Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)

Tổng sản phẩm quốc nội (Gross domestic product - GDP) là giá trị tiền tệ của tất cả các hàng hoá và dịch vụ được tạo ra bởi một quốc gia trong một thời điểm nhất định, thường là một năm. GDP thể hiện bao quát nền kinh tế của một quốc gia qua việc ước tính quy mô và đà tăng trưởng của nền kinh tế đó. Theo Tổng Cục Thống kê , GDP Việt Nam năm 2022 đạt 9,513 triệu tỷ đồng (~409 tỷ USD), tăng 8.02% so với năm 2021.

GDP có thể được tính theo ba cách: sản lượng sản xuất, chi tiêu, hoặc thu nhập. Tất cả các phương pháp sẽ cho cùng một kết quả.


- Phương pháp sản xuất: tổng giá trị tăng thêm của tất cả các ngành kinh tế trong quốc gia, với giá trị tăng thêm là chênh lệch giữa giá trị sản phẩm và giá trị các nguyên liệu đầu vào.

GDP =Tổng giá trị sản xuất - Tổng giá trị tiêu dùng trung gian = Tổng giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế + Khấu hao + Thuế gián thu - Trợ cấp gián thu.

- Phương pháp sử dụng: tổng chi tiêu của các đối tượng kinh tế cho các hàng hóa, dịch vụ cuối cùng trong quốc gia, và các đối tượng bao gồm: người tiêu dùng, chính phủ, doanh nghiệp và nước ngoài. 

GDP = tiêu dùng (C) + chi tiêu của chính phủ (G) + đầu tư (I)+ xuất khẩu ròng (NX).

Trong đó, xuất khẩu ròng = xuất khẩu - nhập khẩu


- Phương pháp thu nhập: tổng các thu nhập do toàn bộ chủ thể sản xuất trong nền kinh tế tạo ra.

GDP = Tiền lương (W) + Tiền thuê bất động sản (R) + Tiền lãi (I) + Lợi nhuận (Pr) + Thuế gián thu (T) + Khấu hao tài sản cố định (D) 

Theo Tổng cục Thống kê nước ta, Việt Nam đang tính GDP hàng quý, năm theo Phương pháp sản xuất và Phương pháp sử dụng, vì hai phương pháp này dựa vào hoạt động sản xuất và hành vi tiêu dùng của các chủ thể trong nền kinh tế, đảm bảo tính khoa học và xác thực. 

GDP đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế khi nó cho biết tổng thể sức khỏe kinh tế của một quốc gia, cho phép các nhà hoạch định chính sách biết được mức độ tăng trưởng kinh tế, từ đó đưa ra chính sách điều hành, định hướng đầu tư, v.v. phù hợp. GDP cho biết cấu trúc của nền kinh tế, thông qua phân tích các thành phần của GDP như tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu chính phủ hay xuất khẩu ròng, qua đó đánh giá được mức độ đóng góp của từng lĩnh vực vào sức mạnh nền kinh tế chung. Ngoài ra, đây còn là cơ sở để so sánh giữa các quốc gia về mức độ phát triển, dựa trên quy mô hoặc tốc độ tăng trưởng GDP. 

GDP cũng là một trong những chỉ số quan trong đối với thị trường tài chính. Nếu GDP tăng, doanh thu và lợi nhuận của các công ty thường sẽ tăng, dẫn đến giá của các cổ phiếu tăng theo.Bên cạnh đó, GDP tăng cũng giúp tâm lý nhà đầu tư lạc quan hơn vào nền kinh tế, tăng nhu cầu đầu tư và tạo đà tích cực cho thị trường chứng khoán. 


Xem thêm: Các bước cơ bản đầu tư chứng khoán