Điểm nhấn chính:
- Việc lập mục tiêu tài chính cá nhân và đầu tư cho từng mục tiêu giúp mang lại cái nhìn rõ ràng với tài chính của mình, là động lực thúc đẩy bạn đạt được thành công về mặt tài chính.
- Khi đặt mục tiêu đầu tư, điều quan trọng là phải xem xét khoảng thời gian, mức độ chấp nhận rủi ro, có kiến thức về tài chính cá nhân và đầu tư, cũng như các khía cạnh khác có thể ảnh hưởng đến việc đạt một mục tiêu tài chính.
Đặt mục tiêu đầu tư là một trong những bước quan trọng để bạn có thể đạt được thành công trên hành trình xây dựng tài chính cá nhân. Một mục tiêu cụ thể, có thể đo lường được, có thể đạt được, sẽ giúp bạn tập trung, thu hẹp khoảng thời gian cần thiết cho việc đạt được mục tiêu cũng như duy trì động lực xuyên suốt hành trình chinh phục mục tiêu. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu tầm quan trọng của mục tiêu đầu tư, bao gồm cả cách đặt mục tiêu đầu tư cũng như các câu hỏi bạn nên tự hỏi bản thân trong quá trình thiết lập mục tiêu nhé!
Tại sao đặt mục tiêu đầu tư lại quan trọng?
Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện và chỉ ra rằng, việc đặt mục tiêu có vai trò quan trọng trong việc đạt được thành công về mặt tài chính.
Một ví dụ nổi tiếng là nghiên cứu vào năm 1979 được thực hiện bởi các sinh viên MBA. Trong số sinh viên tốt nghiệp, chỉ có 3% lập mục tiêu tài chính cá nhân và có kế hoạch để hoàn thành chúng, 13% lập mục tiêu nhưng không tuân thủ, không rõ ràng và 84% còn lại không có bất kỳ mục tiêu nào cả. Sau 10 năm, những sinh viên viết ra mục tiêu có thu nhập trung bình gấp đôi những sinh viên không có mục tiêu. Và những sinh viên vừa có mục tiêu rõ ràng vừa có kế hoạch thực hiện, kiếm được thu nhập gấp 10 lần so với tất cả những sinh viên còn lại.
Vì vậy nên cũng có thể cho rằng, đặt mục tiêu đầu tư đóng vai trò rất quan trọng trên hành trình chinh phục tự do tài chính, vì việc này sẽ cung cấp một cách rõ ràng về những gì bạn muốn, mang lại động lực và tạo ra một kế hoạch chi tiết và cụ thể để thực hiện. Trên hành trình đầu tư, việc đặt mục tiêu đầu tư là bước đầu tiên và cần thiết để đạt được những giá trị to lớn về mặt tài chính trong dài hạn.
Lập mục tiêu tài chính cá nhân tốt cần những tiêu chí nào?
Một bí quyết hữu ích là bạn có thể đặt mục tiêu đầu tư tốt là theo nguyên tắc SMART. Nguyên tắc này là viết tắt của các tiêu chí trong việc thiết lập một mục tiêu hiệu quả:
1.
Specific – Cụ thể
Mục tiêu của bạn phải rõ ràng và cụ thể, nếu
không, bạn sẽ khó có thể tập trung nỗ lực hoặc có động lực để đạt được nó. Đối
với việc đầu tư, một mục tiêu cụ thể có thể là việc xác định số tiền bạn dự định
sẽ tiết kiệm và mục đích bạn sẽ sử dụng số tiền đó. Câu hỏi bạn có tự hỏi bản
thân lúc này là: Tôi định làm gì với số tiền này?
2. Measurable – Có thể đo lường được
Điều quan trọng là bạn cần phải thiết lập các thước đo để theo dõi tiến trình các mục tiêu của mình và duy trì động lực. Việc đánh giá tiến độ này sẽ giúp bạn tập trung, hoàn thành mục tiêu trong thời hạn đã đề ra và cảm thấy phấn khích khi ngày càng tiến gần hơn đến mục tiêu của mình.
Theo đó, tiêu chí này có thể được dựa trên các câu hỏi là: Tôi cần phải tiết kiệm bao nhiêu? Tôi đã tiết kiệm được bao nhêu rồi? Tôi cần phải tiết kiệm bao nhiêu nữa mới hoàn thành mục tiêu?
Việc này sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng về tiến độ thực hiện mục tiêu, từ đó theo dõi và đưa ra các kế hoạch tiếp tục theo đuổi mục tiêu cho hợp lý.
3. Achievable – Có thể đạt được
Để đạt được, mục tiêu của bạn cũng cần phải thực tế. Nói cách khác, mục tiêu cần khiến bạn phải nỗ lực nhưng nằm trong khả năng cho phép và bạn có thể đạt được. Vì nếu mục tiêu vượt khả năng có thể làm giảm động lực cũng như nguồn lực của bạn đối với các mục tiêu khác.
Một mục tiêu có thể đạt được thường sẽ trả lời các câu hỏi như:
- Làm thế nào tôi có thể hoàn thành mục tiêu này?
- Mức độ thực tế của mục tiêu là bao nhiêu và tôi đã tính đến các yếu tố liên quan chưa?
Ví dụ, bạn có thể tự hỏi: “Liệu khoản đầu tư này có đem lại tỷ suất sinh lợi tối thiểu đó không?”, “Với số vốn hiện tại, mục tiêu đó có khả quan không?”, “Tôi có thể chấp nhận mức độ rủi ro là bao nhiêu để đạt được tỷ suất sinh lợi tương ứng?”.
4. Relevant – Có liên quan
Mục tiêu đầu tư thực sự quan trọng đối với bạn. Một mục tiêu đầu tư tốt là một mục tiêu phù hợp với các mục tiêu và giá trị rộng hơn của bạn. Ví dụ như mục tiêu đó phù hợp với mong muốn mua xe, mua nhà, cho con đi du học hay xây dựng quỹ hưu trí khi về già của bạn.
5. Time-bound – Giới hạn thời gian
Mọi mục tiêu đều cần thời gian hoàn thành để bạn tập trung và nỗ lực đạt được. Các mục tiêu có thời hạn được thiết lập một cách rõ ràng sẽ giúp bạn biết sắp xếp các sự ưu tiên để hoàn thành chúng nhanh và có hiệu quả hơn. Theo đó, câu hỏi bạn có thể tự hỏi lúc này là: Dự kiến khi nào tôi cần đến số tiền này?
Ngoài ra, đặt mục tiêu đầu tư có giới hạn thời gian sẽ giúp bạn tính toán khá chính xác được số tiền bạn cần tiết kiệm/kiếm thêm mỗi tháng/mỗi năm để đạt được mục tiêu tài chính đó.
Một ví dụ về việc thiết lập mục tiêu đầu tư theo nguyên tắc SMART có thể là: “Tôi muốn tiết kiệm 50 triệu trước tháng 7 để đi du lịch cùng người thân trong dịp hè sắp tới”. Đối với trường hợp này, bạn đã có một mục tiêu cụ thể, bạn biết chính xác số tiền muốn tiết kiệm, mục đích số tiền đó được dùng để làm gì, đo lường được và bạn biết phù hợp với việc tiết kiệm 15% từ mức lương 50 triệu/tháng hiện tại của bạn.
Các bước để đạt được mục tiêu đầu tư tài chính
Có thể bạn thấy việc lập mục tiêu tài chính cá nhân khá dễ dàng, nhưng để hoàn thành mục tiêu tài chính đó lại là một chuyện hoàn toàn khác. Dưới đây là các bước bạn cần thực hiện để đầu tư hiệu quả và đạt mục tiêu tài chính của mình.
1.Lập mục tiêu tài chính cá nhân
Bước đầu tiên để đạt được mục tiêu là xác định chính xác những gì bạn muốn đạt được. Các mục tiêu đầu tư tài chính phổ biến bao gồm nghỉ hưu, dành tiền cho con học đại học hoặc một ngôi nhà mơ ước. Biết mục tiêu và thiết lập nó một cách SMART sẽ giúp bạn lập kế hoạch đầu tư phù hợp để đạt được mục tiêu đó.
2. Xác định chiến lược đầu tư
Để quyết định cách thức, chiến lược bạn sẽ đầu tư, tiết kiệm cho từng mục tiêu đầu tư tài chính của mình, hãy cân nhắc, xem xét khoảng thời gian của bạn.
Theo báo cáo từ Cơ quan quản lý ngành Tài chính (FINRA), các mục tiêu ngắn hạn — có thể đạt được trong vòng dưới 03 năm — phù hợp nhất với các khoản đầu tư có tính thanh khoản như tiền mặt, tiền gửi tiết kiệm. Trong khi đó, để đạt các mục tiêu trung, dài hạn — có thể đạt từ 03 đến 10 năm — bạn nên cân bằng danh mục đầu tư giữa nhiều loại tài sản, như chứng khoán có thu nhập cố định (tiêu biểu là trái phiếu), cổ phiếu, bất động sản, v.v. để xây dựng giá trị khoản đầu tư tốt hơn.
Tuy nhiên, trên đây chỉ là khuyến nghị theo khảo sát chung các khoản đầu tư được xem là an toàn hơn qua nhiều giai đoạn khác nhau của thị trường. Bản thân mỗi người cần cân nhắc loại tài sản phù hợp trong từng giai đoạn để đem lại tỷ suất sinh lợi cao hơn.
3. Bắt đầu từ số vốn nhỏ
Nhà đầu tư nên bắt đầu tư số vốn nhỏ. Điều này đặc biệt hữu ích trong việc giúp bạn hạn chế các tổn thất có thể gặp phải do chưa có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư, giúp nhà đầu tư làm quen với thị trường và là bài kiểm tra tâm lý của nhà đầu tư. Theo đó, từ việc theo dõi thị trường và biến động giá cả, nhà đầu tư có thể đánh giá được phản ứng tâm lý và lựa chọn khoản đầu tư với số vốn lớn hơn sau đó cho phù hợp.
4. Kiên nhẫn
Kiên nhẫn là đức tính quan trọng để nhà đầu tư có thể đạt được mục tiêu tài chính về dài hạn. Khi thị trường biến động, kiên nhẫn sẽ là động lực giúp nhà đầu tư vượt qua áp lực tâm lý, tránh bán khoản đầu tư khi giá trị giảm trong ngắn hạn để hướng tới mục tiêu xa hơn. Hơn nữa, kiên nhẫn tích lũy và đầu tư còn giúp nhà đầu tư hưởng lợi từ lãi kép, khi việc nắm giữ khoản đầu tư trong thời gian dài sẽ giúp lợi nhuận càng lớn do lãi được tính liên tục qua các năm. Theo đó, bằng cách tiết kiệm, đầu tư sớm và bổ sung nó thường xuyên, bạn có thể tận dụng lợi ích của lãi kép và tăng số tiền tiết kiệm của mình nhanh hơn.
Ví dụ, nếu bạn tiết kiệm 10 triệu đồng với lãi suất 5%/năm. Sau một năm, số tiền trong tài khoản tiết kiệm của bạn sẽ lên thành 10.5 triệu đồng (10 triệu x (1 + 5%)). Nếu bạn tiếp tục giữ tiền trong tài khoản trong năm tiếp theo, tiền lãi kiếm được không chỉ tính trên số tiền ban đầu là 10 triệu đồng mà còn tính trên số tiền lãi 500,000 đồng bạn đã kiếm được trong năm đầu. Hiệu ứng này sẽ được tiếp tục trong nhiều năm nếu bạn kiên trì tiết kiệm/đầu tư, giúp tài khoản tiết kiệm tăng trưởng đáng kể trong dài hạn.
Xem thêm: Vì sao bạn nên tiết kiệm ngay khi còn là sinh viên?
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.