Điểm nhấn chính:
- Đầu tư vào quỹ đầu tư mạo hiểm là hình thức đầu tư có mức độ rủi ro cao, song đổi lại, tiềm năng lợi nhuận khá cao nếu quỹ hoạt động hiệu quả.
- Một số ví dụ về quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng trong giới tài chính Việt Nam là: VinaCapital Ventures, Golden Gate Ventures, CyberAgent Ventures.
Quỹ đầu tư mạo hiểm là gì?
Quỹ đầu tư maọ hiểm là quỹ đầu tư tổng hợp và quản lý tiền từ các nhà đầu tư đang tìm kiếm cổ phần tư nhân trong các công ty khởi nghiệp hoặc các công ty vừa và nhỏ có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Đây là loại hình đầu tư được mô tả có mức rủi ro rất cao, song đổi lại tiềm năng lợi nhuận lớn, đòi hỏi thời hạn đầu tư lâu dài.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm khác biệt với các hình thức quỹ khác ở điểm, chúng tập trung đầu tư vào giai đoạn đầu của một công ty. Ngoài ra, các quỹ đầu tư mạo hiểm đóng góp vào trong các khoản đầu tư của họ bằng cách cung cấp các hướng dẫn và thường giữ vị trí trong hội đồng quản trị.
Nhà quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm được gọi là “thành viên hợp danh” (General Partner – GP), chịu trách nhiệm huy động tiền từ mạng lưới các nhà đầu tư, lựa chọn đầu tư và giám sát các khía cạnh hoạt động của quỹ. GP lựa chọn các khoản đầu tư tuân theo luận điểm đầu tư đã nêu, nhắm vào một phân khúc thị trường cụ thể hoặc/và giai đoạn đầu tư cụ thể (vòng tài trợ hạt giống/series A/series B/series C).
Các nhà đầu tư góp vốn vào quỹ đầu tư mạo hiểm được gọi là “Thành viên góp vốnthành viên góp vốn” (Limited Parnet – LP). Họ có thể là các nhà đầu tư tổ chức, tập đoàn, cá nhân có tài sản ròng cao (HWNI), v.v. Các quỹ đầu tư mạo hiểm thường rót vốn vào nhiều công ty khởi nghiệp khác nhau. Trong số các công ty khởi nghiệp được đầu tư, chỉ có một vài công ty sẽ tồn tại đến giai đoạn IPO hoặc M&A và mang lại lợi nhuận cho quỹ đầu tư mạo hiểm. Thông thường thời gian đầu tư mạo hiểm kéo dài 6 đến 10 năm.
Quy trình đầu tư của quỹ đầu tư mạo hiểm
Quy trình đầu tư của quỹ đầu tư mạo hiểm trải qua bốn giai đoạn:
Giai đoạn 1:Gây quỹ
Trong giai đoạn gây quỹ, quỹ đầu tư sẽ thiết lập quan hệ đối tác, hoàn thiện chiến lược và thỏa thuận với thành viên góp vốn của mình, đồng thời thu hút các nhà đầu tư. Quỹ đầu tư sẽ cung cấp bản cáo bạch cho các nhà đầu tư tiềm năng xem xét mô hình đầu tư trước khi đưa ra cam kết với quỹ.
Giai đoạn 2: Đầu tư
Giai đoạn đầu tư là nơi nhà quản lý quỹ xác định các mục tiêu cụ thể để đầu tư, gặp gỡ những nhà sáng lập và đánh giá khoản đầu tư tiềm năng. Sau khi hoàn thành quá trình thẩm định ban đầu này, quỹ sẽ bắt đầu đầu tư vốn vào các công ty được chọn. Để thực hiện đầu tư, quỹ sẽ gọi vốn từ các nhà đầu tư và nhận tiền từ họ.
Giai đoạn 3: Quản lý khoản đầu tư
Trong giai đoạn tạo ra giá trị, nhà quản lý quỹ sẽ giám sát các khoản đầu tư của mình, gặp gỡ thường xuyên với các công ty mục tiêu và đưa ra hướng dẫn cũng như tư vấn chiến lược nếu cần thiết. Bản thân quỹ đầu tư mạo hiểm thường không đảm nhận vai trò quản lý trong các khoản đầu tư của họ, như các loại quỹ cổ phần tư nhân, nhưng các nhà quản lý quỹ và đội ngũ của quỹ sẽ làm việc với những người sáng lập, nhà quản lý chiến lược của công ty để cung cấp kiến thức chuyên môn và mối quan hệ của họ.
Giai đoạn 4: Thoái vốn
Trong giai đoạn thoái vốn, nhà quản lý quỹ làm việc với các công ty mục tiêu để xác định và sắp xếp cách thoái vốn nhằm hoàn trả vốn cho nhà đầu tư dưới hình thức phân phối. Việc thoái vốn có thể dưới hình thức IPO, mua lại hoặc bán cổ phần thứ cấp cho các quỹ hoặc nhà đầu tư khác.
Doanh thu của quỹ đầu tư mạo hiểm đến từ đâu?
Các nhà đầu tư của quỹ đầu tư mạo hiểm thu được lợi nhuận một khi quỹ thoái vốn thành công khỏi một công ty trong danh mục đầu tư, trong đợt IPO hoặc thông qua sáp nhập và mua lại. Các quỹ có thể phân phối lợi nhuận cho nhà đầu tư sau khi thoái vốn một phần hoặc hoàn toàn.
"2 và 20” là quy tắc phổ biến trong đầu tư mạo hiểm. Quy tắc này cho rằng, cấu trúc phí bao gồm, phí quản lý cố định (thường 2% tổng giá trị tài sản quản lý - AUM) và phí hiệu suất (thường là 20% lợi nhuận của quỹ) mà người quản lý VC nhận được nếu kiếm được lợi nhuận cao hơn ngưỡng đã đặt ra.
Để hiểu hơn về doanh thu của quỹ cũng như quy tắc "2 và 20", cùng đến ví dụ sau. Giả sử bạn đầu tư 4 tỷ vào một quỹ để đầu tư. Trong suốt một năm, bạn sẽ phải trả khoảng 80 triệu cho phí quản lý (= 2% x 4 tỷ).
Nếu trong năm đó, quỹ mang lại lợi nhuận 20% (đúng ngưỡng chuẩn mà quỹ đặt ra), tức với số vốn đầu tư ban đầu của bạn là 4 tỷ đồng, bạn sẽ nhận thêm 800 triệu đồng lên 4.8 tỷ đồng. Như vậy, bên quản lý quỹ sẽ hưởng 20% lợi nhuận của quỹ dưới dạng phí hiệu suất, tương đương với 160 triệu (20% của 800 triệu đồng).
Vì vậy, bạn sẽ phải trả tổng cộng 240 triệu (= 80 triệu phí quản lý + 160 triệu phí hiệu suất) theo cấu trúc phí "2 và 20". Điều này cũng đồng nghĩa là, sau khi trừ các loại chi phí, bạn thu được 560 triệu đồng tiền lãi từ việc đầu tư 4 tỷ đồng vào quỹ đầu tư. Ngược lại, quỹ sẽ thu được 240 triệu nhờ khoản đầu tư của bạn.
Mặc dù lợi nhuận kỳ vọng thay đổi tùy theo ngành và hồ sơ rủi ro, các quỹ đầu tư mạo hiểm thường đặt mục tiêu tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) khoảng 30%. Sau khi trả các khoản phí, các nhà đầu tư thường mang về phần còn lại, thường là 70-80% lợi nhuận. Các nhà quản lý quỹ đôi khi tái đầu tư lợi nhuận vào quỹ nếu thoái vốn khỏi một công ty sớm hơn vòng đời của quỹ. Hoạt động này được gọi là tái sử dụng vốn, có thể hỗ trợ thêm cho các khoản đầu tư trong tương lai.
Một số quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam
VinaCapital Ventures
Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures tiền thân là quỹ DFJ VinaCapital, hợp tác với Draper Fisher Jurveston - công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng ở Thung lũng Sillicon vào năm 2007. Quỹ DFJ VinaCapital dưới sự lãnh đạo của phó tổng giám đốc Hoàng Đức Trung, đã đạt tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) 17.2% và hệ số vốn đầu tư (MOIC) 3.7 lần - MOIC cao hơn 3 lần là con số ấn tượng trong mảng đầu tư mạo hiểm.
Đến năm 2018, VinaCapital Ventures được ra mắt dưới dạng quan hệ đối tác chiến lược với Mirae Asset và Naver Asia Growth Fund. Đây là nền tảng trị giá 100 triệu USD tập trung vào các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Luận điểm đầu tư của VinaCapital Ventures xoay quanh việc tạo ra giá trị bằng cách sử dụng các giải pháp công nghệ để giải quyết các vấn đề kém hiệu quả đã tồn tại từ lâu trong các ngành truyền thống trên khắp Việt Nam.
Đến nay, VinaCapital Ventures đã đầu tư vào 30 công ty. Danh mục đầu tư của VinaCapital Ventures bao gồm các startup công nghệ như proptech Homebase và Rever; nền tảng bán hàng Ecomobi; nhà cung cấp phân tích dữ liệu cho các ngân hàng Wee Digital; mạng lưới xe tải B2B Logivan; và startup phát sóng trực tiếp đa kênh GoStream, nền tảng công nghệ nông nghiệp Koina. VinaCapital cũng rót vốn vào các doanh nghiệp xuyên biên giới như nền tảng tài sản kỹ thuật số Sygnum và nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Validus. Gần đây nhất, VinaCapital Ventures đã dẫn đầu vòng gọi vốn 1.5 triệu USD của Quickom – startup công nghệ về nền tảng hội nghị trực tuyến.
Quỹ VinaCapital Ventures Growth (“V3”) dự kiến sẽ ra mắt trong năm 2024 với quy mô hơn 100 triệu USD và các khoản đầu tư dự kiến dao động từ 3 đến 10 triệu USD. Trọng tâm chính là cung cấp vốn tăng trưởng cho các công ty khởi nghiệp triển vọng để đạt được những bước đột phá mới cũng như đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế kĩ thuật số Việt Nam. Chiến lược của VinaCapital Ventures Growth là đầu tư vào các công ty công nghệ kỹ thuật số hàng đầu, nhẹ tài sản, đang cung cấp các giải pháp độc đáo giải quyết được các khó khăn trong ngành.
Golden Gate Ventures
Golden Gate Ventures là công ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào giai đoạn đầu, có trụ sở chính tại Singapore và văn phòng ở Việt Nam, Indonesia.
Được thành lập năm 2011 bởi các nhà đầu tư đến từ Thung lũng Sillicon. Kể từ đó, GGV đã vận hành 4 quỹ, quản lý 250 triệu USD với danh mục đầu tư vào công ty hoạt động trong các lĩnh vực Fintech, Edtech, SaaS, giải trí, ...). Trong đó, hai quỹ đầu tiên có quy mô 10 và 60 triệu USD, mang lại tỷ suất hoàn vốn nội bộ lần lượt đạt 48% và 29%. Hai quỹ thứ ba và bốn đều có quy mô 100 triệu USD, trong đó quỹ thứ 4 tập trung đầu tư vào khu vực MENA.
Tổng cộng cho đến nay, Golden Gate Ventures đã thoái vốn khỏi 12 thương vụ đầu tư trên tổng số 126 lần rót vốn với quỹ mô mỗi vòng gọi vốn khoản 10 triệu USD.
Tại Việt Nam, Golden Gate Ventures đã thực hiện 12 thương vụ đầu tư vào các công ty start-up, trải rộng ở khắp các mảng logistics (LoShip); Fintech (Tititada, Funding Societies, Vui); Marketplaces (Appota, Mio).
CyberAgent Ventures
CyberAgent Ventures (CAV) ra đời năm 2006, là quỹ đầu tư của Tập đoàn CyberAgent Group Nhật Bản. Quỹ chủ yếu rót vốn vào những doanh nghiệp startup trong lĩnh vực internet và công nghệ.
Cho đến nay quỹ CyberAgent Capital đã đầu tư vào hơn 350 công ty. Năm mươi công ty trong số đó đang được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo. Danh mục đầu tư nổi bật phải kể đến Tokopedia có trụ sở tại Indonesia, Fangduoduo ở Trung Quốc, Tiki và CleverAds tại Việt Nam hay Kakao Corp ở Hàn Quốc.
Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2008 dưới sự điều hành của Giám đốc đầu tư Nguyễn Mạnh Dũng. Quỹ CyberAgent Ventures chủ yếu rót vốn vào những doanh nghiệp startup trong lĩnh vực internet và công nghệ. Với sứ mệnh không chỉ hướng tới lợi nhuận, CAV còn tích cực hỗ trợ các công ty khởi nghiệp về mặt kỹ thuật, quản lý… Nguồn vốn đầu tư của công ty rơi vào khoảng từ 500,000 USD đến 10,700,000 USD.
Tại thị trường Việt Nam, CyberAgent Ventures đã rót vốn vào hơn 20 dự án khởi nghiệp tiêu biểu như: Tiki, Foody, VNG, CleverAds, VMG, Teamobi…
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.