Tìm hiểu cùng Tititada!
Một khía cạnh nổi trội của trái phiếu lợi suất cao, hay còn gọi là trái phiếu đầu cơ, là giá trị của chúng bị ảnh hưởng nặng nề khi điều kiện thị trường khó khăn, nhất là trong thời kỳ kinh tế suy yếu hoặc suy thoái, như giai đoạn năm 2008. Vậy đầu tư trái phiếu có rủi ro không? Tính dễ bị ảnh hưởng và rủi ro cao là đặc tính khác biệt nhất của loại trái phiếu này so với các trái phiếu cấp đầu tư được xếp hạng tín nhiệm.
Đầu tư trái phiếu có rủi ro không? Rủi ro trái phiếu có lợi suất cao
Hiện tượng này không khó giải thích. Khi nền kinh tế suy yếu, cơ hội để các doanh nghiệp huy động vốn trở nên ngày càng khan hiếm và sự cạnh tranh để giành lấy những cơ hội đó cũng trở nên khốc liệt hơn. Khả năng trả được gốc và lãi của các công ty phát hành nợ thông qua trái phiếu lợi suất cao cũng dần giảm đi. Với những tình trạng này, nhiều công ty có thể rơi vào tình huống xấu về mặt tài chính, hoặc thậm chí đối mặt với rủi ro phá sản, khi thị trường gặp khó khăn.
Khi các nhà đầu tư trái phiếu nhận thức được điều này, họ sẽ đương nhiên bắt đầu bán bớt những trái phiếu có rủi ro cao nhất trong danh mục đầu tư của mình. Điều này chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn đối với những công ty có lượng trái phiếu phát hành cao và có tỷ lệ tiền mặt trên nợ ở mức thấp. Quy luật cung và cầu lúc này sẽ được thể hiện rõ ràng hơn, khi nhu cầu về trái phiếu lợi suất cao cạn kiệt, các công ty phải đưa ra các mức giá chiết khấu thấp hơn để cố gắng tiếp tục đảm bảo nguồn vốn cho các khoản đầu tư cần thiết. Trong một số trường hợp giá trái phiếu mệnh giá $1 có thể giao dịch ở mức 10 cent (giảm 90% giá trị) khi doanh nghiệp bị đánh giá có rủi ro cao.
‘Thị trường trái phiếu rác’ chủ yếu xuất hiện trong khoảng từ 35 đến 40 năm qua, được tiên phong bởi ông Michael Milken, ở Mỹ kể từ những năm 1970s. Những loại trái phiếu này trở nên ngày càng phổ biến khi chúng được xem như là công cụ cung cấp cho nhiều nhà đâu tư lớn và các công ty LBO (mua lại tài sản bằng đòn bẩy), số vốn khổng lồ cần thiết để tài trợ cho các giao dịch thâu tóm trị giá hàng tỷ đô la, thường là thâu tóm thù địch (hostile takeover). Điều này làm cho số lượng công ty phát hành mới bắt đầu xuất hiện ồ ạt, tận dụng loại trái phiếu đầu cơ này như một công cụ nợ tài chính.
Cuộc khủng hoảng tiết kiệm & cho vay những năm 80
Trên con đường trở nên nổi bật và phổ biến, trái phiếu đầu cơ đã gặp phải không ít khó khăn cũng như những sự chỉ trích. Vấn đề lớn đầu tiên xảy ra, nay được biết đến là Khủng hoảng cho vay và tiết kiệm (Savings&Loans, S&L) khét tiếng vào những năm 1980s ở Mỹ. Vào thời điểm đó, các công ty S&L đã đầu tư quá mức vào trái phiếu doanh nghiệp có lợi suất cao, cùng với các hoạt động kinh doanh rủi ro khác như là cung cấp lãi suất tiền gửi, tiết kiệm cao, nhưng cho vay ở mức lãi suất cố định thấp (do chính phủ Mỹ lúc đó gấp rút tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, nên mức lãi suất vay cố định của các S&L bị tụt lại đằng sau). Điều này đã sau cùng đã khiến một phần ba số công ty S&L vỡ nợ, đồng thời làm nổ bong bóng thị trường đầu cơ, dẫn đến sự sụp đổ lớn trong hoạt động của trái phiếu rác và nó kéo dài gần một thập kỷ, đến cả vào những năm 1990s.
Ở Mỹ, thị trường trái phiếu đầu cơ đã phát triển theo cấp số nhân trong suốt những năm 1980 từ chỉ 10 tỷ USD năm 1979 lên con số khổng lồ 189 tỷ USD vào năm 1989, tăng hơn 34% mỗi năm. Trong suốt thập kỷ này, lợi suất trái phiếu đầu cơ trung bình rơi vào khoảng 14.5% với tỷ lệ vỡ nợ chỉ ở mức 2.2%, như vậy đưa ra kết quả tổng lợi nhuận hàng năm của thị trường vào khoảng 13.7%, là con số hấp dẫn rất nhiều cá nhân và tổ chức vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, vào năm 1989, một phong trào chính trị liên quan đến Rudolph Giuliani và những người khác đã thống trị thị trường tín dụng doanh nghiệp trước sự trỗi dậy của trái phiếu có lợi suất cao, đã khiến thị trường nhanh chóng sụp đổ tạm thời, dẫn đến sự phá sản của Drexel Burnham.
Drexel Burnham là một ngân hàng đầu tư đa quốc gia của Mỹ, do tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp trên thị trường trái phiếu rác, do Michael Milken điều hành, nên lúc đó đã bị buộc phải phá sản. Liền ngay sau đó, các trái phiếu đầu cơ mới về cơ bản gần như đã biến mất khỏi thị trường và không có sự phục hồi trong khoảng một năm. Điều này dẫn đến việc các nhà đầu tư đã mất ròng khoảng 4.4% trên thị trường lợi suất cao vào năm 1990, là lần đầu tiên thị trường này mang lại kết quả tiêu cực trong hơn một thập kỷ trước đó.
Bong bóng Dot-com 2000-2002
Nhiều công ty sử dụng đòn bẩy bằng trái phiếu có lợi suất cao để tài trợ cho chính họ trong thời kỳ bùng nổ “dot-com” vào cuối những năm 1990s đã sớm thất bại, và cùng với chúng, thị trường lợi tức cao cũng đã chuyển sang một hướng tồi tệ hơn về mặt lợi nhuận ròng. Thời điểm này, khi nền kinh tế của cả nước Mỹ đã trở nên quá nóng, tăng trưởng quá nhanh với các công ty công nghệ lớn, nên vì vậy mà chính phủ nước này quyết định gấp rút tăng lãi suất. Điều này vô hình chung đã khiến lãi suất của các khoản vay cũng tăng nhanh chóng, gây áp lực lên nghĩa vụ thanh toán nợ của các công ty phát hành trái phiếu lợi suất cao.
Tuy nhiên, sự sụp đổ này không phải là do hành động của một ai đó đang cố gắng phá hoại thị trường hay bởi các nhà đầu tư S&L vô đạo đức. Thay vào đó, vụ phá sản này xảy ra bởi vì các nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức không ngừng mơ ước về các khoản lợi nhuận khổng lồ mà ngành Internet hứa hẹn thông qua khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu. Họ rót tiền vào những ý tưởng đó chứ không phải những kế hoạch chắc chắn, và kết quả là thị trường đã đi ngược với kỳ vọng của họ.
Khi nhà đầu tư nhận thức được vấn đề liên quan đến những ý tưởng điên rồ về Internet và những mức lãi suất không thực tế của các trái phiếu lợi tức cao, họ đều muốn bán lại trái phiếu đó cho các công ty phát hành và lấy lại tiền. Điều này dẫn đến hàng loạt các vụ phá sản do công ty không có đủ tiền để thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ của họ. Trong giai đoạn 2000-2002, tỷ lệ vỡ nợ trung bình của thị trường là 9.2%, cao hơn gần bốn lần so với giai đoạn 1992-1999. Trong giai đoạn này, tổng tỷ suất sinh lợi trung bình giảm xuống mức 0%, với năm 2002 lập kỷ lục về số vụ vỡ nợ và phá sản trước khi giảm trở lại vào năm 2003.
Khủng hoảng tài chính 2007-2009
Khi vụ bê bối các khoản nợ dưới chuẩn bị vỡ lở ra, những thứ được gọi là "tài sản độc hại" trong cuộc khủng hoảng lúc đó, trên thực tế đều có liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp lợi suất cao.
Cuộc khủng hoảng này được kích hoạt bởi sự sụt giảm lớn về giá nhà ở Mỹ sau sự sụp đổ của bong bóng nhà đất, dẫn đến các khoản nợ thế chấp không thu hồi được, việc tịch thu hàng loạt tài sản thế chấp cũng như sự mất giá của các công cụ chứng khoán khác liên quan đến nhà ở.
Những căn nhà, BĐS được bán lúc đó đa phần đều được tài trợ bởi những khoản vay với lãi suất rất thấp. Những khoản vay này được gộp lại và chứng khoán hóa thành một công cụ nợ tài chính để có thể giao dịch. Nhưng khi chính phủ Mỹ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát trên toàn nước, thì những khoản vay và chứng khoán liên quan này trở nên rủi ro hơn bao giờ hết; và chúng được xem là những tài sản dưới chuẩn với tỷ lệ vỡ nợ cao.
Tuy là vậy, trong giai đoạn đó, những tài sản dưới chuẩn hoặc lợi suất cao này được bán dưới dạng trái phiếu xếp hạng tín nhiệm rất cao thay vì được xếp hạng là trái phiếu “rác” hay đầu cơ. Khi khủng hoảng xảy ra, giá trái phiếu rác rơi tự do, bởi lúc đó lợi tức của chúng tăng vọt theo sự gia tăng lãi suất của chính phủ. Lợi suất đến ngày đáo hạn (YTM) của chúng đã tăng hơn 20% trong thời gian này, là mức cao nhất mọi thời đại đối với các vụ vỡ nợ trái phiếu rác, với lãi suất thị trường trung bình chỉ ở khoảng 13.4 % vào quý 3 năm 2009.
Trái phiếu đầu cơ tại Việt Nam? Có nên mua trái phiếu không?
So với thị trường của Mỹ, thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn rất mới và được xem là đang trong giai đoạn phát triển. Thị trường này ở Việt Nam được hình thành từ những năm 1990s và bắt đầu phát triển từ năm 2000. Trong giai đoạn từ 2011 đến nay, thị trường trái phiếu đã phát triển mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu huy động vốn của Chính phủ, chính quyền địa phương, các ngân hàng chính sách và doanh nghiệp.
Thị trường trái phiếu ở Việt Nam được xem là khá an toàn và được quản lý chặt chẽ bởi Nhà nước, tuy nhiên việc xếp hạng tín nhiệm bởi các công ty xếp hạng chuyên nghiệp vẫn chưa thực sự phổ biến để đánh giá chuyên sâu sự an toàn cũng như rủi ro của các loại trái phiếu được phát hành bởi các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân. Do vậy, sự xuất hiện của trái phiếu rác hay đầu cơ với lợi suất cao là một trong những rủi ro tiềm ẩn lớn gây nhiều ảnh hưởng cho toàn thị trường nợ nói chung.
Trong khoảng thời gian Covid từ 2020 đến 2022, cùng với sự bùng nổ của thanh khoản của thị trường chứng khoán là sự bùng nổ của thị trường trái phiếu. Trong thời gian ngắn, tổng số phát hành trái phiếu doanh nghiệp (phần lớn không có tài sản thế chấp lên đến hơn 1.4 triệu tỷ đồng (~65 tỷ đô la Mỹ), phân phối thong qua công ty chứng khoán hoặc các ngân hàng thương mại.
Khi SBV thắt chặt chính sách tín dụng và ban hành các chính sách nhám quản lý nợ xấu, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có dấu hiệu mất thanh khoản thanh toán. Trong năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã chứng kiến nhiều biến động mạnh sau các vụ việc liên quan đến các tập đoàn bất động sản như Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, liên quan đến các vụ thao túng và phát hành trái phép trái phiếu ra thị trường. Điều này đã dẫn đến khủng hoảng niềm tin ở các nhà đầu tư cá nhân, khiến họ hành động bán ồ ạt lại các chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu với khối lượng lớn dù đó là trái phiếu phát hành bởi các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh và dòng tiền hoạt động tốt.
Sự việc này cho thấy nỗ lực của chính phủ trong việc quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó việc phân loại và xếp hạng tín nhiệm một cách nghiêm ngặt hơn để việc phát hành trái phiếu có thể trở nên lành mạnh hơn cũng như trở lại là loại tài sản mang tính an toàn cao vốn có của nó.
Sau cùng
Bất chấp tất cả những trở ngại này và những tác động từ bên ngoài, thị trường trái phiếu đầu cơ cũng như thị trường thứ cấp dường như luôn phục hồi sau đó. Các nhà phát hành vẫn tiếp tục lựa chọn trái phiếu lợi suất cao, mà một số nhóm nhà đầu tư lớn và tư nhân vẫn rất vui khi mua và hưởng mức lợi nhuận kì vọng cao. Do vậy, có thể thấy sức mạnh bền vững của thị trường này được xây dựng dựa trên nhu cầu lâu dài của các công ty về vốn, cũng như mong muốn đầu tư của các nhà đầu tư đối với các công cụ có tỷ lệ hoàn vốn đầu tư cao hơn so với các trái phiếu cấp đầu tư với tín nhiệm cao.
Tóm tắt:
- Trái phiếu doanh nghiệp có lợi suất cao, hay trái phiếu rác, thường thu hút các nhà đầu tư với mức lợi suất cao hơn so với các chứng khoán cấp đầu tư khác.
- Tuy nhiên, rủi ro tín dụng của chúng lớn hơn rất nhiều và có xác suất vỡ nợ cao hơn.
- Đầu tư trái phiếu có rủi ro không? Có nên mua trái phiếu không? Thị trường trái phiếu rác đã trải qua nhiều giai đoạn khủng hoảng, với ba ví dụ đáng chú ý là, cuộc khủng hoảng tiết kiệm & cho vay những năm 1980s; bong bóng dotcom đầu những năm 2000s; và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Xem thêm:
Đầu tư vào trái phiếu có rủi ro không
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.