Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Thông tư 02: Chính sách "giải cứu" thị trường TPDN

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Thông tư 02 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 23/04/2023 đã mở ra cơ chế quan trọng, cho phép các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động đánh giá tình hình khó khăn của khách hàng vay để quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

    - Thông tư 02/2023/TT/NHNN đã được sửa đồi thành Thông tư 06/2024/TT/NHNN sau đó chính thức ban hành và là gia hạn của Thông tư 02 đến cuối năm 2024.  

    Diễn biến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và làn sóng vỡ nợ gia tăng

    Khó khăn ập đến

    Năm 2022 là năm mà thị trường chứng kiến nhiều "đại gia" BĐS phải "bán máu" để trả nợ trái phiếu. Dẫn đến phần lớn các doanh nghiệp BĐS không thể trả nợ trái phiếu đúng hạn, tìm cách giãn nợ hoặc hoãn nợ với trái chủ tăng lên

    Không thể không kế đến đó là sự kiện làm chấn động thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 đó là vụ việc liên quan đến Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và vụ việc Tập đoàn Tân hoàng Minh làm cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn này hầu hết bị đóng băng. Người dân ùn ùn đi bán tháo trái phiếu bằng mọi giá bất chấp dù doanh nghiệp phát hành có sức mạnh nội tại mạnh hay yếu. Làn sóng bán tháo chạy khỏi trái phiếu (bond run) đã lan sang các quỹ trái phiếu (fund run) khiến cho nhiều quỹ đầu tư trước nguy cơ mất thanh khoản tạm thời. Đồng thời hệ thống ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.

    Cũng trong năm 2022, tác động đáng kể lên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là việc Fed đã thực hiện 7 lần tăng lãi suất, trong đó có 4 lần liên tiếp tăng lãi suất đến 75 điểm cơ bản. Điều này làm cho mặt bằng lãi suất neo đậu của Việt Nam ở mức cao khi NHNN phải tăng lãi suất điều hành để hài hòa với tốc độ tăng lãi suất của Fed. Vì lãi suất luôn có quan hệ tỷ lệ nghịch với giá trái phiếu và dẫn đến chi phí huy động vốn của doanh nghiệp từ kênh trái phiếu cũng tăng, tác động tiêu cực từ cả hai phía cầu và cung trái phiếu. Đây là một trong những nguyên nhân tạo nên sự thoái trào của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022 và áp lực chậm trả nợ trong năm 2023.

    Áp lực đáo hạn đè nặng

    Do đó, thị trường trái phiếu trở nên trầm lắng trong năm 2022 với tổng giá trị phát hành chỉ đạt 269,733 tỷ đồng, giảm 64% svck năm trước. Trong đó, trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm 97% và phát hành ra công chúng chiếm phần còn lại. Nhóm ngân hàng là nhóm có tỷ trong cao nhất trong cơ cấu ghi nhận đạt 151,141 tỷ đồng, giảm 45% svck và chiếm 56% tổng giá trị phát hành. Tương tự nhóm BĐS ghi nhận giá trị phát hành đạt 62,310 tỷ đồng, giảm 79% svck và chiếm 23%, còn lại là các trái phiếu của tập đoàn đa ngành và các nhóm ngành khác cũng ghi nhận mức sụt giảm.

    Lượng TPDN đáo hạn trong 3 năm tới (2023 - 2025) lên tới 700,000 tỷ đồng chưa kể tiền lãi. Nếu xảy ra đổ vỡ, hậu quả sẽ vô cùng phức tạp do mối liên kết chặt chẽ giữa ngân hàng, chứng khoán và bất động sản. Trong năm 2022, các ngân hàng không chỉ nắm giữ lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp (khoảng 284.000 tỷ đồng) mà còn có dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản lên tới hơn 2,3 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, bất động sản chiếm tới 65% giá trị tài sản đảm bảo tại các ngân hàng. Điều này đồng nghĩa rằng, khi thị trường bất động sản và trái phiếu sụp đổ, các ngân hàng cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng nghiêm trọng.

    Thông tư 02 giúp thị trường vượt qua khủng hoảng

    Về Thông tư 02

    Thông tư 02 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 23/04/2023 đã mở ra cơ chế quan trọng, cho phép các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động đánh giá tình hình khó khăn của khách hàng vay để quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Theo đó, thời hạn cơ cấu lại sẽ do các TCTD quyết định, nhưng không được vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn trả nợ của số dư nợ được cơ cấu lại.

    Thị trường trái phiếu doanh nghiệp một phần đã trở nên khởi sắc trở lại trong ba quý cuối năm 2023 nhờ chính phủ đã cấp tập ban hành chính sách nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Cụ thể là ban hành Thông tư 02 giúp giảm thiểu khó khăn về các nghĩa vụ thanh toán nợ vay, đặc biệt là các khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp

    Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các ngân hàng trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên phân loại nợ để hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn và khách hàng cá nhân gặp khó khăn trong việc trả nợ vay tiêu dùng. Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024. Nợ phải chịu sự xử lý như vậy bao gồm các khoản vay và cho thuê tài chính. Kỳ hạn thanh toán mới sẽ do các ngân hàng quyết định nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày đáo hạn ban đầu. Sau khi tái cấu trúc, các ngân hàng sẽ phải lập dự phòng rủi ro theo lộ trình nhất định. Các khoản dự phòng bổ sung cho khoản nợ được gia hạn sẽ được trích lập theo hai giai đoạn: ít nhất 50% trong năm 2023 và 100% vào cuối năm 2024.

    Các cột mốc sau khi triển khai Thông tư 02 trong năm 2023

    Trong 6 tháng đầu tiên sau khi Thông tư 02 được ban hành (từ ngày 23/4/2023), các TCTD đã cơ cấu lại tổng số nợ 158,694 tỷ đồng, bao gồm cả nợ gốc và lãi, giúp 167,220 khách hàng điều chỉnh các khoản vay mà không bị chuyển nhóm nợ. Số dư nợ được tái cơ cấu tăng đều qua từng tháng, cho thấy hiệu quả trong việc giảm bớt áp lực tài chính cho doanh nghiệp và cá nhân. Đáng chú ý, việc triển khai thông tư không ghi nhận vấn đề lớn nào trong quá trình thực hiện.

    Bên cạnh đó, tính đến hết năm 2023 nhờ Thông tư 02 đã hỗ trợ 57.3% khối lượng trái phiếu chậm trả nợ đã có phương án đàm phán, trong đó có 6.8% lượng trái phiếu đã được thanh toán gốc, lãi cho nhà đầu tư và phần còn lại để đàm phán các điều khoản cấu cơ lại nợ trái phiếu

    Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế năm 2023 vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nợ xấu trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng tăng mạnh, đạt mức 4.95% vào cuối năm, chưa kể một phần lớn nợ đã được chuyển sang Tổng Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC). Đồng thời, tăng trưởng tín dụng cả năm chỉ đạt 9,87% so với cùng kỳ, thấp hơn kỳ vọng. Nhiều doanh nghiệp, dù được hỗ trợ bởi chính sách, vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn mới.

    Thông tư 02 không chỉ giúp giảm áp lực thanh khoản mà còn yêu cầu các tổ chức tín dụng đảm bảo quy trình thực hiện minh bạch, đơn giản, tránh gây khó khăn cho khách hàng. Chính sách này được xem là "phao cứu sinh" quan trọng cho các doanh nghiệp có nội lực tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, thông tư cũng hỗ trợ các ngân hàng giảm áp lực phải ghi nhận ngay nợ xấu, qua đó duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính.

    Tóm lại, Thông tư 02 đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt áp lực nợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh và hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, góp phần giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn đầy thách thức.

    Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn thách thức sau khi gia hạn Thông tư 02

    Sau hơn 1 năm ban hành và có hiệu lực nhằm để giải quyết khó khăn cho bối cảnh đóng băng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và cơ cấu lại nợ đối với các tổ chức phát hành, Thông tư 02/2023/TT/NHNN đã được sửa đồi thành Thông tư 06/2024/TT/NHNN sau đó chính thức ban hành và là gia hạn của Thông tư 02 đến cuối năm 2024 tiếp tục tháo gỡ những khó khăn trong công tác xử lý nợ xấu cho các TCTD cũng như làm giảm áp lực trả nợ, tạo điều kiện tiếp cận vốn vay mới cho người dân và doanh nghiệp.

    Trong các lý do khiến NHNN phải gia hạn chính là diễn biến nợ xấu trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng mạnh so với đầu năm. Theo số liệu từ NHNN, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống là 795.5 nghìn tỷ đồng, tăng 5.77% so với cuối năm 2023. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 6 đã ở mức 4.56%, cao hơn mức 4.55% tại thời điểm cuối năm 2023 và cao hơn nhiều so với mức 2.03% tại cuối năm 2022. Bên cạnh đó, thông tin từ VAMC cho thấy nợ xấu nội bảng của công ty này lên đến 6.44% so với tổng dư nợ.  Mặc dù đang ghi nhận giảm so với mức 6.9% vào cuối năm 2023 nhưng lại tăng mạnh so với mức 4.21% vào cuối năm 2022.

    Đơn giản là vì giai đoạn 2020 - 2023 tích tụ nhiều yếu tố như Covid - 19 và vụ việc khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp đã tích tụ và khiến nhiều doanh nghiệp và cá nhân gặp khó khăn trong việc trả nợ. Thêm vào đó là các công tác xử lý nợ cũng gặp nhiều khó khăn do thị trường BĐS vẫn còn trầm lắng và đặc biệt nguồn tài sản đảm bảo chính phần lớn là các khoản vay. Ngoài ra, sự kiện Ngân hàng SCB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và các khoản nợ xấu phát sinh từ ngân hàng này cũng làm cho tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh.

    Kết hợp với các văn bản pháp lý khác để tăng cường hiệu quả tín dụng

    Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05 tháng 03 năm 2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về phát hành riêng lẻ và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ. Bên cạnh đó cũng nêu chi tiết một số sửa đổi đối với Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và Nghị định số 65/2022/NĐ-CP như: cho phép tổ chức phát hành thỏa thuận với chủ sở hữu trái phiếu về việc thanh toán gốc/lãi trái phiếu, tăng cường công bố thông tin trên thị trường trái phiếu và tạm thời nới lỏng yêu cầu phát hành để tạo thuận lợi cho hoạt động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo Nghị định số 08, tổ chức phát hành có thể thanh toán gốc/lãi bằng tài sản khác trong trường hợp không có khả năng thanh toán toàn bộ bằng tiền mặt hoặc cơ cấu lại thời hạn trái phiếu. Gần 90% giá trị phát hành năm 2023 diễn ra vào nửa cuối năm sau khi Nghị định 08 có hiệu lực.

    Thông tư số 30/2023/TT-BTC ngày 17/5/2023 hướng dẫn về đăng ký, lưu ký, giao dịch của doanh nghiệp, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước. Sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 30, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) cũng đã ban hành hướng dẫn về đăng ký, lưu ký, đăng ký giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ. Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 23 tháng 4 năm 2023 về việc tạm dừng thực hiện Khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10 tháng 11 năm 2021 quy định về giao dịch TPDN của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo Thông tư này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua lại TPDN chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, TPDN chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống Upcom mà tổ chức tín dụng đã bán TPDN chưa niêm yết được phát hành cùng đợt với TPDN chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán khi đáp ứng đủ một số điều kiện nhất định.

    Việc kết hợp Thông tư 02/2023/TT-NHNN với Nghị định 08/2023/NĐ-CP, Thông tư 30/2023/TT-BTC và Thông tư 03/2023/TT-NHNN đã tạo khung pháp lý đồng bộ, hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp vượt khó. Nghị định 08 cho phép cơ cấu lại thời hạn trái phiếu hoặc thanh toán bằng tài sản khác, trong khi Thông tư 30 tăng cường minh bạch qua hướng dẫn đăng ký, lưu ký, giao dịch trái phiếu. Thông tư 03 tạm nới lỏng quy định cho tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu chưa niêm yết, giúp cải thiện thanh khoản, thúc đẩy hiệu quả tín dụng và sự ổn định thị trường.

    Triển vọng thị trường: Liệu Thông tư 02 có được cân nhắc gia hạn qua năm 2025?

    Diễn biến thị trườngtrái phiếu doanh nghiệp năm 2024

    Đánh giá sơ bộ về thị trường trái phiếu năm 2024 cho thấy tổng giao dịch TPDN đạt 1,026 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó có 96 doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ với giá trị khoảng 397 nghìn tỷ đồng, tăng 33.6% svck năm trước; khối lượng mua lại trước hạn cũng tăng 24.7% svck với giá trị đạt 187 nghìn tỷ đồng. Cho thấy hoạt động thị trường trái phiếu năm 2024 có phần xôi nổi hơn năm trước nhờ (i) chính sách lãi suất mới của Fed, (ii) chính sách điều hành của NHNN và (iii) các kỳ vọng về định hướng chính sách mới trong năm 2025.

    Lý do tại sao Thông tư 2 nên được gia hạn?

    Theo quan điểm của các chuyên gia cho rằng với thời hạn lần đầu gia hạn Thông tư 02 đến cuối năm 2024 vẫn chưa đủ dài để giúp doanh nghiệp, người dân thực sự phục hồi năng lực sản xuất kinh doanh cũng như khả năng chi tiêu. Với tình hình hiện tại trước những khó khăn mà nhiều ngân hàng, doanh nghiệp đang phải đối mặt. Nhiều lời đề nghị kéo dài thời gian cơ cấu kể từ khi lần đầu gia hạn Thông tư 02 giữa năm 2024 thêm một năm nữa cho phép các doanh nghiệp tiếp tục cơ cấu lại nợ và trích đủ 100% tại cuối Q2/2025.

    Ngược lại về mặt tích cực, Thông tư 02 được ban hành kịp thời đã có đóng góp tích cực giúp nền kinh tế giai đoạn vừa qua có thêm động lực để tiếp tục phục hồi cả từ hai phía cung (nhà sản xuất) cũng như phía cầu (người tiêu dùng).

    Những sự chuẩn bị của ngân hàng khi Thông tư 02 không còn được tiếp tục gia hạn

    Nếu Thông tư 02 không được gia hạn được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng tài sản của các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp đang trong diện được cơ cấu nợ.

    Bên cạnh đó, để dự trù cho việc không gia hạn Thông tư 02, các ngân hàng đã chủ động hạ dư nợ để khi Thông tư 02 hết hiệu lực thì áp lực nợ xấu không quá lớn. Mặt khác, tỷ trọng nợ tái cơ cấu trên tổng dư nợ tín dụng của đa phần các ngân hàng hiện nay đều khá thấp, ở mức dưới 1%, vì vậy sẽ không tác động đáng kể tới chất lượng tài sản. Dự báo khi Thông tư 02 hết hiệu lực,  triển vọng thị trường sẽ có sự phân hóa về chất lượng tài sản. Những ngân hàng có bộ đệm dày sẽ có dự địa để loại bỏ nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán. Ngược lại các ngân hàng có bộ đệm mỏng sẽ gia tăng trích lập trong giai đoạn 2025 - 2026.

    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada
    Tải App Ngay
    hoặc truy cập tititada.com

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 7.5%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán