Điểm nhấn chính:
- Quỹ đầu tư trái phiếu là quỹ tập trung đầu tư vào sản phẩm trái phiếu.Đặc điểm của quỹ là độ rủi ro thấp, mức sinh lời hấp dẫn hơn lãi suất tiết kiệm.
- Một số mã quỹ đầu tư trái phiếu uy tín tại Việt Nam có thể kể đến như: TCBF, DCBF, VFF, MBBond, SSIBF, ...
Quỹ đầu tư trái phiếu là gì?
Quỹ đầu tư trái phiếu là quỹ đầu tư tập trung vào trái phiếu, bên cạnh đó một phần vốn cũng được đầu tư vào giấy tờ có giá, công cụ thị trường tiền tệ. Trái phiếu được đầu tư có thể là trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, Trái phiếu chính quyền địa phương hoặc Trái phiếu doanh nghiệp. Triết lý đầu tư của quỹ đầu tư trái phiếu là tạo ra thu nhập hàng tháng cho nhà đầu tư. Tại Việt Nam, quỹ đầu tư trái phiếu được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp, điều hành bởi các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, thành lập từ sự cho phép của Ủy ban chứng khoán nhà nước và tuân thủ các quy định của pháp lý về quản lý tài sản, báo cáo tài chính và quy trình đầu tư.
Quỹ đầu tư trái phiếu có quy trình hoạt động khá tương tự với các quỹ đầu tư khác và được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Huy động vốn
Quỹ đầu tư huy động vốn bằng cách phát hành chứng chỉ quỹ. Nhà đầu tư tham gia đầu tư bằng cách mua chứng chỉ quỹ.
Bước 2: Đầu tư
Sau khi thu thập đủ vốn, đội ngũ quản lý của quỹ sử dụng số vốn để đầu tư vào các tài sản theo chiến lược đầu tư đã vạch ra trước đó.
Bước 3: Định giá, phát hành và mua lại chứng chỉ quỹ
Giá trị của mỗi chứng chỉ quỹ được công ty quản lý tính bằng công thức: Giá chứng chỉ quỹ = Giá trị tài sản ròng (NAV) / Tổng số CCQ đã phát hành.
Lợi ích và rủi ro khi tham gia quỹ đầu tư trái phiếu
Lợi ích
- Lợi nhuận ổn định hàng tháng và thường cao hơn lãi suất tiết kiệm.
- Rút vốn bất cứ lúc nào thông qua việc bán chứng chỉ quỹ.
- Rủi ro thấp hơn quỹ đầu tư cổ phiếu do mức độ dao động giá của trái phiếu thấp hơn cổ phiếu. Bên cạnh đó, rủi ro thấp hơn do được các nhà quản lý doanh mục chuyên nghiệp có chuyên môn nghiên cứu và phân tích mức độ uy tín của nhà phát hành trái phiếu cũng như tình hình thị trường để quyết định giao dịch.
- Đa dạng hóa: do danh mục đầu tư của các quỹ bao gồm nhiều loại trái phiếu, từ nhiều tổ chức phát hành khác nhau, từ đó có thể giảm thiểu rủi ro cho danh mục.
- Dễ dàng và tiện lợi: nhà đầu tư có thể tham gia đầu tư trái phiếu dù bận rộn, chưa tự tin về kiến thức đầu tư/tài chính hoặc chưa có nhiều vốn.
Rủi ro
- Nhà đầu tư có thể thiệt hại về vốn nếu giá giao dịch chứng chỉ quỹ xuống thấp hơn mức giá vốn đầu tư ban đầu. Cho dù các chuyên gia có giỏi như thế nào cũng không thể tránh khỏi các biến động vượt tầm kiểm soát trên tình hình thị trường chung. Do vậy, cũng như giống như bất kỳ loại tài sản nào, giá chứng chỉ quỹ biến động trong thời gian ngắn là điều bạn có thể gặp trong quá trình đầu tư.
Tiêu chí chọn quỹ trái phiếu
Khi lựa chọn quỹ trái phiếu để bắt đầu hành trình đầu tư, nhà đầu tư cần phải lưu ý tính pháp lý, chiến lược đầu tư của quỹ thông qua bản cáo bạch.
Sau đó, xem xét đến tăng trưởng và biến động của quỹ từ khi thành lập để xem có đạt được lợi nhuận kỳ vọng của quỹ đưa ra hay có phù hợp với lợi nhuận mà bạn mong muốn không. Mức lợi nhuận phù hợp thường cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm từ 1-2%.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần quan tâm đến cơ cấu phân bổ tài sản của quỹ. Cơ cấu phân bổ của quỹ có thể được chia theo loại tài sản bao gồm trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, tiền và các tài sản tương đương tiền. Ngoài ra, trái phiếu còn có thể chia thành trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Một số báo cáo hoạt động của quỹ liệt kê các thông tin bao gồm: mã trái phiếu, tổ chức phát hành, ngành và tỷ trọng phân bổ vốn, lợi suất, kỳ đáo hạn theo các mã này.
Tiếp đến là các khoản phí đi kèm: phí quản lý, phí phát hành, phí mua lại. Phí quản lý thường dao động từ 0.8% - 1.2%/năm trên tổng giá trị tài sản của quỹ. Hiện nay các quỹ đều có mức phí phát hành là 0%. Phí mua lại thông thường dao động từ 0%-2% tùy theo thời gian nắm giữ chứng chỉ quỹ và phụ thuộc vào biểu phí của các quỹ khác nhau. Hầu hết các quỹ đều miễn phí khoản phí mua lại sau khi khách hàng đã nắm giữ khoản đầu tư hơn 2 năm. Tùy vào từng tổ chức quản lý quỹ mà khách hàng có thể lựa chọn chuyển đổi sang loại quỹ khác và phải trả một khoản phí chuyển đổi từ 0% - 1%, phụ thuộc vào thời gian nắm giữ.
Hơn hết, nhà đầu tư cần tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng để đảm bảo đội ngũ quản lý quỹ là những người có chuyên môn, kinh nghiệm trong việc vận hành quỹ. Nhờ đó, nhà đầu tư có thể an tâm hơn về tài sản cũng như tỷ suất sinh lợi kỳ vọng trong tương lai.
Tình hình quỹ mở đầu tư trái phiếu tại Việt Nam
Tính đến tháng 08/2022, đã có tổng cộng 43 công ty quản lý quỹ, quản lý 76 quỹ đầu tư chứng khoán, gấp đôi số lượng quỹ được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ so với năm 2011. Trong đó, có 44 quỹ đại chúng.
Tại Việt Nam, hiện nay có khoản 10 quỹ đầu tư trái phiếu đang hoạt động và đều là quỹ mở bao gồm các cái tên: BVBF, DCBF, MBBond, SSIBF, TCBF, VCBF-FIF, VFF, VLBF, VNDBF, VTBF. Hầu hết trực thuộc hai nhánh, một nhóm thuộc các ngân hàng thương mại, và một nhóm thuộc các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư độc lập. Các quỹ thuộc các NHTM có lợi thế về hệ thống chi nhánh trải rộng và cơ sở khách hàng lớn cùng với nguồn vốn hỗ trợ mạnh mẽ từ ngân hàng mẹ. Ngược lại, các quỹ thuộc công ty chứng khoán hay công ty quản lý quỹ độc lập có lợi thế hơn trong việc áp dụng công nghệ, giúp nhà đầu tư có thể đầu tư và theo dõi trên các ứng dụng thông minh.
Kể từ khi thành lập, các quỹ đầu tư trái phiếu đã đạt được nhiều kết quả tích cực ở các khía cạnh, như giá trị tài sản ròng, giá trị tài sản ròng/CCQ hay tốc độ tăng trưởng hàng năm của các quỹ đầu tư trái phiếu vẫn ổn định, phù hợp với tiêu chí an toàn nhưng vẫn mang lại giá trị cho nhà đầu tư.
Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế trên thị trường. Theo một báo cáo năm 2023, tỷ lệ tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ còn thấp, khoảng 20 tỷ USD tính cả cổ phiếu và trái phiếu, tương đương 5.5% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước cùng khu vực, như Ấn Độ 15.4 % (T9/2021), Thái Lan 28.9% (năm 2017), Malaysia 31.6% (năm 2017) hay Trung Quốc 10.7% (năm 2020). Bên cạnh đó, vốn điều lệ của các quỹ còn thấp và mạng lưới phân phối CCQ còn hạn chế, với chỉ 0.2% dân số Việt Nam có tài khoản giao dịch CCQ.
Bảng dưới tóm tắt sơ lược thông tin các quỹ mở đầu tư trái phiếu uy tín tại Việt Nam:
Cách đầu tư quỹ trái phiếu hiệu quả
1. Xác định mục tiêu đầu tư và khả năng chịu đựng rủi ro của bản thân. Bên cạnh đó, xác định vai trò của khoản đầu tư vào quỹ trong tổng danh mục của bạn. Mục tiêu có thể là tạo ra thu nhập chính, nguồn trú ẩn vốn, đa dạng hóa danh mục.
2. Tìm hiểu các quỹ đầu tư trái phiếu và đánh giá các đặc điểm của quỹ theo các tiêu chí lựa chọn quỹ đã nêu ở trên.
3. Đa dạng hóa vào nhiều quỹ trái phiếu khác nhau.
4. Theo dõi và so sánh với mục tiêu tài chính của bản thân. Từ đó, thực hiện điều chỉnh tỷ trọng phân bổ vốn.
5. Theo dõi các chỉ số kinh tế vĩ mô có thể ảnh hưởng đến giá trị của khoản đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên đọc các báo cáo của quỹ và phân tích ngành để hiểu rõ hơn.
6. Nếu cảm thấy không đủ khả năng để tự đánh giá nên đầu tư vào quỹ trái phiếu nào, hãy cân nhắc liên hệ các chuyên gia tư vấn tài chính.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.