởng GDP 2.9% năm 2020 (trong top mạnh thế giới lúc đó), thặng dư thương mại, cán cân tài khoản vãng lai, lạm phát và lãi suất đã làm tăng niềm tin vào đồng Việt Nam và giảm áp lực phá giá.

    Ngoài ra, do USD giảm giá nên đã xuất hiện hoạt động đầu cơ tỷ giá gia tăng, và NHNN phải can thiệp để tránh tỷ giá biến động quá mức bằng cách mua dự trữ ngoại hối và điều chỉnh tỷ giá trung tâm. NHNN đã tăng dự trữ ngoại hối từ 79 tỷ USD vào cuối năm 2019 lên 92 tỷ USD vào cuối năm 2020.

    Năm 2022

    Tỷ giá USD/VND tăng gần 10% từ mức khoảng 22,600 đầu năm lên trên 24,800 vào gần cuối năm.

    Việc này chủ yếu là do Fed liên tục tăng lãi suất trong năm, khiến giá trị đồng USD tăng lên đáng kể so với các đồng tiền tệ khác, và điều này thu hút các nhà đầu tư quay trở lại với thị trường đầu tư ở Mỹ.

    Năm 2022, đồng VND mất giá khoảng 3.5% so với USD, nhưng đây là mức giảm thấp nhất so với nhiều đồng tiền khác. Như biến động mạnh nhất là JPY (yen Nhật) giảm 12%, CNY (nhân dân tệ) giảm 8%, KRW (won Hàn Quốc) giảm 20%, và đồng EUR giảm 5.4%.

    Đầu năm, dự trữ ngoại hối VN đạt kỷ lục gần 110 tỷ USD. Tuy nhiên, nhằm ngăn chặn đồng tiền mất giá quá mức, NHNN đã bán ròng ngoại hối khiến dự trữ ngoại hối giảm xuống còn 85 tỷ USD vào cuối năm 2022.

    Theo IMF, tới hết quý III/2022, dự trữ ngoại hối toàn cầu đã xuống mức 11,600 tỷ USD - mức thấp kỷ lục kể từ đầu năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.

    Tình hình tỷ giá hiện nay

    Bất chấp sự khác biệt về chính sách của NHNN và Fed, tỷ giá USD/VND vẫn ổn định ở dưới mức 23,600 trong 7 tháng đầu năm nhờ thặng dư thương mại và triển vọng kinh tế tươi sáng của Việt Nam trong nửa cuối năm 2023.

    Thặng dư thương mại. 8 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu hơn 20.19 tỷ USD.

    Vốn FDI vào Việt Nam 8 tháng tiếp tục tăng cao, với tổng vốn đăng ký đạt trên 18.15 tỷ USD, tăng 8.2% svcknăm 2022.

    Tuy nhiên gần đây, từ tháng 8 tới nay, tỷ giá USD/VND đang dần tăng trở lại, vượt mốc 24,000 và duy trì trên ngưỡng này. Một số nguyên nhân chính là:

    Chỉ số sức mạnh đồng đô la Mỹ (DXY) đã tăng 3.93%, từ 89.21 từ đầu năm lên 92.72 vào cuối tháng 8.

    NHNN ưu tiên việc hồi phục kinh tế hơn, với các chính sách nới lỏng, đặc biệt là liên tục hạ lãi suất; điều này khiến đồng VND mất sức hấp dẫn với nhà đầu tư hơn, gây sức ép lên tỷ giá

    Chênh lệch giữa lãi suất của hai quốc gia. Theo đó lãi suất ở Mỹ cao hơn khiến việc đầu tư, tiết kiệm vào tài sản bằng USD trở nên hấp dẫn hơn, làm tăng nhu cầu về USD, qua đó góp phần tạo áp lực lên tỷ giá VND

    NHNN điều chỉnh tỷ giá trung tâm tăng theo xu hướng tăng của các NHTM, theo biên độ +/-5%.

    Theo VnBusiness, chênh lệch lãi suất USD-VND ngày càng nới rộng. Đầu tháng 6, lãi suất vay qua đêm của USD chỉ cao hơn VND chưa đến 1%, thì đến đầu tháng 7 chênh lệch này đã mở rộng ra hơn 4%, với lãi suất vay USD qua đêm là 4.97%, trong khi VND chỉ ở mức 0.2%.

    Nhiều chuyên gia nhận định rằng, để hạ nhiệt tỷ giá, NHNN cần thắt chặt việc kiểm soát hoạt động ngoại hối của các ngân hàng thương mại và cân nhắc tránh cắt giảm lãi suất hơn nữa do xuất khẩu còn yếu và dự trữ ngoại hối chỉ đang ở quanh mức mục tiêu bằng 3 tháng nhập khẩu, dưới 89 tỷ USD.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán