Điểm nhấn chính:
- Dòng vốn là nguồn lực quan trọng giúp phát triển cơ sở hạ tầng và hội nhập kinh tế, nhưng nếu quản lý kém, có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính.
- Chính sách tài chính và sức mạnh đồng USD của Mỹ không chỉ thu hút vốn mà còn tái định hình các luồng đầu tư, gây sức ép lên các nền kinh tế mới nổi.
Giới thiệu về dòng vốn hóa toàn cầu
Dòng vốn toàn cầu là một yếu tố then chốt trong việc hình thành và điều chỉnh nền kinh tế. Dòng vốn đề cập đến việc luân chuyển tiền tệ, các khoản đầu tư giữa các quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, ổn định tài chính và các chính sách kinh tế vĩ mô.
Khi một quốc gia thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài, họ có thể sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển cơ sở hạ tầng, v.v. Ngược lại, khi dòng vốn ra khỏi một quốc gia có thể dẫn đến sự suy giảm trong nền kinh tế, tác động đến tỷ giá hối đoái và thậm chí gây ra khủng hoảng tàichính.
Dòng vốn ra và vào khỏi một quốc gia như thế nào?
Dòng vốn thường bị chi phối bởi các yếu tố kinh tế, chính trị và thị trường tài chính toàn cầu, chủ yếu được chia thành ba loại:
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là loại vốn đầu tư lâu dài, trong đó doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các công ty, dự án hoặc tài sản trong nước. FDI giúp tăng trưởng kinh tế thông qua tạo ra việc làm, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng. Ví dụ, các tập đoàn lớn từ Mỹ và Nhật Bản đầu tư vào các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, cung cấp nguồn vốn quan trọng cho sự phát triển công nghiệp và xuất khẩu.
Đầu tư danh mục (Portfolio Investment) bao gồm việc mua bán các tài sản tài chính trên thị trường quốc tế. Các nhà đầu tư toàn cầu tìm kiếm lợi nhuận cao từ các thị trường tài chính nước ngoài, tuy nhiên, dòng vốn này có tính linh hoạt cao hơn và dễ dàng rút ra khi có biến động lớn trên thị trường hoặc các điều kiện vĩ mô thay đổi.
Vay mượn và các hạn mức tín dụng cũng là một phần quan trọng của dòng vốn quốc tế. Các quốc gia vay mượn từ các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hoặc Ngân hàng Thế giới (WB), hoặc phát hành trái phiếu quốc tế để huy động vốn. Ví dụ, các quốc gia như Ấn Độ hay Brazil có thể phát hành trái phiếu quốc tế bằng USD để thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, không phải lúc nào dòng vốn cũng vào mà không có sự thay đổi. Dòng vốn ra có thể xảy ra khi nhà đầu tư rút vốn khỏi quốc gia do bất ổn chính trị, lo ngại về tỷ giá, hoặc khi có cơ hội đầu tư sinh lời cao hơn ở các nền kinh tế khác.
Các quốc gia như Việt Nam hay Trung Quốc đã từng chứng kiến dòng vốn ra lớn trong thời kỳ bất ổn kinh tế hoặc khi chính sách tiền tệ của các quốc gia phát triển thay đổi, đặc biệt là Mỹ. Ví dụ như đà bán ròng nối dài trên TTCK Việt Nam những năm gần đây, bán ròng 1 tỷ trong năm 2023 và tiếp tục bán ròng gần 2.6 tỷ USD tính đến cuối T9/2024. Nguyên nhân chính là việc tái cân bằng danh mục đầu tư toàn cầu sau khi Fed nâng lãi suất từ gần 0% lên 5% trong ngắn hạn, tạo chênh lệch lãi suất lớn giữa USD và các đồng tiền khác, khiến dòng tiền chảy về các thị trường phát triển (như Mỹ) để sinh lời.
Do vậy, dòng vốn vào và ra có ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế của mỗi quốc gia, từ việc thay đổi tỷ giá hối đoái đến tác động đến thị trường chứng khoán, lãi suất và các chính sách vĩ mô của chính phủ.
Tại sao dòng vốn toàn cầu lại quan trọng?
Dòng vốn toàn cầu không chỉ là một khái niệm về tiền tệ dịch chuyển qua biên giới, mà là yếu tố sống còn ảnh hưởng đến sự phát triển và ổn định kinh tế của mỗi quốc gia.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đầu tư vào cơ sở hạ tầng
Các quốc gia đang phát triển đặc biệt cần dòng vốn quốc tế để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng công nghiệp và phát triển. Việc tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không chỉ mang lại nguồn tài chính mà còn là chuyển giao công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý, giúp các quốc gia đang phát triển cải thiện năng suất và khả năng cạnh tranh trong thị trường toàn cầu.
Ví dụ, Việt Nam, các khoản đầu tư FDI từ các công ty lớn như Samsung và Toyota đã đóng vai trò chủ chốt trong việc phát triển ngành công nghiệp chế tạo và sản xuất. Việc này không chỉ tạo ra hàng triệu việc làm mà còn giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và năng lực xuất khẩu, giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng ở khu vực Đông Nam Á.
Ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái và cán cân thương mại
Khi một quốc gia thu hút được đầu tư từ nước ngoài, cầu nội tệ tăng lên, giúp củng cố giá trị của đồng tiền quốc gia. Tuy nhiên, sự rút lui của dòng vốn có thể gây sức ép lên tỷ giá và làm mất giá đồng tiền, ảnh hưởng đến chi phí nhập - xuất khẩu. Các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là những quốc gia có thâm hụt tài chính và nợ công cao, dễ bị ảnh hưởng trước sự thay đổi của dòng vốn quốc tế.
Ổn định tài chính và quản lý khủng hoảng
Khi các quốc gia đối mặt với khủng hoảng tài chính, các khoản vay/đầu tư từ các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể cung cấp nguồn lực cần thiết để giúp quốc gia đó vượt qua khó khăn. Trong đại dịch COVID-19, dòng vốn toàn cầu đã di chuyển mạnh mẽ, với các quốc gia phát triển nhận được các khoản vay và gói kích thích tài chính từ IMF và Ngân hàng Thế giới để duy trì nền kinh tế. Ngược lại, các quốc gia mới nổi lại chịu tác động tiêu cực từ sự rút vốn ra khỏi các thị trường tài chính của họ.
Một ví dụ đáng chú ý là việc Trung Quốc phát hành trái phiếu dưới đồng USD vào năm 2023, nhằm thu hút lại dòng vốn quốc tế và gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư. Sau những năm 2020 và 2021, khi đồng nhân dân tệ suy yếu và yếu tố kinh tế không ổn định, Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp để phục hồi dòng vốn vào. Việc phát hành trái phiếu bằng USD không chỉ giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào đồng nhân dân tệ mà còn tạo cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế tham gia vào thị trường tài chính Trung Quốc.
Hội nhập kinh tế toàn cầu và cơ hội đầu tư
Khi tiếp nhận đầu tư từ các thị trường lớn, các quốc gia còn tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước gia nhập các chuỗi cung ứng toàn cầu. Dòng vốn này không chỉ cung cấp nguồn tài chính mà còn kết nối các thị trường mới nổi với các hệ thống tài chính quốc tế, giúp dễ dàng hơn trong việc tham gia vào các giao dịch thương mại toàn cầu.
Ví dụ là việc Việt Nam đã tận dụng sự gia tăng dòng vốn đầu tư từ các tập đoàn toàn cầu trong các ngành sản xuất, điện tử và công nghệ để gia nhập các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Như vậy, hiểu rõ dòng vốn và tác động của nó rất quan trọng trong xây dựng chính sách và chiến lược kinh tế mỗi quốc gia.
Đồng USD định hình dòng vốn toàn cầu
USD không chỉ là đồng tiền dự trữ chính của thế giới mà còn là đồng tiền chủ đạo trong các giao dịch quốc tế, đặc biệt là trong thương mại, đầu tư và thanh toán trái phiếu. Do đó, USD có thể tác động trực tiếp đến dòng vốn toàn cầu.
Tỷ giá USD tăng cao và sự chuyển hướng dòng vốn toàn cầu sau Covid 19
Từ đầu năm 2022, đồng USD đã nổi lên như một nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư toàn cầu trong bối cảnh Fed liên tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. DXY, đo lường sức mạnh của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác, đã đạt mức cao nhất trong hai thập kỷ. Điều này không chỉ thu hút dòng vốn lớn vào Mỹ mà còn tạo ra tác động tiêu cực đối với các nền kinh tế mới nổi. Sự tăng giá của USD làm tăng chi phí vay mượn bằng USD và gây áp lực lớn lên tỷ giá hối đoái các quốc gia khác.
Đáng chú ý, kể từ đại dịch COVID-19, Mỹ đã trở thành điểm đến của gần 1/3 dòng vốn toàn cầu, vượt xa mức trung bình 18% trước đại dịch (theo IMF). Sự hấp dẫn của Mỹ được thúc đẩy bởi lãi suất cao, cùng các gói ưu đãi hàng tỷ USD từ chính quyền Biden nhằm phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ cao như chất bán dẫn. Những yếu tố này đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư và khơi dậy một làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới vào Mỹ.
Ngược lại, các thị trường mới nổi, bao gồm Trung Quốc và Đông Nam Á, đối mặt với tình trạng rút vốn mạnh mẽ. Trung Quốc chịu tác động nặng nề, với tỷ lệ dòng vốn toàn cầu giảm hơn một nửa kể từ đại dịch do các biện pháp kiểm soát COVID-19 và sự suy giảm niềm tin vào thị trường tài chính.
Sự thay đổi trong bối cảnh vĩ mô và chính sách của Mỹ
Đà tăng của đồng USD gần đây phần nào phản ánh chính sách thương mại bảo hộ mà ông Trump thúc đẩy. Đồng thời, lợi suất trái phiếu gia tăng chủ yếu do nhà đầu tư chuyển hướng sang các tài sản rủi ro hơn, thể hiện qua sự khởi sắc ban đầu của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, các yếu tố căn bản ẩn sau lại mang tính tiêu cực hơn.
Theo ông Tom Essaye, nhà sáng lập Sevens Report, chiến thắng của ông Trump có thể bị thị trường nhìn nhận là bất lợi đối với nợ công và thâm hụt ngân sách. Ông cho rằng, sự gia tăng nợ công kết hợp với tác động của thuế quan đẩy giá hàng hóa lên cao, có thể khiến lạm phát cao hơn dự báo.
Trong bối cảnh này, Fed có thể buộc phải tạm dừng giảm lãi suất kiểm soát lạm phát. Hơn nữa, kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ dưới thời ông Trump cũng làm giảm nhu cầu áp dụng chính sách tiền tệnới lỏng, do các điều kiện kinh tế thuận lợi không đòi hỏi việc cắt giảm lãi suất.
Khi kỳ vọng giảm lãi suất suy yếu, lợi suất trái phiếu tăng do nhà giao dịch định giá lãi suất trung và dài hạn ở mức hiện tại, khoảng 4.75-5%, từ đó làm tăng giá trị đồng USD.
Trung Quốc phát hành trái phiếu tại Saudi Arabia: Động thái thách thức hệ thống tài chính Mỹ
Trung Quốc vừa phát hành trái phiếu bằng đồng USD trị giá 2 tỷ USD, lần đầu tiên sau 3 năm. Đây được nhận định có thể là lời cảnh báo gửi tới Donald Trump, người từng đe dọa tăng thuế quan với Trung Quốc.
Đợt phát hành gồm hai loại trái phiếu: 1.25 tỷ USD đáo hạn vào năm 2027 (4.284%/năm) và 750 triệu USD đáo hạn vào năm 2029 (4.34%/năm). Mức lãi suất này chỉ cao hơn 1-3 điểm cơ bản (0.01% đến 0.03%) so với trái phiếu chính phủ Mỹ, loại nợ công an toàn nhất thế giới. Trong khi đó, ngay cả các quốc gia được xếp hạng tín nhiệm AAA như Thụy Sĩ thường phải trả mức lãi suất cao hơn Mỹ từ 10-20 điểm cơ bản.
Việc Trung Quốc đạt được mức chênh lệch lãi suất chỉ 1-3 điểm cơ bản so với trái phiếu chính phủ Mỹ cho thấy thị trường đang bác bỏ các đánh giá của các tổ chức xếp hạng phương Tây. Moody's đánh giá Trung Quốc ở mức A1, thấp hơn so với mức AAA của Mỹ.
Một điểm đáng chú ý khác là địa điểm phát hành - Saudi Arabia, thay vì các trung tâm tài chính lớn như London hay New York - bởi đây là nhân tố quan trọng trong hệ thống petrodollar, nơi dầu mỏ được định giá hoàn toàn bằng USD.
Bằng việc phát hành trái phiếu USD tại Saudi Arabia với lãi suất cạnh tranh trực tiếp với trái phiếu Mỹ, Trung Quốc đang chứng minh họ có thể trở thành một nhà quản lý thanh khoản USD thay thế ngay tại trung tâm của hệ thống petrodollar. Nếu Trung Quốc mở rộng quy mô phát hành lên hàng chục/trăm tỷ USD, các quốc gia như Saudi Arabia có thể chuyển hướng dự trữ của họ từ trái phiếu Mỹ sang trái phiếu Trung Quốc. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu đối với trái phiếu Mỹ, buộc Washington phải nâng lãi suất để thu hút người mua.
Bertrand nhận định:
“Điều này sẽ mang lại ba lợi ích lớn cho Trung Quốc: họ giải phóng được lượng
USD dư thừa, giúp các quốc gia đối tác thoát khỏi sự phụ thuộc vào USD và thắt
chặt sự gắn kết kinh tế của các quốc gia này với Trung Quốc thay vì Mỹ.”
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.
Bài viết liên quan
Risk-free rate - Lãi suất phi rủi ro
04/01/25
Vấn đề đầu tư công tại Việt Nam
02/01/25
Ý nghĩa của dòng vốn hóa toàn cầu
31/12/24
Cơ sở hạ tầng đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam
29/12/24
Câu chuyện Đầu tư cơ sở hạ tầng – Đầu tư công
27/12/24
Biên bản ghi nhớ hợp tác là gì?
19/12/24
Thiết quân luật là gì và mang ý nghĩa gì với nền kinh tế?
17/12/24
Chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội cho Đông Nam Á
09/12/24
Quan hệ thương mại thường xuyên Mỹ và Trung Quốc
03/12/24
Xu hướng Reshoring của Bắc Mỹ khi Trump tái đắc cử
01/12/24
Lá chắn Silicon giúp Đài Loan giữ vững vị thế
30/11/24
Tốc độ lưu thông tiền tệ là gì trong nền kinh tế
26/11/24
Ý nghĩa của dòng vốn hóa toàn cầu
31/12/24
Tốc độ lưu thông tiền tệ là gì trong nền kinh tế
26/11/24
Fed sắp giảm lãi suất vì thị trường lao động hạ nhiệt?
01/10/24
Thao túng tiền tệ - Ảnh hưởng thương mại toàn cầu
13/07/24
Đô la hóa là gì và tại sao phải đô la hóa?
04/05/24
Ảnh hưởng của cung tiền lên nền kinh tế
22/04/24
Cung tiền và các loại cung tiền trong nền kinh tế
14/04/24
Chính sách tiền tệ của Fed 2024 ảnh hưởng Việt Nam
19/03/24
Các quốc gia trên thế giới không dự trữ vàng
12/03/24
6 cuộc tranh luận về chính sách kinh tế_Phần 3
18/02/24
6 cuộc tranh luận về chính sách kinh tế_Phần 2
17/02/24
6 cuộc tranh luận về chính sách kinh tế_Phần 1
16/02/24