Thông thường, văn hóa doanh nghiệp bắt nguồn từ những giá trị cốt lõi và phát triển một cách tự nhiên theo thời gian, tổng hợp từ những đặc điểm của từng cá nhân làm việc cho công ty.
Văn hóa của công ty sẽ được thể hiện trong các quy định, ví dụ như về trang phục, giờ làm việc, bố trí nội thất văn phòng, phúc lợi của nhân viên, doanh thu, tuyển dụng, cách đối xử với nhân viên với khách hàng, sự hài lòng của khách hàng và các khía cạnh khác trong hoạt động của một công ty.
Tại sao văn hóa doanh nghiệp lại quan trọng?
Văn hóa doanh nghiệp rất quan trọng vì nó có thể thúc đẩy các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ, nhân viên có thể bị thu hút bởi các công ty có giá trị văn hóa như họ mong muốn, từ đó có thể thúc đẩy việc giữ chân nhân viên và thu hút nhân tài mới. Khuyến khích văn hóa doanh nghiệp đổi mới có thể rất quan trọng trong việc duy trì lợi thế cạnh tranh của công ty. Cùng với đó, văn hóa doanh nghiệp cũng có thể quan trọng trong việc giới thiệu công ty tới khách hàng và xã hội, qua đó giúp củng cố và nâng cao nhận thức của công chúng về công ty.
Sự hình thành của văn hóa doanh nghiệp
Nhận thức về văn hóa trong các doanh nghiệp và các tổ chức như trường đại học, xuất hiện vào những năm 1960 tại Mỹ. Sau đó, thuật ngữ "văn hóa doanh nghiệp" được hình thành vào đầu những năm 1980 và được biết đến rộng rãi vào những năm 1990. Tại thời điểm đó, văn hóa doanh nghiệp được sử dụng bởi các nhà quản lý, nhà xã hội học và các học giả khác để mô tả đặc điểm của một công ty.
Đến khoảng năm 2015, văn hóa doanh nghiệp không chỉ được tạo ra bởi những người sáng lập, quản lý và nhân viên của một công ty, mà còn bị ảnh hưởng bởi văn hóa và truyền thống quốc gia, xu hướng phát triển kinh tế, tình hình thương mại quốc tế, quy mô công ty và sản phẩm.
Bối cảnh toàn cầu hóa và sự hội nhập quốc tế ngày càng tăng ngày nay đã làm xuất hiện thêm nhiều thuật ngữ mới liên quan đến việc các công ty bị tác động bởi hiện tượng đa văn hóa, ví dụ như:
- Giao thoa văn hóa (cross–culture):đề cập đến những người đến từ các quốc gia với những bản sắc văn hóa, dân tộc khác nhau cùng làm việc trong một môi trường.
- Sốc văn hóa (culture shock): đề cập đến hiện tượng bối rối hoặc lo lắng mà mọi người gặp phải khi phải làm việc trong một môi trường với nền văn hóa khác với nơi họ từng sống.
- Sốc văn hóa ngược (reverse culture shock): thường xảy ra với những người dành thời gian dài học tập và làm việc ở nước ngoài, gặp khó khăn trong việc điều chỉnh các giá trị khi trở về nước.
Ngày nay, nhận thức về văn hóa doanh nghiệp và hiểu được tầm quan trọng của nó đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Theo nghiên cứu của Deloitte cho thấy, hơn 90% giám đốc điều hành tin rằng văn hóa doanh nghiệp mạnh là điều bắt buộc để thành công trong kinh doanh.
Giá trị mà văn hóa doanh nghiệp tốt mang lại
Một nền văn hóa doanh nghiệp được cân nhắc kỹ lưỡng, thậm chí là đổi mới nếu cần thiết, có thể giúp các công ty vượt mặt đối thủ cạnh tranh và trở thành bàn đạp thúc đẩy cho sự thành công lâu dài. Một nền văn hóa như vậy có thể:
- Tạo nên một môi trường làm việc tích cực
- Hình thành sự gắn kết, nhiệt tình và năng động của các nhân viên
- Thu hút những ứng viên có tiềm năng
- Giảm tỷ lệ nhân viên xin thôi việc
- Thúc đẩy và cải thiện hiệu suất và năng suất làm việc
- Mang lại kết quả kinh doanh khả quan
- Làm nền tảng để công ty duy trì và phát triển
- Đẩy mạnh tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư (ROI)
- Đem lại lợi thế cạnh tranh vững chắc
- Giúp nhân viên hiểu được mục tiêu của vị trí, bộ phận của họ và của cả công ty
- Góp phần đa dạng hóa lực lượng lao động
Các loại văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa gia đình
Mô hình văn hóa gia đình (Clan culture) thể hiện môi trường làm việc có sự đồng thuận, tinh thần đồng đội và sự hợp tác cao. Trong một nền văn hóa như vậy, những người quản lý có vai trò như những người cố vấn hướng dẫn nhiệt tình cho cấp dưới. Mối quan hệ tốt, sự khuyến khích, tin tưởng và tham gia đóng góp là những khía cạnh quan trọng. Nỗ lực đóng góp của mỗi nhân viên là một thành phần quan trọng trong văn hóa nhóm. Ngoài ra, văn hóa gia đình có thể dễ dàng thích ứng với sự thay đổi, và nhanh chóng đưa ra các phương án hành động cần thiết.
Văn hóa sáng tạo
Văn hóa sáng tạo (Adhocracy culture) giúp tạo ra một môi trường làm việc, trong đó các giám đốc điều hành và nhân viên được đề cao việc đưa ra những sáng kiến, đổi mới và chấp nhận rủi ro. Trong môi trường linh hoạt này, tư duy nhanh nhẹn sẽ được hình thành và phát triển. Nhân viên được khuyến khích đưa ra những ý tưởng đầy tham vọng và hành động để đạt được kết quả, qua đó có thể thúc đẩy các mục tiêu của công ty. Văn hóa sáng tạo sẽ giúp công ty đưa ra các sản phẩm, dịch vụ mới và độc đáo.
Văn hóa thị trường
Văn hóa thị trường (Market culture) tập trung vào việc đáp ứng các mục tiêu cụ thể hướng tới đạt được mục tiêu cuối cùng. Văn hóa này tạo ra một môi trường làm việc cạnh tranh và khắt khe, trong đó ban lãnh đạo dành sự quan tâm hàng đầu đến kết quả kinh doanh. Nhân viên được khuyến khích làm việc chăm chỉ và tập trung hoàn thành công việc để tăng cường sự hiện diện trên thị trường, lợi nhuận và giá cổ phiếu của công ty. Mặc dù nhân viên có thể cảm thấy căng thẳng trong môi trường làm việc như vậy, nhưng họ cũng có thể thấy có động lực, nhiệt tình và hào hứng với công việc của mình khi đạt được kết quả tốt đẹp sau cùng.
Văn hóa phân cấp
Văn hóa phân cấp (Hierarchy culture) là loại văn hóa doanh nghiệp truyền thống, hoạt động theo cơ cấu tổ chức với các công việc của ban điều hành, quản lý và nhân viên công ty. Nghĩa là, nó tuân theo chuỗi mệnh lệnh được đưa từ trên xuống, nơi các nhà điều hành giám sát nhân viên cùng với những nỗ lực của họ để đạt được các mục tiêu cụ thể. Văn hóa phân cấp coi trọng sự ổn định và các quy định thông thường. Do đó, môi trường làm việc có thể được coi là cứng nhắc hơn một số loại văn hóa khác, song văn hóa này giúp nhân viên có thể hiểu rõ được vị trí, vai trò và mục tiêu của họ. Ngoài ra, họ cũng có thể cảm thấy an toàn hơn với cách điều hành thận trọng hơn của công ty.
Tóm tắt:
- Văn hóa doanh nghiệp là một thành phần thiết yếu trong việc duy trì sự thành công của một công ty. Nó đại diện cho các giá trị, niềm tin và mục tiêu cũng như hành vi nhất quán giữa tất cả các thành viên.
- Văn hóa doanh nghiệp là chìa khóa quan trọng để thu hút và giữ chân nhân viên, từ đó nâng cao hiệu suất làm việc, thành tích và kéo dài quá trình phát triển của công ty.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.