Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Khi ngành “xa xỉ” trở thành vũ khí chính trị cho Trung Quốc

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng phức tạp khi Trung Quốc tận dụng các chiến lược truyền thông và thay đổi nhận thức người tiêu dùng để giảm bớt sự phụ thuộc vào hàng Mỹ.

    - Chiến dịch này được mong đợi sẽ nâng cao vị thế hàng "Made in China".  

    Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung

    Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bùng nổ từ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump (2017) khi ông triển khai chiến lược mạnh tay nhằm giảm thặng dư thương mại và yêu cầu Trung Quốc ngừng các hành vi bị cho là không công bằng về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Mỹ áp thuế 10%-25% lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, từ thiết bị điện tử đến hàng tiêu dùng.

    Đến nhiệm kỳ hai (2025), Trump tiếp tục siết chặt bằng cách nâng thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thông qua chính sách thuế đối ứng. Cụ thể, ban đầu áp mức 34% vào ngày 2/4/2025 và tiếp tục nâng lên tới mức 125% vào ngày 10/4. Đáp lại, Trung Quốc liền nâng mức thuế lên 125% đối với hàng Mỹ vào ngày 11/4, đặc biệt nhắm vào nông sản và ô tô, đồng thời sử dụng các chiến lược tinh vi hơn để gây áp lực lên kinh tế Mỹ. Tới ngày 16/4, Mỹ lại tăng thuế “trừng phạt” hàng hóa Trung Quốc lên 245%.

    Tuy nhiên, khác với những lần trước, Trung Quốc lần này không chỉ đáp trả bằng các biện pháp thuế quan đơn giản mà còn chuyển sang những chiến lược khéo léo hơn để suy yếu nền kinh tế Mỹ.

    Các đòn phản công của Trung Quốc ở nhiệm kỳ trước của Trump

    Khi Mỹ bắt đầu áp mức thuế 25% lên 34 tỷ USD hang hóa nhập khẩu, Trung Quốc đã trả đũa bằng cách áp thuế 25% lên các sản phẩm của Mỹ, bao gồm nông sản, ô tô và các mặt hàng tiêu dùng khác. Chính sách này đã khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bước vào một cuộc đụng độ thương mại khốc liệt, làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tiêu cực đến thị trường tài chính.

    - Đợt 1 Tháng 7/2018: Ngay sau khi Mỹ áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Trung Quốc lập tức áp thuế trả đũa 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Mỹ, bao gồm: đậu nành, ngô, lúa mì, thịt bò, thịt lợn, xe ô tô và linh kiện ô tô, hải sản và các sản phẩm thực phẩm chế biến.

    - Đợt 2 Tháng 8/2018: Tiếp nối đợt đánh thuế của Mỹ lên thêm 16 tỷ USD hàng hóa, Trung Quốc áp thuế 25% lên 16 tỷ USD hàng hóa Mỹ, gồm xản phẩm hóa chất, nhiên liệu, xe tải hạng nặng, xe tải bán tải và máy móc nông nghiệp.

    - Đợt 3 Tháng 9/2018: Khi Mỹ mở rộng áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc (sau tăng lên 25% vào 2019), Trung Quốc đáp trả bằng thuế từ 5% đến 10% lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ, bao gồm khí LNG, hóa chất công nghiệp và một số hàng tiêu dùng, mỹ phẩm khác.

    Trong nhiệm kỳ đầu của Trump, Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành nhiều vòng đàm phán thương mại nhưng không đạt được giải pháp toàn diện. Cuối năm 2019, hai nước ký kết thỏa thuận thương mại "giai đoạn một", trong đó Trung Quốc cam kết mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong giai đoạn 2020–2021 so với mức năm 2017, bao gồm nông sản, năng lượng, sản phẩm công nghiệp và dịch vụ. Đổi lại, Mỹ đồng ý giảm một phần thuế, bao gồm hạ mức thuế từ 15% xuống 7.5% đối với khoảng 120 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, thỏa thuận này chỉ giúp làm dịu tạm thời căng thẳng, khi các mức thuế lớn vẫn được duy trì đối với hơn 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Vì vậy, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa thực sự kết thúc mà chỉ tạm thời hạ nhiệt.

    Chiến thuật mới của Trung Quốc: Biến thế mạnh sản xuất thành vũ khí vạch trần sự thật

    Trong bối cảnh thương chiến ngày càng phức tạp, Trung Quốc nhận ra rằng các biện pháp thuế quan ăn miếng trả miếng chỉ tạo ra vòng xoáy tiêu cực cho cả hai phía và không mang lại hiệu quả lâu dài.

    Thay vào đó, Trung Quốc chuyển sang một chiến thuật tinh vi hơn. Đó là đánh vào hình ảnh và giá trị biểu tượng của nền kinh tế Mỹ thông qua ngành hàng xa xỉ – biểu tượng văn hóa tiêu dùng. Từ đó khai thác vị thế vai trò công xưởng toàn cầu của mình.

    Trung Quốc từ lâu đã được coi là “công xưởng” của ngành hàng xa xỉ toàn cầu. Nhiều thương hiệu lớn như Louis Vuitton, Hermès, Coach hay Michael Kors đều có một phần đáng kể trong chuỗi cung ứng được đặt tại các nhà máy ở Trung Quốc. Trong quá khứ, những cơ sở sản xuất này gần như ẩn mình, vận hành theo nguyên tắc bảo mật tuyệt đối để bảo vệ hình ảnh cao cấp của các thương hiệu phương Tây. Thế nhưng gần đây, chính các nhà sản xuất Trung Quốc đã chủ động phá vỡ sự im lặng ấy bằng một làn sóng lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok và các nền tảng nội địa như Taobao Live hay WeChat.

    Cụ thể, nhiều video được đăng tải cho thấy quy trình sản xuất chi tiết của các sản phẩm hàng hiệu nổi tiếng, từ khâu chọn chất liệu, cắt may cho đến đóng gói. Những nhà sản xuất này không chỉ hé lộ công đoạn mà còn công khai cả bảng phân tích chi phí, qua đó cho thấy giá thành sản xuất thực tế chỉ chiếm khoảng 5–10% so với giá bán lẻ ngoài thị trường. Đáng chú ý hơn, họ bắt đầu rao bán các sản phẩm không logo, vốn được cho là “cùng xưởng, cùng chất liệu” với hàng hiệu, nhưng với mức giá rẻ hơn gấp nhiều lần. Xu hướng hàng thật không logo (de-branded luxury) nhanh chóng lan rộng như một trào lưu tiêu dùng mới, khiến ranh giới giữa “hàng nhái” và “hàng thật” trở nên mờ nhòe trong mắt công chúng.

    Điều này không chỉ đặt ra thách thức về mặt cạnh tranh giá cả mà còn trực tiếp tấn công vào niềm tin của người tiêu dùng với các thương hiệu xa xỉ. Trên mạng xã hội, ngày càng nhiều người tiêu dùng bày tỏ sự ngạc nhiên, thậm chí phẫn nộ, khi nhận ra rằng món đồ hàng hiệu mà họ từng bỏ ra hàng ngàn đô để sở hữu thực ra chỉ tốn vài trăm đô để sản xuất. Các bình luận như “Cái bạn gọi là hàng nhái thật ra là hàng thật không logo” hay “Chúng ta đã trả tiền cho logo, không phải chất lượng” đã thu hút hàng chục nghìn lượt đồng tình, phản ánh một sự thay đổi sâu sắc trong tâm lý người tiêu dùng toàn cầu.

    Vì sao Trung Quốc chọn phản công vào ngành hàng xa xỉ Mỹ?

    Việc Trung Quốc lựa chọn tấn công vào ngành hàng xa xỉ, đặc biệt là hàng xa xỉ đến từ Mỹ, không phải là hành động bộc phát mà là một bước đi được tính toán kỹ lưỡng.

    Ngành xa xỉ là biểu tượng mềm của quyền lực Mỹ

    Mỹ tuy không sở hữu nhiều thương hiệu thời trang cao cấp lâu đời như Pháp hay Ý, nhưng lại nắm giữ một thị phần đáng kể trong ngành hàng xa xỉ toàn cầu thông qua các thương hiệu như Michael Kors, Coach (Tapestry), Ralph Lauren, Tory Burch hay Marc Jacobs. Các thương hiệu này không chỉ nổi tiếng ở Mỹ mà còn có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Trung Quốc – nơi từng là động lực tăng trưởng quan trọng trong suốt hơn một thập kỷ qua. Theo Bain & Company, năm 2024, người tiêu dùng Trung Quốc chiếm khoảng 20% tổng doanh số toàn cầu của ngành hàng xa xỉ. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ này có thể tăng lên 35%–40%, củng cố vị thế của Trung Quốc như một trong những thị trường hàng xa xỉ hàng đầu thế giới.Tính đến năm 2024, thị trường hàng xa xỉ Mỹ đạt khoảng 68 tỷ USD, chiếm hơn 0.2% GDP. Dù tỷ trọng kinh tế không lớn, ngành này lại mang giá trị biểu tượng rất cao, thể hiện sự thành công, quyền lực và gu thẩm mỹ và vị thế toàn cầu của nước Mỹ.

    Các thương hiệu như Coach hay Ralph Lauren không chỉ phục vụ người tiêu dùng trong nước mà còn thu hút giới thượng lưu toàn cầu, đặc biệt là khách hàng Trung Quốc. Nói cách khác, hàng xa xỉ là “gương mặt đẹp” của quyền lực Mỹ – nơi sức mạnh đến từ khả năng thiết lập chuẩn mực văn hóa và lối sống toàn cầu. Vì vậy, việc Trung Quốc chọn tấn công vào ngành này cũng vì hiểu rằng đây không chỉ là một đòn đánh kinh tế, mà còn là nỗ lực làm xói mòn sức ảnh hưởng mềm – thứ vũ khí vô hình nhưng lâu dài của nước Mỹ.

    Âm thầm làm xói mòn vị thế thương hiệu Mỹ

    Thay vì nhắm vào các lĩnh vực nhạy cảm như bán dẫn, dược phẩm hay năng lượng – vốn có thể gây ra phản ứng chính sách mạnh mẽ từ Mỹ, Trung Quốc chọn ngành hàng xa xỉ để phản công vì tính chất "ăn mòn" âm thầm. Bằng cách đánh vào thói quen tiêu dùng và nhận thức văn hóa, Trung Quốc kỳ vọng sẽ làm suy yếu sức hấp dẫn lâu dài của các thương hiệu Mỹ mà không cần tạo ra cú sốc kinh tế tức thì.

    Khả năng phản công khó khăn từ phía Mỹ

    Phản ứng của các doanh nghiệp Mỹ trước làn sóng “anti-luxury” từ Trung Quốc nhìn chung còn khá chậm chạp và lúng túng. Một phần bởi các doanh nghiệp xa xỉ Mỹ vốn quen với việc kiểm soát hình ảnh thông qua quảng cáo và chiến lược marketing truyền thống, chưa kịp thích ứng với các cuộc khủng hoảng xuất phát từ mạng xã hội và sự thay đổi đột ngột trong nhận thức thị trường.

    Trong khi đó, Trung Quốc thể hiện rõ khả năng “làm chủ trận địa thông tin” bằng cách kết hợp các chiến dịch truyền thông, KOLs nội địa và làn sóng người tiêu dùng yêu nước. Đòn đánh này không cần dùng đến chính sách hay thuế, nhưng lại có thể làm giảm sức hấp dẫn của hàng Mỹ một cách đáng kể và lâu dài.

    Tận dụng xu hướng tiêu dùng mới

    Trong bối cảnh người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ Gen Z và Millennials, ngày càng chú trọng đến đạo đức sản xuất, bảo vệ môi trường và bản sắc dân tộc, Trung Quốc đã khéo léo thúc đẩy phong trào "tẩy chay hàng ngoại, ủng hộ hàng nội". Việc chuyển hướng tiêu dùng sang các thương hiệu trong nước không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn được gắn với tinh thần tự hào dân tộc. Từ đó giảm bớt sự phụ thuộc vào các thương hiệu Mỹ.

    Ngoài ra, việc các nhà máy Trung Quốc chủ động công khai vai trò của mình không chỉ làm suy yếu hình ảnh "thủ công tinh xảo phương Tây", mà còn nâng cao vị thế hàng "Made in China" như một nền sản xuất tiên tiến, có khả năng tạo ra sản phẩm cao cấp ngang tầm thế giới.

    Mỹ có thể “đấu” lại Trung Quốc trong chuỗi cung ứng giá rẻ?

    Mỹ: Kinh tế tiêu dùng và cái bẫy tự thân

    Có thể thấy, Mỹ vẫn vận hành mô hình kinh tế lấy tiêu dùng làm trung tâm, chiếm 60-70% GDP. Các doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung giá rẻ từ nước ngoài để duy trì giá thành sản phẩm ở mức phù hợp với sức mua đại chúng. Nếu Mỹ cố gắng nội địa hóa hoàn toàn sản xuất, chi phí lao động và hạ tầng cao sẽ đẩy giá thành tăng mạnh, làm suy yếu khả năng cạnh tranh trong nước lẫn quốc tế. Ví dụ, một chiếc iPhone với giá dao động khoảng 700 – 1,000 USD hiện tại, khi có một phần lớn được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng nếu chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất về Mỹ, giá có thể lên đến 3,500 USD một chiếc iPhone, theo Dan Ives, Trưởng phòng nghiên cứu công nghệ của Wedbush Securities.

    Thực tế, từ sau khi loạt thuế quan cao được áp dụng, giá nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ đã tăng đáng kể, khiến chi phí trung bình của hàng tiêu dùng trong nước nhích lên. Theo thống kê của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER), các đợt thuế quan dưới thời Trump trước đây đã làm giảm sản lượng công nghiệp Mỹ 1.3% và làm giá tiêu dùng tăng thêm khoảng 0.4%. Những con số mới trong năm 2025 thậm chí còn có xu hướng tồi tệ hơn, khi áp lực chi phí chồng chất và các chuỗi cung ứng thay thế vẫn chưa thể đạt quy mô tương đương Trung Quốc.

    Mỹ: Vai trò trong chuỗi cung ứng đầu nguồn (giá rẻ) còn hạn chế

    Trong khi Trung Quốc đang đóng vai trò thống lĩnh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong sản xuất và các quy trình thượng nguồn như tìm nguồn nguyên liệu thô, sản xuất linh kiện và lắp ráp. Thì Mỹ là một nhân tố chủ chốt trong các lĩnh vực như công nghệ, tài chính và sản xuất cao cấp. Tuy nhiên cơ sở sản xuất của Mỹ, đặc biệt đối với hàng hóa giá rẻ, thì lại chưa thể so được với Trung Quốc, hoặc các nước xuất khẩu trọng yếu ở châu Á.

    Về lý thuyết, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc nhằm đa dạng hóa rủi ro là cần thiết và đúng hướng. Nhưng trên thực tế, quy mô sản xuất, mạng lưới hậu cần, và trình độ tích hợp công nghệ mà Trung Quốc xây dựng trong hai, ba thập kỷ qua gần như không thể thay thế trong ngắn hạn. Vị thế cố hữu, năng lực công nghiệp rộng lớn và chi phí lao động thấp hơn của Trung Quốc vẫn mang lại cho nước này lợi thế đáng kể trong nhiều lĩnh vực sản xuất toàn cầu. Các nỗ lực chuyển sản xuất sang Việt Nam, Mexico hay Ấn Độ chỉ mới giải quyết được những mặt hàng đơn giản, trong khi sản xuất phức tạp như bán dẫn, thiết bị công nghệ cao, và nguyên liệu cơ bản vẫn lệ thuộc Trung Quốc.

    Kết luận

    Tóm lại, Trung Quốc đã lựa chọn ngành hàng xa xỉ Mỹ không chỉ vì đây là biểu tượng mềm của sức mạnh phương Tây, mà còn vì tác động của nó sẽ lan tỏa từ mặt kinh tế sang mặt xã hội và văn hóa. Một khi niềm tin vào thương hiệu bị phá vỡ, thì những khoản đầu tư quảng bá hàng tỷ USD, những biểu tượng thời thượng lấp lánh của Mỹ, từ các cửa hàng flagship đến các chiến dịch toàn cầu có thể sẽ trở nên vô nghĩa trong mắt người tiêu dùng châu Á. Và đó là một thắng lợi mà không một đòn thuế nào có thể đạt được.

    Còn về thuế quan, trong ngắn hạn, có thể gây áp lực tâm lý và buộc Trung Quốc phải nhượng bộ phần nào trong đàm phán thương mại. Nhưng xét về dài hạn, thuế quan cao lại tạo động lực cho Trung Quốc củng cố sản xuất nội địa, mở rộng thị trường ngoài Mỹ, đồng thời thúc đẩy sáng tạo trong chuỗi giá trị toàn cầu.

    Về phía Mỹ, việc áp thuế dẫn đến giá thành cao hơn cho người tiêu dùng, giảm sức mua, và gia tăng nguy cơ lạm phát kéo dài — đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang chịu áp lực từ chi phí vốn cao và bất ổn tài chính toàn cầu.


      Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

      Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada
      Tải App Ngay
      hoặc truy cập tititada.com

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 7.5%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán