Điểm nhấn chính:
- BRICS là khối các nền kinh tế mới nổi, được thành lập nhằm củng cố vị thế của các nước thành viên.
- Mục tiêu của BRICS là tăng cường hợp tác giữa các nước mới nổi và cung cấp nguồn đầu tư nước ngoài cho các nước thành viên.
Tìm hiểu cùng Tititada!
Đầu những năm 2000, BRICS được coi là khối các nền kinh tế mới nổi cần chú ý trong những thập kỷ tới. Tuy nhiên, tính đến nay chỉ Trung Quốc là củng cố được vị thế của mình, trong khi các thị trường đang phát triển lớn khác đang cản trở mức tăng trưởng lợi nhuận chung của khối. Sự kém hiệu quả này đến từ khác biệt trong cơ cấu kinh tế, hệ thống tài chính cũng như là sự thiếu gắn kết chính trị của các nước thành viên.
Vậy liệu BRICS có thực sự mang lại lợi ích cho các nước thành viên như mục tiêu ban đầu của nó hay không? Hãy cùng Tititada tìm hiểu nhé!
BRICS gồm những quốc gia nào?
BRICS là một khối các nền kinh tế lớn mới nổi, với các quốc gia ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Ngày 24 tháng 8 năm 2023, các quốc gia BRICS ban đầu đã mời Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Iran, Ai Cập, Argentina và Ethiopia tham gia nhóm.
Bởi vì các quốc gia thành viên này cảm thấy họ không được đại diện cho đúng vị thế của mình, BRICS được thành lập như một diễn đàn để các quốc gia thành viên bày tỏ lợi ích cùng hoạch định những hoạt động chung trong khối. BRICS là một tổ chức chính trị, quốc tế hàng đầu của các nền kinh tế mới nổi (emerging economies). Đây là những nước có dân số lớn, diện tích rộng và tiềm lực quân sự hùng mạnh. BRICS còn sở hữu tiềm lực kinh tế vô cùng hùng hậu, với tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Tính đến hết năm 2022, BRICS chiếm khoảng 30% GDP thế giới và 45% dân số thế giới. Phải nói rằng, BRICS là những siêu cường tiềm năng.
Vấn đề của khối BRICS
Mặc dù ngày càng lớn mạnh về quy mô lẫn kinh tế, có rất ít yếu tố đoàn kết các thành viên BRICS về mặt kinh tế lẫn chính trị. Thách thức đầu tiên mà BRICS đang phải đối mặt, đó là sự chênh lệnh đáng kể về tiềm lực kinh tế. Các thành viên mới trong khối đang ở các mức độ phát triển khác nhau và đối diện với các thách thức kinh tế riêng biệt, được thể hiện thông qua GDP bình quân đầu người của họ. Ví dụ, GDP trung bình đầu người ở Ethiopia là 1,220 USD, trong khi ở UAE là 51,456 USD.
Các nhà xã hội học xác định các nền kinh tế này là một nhóm quốc gia không giàu và mạnh như các nền dân chủ phát triển, nhưng không nghèo và nhỏ bé như các nước châu Phi, Trung Mỹ hay Đông Nam Á khác. BRICS đặc trưng bởi các nhà nước mạnh với các thể chế yếu, chính phủ chịu ảnh hưởng lớn bởi các công dân giàu có, và nạn đói nghèo tràn lan. Điều này khiến cho BRICS khó có thể hòa hợp về mặt phát triển kinh tế.
Các mục tiêu kinh tế chung của nhóm BRICS mở rộng dường như là tăng cường hợp tác giữa các thị trường mới nổi, cung cấp giải pháp thay thế cho các diễn đàn do các nước phát triển thống trị như Nhóm G7 hoặc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), giảm sự thống trị của đồng đô la Mỹ trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, theo S&P Rating, các ưu tiên kinh tế và tình trạng chính trị đa dạng của các quốc gia thành viên có thể làm suy yếu tính hiệu quả của BRICS. Ngoài ra, hiện tại không có các hiệp định thương mại mới giữa các quốc gia BRICS, việc mong đợi dòng chảy thương mại và đầu tư cao hơn đối với những nước mới tham gia là bất khả thi.
Con đường kinh tế khác nhau
Tăng trưởng GDP của các quốc gia ban đầu trong BRICS đã thay đổi đáng kể trong thập kỷ qua. Thành tích kinh tế tương đối mạnh mẽ của Trung Quốc và Ấn Độ trái ngược với kết quả tại Brazil, Nga và Nam Phi, phản ánh sự khác biệt về các hoạch định chính sách của từng cá nhân, cũng như các yếu tố địa chính trị và đặc thù quốc gia.
Các thành viên BRICS ban đầu đã tăng cường thương mại và đầu tư với nhau, chủ yếu là với Trung Quốc. Thương mại với Trung Quốc chiếm trung bình 25% tổng kim ngạch của Brazil, Nam Phi và Nga và 12% của Ấn Độ vào năm 2022. Tuy nhiên, nhìn chung, xuất khẩu nội khối BRICS chiếm 10% tổng khối lượng của các thành viên, tăng từ 8% vào năm 2010. Đầu tư BRICS đã tăng hơn 500% từ năm 2010 đến năm 2020, khoảng 90% sự tăng trưởng này là đầu tư vào Trung Quốc.
Một đồng tiền chung BRICS?
Mặc dù các nước BRICS đã cân nhắc việc thiết lập một đồng tiền chung trong dài hạn nhưng điều này sẽ khó khăn do trình độ phát triển kinh tế khác nhau giữa các thành viên. Một khu vực tiền tệ cũng sẽ yêu cầu các thành viên từ bỏ tính linh hoạt của chính sách tiền tệ và mở cửa tài khoản vốn, điều này có thể không được một số quốc gia chấp nhận về mặt chính trị.
Trong thời gian tới, các nước BRICS có kế hoạch tăng cường giao dịch trực tiếp bằng nội tệ và bỏ qua đồng đô la Mỹ để giảm sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính của Hoa Kỳ. Điều này phần nào phản ánh khả năng tiếp cận nguồn tài chính bên ngoài bằng đô la Mỹ hiện đang bị hạn chế đối với một số quốc gia và xu hướng rộng hơn là các hệ thống thanh toán thay thế đang gia tăng.
Nếu BRICS tăng cường giao dịch bằng đồng nội tệ, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có thể sẽ là đồng tiền được hưởng lợi chính vì nó đại diện cho quốc gia thương mại lớn nhất trong khối.
Tuy nhiên, hạn chế chính đối với tiềm năng của đồng nhân dân tệ như một đồng tiền dự trữ là khó có thể dùng cho tất cả các giao dịch thương mại toàn cầu, vì hầu hết các quốc gia vẫn dùng đồng đô la để thanh toán cho các giao dịch này. Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) đã phê duyệt các khoản vay trị giá khoảng 29 tỷ USD tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, trong đó 23.3% là bằng tiền gốc BRICS—bao gồm đồng nhân dân tệ Trung Quốc (18.4%), rand Nam Phi (4.5%) và đồng rupee Ấn Độ (0.3%). NDB đặt mục tiêu tăng nguồn tài trợ bằng nội tệ lên 1/3 tổng lượng cho vay vào năm 2030.
Tài trợ ưu đãi vẫn hạn chế
Việc tiếp cận các thành viên BRICS giàu có hơn và nguồn tài trợ ưu đãi, Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) được BRICS thành lập vào năm 2014 nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước thành viên. UAE và Ai Cập gia nhập ngân hàng vào năm 2021, cùng với Uruguay và Bangladesh. Tuy nhiên, danh mục cho vay chưa thanh toán của NDB hiện còn nhỏ, chỉ khoảng 15 tỷ USD, so với hơn 400 tỷ USD tại Ngân hàng Thế giới và 144 tỷ USD tại Ngân hàng Phát triển Châu Á tính đến cuối năm 2022. Tăng trưởng nguồn vốn trong tương lai sẽ một phần phụ thuộc vào sự đóng góp vốn cao hơn từ các thành viên. Các nước BRICS cũng thành lập quỹ ngoại tệ trị giá 100 tỷ USD như một nguồn dự trữ dự phòng vào năm 2014 nhằm giảm bớt các cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được các nước thành viên tận dụng.
Các vấn đề địa chính trị
Một số thành viên có nhiều tham vọng chính trị cho BRICS hơn những thành viên khác. Các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Argentina và Iran coi đây là thách thức địa chính trị đối với phương Tây. Các nhà sản xuất dầu mỏ giàu có như Ả Rập Saudi và UAE đang tìm cách mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài Trung Đông và Châu Phi. Trong khi đó, Nga và Iran, bị phương Tây trừng phạt, hy vọng có thể tránh được các hạn chế đối với giao dịch thương mại và tài chính, điều mà nếu được nhóm đồng ý có thể gây tổn hại đến quan hệ với phương Tây. Cạnh tranh và xung đột giữa các thành viên cũng có thể sẽ cản trở sự hợp tác và đối thoại chính trị gắn kết. Trung Quốc và Ấn Độ phải đối mặt với tranh chấp về vấn đề biên giới, Ả Rập Saudi và Iran có mối quan hệ căng thẳng trong lịch sử, còn Ethiopia và Ai Cập bất đồng về việc tiếp cận vùng biển sông Nile.
Tuy nhiên, bối cảnh địa chính trị đang thay đổi. Các cuộc đàm phán gần đây giữa Ả Rập Saudi và Iran, do Trung Quốc làm trung gian, có thể báo hiệu sự xích lại gần nhau ngày càng tăng giữa họ. Tùy thuộc vào ý chí của các quốc gia tham gia và được hỗ trợ bởi sức mạnh kinh tế tổng hợp của họ, BRICS có thể trở thành một nhóm chính trị có ảnh hưởng lớn hơn.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.