Điểm nhấn chính:
- Quản lý tiền bạc là một kỹ năng thiết yếu với bất kỳ ai, kể cả lúc dư dả về tiền bạc hay gặp khó khăn về tài chính, bao gồm cả trẻ em.
- Giáo dục tài chính cho trẻ về tiền bạc từ sớm sẽ giúp trẻ hình thành tư duy về tài chính cá nhân, hữu ích cho cuộc sống trưởng thành sau này của trẻ.
Nhận thức của trẻ về tiền bạc
Tại Việt Nam, hiện chưa có chương trình giáo dục tài chính cho trẻ chính thức dành cho học sinh tại trường học. Theo khảo sát của Prudential, bậc phụ huynh ở Việt Nam có 2 luồng quan điểm khác đối với giáo dục tài chính cho trẻ. Với quan điểm truyền thống, cha mẹ cho rằng giáo dục chỉ nên tập trung vào các môn học chính như Toán, Văn, Anh, v.v. Trong khi đó, cha mẹ theo quan điểm hiện đại cho rằng nên bổ sung cho trẻ các kỹ năng liên quan đến quản lý tài chính từ nhỏ.
Điều đáng lo ngại là quan điểm truyền thống có vẻ lại phổ biến hơn, và điều này được cho là sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của con trẻ, đặc biệt là khi chúng bươc chân vào cánh cửa Đại học và phải chịu toàn bộ trách nhiệm cho tài chính của mình. Theo đó, để giúp trẻ em và các bậc phụ huynh hiểu được các nguyên tắc cơ bản về tài chính cá nhân con trẻ, hãy cùng tìm hiểu bài viết sau để nắm bắt được mấu chốt để giáo dục tài chính cho trẻ, dạy trẻ về tiền bạc, giúp con sẵn sàng trong việc quản lý tài chính khi trưởng thành.
Các thói quen tiền bạc của cha mẹ ảnh hưởng đến con cái
Có thể một số cha mẹ sẽ tự hỏi bản thân rằng: con mình sẽ như thế nào khi chúng trưởng thành? Liệu cuộc sống “thoải mái” ở hiện tại có khiến chúng choáng ngợp trước những khó khăn mà một người trưởng thành có thể đối mặt, bao gồm cả vấn đề tài chính? Theo đó, các bậc cha mẹ không nên để con mình lớn lên với tâm lý “sẽ được hưởng”.
Để con học hỏi được những kỹ năng quan trọng trong quản lý tài chính từ nhỏ, bản thân mỗi người cha, người mẹ cần là tấm gương tốt để con “bắt chước” theo – người biết quản lý tài chính với những thói quan chi tiêu có kế hoạch, trách nhiệm. Nó có thể bắt đầu từ việc lập ngân sách chi tiêu gia đình hàng tháng, tiết kiệm, học cách đầu tư vào những thứ có tiềm năng tăng giá trong tương lai, v.v. tất cả đều hướng đến việc đạt được mục tiêu tài chính đã đề ra. Theo đó, việc giáo dục tài chính cho trẻ không chỉ là từ trường lớp mà nó cần bắt đầu ngay từ những hành vi của cha mẹ.
Giáo dục tài chính cho trẻ: Những nguyên tắc cơ bản về tài chính con cần biết
Chúng ta cần dạy con cái những gì về để giúp chúng có sự hiểu biết về mặt tài chính? Dưới đây là 08 yếu tố quan trọng bạn nên tập trung trong việc giáo dục tài chính cho trẻ, dạy trẻ về tiền bạc và một số cách dễ dàng để giới thiệu từng yếu tố sau cho trẻ.
1. Giải thích công dụng của tiền bạc
Thế giới này được “vận hành” nhờ tiền, nhưng bản thân tiền lại không có bất kỳ giá trị nội tại nào. Giá trị của tiền bạc được “mở khóa” sau khi nó được tiêu thụ. Do đó, việc giáo dục cho trẻ về công dụng của tiền bạc sẽ thiết lập sự thấu hiểu về tầm quan trọng của đồng tiền. Và điều này cũng giúp các bậc phụ huynh lý giải cho trẻ vì sao cha mẹ phải đi làm việc, thay vì dành nhiều thời gian cho con, gia đình như điều trẻ nhỏ thường mong muốn.
Trẻ em thường phát hiện rằng tiền là một phương tiện trao đổii qua việc quan sát cha mẹ thực hiện các hoạt động thường ngày như mua sắm hay đặt hàng. Nó là phương tiện trung gian để giúp ta mua bán các dịch vụ, sản phẩm, … Quan trọng hơn cả, tiền đại diện cho giá trị của một vật phẩm. Nó có thể được sử dụng nhằm đạt nhiều mục tiêu tài chính khác nhau, như trả tiền học, mua nhà cửa và các dịch vụ khác.
Một số cách đơn giản bạn có thể dạy con mình khái niệm này bao gồm:
- Hãy cho con tham gia vào các cuộc thảo luận về vai trò của tiền trong cuộc sống hàng ngày của mình.
- Giải thích cách công việc hiện tại của mình giúp bản thân kiếm được thu nhập, thu nhập của mình đã thay đổi như thế nào theo thời gian khi mình có thêm kinh nghiệm và chuyên môn cũng như những gì bản thân làm với tiền lương của mình mỗi tháng.
- Đưa ra ví dụ về các loại hóa đơn bản thân phải trả mỗi tháng và mục đích của chúng.
- Chia sẻ câu chuyện về một số mục tiêu tài chính mà bản thân đã có, những gì mình đã làm để đạt được chúng và thời gian dành ra để hoàn thành chúng.
- Giới thiệu khái niệm về lập ngân sách và hưởng dẫn cách phân bổ tiền cho các mục đích khác nhau.
Bạn cần giúp con hiểu được tiền không chỉ quan trọng cho các mục tiêu ngắn hạn. Mặc dù cần phải có đủ tiền để thanh toán các hóa đơn hàng tháng nhưng tiền sẽ trở nên có ý nghĩa hơn khi nó được sử dụng cho các mục tiêu dài hạn, lớn lao hơn.
Nhìn chung, thế hệ trẻ đặc biệt cần sự giúp đỡ của các bậc cha mẹ để nhìn xa hơn về tình hình tài chính tương lai, thay vì chỉ gói gọn trong sự “sung túc” của cuộc sống hiện tại, và đây cũng là một phần quan trọng của phong trào FIRE – Độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm.
2. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiếm tiền, tiết kiệm và đầu tư
Cách quan trọng và hữu hiệu nhất trong việc xóa bỏ tâm lý được hưởng của con trẻ là làm việc. Bằng cách làm việc, nó sẽ giúp cho con bạn thấm nhuần được sự quan trọng của đánh đổi công sức lao động của mình để nhận lấy những “đồng lương” mình nhận được. Ngoài ra, hãy giáo dục cho con thói quen kiểm tra, theo dõi mọi chi phí và đầu tư, đưa tư duy này vào cuộc sống hàng ngày của con cho đến khi nó trở thành một thói quen. Bằng cách nắm bắt sức mạnh của lãi kép ngay từ khi còn nhỏ, con có thể tác động tích cực từ “lãi kép” khi trưởng thành. Cha mẹ có thể dạy về tầm quan trọng của việc kiếm tiền, tiết kiệm và đầu tư một cách có trách nhiệm bằng cách:
- Cho trẻ làm các công việc nhà hoặc công việc để kiếm tiền tiêu vặt, dạy khái niệm kiếm tiền thông qua làm việc.
- Khuyến khích con đặt mục tiêu tiết kiệm và tạo thói quen tích tiền vào heo đất/tài khoản tiết kiệm.
- Giới thiệu khái niệm đầu tư bằng cách giải thích cổ phiếu, trái phiếu và quỹ tương hỗ, v.v. là sự thay đổi của các loại tài sản này sau một thời gian nắm giữ.
- Hướng dẫn việc đưa ra các quyết định chi tiêu, bằng cách cho con so sánh và cân nhắc giữa chi phí bỏ ra và lợi ích con nhận được khi mua món hàng đó.
3. Giới thiệu cơ chế hoạt động cơ bản của ngân hàng – gửi tiền, rút tiền, vay và cho vay
Bạn cũng có thể cho con học quản lý tài chính từ nhỏ thông qua việc tìm hiểu về cách thức các ngân hàng hoạt động, các loại dịch vụ họ cung cấp và tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền cho các nhu cầu hoặc quỹ khẩn cấp.
Dưới đây là một số cách để giới thiệu những kiến thức cơ bản về ngân hàng:
- Hãy đến ngân hàng để mở tài khoản tiết kiệm đứng tên con (cha mẹ là người đại diện theo pháp luật), cho con gửi tiết kiệm hàng tháng vào tài khoản và cùng con theo dõi tài khoản.
- Đặt mục tiêu tiết kiệm để mua một món đồ chơi mới, cuốn sách, trang phục, đôi giày, buổi hòa nhạc, v.v. để khuyến khích và theo dõi cách trẻ tiết kiệm để đạt được mục tiêu đó.
- Nói cho con về tầm quan trọng của quỹ khẩn cấp và tiết kiệm các mục tiêu tài chính cụ thể, chẳng hạn như học phí đại học hay các kỳ nghỉ lễ.
4. Giải thích các nguyên tắc cơ bản về lãi suất
Giáo dục tài chính cho trẻ từ sớm và giúp con hiểu khái niệm kiếm lãi từ tiền tiết kiệm và đầu tư là rất quan trọng bởi đây là “cơ chế” để xây dựng sự giàu có theo thời gian. Lãi kép (Compound interest) là lãi của một khoản vay hoặc tiền gửi được tính dựa trên cả số tiền gốc ban đầu và lãi tích lũy được từ các kỳ trước. Điều này có nghĩa là, nếu con bắt đầu tiết kiệm và đầu tư để sinh lãi từ sớm, phần lãi con nhận được trong tương lai sẽ càng lớn.
Bạn có thể dạy con những nguyên tắc cơ bản này theo nhiều cách khác nhau:
- Giải thích cách thức hoạt động của lãi suất bằng các ví dụ thực tế, chẳng hạn như tài khoản tiết kiệm hoặc tài khoản đầu tư.
- Lấy ví dụ về sức mạnh của lãi kép bằng cách chỉ ra những khoản đóng góp nhỏ, thường xuyên có thể tăng trưởng đáng kể theo thời gian như thế nào. Bạn có thể tham khảo bài viết “1,000 tỷ đồng hay 1 tỷ đồng”.
- Ngược lại với chi phí vay tiền. Cho con thấy nếu con đi vay tiền, nếu không cố gắng thanh toán càng sớm càng tốt thì những khoản lãi vay dài hạn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tài chính của con.
- Khuyến khích con tiết kiệm một phần số tiền nhận được, như tiền lì xì, tiền thưởng từ kết quả học tập, v.v.
5. Lựa chọn chi tiêu thông minh
Hiểu được sự khác biệt giữa mong muốn và nhu cầu là điều cần thiết để biết chi tiêu có trách nhiệm. Đây cũng là một trong những khái niệm khó đối với trẻ nhỏ, nhưng rất quan trọng trong việc quản lý tài chính từ nhỏ.
Đầu tiên, bạn và con cần hiểu được hai khái niệm này. Nhu cầu là những thứ bạn/con bạn không thể sống nếu thiếu chúng, chẳng hạn như nơi ở, thực phẩm, tiện ích như điện nước, v.v. Trong khi đó, mong muốn là những thứ giúp chúng ta hạnh phúc hơn khi có được nó nhưng không hoàn toàn cần thiết, cảng hạn như hoạt động giải trí, mua máy chơi game, v.v. Hãy thử những bài tập này với con của mình:
- Cho con phân biệt các khoản chi tiêu hàng tháng của con, của gia đình, đâu là nhu cầu, đâu là mong muốn?
- Cho con đi mua sắm thực phẩm, đồ uống cùng bạn để con nhận biết các mặt hàng và từ đó có sự so sánh giá cả và mức độ cần thiết của chúng đối với cuộc sống thực tế của gia đình bạn.
- Khuyến khích con lập ngân sách, ưu tiên chi tiêu cho các khoản nhu cầu và dành dụm cho các mong muốn.
6. Giải thích tầm quan trọng của việc kiếm tiền và đa dạng hóa nguồn thu nhập
Khuyến khích con tìm hiểu các cơ hội để tạo nguồn thu nhập đa dạng. Ngoài phương án thông thường như giúp ba mẹ làm việc nhà, con có thể tìm đến các công việc bán thời gian (part-time) nếu đủ tuổi. Điều này không những giúp con tạo thu nhập mà còn giúp con hình thành các kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống độc lập của con sau này.
Theo đó, cha mẹ có thể giúp con tìm hiểu các công việc part-time phù hợp với độ tuổi được phép của con, để con hiểu về giá trị của đồng tiền, của sự chăm chỉ và trách nhiệm. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể khuyến khích con học tập để đạt được học bổng, các phần thưởng trên trường lớp, v.v.
Giáo dục tài chính cho trẻ: trò chuyện với con về tiền bạc
Các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện
với con, giáo dục tài chính cho trẻ
để chúng hiểu rằng tiền bạc không phải là vô hạn
và mọi thứ các con có hiện tại không tự nhiên mà có. Việc giải thích rằng, cha
mẹ dành thời gian và công sức kiếm tiền để chi trả cho các chi phí trong cuộc sống,
từ học phí đến các nhu yếu phẩm. Điều này giúp trẻ hiểu giá trị của đồng tiền, biết
trân trọng những gì mình có và không xem mọi thứ mình nhận được là điều hiển
nhiên.
Giáo dục tài chính cho trẻ bằng cách tích hợp chủ đề tài chính cá nhân vào các cuộc trò chuyện hàng ngày, trẻ dần sẽ hiểu rõ hơn về những khái niệm như chi phí cơ hội hay lãi suất kép. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu về tầm quan trọng của đầu tư và quản lý tài chính khi bước vào tuổi trưởng thành.
Việc giáo dục tài chính cá nhân cho con cái thiết lập nền tảng vững chắc cho tương lai, bởi các quyết định tài chính của con sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt trong cuộc sống, từ sự nghiệp, lối sống cho đến kế hoạch hưu trí. Điều quan trọng là cha mẹ cần truyền đạt kiến thức này trước khi trẻ bước vào hành trình tự lập, vì tài khoản của cha mẹ không thể hỗ trợ các con mãi mãi.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.