Điểm nhấn chính:
- Quỹ tương hỗ và quỹ ETF là hai loại hình quỹ đầu tư phổ biến trên thị trường.
- Các quỹ tương hỗ được quản lý bởi các nhà quản lý tiền chuyên nghiệp, họ cố gắng đánh bại thị trường để tạo ra lợi nhuận cho các nhà đầu tư.
- Quỹ ETF thường mô phỏng một chỉ số chứng khoán nào đó và được quản lý một cách thụ động hơn.
Quỹ ETF và Quỹ tương hỗ đều bao gồm nhiều loại tài sản khác nhau, giúp cho nhà đầu tư có thể tiếp cận dễ dàng với đa dạng các loại hình đầu tư. Mặc dù các quỹ tương hỗ và quỹ ETF giống nhau ở nhiều khía cạnh, song chúng cũng có một số điểm khác biệt cơ bản.
Điểm khác biệt chính giữa hai loại này là, ETF có thể được giao dịch trong ngày giống như cổ phiếu, trong khi quỹ tương hỗ chỉ có thể được mua-bán vào cuối mỗi ngày giao dịch và được tính theo giá trị tài sản ròng (NAV) cuối ngày đó.
Được ra mắt lần đầu vào năm 1924, các quỹ tương hỗ ngày càng phát triển và dần trở thành một phương thức đầu tư có tính cạnh tranh cao trong lĩnh vực đầu tư. Sau đó vào năm 1993, quỹ ETF cũng lần đầu tiên được ra mắt và góp phần đa dạng hóa các công cụ đầu tư hơn cho thị trường tài chính.
Trước đây, hầu hết các quỹ tương hỗ đều được quản lý chủ động, nghĩa là các nhà quản lý quỹ sẽ thay nhà đầu tư đưa ra quyết định về việc phân bổ tài sản trong quỹ nhằm mục đích đánh bại thị trường và kiếm lời. Trong khi đó, quỹ ETF thường được quản lý thụ động và điều chỉnh theo các chỉ số thị trường hoặc chỉ số ngành cụ thể. Tuy nhiên, sự khác biệt này đã trở nên mờ nhạt trong những năm gần đây, bởi các quỹ chỉ số đầu tư thụ động hiện nay thường chiếm một tỷ lệ đáng kể trong khối tài sản được quản lý (AUM) của các quỹ tương hỗ. Tương tự, cũng ngày càng có nhiều quỹ ETF quản lý chủ động dành cho các nhà đầu tư. Do đặc tính liên quan đến cách thức hoạt động, các quỹ tương hỗ được quản lý chủ động thường yêu cầu một mức phí cao hơn quỹ ETF.
Quỹ tương hỗ
Các quỹ tương hỗ thường đi kèm với yêu cầu về số vốn tối thiểu đầu tư ban đầu cao hơn ETF. Yêu cầu này có thể khác nhau tùy thuộc vào loại quỹ và từng công ty. Ví dụ: Quỹ đầu tư chỉ số Vanguard 500 yêu cầu khoản đầu tư tối thiểu 3,000 đô la, trong khi Quỹ tăng trưởng của Mỹ yêu cầu khoản ký gửi ban đầu là 250 đô la.
Các quỹ tương hỗ được điều hành bởi các nhà quản lý tiền chuyên nghiệp, những người đưa ra quyết định mua và bán cổ phiếu hoặc chứng khoán của quỹ và cố gắng đánh bại thị trường, tạo ra lợi nhuận hoặc thu nhập trên phần vốn cho các nhà đầu tư của quỹ. Các quỹ này thường có chi phí cao hơn vì chúng đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và nhân lực hơn để nghiên cứu và phân tích tình hình chứng khoán.
Việc mua và bán các quỹ tương hỗ diễn ra trực tiếp giữa các nhà đầu tư và quỹ. Giá của quỹ không được xác định cho đến ngày giá trị tài sản ròng (NAV) được xác định.
Phân loại quỹ tưởng hỗ
Quỹ mở: Các quỹ này thống trị thị trường quỹ tương hỗ khi chiếm một tỷ trọng lớn về khối lượng và tài sản được quản lý. Với quỹ mở, việc mua bán cổ phiếu quỹ được diễn ra trực tiếp giữa nhà đầu tư và Công ty Quản lý quỹ. Do không có giới hạn về số lượng cổ phiếu mà quỹ có thể phát hành, nên khi nhiều nhà đầu tư mua vào quỹ, lượng cổ phiếu được phát hành sẽ càng lớn. Tuy giá trị cổ phiếu của mỗi nhà đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng bởi số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Quỹ đóng: Các quỹ này chỉ phát hành một số lượng cổ phiếu cụ thể và không phát hành cổ phiếu mới khi nhu cầu của nhà đầu tư tăng lên. Cụ thể, giá của chúng không được xác định bởi giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ mà thay vào đó, chúng bị ảnh hưởng bợi cung và cầu của nhà đầu tư. Ngoài ra, cổ phiếu thường được mua với mức giá thấp hơn hoặc cao hơn so với NAV.
Điều quan trọng bạn cần quan tâm lúc này chính là cân nhắc kỹ lưỡng các hình thức tính phí khác nhau và nghĩa vụ thuế của hai lựa chọn đầu tư trước khi quyết định xem chúng có phù hợp với danh mục đầu tư của bạn hay không.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế phát triển khi ngày càng xuất hiện nhiều quỹ đầu tư giúp nhà đầu tư đang tìm hiểu cách đầu tư ETF và quỹ tương hỗ, có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu và sở thích cá nhân. Một số chứng chỉ quỹ có thể kể đến như:
- Chứng chỉ quỹ VESAF (VinaCapital)
- Chứng chỉ quỹ Techcombank – iFUND (Techcom Capital)
- Chứng chỉ quỹ DCDS (Dragon Capital)
- Chứng chỉ quỹ DCBC (Dragon Capital)
Quỹ hoán đổi danh mục (ETF)
Các quỹ hoán đổi danh mục (ETF – Exchange Traded Fund) có thể tốn ít chi phí hơn cho một vị thế đầu vào, thường nó chỉ bằng giá của một cổ phiếu cộng với phí giao dịch hoặc hoa hồng. ETF được các nhà đầu tư tổ chức hình thành hoặc mua lại với số lượng lớn và được giao dịch trong ngày giữa các nhà đầu tư giống như cổ phiếu. Do được điều chỉnh liên tục theo thị trường nên ETF nhiều khả năng được giao dịch ở các mức giá khá chênh lệch so với NAV thực, điều này tạo tiền đề cho những cơ hội kinh doanh chênh lệch giá.
Bên cạnh đó, ETF còn cung cấp lợi thế về thuế cho các nhà đầu tư. Là một danh mục đầu tư được quản lý thụ động, nên lãi vốn của các quỹ ETF có xu hướng thấp hơn so với các quỹ tương hỗ được quản lý chủ động. Do đó mà thuế thu nhập trên lãi vốn của nhà đầu tư ETF cũng thường thấp hơn.
Tính đến tháng 12/2021, Hoa Kỳ là thị trường quỹ tương hỗ và quỹ ETF lớn nhất thế giới, chiếm 48.1% tổng tài sản toàn cầu với trị giá 71.1 nghìn tỷ đô la trong các quỹ mở.
Phân loại quỹ ETF
Quỹ ETF mở: Cấu trúc ETF này đưa ra các yêu cầu đa dạng hóa cụ thể, ví dụ, không quá 5% danh mục đầu tư vào một cổ phiếu. Cấu trúc này cũng cung cấp tính linh hoạt cho việc quản lý các danh mục đầu tư vì chúng không bắt buộc phải tuân theo một chỉ số lớn nhất định nào. Do đó, một số quỹ ETF mở sử dụng các chiến lược tối ưu hóa hoặc lấy mẫu để sao chép một chỉ số phù hợp với các đặc điểm của nó, thay vì mua vào và nắm giữ toàn bộ chứng khoán cấu thành chỉ số đó. Các quỹ mở cũng được phép tái đầu tư cổ tức vào các chứng khoán bổ sung cho đến khi việc phân phối lãi vốn được thực hiện cho các cổ đông của quỹ. Đồng thời, cho phép cho vay chứng khoán và sử dụng các công cụ phái sinh trong quỹ.
Quỹ ủy thác đầu tư (UIT): Các quỹ ủy thác đầu tư thường cố gắng sao chép toàn bộ các chỉ số lớn cụ thể để hạn chế chênh lệch mức hiệu suất, qua đó phải hạn chế đầu tư vào một đợt phát hành ở mức 25% tỷ trọng trở xuống và đặt giới hạn tỷ trọng bổ sung cho các quỹ đa dạng hóa và không đa dạng hóa. UIT không tự động tái đầu tư cổ tức mà trả cổ tức bằng tiền mặt theo hàng quý. Đồng thời, họ không được phép tham gia cho vay chứng khoán hoặc nắm giữ các công cụ phái sinh.
Nên chọn quỹ tương hỗ hay quỹ ETF?
Sự khác biệt chính giữa quỹ tương hỗ và quỹ ETF là, quỹ ETF có tính thanh khoản cao vì chúng được giao dịch liên tục trong ngày. Vì vậy, đối với các bạn đang tìm hiểu cách đầu tư ETF, nếu thanh khoản quan trọng đối với bạn, thì ETF có thể là lựa chọn tốt hơn.
Mức độ rủi ro của quỹ ETF so với quỹ tương hỗ
Mặc dù ETF và quỹ tương hỗ đều đi theo một chiến lược hoặc theo dõi cùng một chỉ số đôi khi có phần khác nhau, nhưng không có cơ sở nào để bạn có thể chắc chắn rằng mức độ rủi ro của quỹ này cao hơn cái kia. Rủi ro của một quỹ phụ thuộc phần lớn vào các khoản nắm giữ cơ bản của nó chứ không phải cấu trúc của khoản đầu tư.
Trên khía cạnh cùng áp dụng chiến lược đầu tư thụ động, phí của quỹ ETF khác gì so với quỹ tương hỗ?
Trong hầu hết các trường hợp, quỹ ETF và quỹ tương hỗ không có sự khác nhau quá nhiều về chi phí. Ví dụ: quỹ ETF VFMVN30 thuộc quỹ Dragon Capital VN có tỷ lệ chi phí ở mức là 0.8%/năm, còn tỷ lệ tổng chi phí của quỹ ETF SSIANM VN30 thuộc quản lý quỹ SSI là 2.13%/năm. Nhưng thông thường, chi phí của quỹ chỉ số thường dao động khoảng 0.2 – 0.5%, còn một số quỹ được quản lý chủ động thường nằm trong khoảng 1 – 2.5%.
Các quỹ ETF có chi trả cổ tức không?
Câu trả lời là có. Trên thực tế, nhiều quỹ ETF sẽ trả cổ tức dựa trên các khoản thanh toán cổ tức của các cổ phiếu mà quỹ nắm giữ. Nhà đầu tư đang tìm hiểu cách đầu tư ETF, có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin các quỹ ETF đang niêm yết trên HSX.
Nhìn chung, đầu tư vào chứng chỉ quỹ ngày càng trở nên phổ biến khi đây là một hình thức sinh lời hiệu quả được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, thường là trong dài hạn.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.