Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Dân số unbanked: Rào cản đối với tiếp cận tài chính

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Tài chính toàn diện (finanial inclusion) là một yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, nhưng vẫn có khoảng 1.4 tỷ người trưởng thành chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng truyền thống.

    - Việt Nam, với gần 80% dân số thuộc diện unbanked- chưa sừ dụng dịch vụ ngân hàng và underbanked - chưa được phục vụ dịch vụ ngân hàng, đang tiếp cận tài chính thông qua các giải pháp kỹ thuật số như ví điện tử.

    Tình trạng tài chính toàn diện hiện nay

    Tài chính toàn diện (Financial inclusion), là một thành phần thiết yếu của tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. World Bank ước tính khoảng 1.4 tỷ người trưởng thành vẫn chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng (Unbanked) và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trên toàn thế giới vẫn đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự gián đoạn của hệ thống tài chính.

    “Unbanked” đề cập đến những cá nhân không sử dụng các dịch vụ ngân hàng truyền thống dưới bất kỳ hình thức nào, và thường chỉ sử dụng tiền mặt, tấm séc, cho vay ngắn hạn, dịch vụ cầm đồ... Trong khi đó, “Underbanked” đề cập đến các cá nhân hoặc doanh nghiệp không có hoặc bị hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính mà họ cần để giúp quản lý tiền bạc và cải thiện phúc lợi kinh tế của mình với chi phí hợp lý.

    Maroc, Việt Nam, Ai Cập, Philippines, Mexico là 5 quốc gia hàng đầu có dân số không sử dụng dịch vụ ngân hàng lớn nhất, theo một nghiên cứu của Merchant Machine, Anh Quốc.

    Theo thống kê của NHNN, gần 80% dân số Việt Nam thuộc diện unbanked và underbanked. Hơn 70% dân số Việt Nam tập trung ở khu vực nông thôn nhưng việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng hiện đại ở những khu vực này rất hạn chế. Số liệu năm 2020 cho thấy mặc dù 70% người trưởng thành trong nước có tài khoản ngân hàng, nhưng gần một nửa trong số đó có nhiều hạn chế trong việc tiếp cận tín dụng.

    Đến hết năm 2022, số người trưởng thành có tài khoản ngân hàng tăng lên khoảng 77%, nhờ sự bùng nổ trong việc mở tài khoản bằng eKYC, thanh toán không bằng tiền mặt (thông qua QR code và mobile/internet banking).

    Mặc dù Việt Nam có tỷ lệ thâm nhập Internet trên tổng dân số lên tới 79.1%, cao hơn trung bình thế giới ở mức 65.7%, theo Statista, việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng số vẫn còn nhiều hạn chế và rào cản nhất định.

    Theo số liệu năm 2022, Thái Lan, Nhật Bản và Việt Nam là ba quốc gia châu Á chậm trễ nhất trong việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, với tỷ lệ giao dịch bằng tiền mặt lần lượt ở mức 56%, 51% và 47%.  


    Tại sao dân số Unbanked cao?

    ​Nhóm người Unbanked và Underbanked nhiều khả năng có thu nhập thấp hơn, trình độ học vấn và sự hiểu biết tài chính, kiến thức tài chính cá nhân thấp hơn hoặc thuộc nhóm dân tộc thiểu số.

    Một số lý do khác cũng bao gồm, không đủ giấy tờ tùy thân hoặc chứng minh tài chính để tiếp cận tín dụng hoặc bảo hiểm; cơ sở hạ tầng ngân hàng hạn chế ở các khu vực vùng sâu; sản phẩm tài chính không đủ đa dạng để đáp ứng nhu cầu của dân số có thu nhập thấp hoặc nhu cầu của nhóm này chỉ dừng lại ở dịch vụ tài khoản tiết kiệm;…

    Tại tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước, tỷ lệ xã không có điểm giao dịch còn tương đối cao như ở Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên, Quảng Bình, Bến Tre, chỉ có 22.2% số xã/thị trấn là có điểm cung cấp dịch vụ tài chính. Nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng thấp hơn mức trung bình cả nước, như Bắc Kạn 57.1% (Viện Chiến lược Ngân hàng, 2023).

    Mặt khác, Việt Nam đang chọn đi lối tắt hướng đến tài chính toàn diện thông qua các công nghệ kỹ thuật số. Hiện Việt Nam đang trong giai đoạn triển khai thí điểm mobile money, dự kiến đến hết năm 2024, nên các quy định về ngân hàng số và thanh toán qua kênh internet/mobile vẫn chưa được xây dựng rõ ràng và hoàn thiện. Do vậy mà quá trình chuyển đổi số hay sự ra mắt của các fintechs và sản phẩm tài chính mới tiếp cận đến nhóm dân số underbanked diễn ra còn chậm chạp và nhiều bất cập.

    Theo khảo sát của PwC năm 2023 về ngân hàng số với sự tham gia của hơn 30 ngân hàng hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, hơn 80% các ngân hàng cho biết họ vẫn chưa đạt được thành công đáng kể với các mục tiêu số hóa, mặc dù hơn 70% số ngân hàng cho biết đã có chiến lược chuyển đổi số rõ ràng.  

    Tác động của dân số underbanked đến nền kinh tế

    Tài chính toàn diện có mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển kinh tế của một đất nước, trong đó ngành ngân hàng được xem là huyết mạch của nền kinh tế, là kênh giúp kết nối tất cả mọi người trên phương diện tài chính. Do vậy, số lượng dân số unbanked lớn cũng có tác động quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế nói chung.

    Thứ nhất, dân số unbanked thường không có thói quen tiết kiệm và có nhiều rủi ro đối mặt với khó khăn tài chính cao hơn. Khi không được tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm và tiết kiệm, những người unbanked sẽ dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc tài chính, chẳng hạn như trong giai đoạn Covid-19, mất mùa vụ hoặc các trường hợp khẩn cấp khác… có thể dẫn đến tình trạng nghèo đói và nợ nần gia tăng.

    Đối với nhóm underbanked, đặc biệt là các SMEs ở vùng nông thôn có sản phẩm tín dụng và đầu tư hạn chế, có thể đối mặt với rủi ro phát triển chậm, tạm ngừng hoạt động hoặc thậm chí phá sản. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á, 2023, các doanh nghiệp siêu nhỏ và SMEs tại Việt Nam có nhu cầu tài chính chưa được đáp ứng ước tính lên tới khoảng 500 nghìn tỷ đồng (21 tỷ USD). Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp này chiếm tới 40% GDP cả nước.

    Theo nghiên cứu của EY, 2018, cho thấy tài chính toàn diện có thể, làm tăng GDP lên tới 14% ở các nền kinh tế lớn đang phát triển như Ấn Độ và lên tới 30% ở các thị trường cận biên như Kenya. Và giúp tăng doanh thu ngân hàng thêm 200 tỷ USD (tương đương 20% doanh thu năm 2016 của các ngân hàng ở thị trường mới nổi) tại 60 quốc gia.

    Tiếp theo là sự gia tăng trong mảng tín dụng đen. Nhiều hộ gia đình và các doanh nghiệp siêu nhỏ tìm tới “tín dụng đen” hoặc cho vay lãi suất cao để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng và hoạt động kinh doanh. Vì nhiều lý do như thiếu sự tiếp cận đến các dịch vụ tài chính cần thiết và yêu cầu cho vay khắt khe. 10Th 2023, có gần 540 vụ việc liên quan đến cho vay nặng lãi và khủng bố đòi nợ đã bị phát hiện và khởi tố với hàng nghìn đối tượng về tội cho vay nặng lãi, chiếm đoạt tài sản và cố ý gây thương tích đã bị truy tố trách nhiệm. Điều này cũng là một thực trạng gây khó khăn lên mục tiêu tăng trưởng tín dụng tiêu dùng chính thức của cả nước.

    Ngoài ra, tỷ lệ dân số unbanked/underbanked cao còn chỉ ra vấn đề kiến thức tài chính cá nhân của người dân nói chung ở mức thấp. Mặc dù 70% dân số trưởng thành của Việt Nam có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn có một khoảng cách khá lớn giữa sự tiếp cận tài chính vs. nhận thức tài chính. Bởi tỷ lệ dân số thiếu hiểu biết về tài chính (Financial illiterate) ở Việt Nam đang ở tới mức 70%.

    Các chuyên gia cho rằng sự hiểu biết về tài chính nên đi đôi với hiểu biết về kỹ thuật số khi hầu hết người tiêu dùng hiện nay đang xử lý tài chính thông qua các công nghệ kỹ thuật số. Ngoài tín dụng đen, hiện nay có rất nhiều hành vi gian lận và thao túng nhắm vào nhóm người thiếu hiểu biết về tài chính đang cố gắng tiếp cận tài chính kỹ thuật số. Trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8,000 – 10,000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Theo Bộ công an, con số thực tế có thể còn cao hơn vì nhiều người dân không đi trình báo.  

    Chuyển đổi số - Lối đi tắt đến tài chính toàn diện

    Để thúc đẩy tài chính toàn diện, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thí điểm dịch vụ mobile money (Quyết định 316/QD-TTg) trong 2 năm từ năm 2021, nhằm đạt các mục tiêu: (1) Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính ở khu vực nông thôn; (2) Giảm chi phí xã hội cho việc phát triển kênh TTKDTM và mang lại lợi ích cho người dùng; (3) Sử dụng kết quả thí điểm mobile money để xây dựng các quy định chính thức về cung cấp dịch vụ mobile money tại Việt Nam.

    Theo đó, NHNN đã chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ mobile money với 3 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Việt Nam là VNPT - Media, Viettel và MobiFone. Quyết định này dự kiến kéo dài đến hết năm 2024.

    Theo báo cáo từ Bộ Thông tin truyền thông, năm 2022, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 86/193 quốc gia về chính phủ số, chính phủ điện tử. Kinh tế số đạt tốc độ tăng trưởng 28%, đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

    Theo trang Nikkei Asia, khu vực APAC được dự đoán sẽ dẫn đầu trong việc sử dụng ví kỹ thuật số cho các giao dịch trực tiếp, chiếm 59% trong tổng số 36.7 nghìn tỷ USD thị trường điểm bán hàng trong khu vực vào năm 2026. Tỷ lệ này cao hơn Trung Đông và Châu Phi ở mức 24%, Châu Âu là 20% và Bắc Mỹ là 16%.

    Ngoài ra, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được dự đoán sẽ dẫn đầu về khối lượng giao dịch thanh toán không bằng tiền mặt trong khu vực. Theo các chuyên gia, tổng khối lượng thanh toán ở Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng 86%, đạt mức 54 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Trong đó, Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ lên đến 152%, với tổng khối lượng thanh toán đạt 21.5 nghìn tỷ USD, vượt qua cả mức dự đoán cho Indonesia là 18.3 nghìn tỷ USD.

    Nhìn về phía trước, những thách thức lớn vẫn sẽ là việc cải thiện tình trạng thiếu hiểu biết về tài chính, thông qua bổ sung kiến thức tài chính cá nhân và giảm khả năng tiếp cận bất bình đẳng vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

    Để cải thiện kiến thức tài chính cá nhân, và hiểu biết về lập kế hoạch tài chính cá nhân, nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất nên đưa giáo dục tài chính vào chương trình giảng dạy ở trường và phát triển các chương trình mục tiêu dành cho người lớn, như hội thảo, tọa đàm và nền tảng trực tuyến.

    Ngoài ra, Chính phủ nên đóng vai trò tích cực hơn trong việc nâng cao kiến thức tài chính cá nhân và bảo vệ người tiêu dùng bằng cách thực hiện các chính sách và quy định đảm bảo thực hành đạo đức và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán