Điểm nhấn chính:
- Moron risk premium mô tả phần bù rủi ro mà nhà đầu tư yêu cầu khi đối mặt với các chính sách kinh tế không nhất quán hoặc thiếu trách nhiệm từ chính phủ.
- Việc áp thuế quan đột ngột gây ra sự biến động lớn trên thị trường tài chính Mỹ, khiến nhà đầu tư yêu cầu lợi suất cao hơn để nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ, phản ánh sự gia tăng của "moron risk premium".
Moron risk premium là gì?
Moron risk premium, hay dịch đúng nghĩa là phần bù rủi ro ngu ngốc, là một thuật ngữ tài chính được sử dụng để mô tả phần bù rủi ro mà nhà đầu tư yêu cầu khi đối mặt với các chính sách kinh tế không nhất quán hoặc thiếu trách nhiệm từ chính phủ.
Thuật ngữ này được nhà kinh tế Dario Perkins của TS Lombard đặt ra vào năm 2022, khi chính phủ Anh dưới thời Thủ tướng Liz Truss công bố chính sách tài khóa gây tranh cãi với việc cắt giảm thuế không được tài trợ, dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ trong lợi suất trái phiếu chính phủ và sự sụt giảm của đồng bảng Anh, và khiến nhà đầu tư đòi hỏi lợi suất đầu tư cao hơn để bù đắp rủi ro gia tăng.
Năm 2025, thuật ngữ này đã được dùng phổ biến trở lại trong bối cảnh chính sách thuế quan không ổn định của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Việc áp đặt thuế quan đột ngột đã gây ra sự biến động lớn trên thị trường tài chính Mỹ, khiến nhà đầu tư yêu cầu lợi suất cao hơn để nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ, phản ánh sự gia tăng của "moron risk premium".
Ví dụ về “moron risk premium” tại nước Anh năm 2022
Ngày 23/09/2022, Thủ tướng Liz Truss công bố kế hoạch cắt giảm thuế trị giá 160 tỷ bảng Anh trong 5 năm, được tài trợ hoàn toàn bằng cách vay nợ.
Đồng bảng Anh rơi xuống mức thấp kỷ lục so với USD, chỉ còn 1.03 USD/GBP – mức thấp nhất từ năm 1985. Chi phí đi vay của Anh tăng vọt, lợi suất trái phiếu chính phủ Anh (gilts) kỳ hạn 10 năm tăng lên trên 4.37% và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm lên trên 4.5%.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) phải can thiệp khẩn cấp bằng cách mua lại trái phiếu để ổn định thị trường và ngăn chặn nguy cơ sụp đổ của các quỹ hưu trí sử dụng đòn bẩy tài chính.
Giới đầu tư toàn cầu mất niềm tin vào năng lực điều hành kinh tế của chính phủ Anh, và đòi hỏi lợi suất cao hơn để nắm giữ tài sản của Anh – chính là “moron risk premium”, hay "phần bù rủi ro ngu ngốc" mà thị trường yêu cầu để phản ánh mức độ rủi ro gia tăng do chính sách không hợp lý. Liz Truss buộc phải bãi nhiệm Bộ trưởng Tài chính, sau đó từ chức chỉ sau 44 ngày, trở thành Thủ tướng có nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử Anh.
Văn phòng Ngân sách nước này ước tính, từ năm tài chính 2022 – 2023, mỗi điểm phần tăng thêm trên lãi suất trái phiếu chính phủ sẽ gây thiệt hại 16.8 tỷ bảng Anh trong 5 năm.
Như vậy, theo công thức này, số tiền chi phí chi tiêu bổ sung theo giá trị thực tế do sự kiện trên gây ra là khoảng 16.8 tỷ bảng Anh. Nếu Liz Truss là Thủ tướng trong nửa thập kỷ tiếp theo, Anh dự kiến sẽ thiệt hại 11.8 tỷ bảng Anh — gần 2.4 tỷ bảng Anh/năm, hay 6.4 triệu bảng Anh/ngày.
Một cú sốc thức tỉnh dành cho giới tài phiệt Mỹ
Cụm từ “moron risk premium” trở nên phổ biến trở lại trên thị trường tài chính vào năm 2025 với chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump – một quyết sách không chỉ gây chấn động toàn cầu mà còn tạo ra một cơn “địa chấn nội địa” trong giới tài chính Mỹ. Mặc dù ông Trump tuyên bố thuế quan là công cụ để tái thiết ngành sản xuất trong nước, nhưng thực tế lại đang chứng minh điều ngược lại: niềm tin thị trường sụp đổ, giới đầu tư hoảng loạn, và làn sóng phản đối ngày càng gay gắt ngay từ chính nội bộ đảng Cộng hòa.
Cựu chiến lược gia trưởng của JPMorgan, Marko Kolanović, nhận định rằng Trump – người luôn coi thị trường chứng khoán là “thước đo tín nhiệm” – đã tỏ ra lung lay rõ rệt khi chỉ số S&P 500 lao dốc về sát mốc 4,800 điểm. Áp lực dồn dập buộc ông phải tạm hoãn một loạt thuế suất trừng phạt vừa công bố.
Trên Phố Wall, những ông lớn như Larry Fink (BlackRock) và Jamie Dimon (JPMorgan) cũng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ suy thoái. Giới tài phiệt từng ủng hộ Trump giờ đây đang trải qua một "cú sốc lớn", đáng chú ý nhất là Elon Musk – người từng đứng đầu bảng xếp hạng tỷ phú thế giới. Do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn vì chính sách thuế, doanh số xe điện Tesla sụt giảm mạnh, khiến cổ phiếu công ty mất gần một nửa giá trị. Musk thậm chí còn công khai mâu thuẫn với Peter Navarro – cố vấn thương mại thân cận của Trump, người được cho là “kiến trúc sư” đứng sau chính sách thuế tai hại này.
Không chỉ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu Mỹ – vốn được xem là “nơi trú ẩn an toàn” trong khủng hoảng – cũng chịu cú sốc mạnh. Nhà đầu tư ồ ạt bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ vì lo ngại cuộc chiến thương mại sẽ dẫn đến khủng hoảng tài chính. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt từ 0.5% lên 4.592% (tính đến 11/04/2025) – mức tăng cao nhất trong hơn hai thập kỷ. Điều này phản ánh tâm lý bất an và yêu cầu mức “lợi suất rủi ro” cao hơn để giữ tài sản Mỹ. Nhà phân tích Dario Perkins của TS Lombard gọi hiện tượng này là “phần bù rủi ro ngu ngốc” (moron risk premium) – để mô tả mức độ thiệt hại thị trường do các quyết sách thiếu kiểm soát từ Trump, và nhấn mạnh rằng các chính sách thất thường có thể gây tổn thất nghiêm trọng cho toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu.
Sự biến động mạnh này không chỉ làm tăng chi phí vay mượn trên diện rộng tại Mỹ mà còn đe dọa vai trò “tài sản trú ẩn” truyền thống của trái phiếu chính phủ Mỹ. Một phần lo ngại đến từ khả năng Trung Quốc – chủ nợ nước ngoài lớn thứ 2 của Mỹ sau Nhật Bản – có thể sử dụng kho dự trữ trái phiếu Mỹ như một “đòn bẩy tài chính”. Trung Quốc hiện nắm giữ khoảng 761 tỷ USD trái phiếu, song chuyên gia Brad Setser (Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ) ước tính con số thực tế có thể lên tới 1,100 tỷ USD nếu tính cả các khoản đầu tư gián tiếp. Theo Reuters, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang, nguy cơ Bắc Kinh “ra đòn” bán tháo trái phiếu đang trở thành một ẩn số lớn khiến các nhà đầu tư quốc tế càng thêm thận trọng.
Nguồn: US Treasury,
Tititada Research
Bài học từ moron risk premium
Có thể nói, "moron risk premium" là một lời nhắc nhở rằng: trong kinh tế, không có chỗ cho những quyết định bốc đồng. Thị trường có thể tạm thời “ngó lơ” những sai lầm nhỏ, nhưng sẽ phản ứng dữ dội khi cảm thấy niềm tin vào thị trường bị tác động.
Tại Việt Nam, dù chưa rơi vào tình trạng phải chịu áp dụng
"moron risk premium", nhưng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang
nhạy cảm hơn với các chính sách tài khóa và tiền tệ, việc giữ lập trường trong
điều hành chính sách, sự minh bạch và ổn định vĩ mô sẽ là lá chắn hữu hiệu nhất.
Các quyết định, chính sách kinh tế vĩ mô nếu thiếu tính toán kỹ lưỡng có thể
làm tổn hại niềm tin thị trường và đẩy chi phí vay mượn quốc gia tăng cao.

Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.



Bài viết liên quan
Phần bù rủi ro “ngu ngốc” trong điều hành chính sách
03/05/25
Nghệ thuật không đàm phán: Chiến lược 3 vòng của Trung Quốc
01/05/25
Trump và chính sách thuế đối ứng 46% lên Việt Nam
24/04/25
Tầm quan trọng về địa chính trị Việt Nam với Mỹ
19/04/25
Sự chuyển dịch trong Chiến thuật Đàm phán Thương mại
18/04/25
Trump và chính sách thuế quan 25% lên mặt hàng ô tô
16/04/25
Bitcoin - đồng tiền lớn nhất hệ sinh thái Crypto
13/04/25
Liệu sắc lệnh thuế mới có “khai tử” toàn cầu hóa?
09/04/25
Phần bù rủi ro “ngu ngốc” trong điều hành chính sách
03/05/25
Nghệ thuật không đàm phán: Chiến lược 3 vòng của Trung Quốc
01/05/25
Trump và chính sách thuế đối ứng 46% lên Việt Nam
24/04/25
Trump và chính sách thuế quan 25% lên mặt hàng ô tô
16/04/25
Liệu sắc lệnh thuế mới có “khai tử” toàn cầu hóa?
09/04/25