Điểm nhấn chính:
Vốn đầu tư mạo hiểm là loại hình tài trợ cho các công ty khởi nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ có tiềm năng tăng trưởng dài hạn và thường để đổi lấy vốn chủ sở hữu.
Tại Việt Nam, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm ghi nhận những thành tích đáng nể, đặc biệt là đầu tư đổi mới sáng tạo, như thương mại điện tử, fintech và trí tuệ nhân tạo.
Vốn đầu tư mạo hiểm là gì?
Vốn đầu tư mạo hiểm (Venture capital - VC) là một hình thức của quỹ đầu tư tư nhân, tài trợ cho các công ty khởi nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ có tiềm năng tăng trưởng dài hạn, và thường đổi lấy vốn chủ sở hữu.
Vốn đầu tư mạo hiểm thường được tài trợ bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm, những nhà đầu tư giàu có, ngân hàng đầu tư và các định chế tài chính khác. Vốn đầu tư mạo hiểm không giới hạn ở việc tài trợ tiền; mà có thể được tài trợ dưới dạng kỹ thuật, quản lý chuyên môn.
Các công ty khởi nghiệp thường tiếp cận các công ty đầu tư mạo hiểm để đảm bảo nguồn tài trợ cần thiết để triển khai, tiếp tục hoạt động kinh doanh. Sau khi thực hiện thẩm định, các công ty đầu tư mạo hiểm sẽ rót vốn vào các công ty mà họ chọn.
Mục tiêu của công ty VC là tăng giá trị của công ty khởi nghiệp, sau đó thoái vốn khoản đầu tư bằng cách bán cổ phần của quỹ hoặc thông qua đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Các giai đoạn tài trợ vốn đầu tư mạo hiểm
Vòng tài trợ trước hạt giống (Pre-seed funding) - Giai đoạn khởi động
Tài trợ tiền hạt giống là giai đoạn gọi vốn sớm nhất trong quá trình tài trợ cho một công ty khởi nghiệp, và đôi khi đây không được coi là một vòng gọi vốn chính thức. Khoản tài trợ này thường khá nhỏ, để giúp đỡ nhà sáng lập tổ chức hoạt động kinh doanh ở những bước đầu như nghiên cứu thị trường. Song đây cũng là tiền đề để doanh nghiệp có đủ vốn và thu hút được những khoản đầu tư lớn hơn tiếp theo.
Những người tham gia góp vốn trong vòng pre-seed thường là bản thân nhà sáng lập, người thân, bạn bè thân thiết và những người ủng hộ.
Vòng tài trợ hạt giống (Seed funding stage) - Giai đoạn phát triển sản phẩm
Tài trợ hạt giống là khoản gọi vốn chính thức đầu tiên của công ty. Nguồn tài chính ở giai đoạn này nhằm giúp nhà sáng lập có đủ vốn để tiếp tục theo đuổi ý tưởng khởi nghiệp, kinh doanh; qua đó kiểm chứng được ý tưởng này có thực sự khả thi hay không.
Khoản tài trợ này có thể đến từ những người sáng lập công ty, bạn bè, gia đình, nhà đầu tư thiên thần, các công ty đầu tư mạo hiểm nhỏ hoặc cũng có trường hợp gọi vốn cộng đồng. Nguồn tài trợ hạt giống rất cần thiết bởi vì, khi được sử dụng một cách khôn ngoan, nó có thể thúc đẩy công ty khởi nghiệp hướng tới thành công, cho phép họ đảm bảo các khoản đầu tư trong các giai đoạn tài trợ tiếp theo.
Vòng tài trợ Series A (Series A funding) - Vòng tài trợ VC đầu tiên
Vòng tài trợ Series A là vòng tài trợ vốn đầu tư mạo hiểm đầu tiên. Tại giai đoạn này, công ty khởi nghiệp phải có sản phẩm phát triển và cơ sở khách hàng với dòng doanh thu ổn định, và có kế hoạch sẽ tạo ra lợi nhuận lâu dài. Do vậy, công ty sẽ tìm đến các bên tài trợ không chỉ cho họ vốn mà còn có thể đồng hành với họ trên con đường phát triển công ty.Nguồn vốn ở vòng này được sử dụng để triển khai chiến lược tiếp cận thị trường với sản phẩm khả dụng tối thiểu (MVP) đã được phát triển.
Nguồn vốn trong vòng tài trợ này chủ yếu đến từ các nhà đầu tư thiên thần và các công ty đầu tư mạo hiểm. Những bên tài trợ vốn này không tìm kiếm "những ý tưởng tuyệt vời" mà thay vào đó, họ tìm kiếm những công ty khởi nghiệp có chiến lược kinh doanh vững chắc có thể biến ý tưởng đó thành một "công cụ kiếm tiền", cho phép họ hưởng được lợi ích từ khoản đầu tư của mình.
Vòng tài trợ Series B (Series B funding) - Vòng tài trợ VC thứ hai
Trên cơ sở các công ty đã phát triển được cơ sở khách hàng và nguồn doanh thu ổn định từ Series A, các công ty giờ đây muốn chứng minh trước các nhà đầu tư rằng họ có thể đạt được thành công ở quy mô lớn hơn, vượt qua giai đoạn phát triển và mở rộng phạm vi tiếp cận.
Theo đó, nguồn tài trợ tại vòng này được dùng cho các hoạt động tiếp cận thị trường, tăng thị phần, thành lập các nhóm hoạt động (tiếp thị, phát triển kinh doanh, v.v.). Qua đó, các công ty khởi nghiệp có thể đáp ứng các nhu cầu khác nhau của khách hàng và cạnh tranh với các đối thủ.
Vòng tài trợ Series B có thể khá giống với các giai đoạn tài trợ trước đây về quy trình, tuy nhiên, sự khác biệt về chủ thể tài trợ trong vòng gọi vốn này là việc xuất hiện thêm của các quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên nghiệp - thường là những công ty chuyên đầu tư vào giai đoạn sau của các công ty khởi nghiệp.
Vòng tài trợ Series C (Series C funding) - Vòng tài trợ VC thứ ba
Các công ty khởi nghiệp lọt vào giai đoạn tài trợ Series C thường được xem là có mô hình kinh doanh khá thành công trên thị trường. Những công ty này tìm kiếm thêm nguồn tài trợ có thể giúp họ phát triển sản phẩm mới, tiếp cận thị trường mới, thậm chí mua lại các công ty khác trong ngành.
Nhà đầu tư rót vốn vào các công ty trong vòng series C này, kỳ vọng nhận về lợi nhuận nhiều hơn khi các công ty đó phát triển mạnh mẽ hơn nữa và tiến tới việc IPO. Họ có thể là quỹ phòng hộ, ngân hàng đầu tư, CTCP tư nhân và các nhóm nhà đầu tư lớn khác. Do công ty khởi nghiệp trong giai đoạn này đã chứng tỏ được mình sở hữu mô hình kinh doanh thành công, những nhà đầu tư mới này tham gia rót vốn với mong muốn giúp công ty phát triển mạnh và họ trở thành cổ đông chính của công ty.
Bên cạnh 3 vòng tài trợ vốn đầu tư mạo hiểm chính được đề cập ở trên, các công ty khởi nghiệp cũng có thể xem xét các vòng tài trợ khác nếu chưa được niêm yết hoặc cần huy động thêm vốn để tồn tại, phát triển. Sau các vòng tài trợ này, công ty khởi nghiệp - nếu thỏa mãn các điều kiện - sẽ tiến tới việc IPO để huy động thêm vốn từ công chúng.
Quy trình của tài trợ vốn đầu tư mạo hiểm
- Gửi bản kế hoạch kinh doanh: Để huy động nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, các công ty sẽ gửi bản kế hoạch kinh doanh cho công ty, quỹ đầu tư mạo hiểm và các bên tài trợ khác (như nhà đầu tư thiên thần, v.v.). Theo đó, các bên dự định tài trợ sẽ tiến hành thẩm định, về mô hình kinh doanh, sản phẩm, hoạt động của công ty, v.v. để xem xét phương án đầu tư.
- Đầu tư: Sau khi đã thẩm định, các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn cho các công ty đạt yêu cầu. Thông thường, việc rót vốn sẽ trải qua nhiều vòng. Đồng thời, các bên đầu tư sẽ đóng vai trò là nhà tư vấn, giám sát tiến độ hoạt động kinh doanh của công ty nhận vốn, từ đó cân nhắc rót thêm vốn nếu muốn.
- Chiến lược thoái vốn: Sau một thời gian đồng hành với công ty, thường là sau 4 - 6 năm sau khoản đầu tư ban đầu và công ty tăng giá trị, các công ty đầu tư mạo hiểm sẽ thoái vốn thông qua bán cổ phần của quỹ hoặc đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Ưu, nhược điểm của đầu tư mạo hiểm
Vốn đầu tư mạo hiểm cung ứng nguồn vốn cho công ty khởi nghiệp - các công ty còn khó khăn về dòng tiền. Nhờ đó, các công ty khởi nghiệp có được nguồn vồn để tổ chức hoạt động kinh doanh, đổi lại nhà đầu tư sẽ có phần sở hữu trong công ty - có thể đầy triển vọng. Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư thường cung cấp các dịch vụ cố vấn và mở rộng kết nối giúp công ty tăng trưởng.
Tuy vậy, các nhà sáng lập nhận tài trợ vốn đầu tư mạo hiểm có thể bị mất đáng kể quyền sở hữu đối với công ty của mình, thậm chí là mất uyền kiểm soát, quản lý. Bên cạnh đó, một số quỹ đầu tư mạo hiểm đòi hỏi lợi nhuận cao, nhanh chóng thay vì hỗ trợ tăng trưởng lâu dài, và điều này sẽ gây áp lực đáng kể cho các công ty nhận tài trợ, đặc biệt là các công ty nhỏ, công ty khởi nghiệp.
Thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam
Sau thời kỳ Covid - 19, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam dần tăng trở lại, đạt 634 triệu USD trong năm 2022. Mặc dù năm 2023, con số này còn gần 530 triệu USD, giảm 16.4% so với cùng kỳ trong bối cảnh đầu tư công nghệ tại Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế còn nhiều biến động. Song, Việt Nam vẫn "vững vàng" trước rất nhiều thách thức trên thị trường vốn, giữ vững vị trí vị trí thứ ba về số lượng thương vụ và tổng giá trị đầu tư trong khu vực Đông Nam Á, với gần 100 quỹ đã rót vốn vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam.
Trong đó, fintech là lĩnh vực dẫn đầu thị trường về dòng vốn đầu tư khi thu hút khoản đầu tư cao nhất là 138 triệu USD, tiếp theo là Healthtech với 119 triệu USD. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, năm 2023, đầu tư cho đổi mới sáng tạo và công nghệ cao của Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể khi vượt cơn gió toàn cầu, giúp Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia đứng đầu khu vực trong thu hút lượng đầu tư đổi mới sáng tạo, như thương mại điện tử, fintech và trí tuệ nhân tạo.
Lý giải sự tăng trưởng dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực Fintech, báo cáo toàn cảnh đầu tư năm 2023 của quỹ Nextrans Việt Nam cho rằng, Việt Nam được hưởng lợi từ hai yếu tố chính. Thứ nhất, Việt Nam có lợi thế về nhân khẩu học, với hơn 70.3% dân số truy cập Internet, và dự báo đến năm 2028, số lượng người sở hữu điện thoại thông minh sẽ vượt 74 triệu, chiếm hơn 85% dân số. Thứ hai, lượng sở hữu điện thoại thông minh rộng rãi cũng như xu hướng không dùng tiền mặt ngày một gia tăng, fintech Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn trong tương lai.
Tuy nhiên, việc phát triển và tận dụng vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam nhìn chung còn đối mặt với nhiều thách thức, như cơ sở hạ tầng pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, và cạnh tranh gay gắt từ nhiều nước trong khu vực. Dù vậy, với những điều kiện và vị thế đang có và nếu cải thiện những hạn chế đang vướng mắc, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam hứa hẹn sẽ phát triển hơn trong tương lai không xa.
Nguồn: Investopedia, Forbes, Báo Chính Phủ
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.