Lập kế hoạch tài chính cá nhân - Phần 2
18/10/22
Làm thế nào để biết bạn cần tiết kiệm bao nhiêu tiền một tháng.
Điều này liên quan trực tiếp đến việc xác định mục tiêu của bạn trong phần đầu, cũng như chi phí cố định hàng tháng của bạn.
Giả sử bạn có thu nhập 25 triệu đồng một tháng, và các chi phí cố định là 13 triệu một tháng, thì bạn còn 12 triệu một tháng.
Giả sử bạn đang có 3 mục tiêu trong năm nay:
- Mục tiêu ngắn hạn: để dành đi du lịch Nhật Bản, việc mà bạn đã nghiên cứu và lên kế hoạch mấy tháng nay. Cần số tiền 24 triệu đồng cho cả chuyến đi. Như vậy bạn cần tiết kiệm 2 triệu một tháng cho mục tiêu này.
- Mục tiêu trung hạn: để dành được 300 triệu đồng trong 5 năm để thanh toán tiền nhà đợt 1. Bạn cần tiết kiệm khoảng 4 triệu một tháng cho mục tiêu này.
- Để dành cho việc về hưu của mình: 3 triệu đồng mỗi tháng. Với các mục tiêu này, bạn cần tiết kiệm 9 triệu đồng một tháng.
Như vậy với thu nhập 25 triệu, chi phí cố định 13 triệu và tiết kiệm 9 triệu, thì bạn sẽ chỉ còn 3 triệu đồng một tháng cho các chi phí linh động khác.
Có thể bạn phải xem xét hạn chế chi tiêu trong khoản 3 triệu này, hoặc nếu cần thiết, bạn phải thay đổi mục tiêu của mình. Ví dụ: như mục tiêu trung hạn của bạn thay vì 5 năm thì có thể lên 6 năm và 7 năm, để mỗi tháng bạn chỉ cần tiết kiệm 3 triệu cho mục tiêu này thay vì 4 triệu như ban đầu.
Giả sử, bạn chỉ có thu nhập 15 triệu đồng một tháng và vẫn có 3 mục tiêu và cần tiết kiệm 9 triệu một tháng thì sao?
Khi đó hoặc là bạn phải sống chung cùng bố mẹ để tiết kiệm khoản thuê nhà và điện nước, hoặc là phải bỏ 1-2 mục tiêu mà ít quan trọng nhất, không thì kế hoạch của bạn với các mục tiêu này sẽ trở nên không thực tế.
Bạn phải biết tiền của mình đang đi đâu nếu bạn muốn lập kế hoạch tài chính tốt hơn. Các chi phí cố định của bạn sẽ gần như không đổi hàng tháng. Tuy nhiên, chi phí biến đổi của bạn sẽ luôn dao động.
Vì chúng phụ thuộc vào thói quen chi tiêu của bạn (lối sống ăn ngoài thay vì nấu nướng, café với bạn bè, đi chơi v.v.).
Đây là lý do tại sao chúng ta phải theo dõi chi tiêu của mình, có những khoản hợp lý hay không hợp lý và có thể cắt giảm ở đâu.
Khi chúng ta nhìn nhận thực tế về chi tiêu của mình, thì sẽ có thể kiểm soát chi phí tốt hơn.
Thường các bạn nam sẽ hay chi quá đà cho việc đi café, ăn nhậu cùng bạn bè, hoặc là mua các món hàng điện tử.
Còn các bạn nữ sẽ chi quá đà cho quần áo mỹ phẩm, giày dép.
Hãy nhớ rằng bạn không cần phải cắt giảm mọi thứ.
Chỉ cần xem xét nó có thật sự cần hay không cần cho cuộc sống của mình.
Theo dõi chi tiêu bằng cách nào?
Bạn có thể theo dõi chi tiêu của mình như thế nào?
- Bảng tính excel đơn giản
- Ứng dụng lập kế hoạch tài chính
- Báo cáo ngân hàng của thẻ tín dụng: nếu bạn chi tiêu trong thẻ tín dụng
Ngày nay, vì mọi thứ đều hiện đại, số hoá, nên việc lập kế hoạch tài chính tiền của bạn cũng có thể chuyển sang dạng kỹ thuật số. Chắc chắn, bạn có thể sử dụng excel (và bạn thích tính trách nhiệm của việc theo dõi mọi thứ theo cách thủ công hơn).
Nhưng nếu bạn thích công nghệ cao hơn, hãy chọn một ứng dụng.
Thay vì đánh giá thủ công chi tiêu của bạn để đảm bảo bạn luôn đi đúng hướng, các ứng dụng thông minh như Tititada sẽ giám sát và phân tích các khoản chi tiêu đó.
Điều này có thể giúp bạn dễ dàng hơn trong việc xem tiền của mình đang đi đến đâu và bạn có thể thực hiện các điều chỉnh để cải thiện dòng tiền của mình. Ban đầu, việc theo dõi ngân sách của bạn có thể cảm thấy đáng sợ, nhưng nó thật chất không khó. Nó chỉ cần một chút tổ chức và tính kỷ luật.
Sử dụng excel khá dễ dàng:
- Bạn chỉ cần ghi lại các chi phí của mình vào phần ghi chú trên điện thoại khi phát sinh chi phí tiền mặt.
- Xem báo cáo ngân hàng để có toàn bộ các chi phí qua thẻ tín dụng hoặc chuyển khoản.
- Nhập những số tiền chi tiêu hàng tháng trên vào file excel.
Xác định ngân sách phù hợp bắt đầu mỗi tháng: Đầu tháng, hãy xác định số tiền bạn có cho từng hạng mục và thực hiện những điều chỉnh chi tiêu sao cho phù hợp với tháng đó.
Theo dõi chi tiêu của bạn: Ghi nhật ký chi tiêu của bạn mỗi ngày.
Nếu bạn bỏ lỡ một ngày, hãy quay lại ngay vào ngày hôm sau và ghi lại cả hai ngày.
Đánh giá mỗi tuần: Kiểm tra tổng số còn lại của bạn vào đầu mỗi tuần và xác định các khoản mục mà bạn có thể cần nên cắt giảm.
Điều chỉnh khi cần thiết: Nếu bạn cần chi tiêu nhiều hơn cho một loại chi phí nào đó, hãy giảm ngân sách cho những món khác để kế hoạch của bạn có thể tiếp tục đi đúng hướng
Trong chương này, Tititada đã cùng bạn đi qua các bước lập kế hoạch tài chính cá nhân.
Bạn có thể bắt đầu ngay với việc lập báo cáo tài chính cá nhân của riêng mình cho 3 tháng gần nhất và lập kế hoạch chi tiêu cho 3 tháng tiếp theo nhé.
Nếu bạn đã từng tự lập ra kế hoạch tài chính hàng năm cho bản thân mình, bạn có thể tự hào rằng đang đi đúng hướng trên hành trình quản lý tài chính của mình và bạn đang nằm trong nhóm nhỏ hơn 10% dân số Việt Nam bắt đầu hành trình quan trọng này.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.