Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

11 điều về quỹ ETF mà nhà đầu tư cần biết

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Quỹ ETF là một rổ cổ phiếu hoặc chứng khoán, tuy đem lại sự đa dạng hóa tốt, nhưng vẫn có rủi ro.

    - Tính thanh khoản là một đặc điểm quan trọng của quỹ ETF, đề cập đến sự nhanh chóng và dễ dàng trong việc mua-bán loại chứng khoán này. 

    Tìm hiểu cùng Tititada!

    Các quỹ hoán đổi danh mục (ETFs) được xem như một loại hình đầu tư hiệu quả cho các nhà đầu tư nhỏ cũng như lớn. Các quỹ này tương tự như các quỹ tương hỗ nhưng được giao dịch như cổ phiếu, dưới dạng chứng chỉ quỹ. Do vậy, từ lâu chúng đã trở thành lựa chọn phổ biến của các nhà đầu tư muốn mở rộng sự đa dạng của danh mục đầu tư, mà không muốn tốn thời gian và công sức để quản lý và phân bổ tiền vào các khoản đầu tư khác nhau của mình.

    ETFs đại diện cho quyền sở hữu trong một rổ cổ phiếu hoặc trái phiếu. Giá trị của một quỹ ETF có thể tăng lên nếu các tài sản cơ bản trong rổ đó tăng giá trị. Ngoài ra, các khoản đầu tư phát sinh dòng tiền như tiền lãi hoặc cổ tức quỹ ETF có thể tự động được tái đầu tư vào quỹ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần nhận thức được một số nhược điểm trước khi nhảy vào loại tài sản này, ETFs.

    1. Phí môi giới chứng khoán và chi phí

    Nếu bạn đang quyết định đầu tư giữa các quỹ ETFs tương tự nhau hay một quỹ tương hỗ, hãy lưu ý đến các cấu trúc phí khác nhau của từng loại, bao gồm cả phí giao dịch có thể phát sinh đối với các quỹ được quản lý tích cực, chủ động.

    Một trong những lợi thế lớn nhất của ETFs là chúng được giao dịch giống như cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể mua và bán trong giờ thị trường, cũng như sử dụng các lệnh mua-bán nâng cao chẳng hạn như lệnh chốt lời và lệnh dừng lỗ. Ngược lại, việc giao dịch của quỹ tương hỗ thường được thực hiện sau khi thị trường đóng cửa, khi giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ đã được tính toán.

    Mỗi khi bạn mua hoặc bán một cổ phiếu, bạn có thể phải trả một khoản phí môi giới chứng khoán, và điều này cũng được áp dụng khi mu, bán ETFs. Nếu bạn giao dịch ETF thường xuyên, phí giao dịch có thể nhanh chóng tăng lên và làm giảm hiệu suất danh mục đầu tư. Phí giao dịch này hiện nay dao động khoảng từ 0.1% - 0.5% trên tổng giá trị của một lệnh giao dịch. Tuy vậy, do sự gia tăng của các quỹ ETF miễn phí giao dịch trong những năm gần đây, phí môi giới không còn là một yếu tố quan trọng như trước đây.

    Cùng với đó, mỗi quỹ ETF cũng có một tỷ lệ chi phí riêng của nó. Tỷ lệ chi phí là thước đo tỷ lệ phần trăm tổng tài sản của quỹ được yêu cầu để trang trải cho các chi phí hoạt động khác nhau mỗi năm. Mặc dù điều này không hoàn toàn giống với khoản phí mà nhà đầu tư phải trả cho quỹ, nhưng nó có tác động tương tự. Tỷ lệ chi phí càng cao thì tổng lợi nhuận mang lại cho nhà đầu tư càng thấp. Thường tỷ lệ này được xem là tốt nếu trong khoảng từ 0.5% - 0.75%, hoặc thấp hơn. Tỷ lệ này ở quỹ ETFs thường thấp hơn của quỹ tương hỗ, bởi quỹ ETFs thường được quản lý một cách thụ động hơn.

    Ngoài ra, nhiều nhà môi giới trực tuyến ngày nay cung cấp giao dịch không phí hoa hồng đối với cổ phiếu và quỹ ETFs. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể trả một khoản hoa hồng ẩn, dưới hình thức thanh toán cho luồng đơn hàng (PFOF). Nó có nghĩa là lệnh mua-bán của bạn sẽ được định tuyến đến, hay luồng qua, một đối tác cụ thể (ví dụ một công ty chứng khoán lớn) thay vì được đặt trực tiếp lên sàn.

    2. Biến động và rủi ro của tài sản cơ bản

    Các quỹ ETF, giống như các quỹ tương hỗ, thường được chọn lựa vì sự đa dạng hóa mà chúng mang lại cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, cần lưu ý là, chỉ vì một quỹ ETF bao gồm đa dạng các loại tài sản cơ bản không có nghĩa là nó miễn nhiễm với sự biến động. Khả năng cho những thay đổi lớn sẽ chủ yếu phụ thuộc vào phạm vi của quỹ.

    Ví dụ, một ETF chứa các cổ phiếu đại diện mà có thể theo sát hoạt động của một chỉ số thị trường rộng lớn như VN30 có thể ít biến động hơn một ETF theo dõi riêng một ngành hoặc lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn như ETF dịch vụ dầu mỏ.

    Do đó, điều quan trọng là phải biết trọng tâm đầu tư của quỹ là đâu và những loại đầu tư mà nó bao gồm.

    Trong trường hợp các ETF quốc tế hoặc toàn cầu, các yếu tố cơ bản và vĩ mô của một quốc gia mà ETF đó theo dõi là rất quan trọng, cũng như mức độ tin nhiệm của đồng tiền tệ của quốc gia đó. Sự bất ổn về kinh tế và xã hội cũng sẽ đóng một vai trò lớn trong việc quyết định sự thành công của bất kỳ quỹ ETF nào đầu tư vào một quốc gia hoặc khu vực cụ thể. Những yếu tố này phải được cân nhắc thận trọng khi đưa ra quyết định liên quan đến khả năng tồn tại của ETF.

    Quy tắc ở đây là nên biết những gì mà ETF đang theo dõi và hiểu những rủi ro cơ bản liên quan đến nó. Đừng nghĩ rằng tất cả các quỹ ETF đều giống nhau chỉ vì một số quỹ có tính biến động thấp.

    3. Hiệu suất kỳ vọng

    Trước khi đầu tư vào bất kỳ loại tài sản hay chứng khoán nào, nhà đầu tư cũng nên cần đặt ra mức lợi nhuận kỳ vọng của mính đối với khoản đầu tư đó. Kỳ vọng của họ có thể được dự phóng dựa trên mức lợi nhuận trung bình của một chỉ số cụ thể hay nhóm ngành. Thường, lợi nhuận kỳ vọng trung bình của các quỹ ETFs là 10%/năm.

    Các quỹ ETF thường được liên kết với một chỉ số điểm chuẩn, hay chỉ số cơ bản rộng lớn, như là VNIndex hay VN30; nghĩa là chúng thường được thiết kế để theo sát chỉ số cơ bản mà không quá vượt trội hơn hay tụt lại đằng sau so với chỉ số đó. Các nhà đầu tư đang tìm kiếm loại hoạt động vượt trội này (tất nhiên là cũng có thêm rủi ro) có lẽ nên tìm kiếm các cơ hội khác, như là trực tiếp đầu tư vào những cổ phiếu riêng lẻ mà họ tin sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai.

    4. Thanh khoản thấp

    Một yếu tố quan trọng trong giao dịch ETF, cổ phiếu, hoặc bất kỳ loại tài sản nào được giao dịch công khai, là tính thanh khoản. Tính thanh khoản cao có nghĩa là một tài sản hay chứng khoán có thể mua-bán một cách tương đối nhanh chóng và dễ dàng, mà không làm ảnh hưởng đáng kể đến giá thị trường của nó.

    Nếu ETF được giao dịch ít và không có thanh khoản, bạn có thể gặp vấn đề khi muốn bán khoản đầu tư đó, tùy thuộc vào quy mô vị thế của bạn so với khối lượng giao dịch trung bình. Ví dụ bạn sở hữu 100,000 chứng chỉ quỹ (CCQ) một ETF và muốn bán toàn bộ, nhưng khối lượng giao dịch trung bình của nó chỉ ở mức 10,000 CCQ mỗi phiên giao dịch. Như vậy quỹ ETF này được xem là có thanh khoản kém, và bạn phải chia các nhỏ các lệnh bán của mình ra.

    Ngoài ra, dấu hiệu lớn nhất của một khoản đầu tư kém thanh khoản là chênh lệch lớn giữa giá mua và giá bán, theo đó, chênh lệch thấp hơn đồng nghĩa với tính thanh khoản cao hơn . Nói chung, bạn cần phải đảm bảo rằng ETF có tính thanh khoản ổn định trước khi mua, và cách tốt nhất để làm điều này là nghiên cứu mức chênh lệch và biến động thị trường trong một tuần hoặc một tháng.

    5. Phân phối lãi trên vốn đầu tư

    Trong một số trường hợp, một quỹ ETF sẽ phân phối lãi trên vốn đầu tư cho các cổ đông. Tuy cổ đông ETFs không phải lúc nào cũng mong muốn điều này, do họ phải chịu trách nhiệm trả thuế thu nhập trên số lãi trên vốn đó. Sẽ tốt hơn nếu quỹ giữ lại tiền lãi vốn và tái đầu tư chúng, thay vì phân phối chúng và tạo ra nghĩa vụ thuế cho nhà đầu tư.

    Các nhà đầu tư thường sẽ muốn tái đầu tư các lãi đó; để làm điều này, họ sẽ cần đặt lệnh mua mới để mua thêm cổ phiếu và điều này sẽ tạo ra thêm các khoản phí mới.

    Bởi vì các quỹ ETF khác nhau áp dụng phương thức phân phối lãi trên vốn đầu tư theo nhiều cách khác nhau, nên các nhà đầu tư có thể gặp khó khăn trong việc cập nhật thông tin về các quỹ mà họ tham gia. Điều quan trọng đối với một nhà đầu tư là tìm hiểu về cách ETF xử lý các khoản phân phối lãi vốn trước khi đầu tư vào quỹ đó.

    6. Đầu tư số tiền lớn một lần hay theo chiến lược trung bình giá (DCA)

    Giả sử bạn có 50 triệu đồng hay 100 triệu đồng để đầu tư vào một quỹ ETF chỉ số (ví dụ như FUESSV30 của SSI hay FUEVN100 của VinaCapital) nhưng không chắc chắn nên đầu tư một lần hoặc theo chiến lược trung bình giá (DCA), nghĩa là chia khoản đầu tư ra thành nhiều lệnh mua nhỏ theo định kỳ.

    Đầu tư với số tiền lớn trong một lần thường sẽ tốt hơn trong một thị trường đang tăng trưởng nhanh, nhưng sẽ không tối ưu và hợp lý nếu thị trường có vẻ như đang giao dịch ở mức định giá cao hoặc có những biến động bất thường.

    Còn với chiến lược trung bình giá, hay trung bình hóa chi phí đầu tư (DCA), bạn sẽ muốn phân bổ 100 triệu đồng của mình vào vào các khoản đầu tư một cách đều đặn theo định kỳ, như là hàng tháng. Ví dụ, trong vòng 1 năm, mỗi tháng bạn có thể đầu tư khoảng 8.3 triệu đồng. Chiến lược này hoạt động tốt nếu thị trường giảm hoặc có nhiều biến động. Tuy nhiên, nó sẽ phát sinh chi phí cơ hội nếu thị trường tăng giá mạnh vì lúc đó chỉ mới có một phần tiền của bạn đã được đầu tư. Và ngay cả những khoản phí hoa hồng nhỏ cũng có thể tăng lên sau nhiều lệnh mua, trừ khi nhà môi giới của bạn không tính phí hoa hồng.

    7. Đòn bẩy ETFs

    Khi cân nhắc rủi ro, nhiều nhà đầu tư lựa chọn ETFs vì họ cảm thấy rằng chúng ít rủi ro hơn các phương thức đầu tư khác. Nhưng nhà đầu tư cũng nên nhận ra rằng có một số loại ETF có rủi ro đáng kể hơn so với các loại khác. Đòn bẩy ETFs (Leveraged ETFs) là một ví dụ điển hình. Đòn bẩy ETFs sử dụng các công cụ tài chính phái sinh và nợ để tăng quy mô đầu tư nhằm tang lợi nhuận của một chỉ số hay rổ tài sản cơ bản.

    Các quỹ ETF này có xu hướng giảm giá trị theo thời gian và thường được điều chỉnh hàng ngày. Điều này có thể xảy ra ngay cả khi một chỉ số/tài sản cơ bản đang phát triển mạnh. Nhiều nhà phân tích cảnh báo các nhà đầu tư không nên mua các ETF sử dụng đòn bẩy. Các nhà đầu tư thực hiện phương pháp này nên xem xét các khoản đầu tư của họ một cách cẩn thận và chú ý đến các rủi ro tiềm ẩn.

    8. ETFs vs. ETNs

    ETFs và hối phiếu giao dịch hoán đổi (ETNs) thường bị nhầm lẫn với nhau do có nhiều tính năng tương tự, điển hình là cùng theo dõi một chỉ số cơ bản của hàng hóa hoặc cổ phiếu và có cùng mức phí, và một số các tính năng khác.

    Tuy nhiên, ETNs được coi là loại chứng khoán nợ không có bảo đảm, và nó gần giống như trái phiếu. ETNs thường được phát hành bởi các tổ chức tài chính để huy động vốn, tài trợ cho các dự án hay hoạt động của họ. Và lợi nhuận của nó dựa trên hoạt động của chỉ số thị trường, cụ thể là cung và cầu đối với ETNs.

    ETNs cũng có một loạt rủi ro khác với ETFs. ETNs phải đối mặt với rủi ro về khả năng thanh toán của một công ty phát hành. Nếu một ngân hàng phát hành ETN vỡ nợ, hoặc tệ hơn, tuyên bố phá sản, thì các nhà đầu tư có thể mất toàn bộ vốn. Điều quan trọng là nhà đầu tư cần có khái niệm cơ bản cũng như biết phân biệt giữa ETFs và ETNs khi đưa ra quyết định đầu tư vào loại chứng khoán này.

    9. Sự linh hoạt trong giảm thu nhập chịu thuế

    Một nhà đầu tư mua cổ phiếu trong một nhóm các cổ phiếu riêng lẻ khác nhau thường sẽ có sự linh hoạt hơn một nhà đầu tư mua cùng một nhóm cổ phiếu nhưng trong một quỹ ETF. Một cách mà điều này gây bất lợi cho nhà đầu tư ETF là khả năng kiểm soát thuế của họ.

    Nếu giá cổ phiếu giảm, nhà đầu tư có thể bán cổ phiếu bị lỗ, qua đó làm giảm tổng lãi trên vốn đầu tư và thu nhập chịu thuế ở một mức độ nhất định. Các nhà đầu tư nắm giữ cùng một cổ phiếu thông qua ETF không có được sự xa xỉ như vậy, quỹ ETF xác định thời điểm điều chỉnh danh mục đầu tư của mình và nhà đầu tư phải mua hoặc bán toàn bộ lô cổ phiếu, thay vì mua từng cổ phiếu riêng lẻ.

    10. ETF giao dịch giá cao hoặc thấp hơn so với giá trị cơ bản

    Giống như cổ phiếu, giá của ETF đôi khi có thể khác với giá trị cơ bản (hay giá trị tài sản trong danh mục) của ETF đó. Điều này có thể dẫn đến các tình huống trong đó, một nhà đầu tư có thể phải trả giá cao hơn và vượt quá chi phí của các cổ phiếu hoặc hàng hóa cơ bản trong danh mục ETF chỉ để mua ETF đó. Điều này tuy không phổ biến và giá sẽ thường được điều chỉnh lại mức cân bằng theo thời gian, nhưng điều quan trọng là phải nhận ra rủi ro mà một người gặp phải khi mua hoặc bán ETF.

    Kiểm tra sự chênh lệch của ETF so với giá trị tài sản ròng (NAV) của nó xem có bất thường không. Nếu nó liên tục được giao dịch khác với NAV của nó trên thị trường, thì có thể có điều gì đó đáng nghi đang xảy ra.

    11. Các vấn đề về kiểm soát

    Một trong những lý do khiến ETFs hấp dẫn nhiều nhà đầu tư cũng có thể được coi là sự hạn chế về mặt kiểm soát. Các nhà đầu tư thường không có tiếng nói đối với các cổ phiếu riêng lẻ trong danh mục đầu tư cơ bản của ETF. Điều này có nghĩa là một nhà đầu tư ETF muốn tránh một công ty hoặc ngành cụ thể vì một lý do nào đó, chẳng hạn như xung đột đạo đức, sẽ không có cùng mức độ kiểm soát như một nhà đầu tư riêng lẻ, tự tạo danh mục của riêng họ.

    Nói chung, một nhà đầu tư ETF không cần phải dành thời gian để lựa chọn các cổ phiếu riêng lẻ để tạo nên danh mục đầu tư; mặt khác, họ không thể loại trừ bất kỳ cổ phiếu nào trong danh mục ETF đó, trừ khi bán khoản đầu tư vào quỹ ETF của họ.


    Xem thêm: Đánh giá hiệu suất đầu tư của quỹ ETF


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán