Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

TTCK Việt Nam tiến đến thị trường mới nổi_P1

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - TTCK Việt Nam mới được MSCI nâng hạng vì các yêu cầu của MSCI nhiều và khắt khe hơn.

    - Nếu được FTSE nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút 16 quỹ với dòng vốn 90 tỷ USD. Trong trường hợp được MSCI nâng hạng, số quỹ có thể lên tới 844 quỹ với tổng vốn 615 tỷ USD.

    - Theo WorldBank, dòng vốn ngoại vào thị trường VN có thể dao động từ 5-8 tỷ USD/năm.

    - Thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng cũng sẽ giúp toàn bộ thị trường tài chính Việt Nam phát triển hơn.

    Câu chuyện nâng hạng

    Câu chuyện nâng hạng đã có từ 5 năm trước đây, năm nào cũng được nhắc đi nhắc lại để tạo kỳ vọng cho thị trường, nhưng chỉ có năm 2023 mới thật sự quyết tâm. Điển hình cho sự quyết tâm nâng hạng là hệ thống KRX. 

    Nâng hạng thị trường chứng khoán là việc mà thị trường chứng khoán của một quốc gia được xếp hạng cao hơn trong hệ thống xếp hạng quốc tế. Các tổ chức xếp hạng như MSCI (Morgan Stanley Capital International), FTSE Russell, và S&P Dow Jones Indices thường đánh giá các thị trường chứng khoán trên thế giới dựa trên các tiêu chí như quy mô thị trường, thanh khoản, tính minh bạch, khả năng tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài, sự luân chuyển vốn và hiệu quả vận hành thị trường. Các tổ chức này đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nhận thức của NĐT quốc tế về vị thế quốc gia, thị trường và doanh nghiệp.

    Những thị trường đáp ứng tiêu chí thì sẽ được nâng hạng, những thị trường tiềm năng sẽ được đưa vào danh sách theo dõi cho năm sau. Kể từ năm 2018, FTSE Russell và MCSI đã đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên TTCK mới nổi thứ cấp. Hai tổ chức này có những tiêu chí xếp hạng riêng, trong đó FTSE Russell được đánh giá là đưa ra ít tiêu chí hơn và các tiêu chí cũng dễ để đáp ứng hơn so với MSCI.   

    Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang được xếp hạng như thế nào? 

    Kể từ khi đi vào hoạt động vào năm 2000, thị trường chứng khoán Việt Nam  được xếp hạng vào nhóm thị trường cận biên (hạng áp chót chỉ trên các nước kém phát triển). Cho đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được xếp ở vị trí đó bởi các tổ chức xếp hạng hàng đầu thế giới như MSCI, FTSE Russell và S&P Dow Jones.

    FTSE Russel đưa VN vào “danh sách chờ” để theo dõi, xem xét nâng hạng từ T9/2018 đến nay nhưng vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể nào. T9/2023, FTSE Russel đưa VN vào danh sách chờ để tiếp tục theo dõi, xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary emerging market). 

    Theo khung đánh giá của FTSE, hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí đánh giá, nhưng còn 2 tiêu chí chưa đạt được: Một là loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch (pre-funding). Hai là tiêu chí về giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FOL). Đồng thời, FTSE cho rằng Việt Nam cũng cần cải thiện quy trình mở tài khoản cho NĐT nước ngoài để tạo thuận lợi hơn cho họ, mặc dù yếu tố này hiện không nằm trong các tiêu chí xếp hạng chính thức. 

    Tổ chức MSCI vẫn chưa đưa VN vào “Danh sách chờ” để có thể sớm xem xét, đánh giá nâng hạng trong năm 2024 vì VN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu mà MSCI đưa ra. Dự kiến đến năm 2027 mới được MSCI nâng hạng vì các yêu cầu của MSCI nhiều và khắt khe hơn. Các khía cạnh mà Việt Nam cần cải thiện để được nâng xếp hạng theo MSCI bao gồm: 

    - Quy trình đăng ký và mở tài khoản cho NĐT NN, hiện tại yêu cầu phải có sự chấp thuận của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) đang làm trở ngại. 

    - Công bố thông tin bằng Tiếng Anh. 

    - Giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài. Thực tế là do tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn từ các doanh nghiệp nhà nước vẫn diễn ra chậm chạp, và sự tồn tại của quá nhiều ngành nghề kinh doanh được pháp luật điều chỉnh với các điều kiện kinh doanh cụ thể đã vô tình tạo ra rào cản cho NĐT nước ngoài. 

    Mặc dù chỉ được xếp ở nhóm thị trường cận biên, nhưng điểm tích cực là vốn hóa của các doanh nghiệp Việt Nam trong nhóm thị trường cận biên thời gian qua luôn chiếm tỷ trọng lớn hơn so với các trường cận biên khác trong chỉ số MSCI Frontier Market và FTSE Frontier. Ngoài ra, quy mô thị trường cũng như tính thanh khoản cao Việt Nam vẫn cao hơn so với một số thị trường mới nổi khác trên thế giới. 

    Vì sao phải nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam? 

    Thu hút nguồn vốn lớn 

    Việt Nam được định vị ở nhóm thị trường cận biên cho thấy tính chất đầu cơ đáng kể trong giao dịch, dẫn đến các quỹ đầu tư tiếp cận thị trường này thường có quy mô nhỏ và xu hướng đầu cơ cao, đây được xem là rào cản lớn cho các quỹ đầu tư tại các nước phát triển vào thị trường chứng khoán Việt Nam. 

    Các phân hạng thị trường do FTSE và MSCI công bố không chỉ là những cơ sở tham chiếu quan trọng để đánh giá tầm quan trọng của một quốc gia trong kinh tế toàn cầu mà còn ảnh hưởng đáng kể đến các chỉ số tiêu chuẩn toàn cầu.  Các thị trường mới nổi từ lâu đã là điểm nóng thu hút đầu tư, đặc biệt với các nhà đầu tư mạo hiểm kỳ vọng mức sinh lời cao. Quy mô và tính thanh khoản của thị trường mới nổi lớn gấp nhiều lần so với thị trường cận biên, chỉ số chứng khoán của các thị trường mới nổi (MSCI Emerging Market Index) được nhiều quỹ ETF trên toàn cầu lựa chọn để làm chỉ số tham chiếu khi thực hiện đầu tư. 

    Do vậy, các thị trường cận biên nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ có cơ hội tham gia vào thị trường vốn lớn toàn cầu, tiếp nhận nguồn vốn lớn từ các quỹ ETF. 

    Nếu được FTSE nâng hạng, thị trường có thể thu hút 16 quỹ với dòng vốn 90 tỷ USD. Trong trường hợp được MSCI nâng hạng, số quỹ có thể lên tới 844 quỹ với tổng vốn 615 tỷ USD. Theo WorldBank, dòng vốn ngoại vào thị trường VN có thể dao động từ 5-8 tỷ USD mỗi năm.  

    Trong giai đoạn đầu, khi được FTSE Russell nâng hạng, quy mô vốn hấp thụ có thể đạt 2 – 5 tỷ USD từ các Quỹ đầu tư mở, quỹ ETF tham chiếu theo bộ chỉ tiêu của FTSE – tương đương với quy mô TTCK Phillipines hiện tại (được xếp vào TTCK mới nổi sơ cấp) với giả định thị trường chứng khoán Việt Nam
    được phân bổ 0.7% vốn. Con số này được nâng lên 30 tỷ USD sau khi được MSCI nâng hạng. 

    Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi cũng thu hút được lượng vốn khổng lồ đơn cử như quỹ Vanguard FTSE Emerging Markets ETF với vốn hóa 71.21 tỷ USD hay iShares Core MSCI Emerging Markets ETF của Blackrock với vốn hóa 70.03 tỷ USD csẵn sàng du nhập vào thị trường Việt Nam. Nếu chỉ tiếp tục ở thị trường cận biên, quỹ đầu tư thụ động sẽ chỉ dành khoảng 2-3% nguồn vốn. 

    Điển hình là sàn chứng khoán UAE và Qater khi được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào T5/2014, trong thời gian chờ nâng hạng (từ tháng 5/2013 đến tháng 5/2014), các chỉ số chính của hai thị trường này đều tăng mạnh, đạt 47% đối với UAE và 46% cho Qatar. Đồng thời, việc được phân loại là thị trường mới nổi đã thu hút thêm hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư quốc tế vào các thị trường này. 

    Nếu có dòng vốn lớn từ nước ngoài thì thị trường chứng khoán Việt Nam đỡ bị ảnh hưởng bởi các biến động ngắn hạn của NĐT cá nhân, vì 85% giao dịch hàng ngày là của NĐT cá nhân, đồng thời giải quyết được vấn đề thanh khoản hàng ngày của thị trường. 

    Tỷ trọng cổ phiếu VN sẽ chiếm khoảng 0.7-1.2% trong rổ chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE Russell. 

    Tăng niềm tin của NĐT 

    Nhiều nhà đầu tư nước cho rằng, việc mở tài khoản chứng khoán là một quá trình vô cùng phiền phức ở VN vì quá trình thủ tục rườm rà và thị trường chẳng biến động theo một quy luật nào hết. Khi bắt đầu giao dịch, thị trường sẽ hoạt động kém hiệu quả và tính thanh khoản cũng rất thấp. 

    Vì thế, kỳ vọng nâng hạng sẽ tăng niềm tin cho các NĐT đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, từ đó giải quyết được câu chuyện thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp với chi phí vốn thấp, đẩy mạnh sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam, giảm rủi ro cho nền kinh tế và hệ thống ngân hàng.

    Cơ hội cho doanh nghiệp nội địa 

    Nếu thành công nâng hạng, các công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán có khả năng sẽ được đánh giá lại và thị trường tài chính Việt Nam sẽ có những bước phát triển mới, nguồn vốn mới. 

    Sự góp mặt của các NĐT quốc tế còn mang đến cơ hội đổi mới và tiếp thu công nghệ quản lý tiên tiến cho doanh nghiệp nội địa. Sự hợp tác này mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước tiếp cận với những phương pháp quản lý mới, thúc đẩy họ không ngừng cải tiến để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thị trường.   

    Nỗ lực nâng hạng thông qua các đổi mới cho thị trường trong thời gian gần đây 

    Thu hẹp thời gian giao dịch từ T+3 xuống T+2.5 vào T9/2020. 

    Rút ngắn thời gian giao dịch từ T+3 xuống T+2.5 đã giúp dòng tiền vận động nhanh hơn, cải thiện thanh khoản, cải thiện vòng quay giao dịch cổ phiếu, chủ động hơn trong chiến lược đầu tư, kịp thời chốt lời hoặc giảm thiểu thiệt hại. 

    Hệ thống KRX giao dịch T+0 

    Khi KRX được áp dụng, sẽ có một số thay đổi mang tính bước ngoặt cho thị trường như sau: 

    - Giao dịch intraday (T+0): Cho phép nhà đầu tư mua và bán cổ phiếu liên tục ngay trong ngày trên thị trường chứng khoán cơ sở, giúp cải thiện mạnh mẽ về mặt thanh khoản, đồng thời thu hút dòng tiền từ TTCK phái sinh

    - Bán khống (Short selling): Cho phép nhà đầu tư vay mượn cổ phiếu và thực thi bán khống nhằm bảo vệ danh mục hoặc tìm kiếm lợi nhuận khi cổ phiếu giảm giá. Khi này các cổ phiếu sẽ được định giá đúng với giá trị thực hơn. 

    Hệ thống KRX có thể rút ngắn chu kỳ thanh toán từ T+2.5 xuống T+0 từ đó thúc đẩy tỷ lệ quay vòng vốn. Đồng thời, nhiều sản phẩm mới có thể được đưa ra như bán chứng khoán chờ về, những sản phẩm liên quan đến ký quỹ; hoặc trong tương lai, không chỉ phái sinh ở chỉ số chứng khoán mà còn phái sinh cả ở những sản phẩm cổ phiếu. 

    Có nhiều quan điểm khác nhau về vai trò của KRX đối với việc nâng hạng. KRX không trực tiếp hoàn thành các tiêu chí nâng hạng, bởi còn 2 tiêu chí kiên quyết là tỷ lệ sở hữu nước ngoài và yêu cầu ký quỹ 100% trước giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng KRX giúp cải thiện nền tảng kỹ thuật, tạo tiền đề giải quyết nút thắt liên quann đến thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) – tiêu chí quan trọng của việc nâng hạng. 

    Trong ngắn hạn, việc triển khai nhanh chóng hệ thống KRX được xem là bước đi quan trọng, hệ thống này hứa hẹn sẽ nâng cao một số tiêu chí định tính quan trọng của thị trường, đặc biệt đây cũng là tiền đề cho việc bổ sung các sản phẩm tài chính.  

    Nếu KRX đi vào vận hành trong nửa đầu năm 2024, Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được FTSE thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp vào T9/2024.

    Ngoài ra, mỗi khi có sự đổi mới, thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam đều lên và có một nhịp bứt tốc. Chẳng hạn, giai đoạn năm 2012-2013 khi kéo dài thời gian giao dịch, thanh khoản thị trường tăng lên rất cao hay giai đoạn áp dụng phái sinh, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có giai đoạn bùng nổ. Hệ thống KRX tạo động lực cho các CTCK, vì khi giao dịch được thông thoáng, doanh số cũng như thị phần của các CTCK bán lẻ sẽ tích cực.   

    Vừa qua, FTSE Russell, Morgan Stanley, các khách hàng lớn của các tổ chức này đều có phản hồi tích cực và đánh giá cao về những quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cũng như các cơ quan nhà nước trong nỗ lực đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.  

    Hiện nay, Việt Nam đã hoàn thành 7/9 tiêu chí để được nâng hạng của FTSE Russell, hai tiêu chí còn lại rất quan trọng để quyết định xem liệu thị trường chứng khoán Việt Nam có được nâng hạng kịp trong năm nay hay không. Điều này sẽ được đề cập ở phần tiếp theo.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán