Điểm nhấn chính:
- Các phân loại nền kinh tế chính gồm kinh tế thị trường, kinh tế chỉ huy (hay kế hoạch hóa tập trung), và kinh tế hỗn hợp.
- Phân loại các nền kinh tế giúp ta hiểu, so sánh các mô hình phát triển kinh tế trên thế giới, cũng như những đặc điểm riêng và đóng góp của chúng vào sự phát triển và thịnh vượng của một quốc gia.
Các hệ thống nền kinh tế chính
Các nền kinh tế có thể được phân loại dựa trên các hệ thống kinh tế và cách tiếp cận chính sách cụ thể.
- Kinh tế thị trường: (market economy), là loại hình kinh tế mà sự can thiệp của chính phủ rất hạn chế. Giá cả, hoạt động sản xuất và phân bổ nguồn lực chỉ được quyết định bởi các lực lượng thị trường. Quyền sở hữu tư nhân và tự do cá nhân là những đặc điểm chính. Ví dụ gồm các quốc gia như Hồng Kông, Singapore và Thụy Sĩ.
- Kinh tế thị trường hỗn hợp: (mixed economy), là sự kết hợp của hệ thống kinh tế thị trường và sự can thiệp của chính phủ. Trong khi thị trường đóng một vai trò quan trọng trong phân bổ nguồn lực, chính phủ cũng can thiệp để ban hành các quy định nhằm đảm bảo tính ổn định cho thị trường chung. Nhiều nền kinh tế phát triển, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Canada và Vương quốc Anh, được coi là nền kinh tế thị trường hỗn hợp.
- Kinh tế chỉ huy, hay kế hoạch hóa: (command economy/centrally planned), chính phủ đóng vai trò trung tâm trong việc lập kế hoạch kinh tế và phân bổ nguồn lực. Chính phủ đặt mục tiêu sản xuất, xác định giá cả và quản lý các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Tuy nhiên, các lực lượng thị trường vẫn có thể can thiệp ở một mức độ nào đó. Ví dụ gồm các quốc gia như Trung Quốc và Việt Nam, tuy đều đã dần chuyển đổi sang hệ thống kinh tế thị trường.
Các phân loại khác
Các nền kinh tế cũng có thể được phân loại dựa trên trình độ phát triển, hệ thống kinh tế và các đặc trưng của chúng.
- Thị trường phát triển: (developed market) có mức độ công nghiệp hóa cao, công nghệ tiên tiến với hệ thống khuôn khổ pháp lý và quy định được thiết lập tốt. Nền kinh tế này mang lại mức sống cao, cơ sở hạ tầng phát triển mạnh mẽ và sự hiệu quả cho thị trường tài chính. Một số ví dụ bao gồm Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Canada và Úc.
- Thị trường mới nổi: (emerging market) đặc trưng bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế, công nghiệp hóa và tăng cường hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu nhanh. Các nền kinh tế này đang xuất phát từ các nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp hoặc tài nguyên và chuyển đổi thành hệ thống công nghiệp hóa và định hướng thị trường. Ví dụ gồm: Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico và Nam Phi.
- Thị trường cận biên: (frontier market) đặc trưng bởi các thị trường tài chính tương đối nhỏ và chưa phát triển. Các quốc gia thuộc nền kinh tế cận biên nằm trong giai đoạn phát triển kinh tế thấp hơn so với các thị trường mới nổi. Các nền kinh tế này thường phải đối mặt với những thách thức như bất ổn chính trị, cơ sở hạ tầng kém phát triển hay khả năng tiếp cận vốn còn hạn chế. Ví dụ về các nền kinh tế thị trường cận biên có thể kể đến như Việt Nam, Nigeria, Bangladesh, Campuchia và Pakistan.
Ai phân loại các hệ thống nền kinh tế?
Dưới đây là một số thực thể và tổ chức chính tham gia phân loại các nền kinh tế.
- Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): là một tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy hợp tác tiền tệ toàn cầu, tăng cường ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế bền vững. IMF phân loại các nền kinh tế dựa trên các tiêu chí khác nhau, bao gồm mức độ phát triển kinh tế, mức thu nhập và nhóm khu vực.
- Ngân hàng Thế giới (WB): là một tổ chức tài chính quốc tế cung cấp các khoản vay, viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia trong các dự án phát triển. WB phân loại các nền kinh tế dựa trên tổng thu nhập bình quân đầu người của quốc gia, nhằm phân loại như nền kinh tế có thu nhập thấp, trung bình, hoặc cao.
- MSCI (Morgan Stanley Capital International): là một nhà cung cấp hàng đầu về vốn, chứng khoán thu nhập cố định và các chỉ số thị trường hàng hóa. MSCI phân loại các nền kinh tế dựa trên các yếu tố như phát triển kinh tế, quy mô thị trường, tính thanh khoản và khả năng tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài.
- FTSE Russell: FTSE Russell là một nhà cung cấp chỉ số chứng khoán toàn cầu, và phân loại các quốc gia thành các nền kinh tế khác nhau dựa trên các chỉ số chứng khoán của họ. Việc phân loại này đòi hỏi xem xét các yếu tố như khả năng tiếp cận thị trường, hệ thống pháp lý và sự phát triển của nền kinh tế.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.