Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Lạm phát do chi phí đẩy

Lạm phát do chi phí đẩy (Cost-push inflation) là hiện tượng mức giá chung tăng cao do sự tăng lên đồng loạt của chi phí tiền lương, nguyên vật liệu, và cung ứng hàng hóa, dịch vụ.

Chi phí sản xuất cao hơn có thể làm giảm tổng cung (tổng sản lượng) trong nền kinh tế và buộc nhà sản suất tăng giá thành để duy trì mục tiêu lợi nhuận.

Chi phí tăng cao trong khi nhu cầu không thay đổi và nguồn cung suy yếu là nguyên nhân tạo ra hiện tượng lạm phát do chi phí đẩy.



Ví dụ: Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vào đầu 1970s, do các sự kiện địa chính trị, đã áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ và cắt giảm sản lượng dầu đối với Hoa Kỳ và các nước khác.

Điều này dẫn tới một cú sốc nguồn cung và giá dầu đã tăng gấp bốn lần từ khoảng 3 đô la lên 12 đô la một thùng.

Lạm phát chi phí đẩy xảy ra sau đó do không có sự gia tăng trong nhu cầu đối với mặt hàng hóa này.

Việc cắt giảm nguồn cung dẫn đến giá khí đốt tăng vọt cũng như chi phí sản xuất cao hơn đối với các công ty sử dụng các sản phẩm dầu mỏ.

Để giảm các tác động của lạm phát do chi phí đẩy, chính phủ hay các bộ, ngành thường đưa ra các chính sách, giải pháp kiểm soát giá bán trên thị trường, hỗ trợ chi phí sản xuất, cũng như điều chỉnh tăng lương cơ bản hợp lý.