Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Nền kinh tế phát triển là gì?

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Các quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế và an ninh tương đối cao được coi là có nền kinh tế phát triển.

    - Hai thước đo phổ biến để đánh giá mức độ phát triển của một quốc gia là thu nhập bình quân đầu người hoặc tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người. Hoặc dùng tới chỉ số HDI.

    Tìm hiểu cùng Tititada!

    Các tiêu chí để đánh giá mức độ phát triển của một quốc gia là (GDP per capita), mức độ công nghiệp hóa, mức sống cơ bản và hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ.

    Các yếu tố phi kinh tế, như chỉ số phát triển con người (HDI) – chỉ số đánh giá trình độ giáo dục, tỷ lệ người biết chữ và tình trạng sức khỏe người dân trong một quốc gia, cũng có thể được sử dụng để đánh giá một nền kinh tế hoặc mức độ phát triển.

    Ví dụ về các quốc gia có nền kinh tế phát triển bao gồm Hoa Kỳ, Canada và hầu hết các nước Tây Âu (bao gồm Vương quốc Anh và Pháp).

    Cách đánh giá một nền kinh tế phát triển

    GDP bình quân đầu người

    Mặc dù GDP bình quân đầu người được xem là chỉ số phổ biến nhất được sử dụng để đánh giá mức độ phát triển của một nền kinh tế, song không có một mức chính xác để phân loại một nền kinh tế là đang phát triển hay đã phát triển.

    Một số nhà kinh tế cho rằng một quốc gia có GDP bình quân đầu người từ 12,000 đến 15,000 USD có thể được xem là có nền kinh tế phát triển, trong khi một số khác nâng mức GDP bình quân đầu người này lên trên 25,000 USD hoặc 30,000 USD.

    Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê Việt Nam, GDP bình quân đầu người nước ta năm 2022 là 95.6 triệu đồng/người, tương đương khoảng 4,110 USD – chỉ bằng hơn 1/3 so với mức nêu trên.

    Trên thực tế, một nền kinh tế phát triển sẽ không chỉ dựa duy nhất vào GDP bình quân đầu người của quốc gia đó mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Ví dụ, Liên hợp quốc vẫn coi Qatar, với GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới vào năm 2021 vào khoảng 62,000 USD, là một nền kinh tế “đang phát triển”. Vì quốc gia này có sự bất bình đẳng thu nhập cao, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện và điều kiện giáo dục còn hạn chế cho những công dân không thuộc nhóm giàu có.

    Ngoài ra, đối với các quốc gia khó phân loại, các nhà kinh tế sẽ xem xét các yếu tố khác để xác định tình trạng phát triển. Các thước đo về chuẩn mức sống, chẳng hạn như tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và tuổi thọ, có thể hữu ích mặc dù cũng chưa có một mức chuẩn nhất định cho các thước đo này. Tuy nhiên, hầu hết các nền kinh tế phát triển đều có tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thấp (ít hơn 10 trên 1,000 ca trẻ sơ sinh được sinh ra) và tuổi thọ trung bình của công dân những quốc gia này là từ 75 tuổi trở lên.

    Chỉ số phát triển con người

    Chỉ số phát triển con người (HDI) của Liên Hợp Quốc xem xét ba tiêu chí tiêu chuẩn mức sống — tỷ lệ người biết chữ, khả năng tiếp cận giáo dục và dịch vụ chăm sóc sức khỏe — và các số liệu này sau khi tính theo công thức sẽ cho ra kết quả có giá trị từ 0 đến 1. Hầu hết các quốc gia phát triển đều có chỉ số HDI trên 0.8.

    Theo bảng xếp hạng HDI hàng năm của Liên Hợp Quốc, vào năm 2020:

    - Top 10 quốc gia dẫn đầu về chỉ số HDI là Na Uy (0.957), Ireland, Thụy Sĩ, Hồng Kông, Iceland, Đức, Thụy Điển, Úc, Hà Lan và Đan Mạch.

    - Hoa Kỳ xếp thứ 17 với tỷ lệ 0.926.

    - Cộng hòa Niger xếp hạng thấp nhất với 0.394

    Các nền kinh tế tân tiến vs. đang phát triển

    Trong một nền kinh tế tân tiến, tăng trưởng dân số và kinh tế có xu hướng ổn định, và có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào tiêu dùng và chất lượng cuộc sống.

    Mặt khác, các nền kinh tế thị trường đang phát triển hoặc mới nổi có xu hướng chi nhiều hơn cho phát triển cơ sở hạ tầng và các dự án dài hạn khác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các quốc gia này xuất khẩu một lượng lớn hàng hóa của mình cho các quốc gia khác có nền kinh tế phát triển giàu có hơn và nhờ xuất phát điểm thấp hơn nên thường ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn.

    Các cân nhắc đặc biệt

    Khi các nền kinh tế phát triển “có biến”

    Sức khỏe các nền kinh tế phát triển có thể có tác động đến các quốc gia khác cũng như thị trường toàn cầu nói chung. Họ có thể áp dụng các chính sách có ảnh hưởng và tác động đáng kể đến các nền kinh tế đang phát triển nhỏ hơn.

    Ví dụ: nếu một quốc gia phát triển đối mặt với suy thoái kinh tế, quốc gia này có thể thực hiện các thay đổi về chính sách tỷ giá để bảo vệ các ngành công nghiệp và hàng hóa trong nước so với các sản phẩm và dịch vụ được nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này có thể bao gồm việc thay đổi tỷ giá để điều chỉnh giá trị đồng tiền nội tệ của họ. Các điều khoản mới về hiệp định thương mại cũng có thể được đưa ra để mang lại lợi ích cho hàng hóa trong nước. Những động thái này có thể gây bất lợi cho các nền kinh tế đang phát triển với ít lựa chọn thay thế trong thương mại hơn hoặc hạn chế cách thức đàm phán với các nền kinh tế lớn hơn.

    Các nền kinh tế phát triển từ lâu đã trở thành nền tảng cho nền kinh tế toàn cầu, vì vậy khi trì trệ kinh tế xảy ra, các quốc gia này cũng có xu hướng lan rộng tình trạng đó ra toàn hệ thống. Mặt khác, các nền kinh tế đang phát triển có xu hướng tác động không đáng kể đến thị trường quốc tế.

    Năm 2020, Quý Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết bảy nền kinh tế lớn nhất tính theo GDP dựa trên sức mạnh tỷ giá hối đoái thị trường là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý, Vương quốc Anh và Canada. Các quốc gia này còn được gọi là các nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới hoặc nhóm G7.

    Xếp hạng nền kinh tế có thể thay đổi

    Năm 2010, 34 quốc gia được IMF xếp vào nhóm các nền kinh tế phát triển và con số đó đã tăng lên thành 39 vào năm 2020, cho thấy rằng việc thăng hạng ở các nền kinh tế đang phát triển là điều có thể. Tuy nhiên, IMF sẽ đánh giá định kỳ từng quốc gia, có nghĩa là tổ chức có thể hạ xếp hạng một quốc gia từ một nền kinh tế phát triển xuống cấp thấp hơn khi thấy cần thiết.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán

    Bài viết liên quan