Nhiều tổ chức tài chính phát triển quốc tế đã khuyến khích các công ty nhận đầu tư tuân thủ và nâng cao các chuẩn mực về môi trường, xã hội và quản trị.
Việt Nam có tiềm năng đáng kể trong đầu tư bền vững, đầu tư theo Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) song vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua để thúc đẩy đầu tư theo các chuẩn mực này.
Chính xác hơn, Việt Nam đã và đang thực hiện các bước để tạo môi trường thuận lợi cho việc đầu tư ESG, chẳng hạn như thông qua các luật liên quan đến bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Thêm vào đó, nhiều tổ chức tài chính phát triển, chẳng hạn như Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đã tích cực khuyến khích các công ty nhận đầu tư tuân thủ các chuẩn mực về ESG.
Tiềm năng đáng kể cho đầu tư ESG nhưng vẫn còn nhiều thách thức
ESG đã trở thành chủ đề nhận được sự quan tâm rộng rãi tại Việt Nam trong những năm gần đây. Điều này phần lớn nhờ sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy thực thi các thông lệ liên quan đến ESG cũng như nhu cầu đầu tư bền vững ngày càng tăng của các nhà đầu tư.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã để lại ấn tượng mạnh mẽ khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố một loạt cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này sẽ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển dịch sang trung hòa carbon và sẽ yêu cầu việc tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế. Các cam kết như sau:
- Tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia giảm 43.5%, so với kịch bản kinh doanh như thường lệ hiện nay, vào năm 2030.
- Chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, đồng thời tăng độ che phủ rừng lên ít nhất 42% vào năm 2030 và lên 43% vào năm 2050.
- Loại bỏ nhiệt điện than vào năm 2040.
- Giảm phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hợp tác với Tổ chức tài chính quốc tế và Citibank để hỗ trợ và cung cấp nguồn lực nhằm giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu của mình.
Mặc dù có tiềm năng đáng kể cho đầu tư bền vững ESG tại Việt Nam, song cũng có không ít những thách thức cần được giải quyết. Những thách thức bao gồm thiếu nhận thức và hiểu biết về các nguyên tắc ESG giữa các doanh nghiệp và nhà đầu tư, khung pháp lý và quy định không đầy đủ cũng như thiếu nguồn lực và cơ sở hạ tầng.
Để vượt qua những rào cản này, chính phủ gần đây đã đưa ra các sáng kiến như Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam, Khung Chiến lược về hợp tác phát triển bền vững và Chỉ số Doanh nghiệp bền vững của Việt Nam. Những sáng kiến này giúp nâng cao nhận thức về các vấn đề ESG, tạo môi trường pháp lý và cung cấp nguồn lực tốt hơn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư để đưa ra quyết định sáng suốt về đầu tư ESG.
Những yếu tố chính thúc đẩy ESG
Áp lực từ xã hội: Yếu tố chính thúc đẩy ESG là áp lực và nhu cầu ngày càng gia tăng cho các doanh nghiệp khi nhắc về các trách nhiệm và nghĩa vụ của họ đối với xã hội. Áp lực này đến từ nhiều bên liên quan cả bên trong lẫn bên ngoài doanh nghiệp, bao gồm các nhà đầu tư, nhân viên và cộng đồng xã hội. Việc công ty không đáp ứng các chuẩn mực về ESG có thể gây tổn hại nghiêm trọng về mặt uy tín của các doanh nghiệp.
Yêu cầu pháp lý: Một số cân nhắc quan trọng hơn về ESG là nghĩa vụ pháp lý (ví dụ như nghĩa vụ liên quan đến bảo mật dữ liệu và chống phân biệt đối xử), bắt buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ ở một mức độ nhất định. Theo đó, các doanh nghiệp cần phải giải quyết các mối quan ngại về quy định liên quan đến ESG một cách triệt để để tránh phải chịu trách nhiệm pháp lý hay kiện tụng.
Lợi ích tài chính và giá trị bền vững: Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy rằng, các doanh nghiệp thực hành ESG tốt có thể giảm chi phí thông qua tận dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, tăng năng suất và giảm rủi ro do có sự can thiệp của các cơ quan quản lý. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ nhận được lợi ích tài chính và giá trị bền vững cao hơn. Vì vậy, ESG không còn là một chiến lược đơn lẻ mà ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị của toàn doanh nghiệp.
Tầm quan trọng ngày càng tăng của việc đầu tư ESG trong khu vực ASEAN, và Quan điểm của Việt Nam
So với các nước ASEAN khác, Việt Nam nổi bật với những thách thức tuấn thủ các chuẩn mực ESG lớn hơn do Việt Nam vẫn còn nhiều ngành có rủi ro ESG cao. Các ngành này bao gồm ngành công nghiệp thép, công nghiệp khai khoáng, và lĩnh vực sản xuất đang mở rộng nhanh chóng và tiêu hao nguồn điện lớn. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều công ty Việt Nam việc áp dụng các nguyên tắc ESG, việc này không chỉ tạo ra sự công khai tích cực và nâng cao danh tiếng của công ty mà còn tạo ra tác động xã hội và môi trường.
Trong khu vực, Singapore đã liên tục áp dụng các yêu cầu nghiêm ngặt về tiết lộ ESG. Tại Philippines, Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái (SEC) hiện yêu cầu tất cả các công ty niêm yết công khai gửi thông tin về tính bền vững cùng với báo cáo hàng năm của họ trên cơ sở tuân thủ hoặc giải thích.
Nhìn chung, ASEAN đang ngày càng định hướng theo các tiêu chuẩn ESG toàn cầu trên toàn diện, bao gồm cơ sở hạ tầng xanh, tác động xã hội và tính minh bạch. Tuy nhiên, nhiều sáng kiến chuyển đổi có các mốc thời gian kéo dài đến năm 2050 và có thể lâu hơn.
Các bước tiến đầu tiên trong lĩnh vực ESG tại Việt Nam
- Tháng 07/2017, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã công bố Chỉ số Phát triển Bền vững Việt Nam (VNSI) nhằm công nhận và thúc đẩy các thông lệ liên quan đến ESG tốt nhất được thực hiện bởi các công ty đại chúng niêm yết tại Việt Nam.
- Vinamilk, từ năm 2012, đã công bố báo cáo phát triển bền vững thường niên, theo GRI - Tiêu chuẩn toàn cầu về báo cáo Phát triển bền vững. Đồng thời, từ năm 2017, Vinamilk liên tiếp được đánh giá thuộc top 20 cổ phiếu xanh VNSI, với tổng điểm ESG đánh giá đạt 90%.
- Hòa Phát đã và đang đầu tư lượng nhiệt thải khổng lồ từ quá trình luyện thép, để sản xuất điện năng, đáp ứng tới 80% lượng điện năng cần cho sản xuất thép của mình.
- SCG, một Tập đoàn xây dựng, đã cam kết đầu tư hơn 47,000 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD) để thúc đẩy quy trình sản xuất và áp dụng công nghệ cao trong kinh doanh nhằm đạt được mục tiêu giảm 20% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và giảm phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050.
- Dragon Capital, công ty Quản lý Quỹ, đã áp dụng các Nguyên tắc của Liên Hợp Quốc về Đầu tư có trách nhiệm, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận điều chỉnh theo rủi ro của mình.
- HSBC cam kết thu xếp khoản tài trợ phát triển bền vững lên tới 12 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030. Theo báo cáo tính đến tháng 05/2022, mục tiêu này đã đạt được hoàn thành 10%.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.