Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Hệ thống Hưu trí Việt Nam - Tổng quan nhân khẩu học

Nội dung

    Thay đổi nhân khẩu ở Việt Nam

    Thời điểm hiện tại, dân số của Việt Nam đạt hơn 99 triệu người (tốc độ tăng trưởng khoảng 0.9%), trong đó 49 triệu người là nam giới và 49 triệu người là phụ nữ, với độ tuổi trung bình là 33.3 tuổi. Khoảng 69.3% dân số ở độ tuổi lao động, từ 15-64 tuổi, gồm có 32.8 triệu nam và 32.9 triệu nữ. Tuổi nghỉ hưu tại Việt Nam thường là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ, với mức tuổi thọ trung bình của cả hai giới tính là 75.6 tuổi1.

    Dân số già hóa

    Dân số già hóa là sự thay đổi trong cấu trúc dân số của một quốc gia hướng đến độ tuổi cao hơn, điều này được thấy phổ biến ở các nước phát triển hoặc đang phát triển có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Tuổi dân số được chia thành 3 giai đoạn:

    - Giai đoạn 1: Một dân số đang già đi khi 10% dân số trên 60 tuổi, hoặc 7% dân số trên 65 tuổi (ví dụ như Việt Nam)

    - Giai đoạn 2: Một dân số được xem là già khi 20% dân số trên 60 tuổi, hoặc 14% dân số trên 65 tuổi (ví dụ như Úc);

    - Giai đoạn 3: Một dân số siêu già khi 30% dân số trên 60 tuổi, hoặc 25% dân số trên 65 tuổi (ví dụ như Nhật Bản)

    Dân số Việt Nam đã bước vào giai đoạn 1 từ năm 2008, với 7.48% của dân số trên 65 tuổi. Tính tới 2019, những người trên 60 tuổi đã chiếm tới 11.86% tổng dân số, qua đó, khiến Việt Nam trở thành một trong các quốc gia có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới. Xu hướng này còn được dự báo sẽ tăng lên thêm 25% cho đến năm 2025 và đến năm 2036 2, Việt Nam có thể sẽ bước sang giai đoạn 2 khi phần trăm dân số trong độ tuổi 15-64 đang có xu hướng giảm (từ 66.9% vào năm 2009 xuống 63.9% vào năm 2019), và dân số cao tuổi có mức tăng rõ rệt, tới 4.35%/năm (trong giai đoạn 2009-2019)3.

    Dân số già hóa do hai tác động của nhân khẩu học: tuổi thọ tăng và tỷ lệ sinh giảm. Sự gia tăng tuổi thọ có nghĩa là số lượng người lớn tuổi chiếm tỷ lệ cao đã làm tăng độ tuổi trung bình của dân số, trong khi tỷ lệ sinh suy giảm đã tác động đến sự già hóa dân số bằng cách giảm dân số trẻ.


    Tốc độ tăng trưởng dân số ngày càng giảm

    Tốc độ tăng trưởng dân số của Việt Nam đã giảm mạnh từ 2.23% trong năm 1980 còn 0.91% trong năm 20201. Xu hướng này là kết quả tất yếu của sự thay đổi đáng kể trong xã hội và nền kinh tế Việt Nam, với xu thế ngày càng mở rộng việc cơ giới hóa và công nghiệp hóa, giảm phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp (luôn yêu cầu lao động thủ công nhiều hơn) để tăng trưởng sản xuất. Mô hình gia đình hạt nhân đã giảm với tỷ lệ đô thị hóa cao và sự gia tăng của mô hình gia đình có cha mẹ đều làm việc cũng góp phần làm chậm sự tăng trưởng dân số.

    Trong khi đó, tuổi thọ trung bình tăng nhanh từ 64.8 tuổi vào năm 1990 lên 75.6 tuổi vào năm 20191. Những cải thiện về chất lượng cuộc sống và dịch vụ y tế đã hỗ trợ sự gia tăng tuổi thọ, và xu hướng này không hi vọng sẽ sớm kết thúc khi mà nền kinh tế và mức thu nhập của Việt Nam đang tiếp tục phát triển.


    Tỷ lệ phụ thuộc người già tăng cao

    Già hóa dân số được đo bằng tỷ lệ phụ thuộc người già, hoặc số lượng người ở độ tuổi nghỉ hưu trung bình trên mỗi 100 người trong độ tuổi lao động. Một tỷ lệ phụ thuộc cao có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng đối với một quốc gia vì chi tiêu chiếm tỷ trọng lớn nhất của chính phủ phải tập trung vào sức khỏe và an sinh xã hội cho nhóm dân số già. Và một tỷ lệ phụ thuộc cao cũng làm cho chi tiêu cho lương hưu ngày càng tăng, với phần lớn chi phí đó được đặt lên vai của Chính phủ ở một số nước phát triển. Mặc dù tỷ lệ phụ thuộc người già của Việt Nam dao động từ năm 1960, nhìn chung nó đã tăng và vẫn ở mức cao trong khu vực, thậm chí còn cao hơn so với các quốc gia có một nền kinh tế phát triển hơn như Malaysia, Indonesia, Philippines. Tính tới năm 2019, tỷ lệ phụ thuộc người cao tuổi của Việt Nam là 12%, tương đương mức tăng khá cao so với 10 năm trước1.


    Theo dự báo dân số của Liên hợp quốc, nếu các xu hướng nhân khẩu học hiện nay vẫn còn tiếp tục, dân số của Việt Nam sẽ trở thành già vào năm 2035 và siêu già vào năm 2050. Do đó, thời gian để Việt Nam có thể chuẩn bị cho việc già hóa dân số sẽ bị hạn chế hơn so với các nước khác. Ví dụ như Thụy Điển trải qua tới 85 năm để chuyển thành dân số già, Hoa Kỳ là 70 năm và Nhật Bản là 26 năm, nhưng đối với Việt Nam, ước tính chúng ta chỉ có khoảng 20 năm5. Với xu hướng này, dân số của Việt Nam có thể bị già ngay cả trước khi Việt Nam trở thành một nước phát triển và chuẩn bị đầy đủ cho việc già hóa dân số. Nghiêm trọng hơn, người già sẽ có tỷ lệ nghèo cao hơn. Báo cáo từ Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, năm 2019 cho thấy:

    “Tỷ lệ người nghèo ở người cao tuổi là 23.5%, trong đó chỉ có khoảng 60% là có thẻ bảo hiểm y tế. Tuổi thọ trung bình cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi ở nước ta thấp (64 tuổi); đặc biệt, có 67.2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu, 70% người cao tuổi có khó khăn về vật chất… Khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền và trung bình 1 người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh.”5 Xu hướng này vẫn còn phổ biến hiện nay.


    Chi phí y tế cho người cao tuổi ngày càng tăng

    Trong khi tuổi thọ của người cao tuổi Việt Nam có thể được so sánh với tuổi thọ của người cao tuổi ở các nước đang phát triển khác, nhưng số năm khỏe mạnh trong cuộc đời lại ít hơn. Trung bình, một người cao tuổi Việt Nam sẽ có 14 năm ốm đau trên tổng số 70 năm tuổi thọ của mình. Đồng thời với sự gia tăng của các chi phí y tế cùng với sự xuất hiện của các nhà cung cấp dịch vụ y tế tư nhân và các đại lý dược phẩm, chi phí phụ thêm để duy trì sức khỏe của một người ngày càng cao. Tuy vậy, mạng lưới y tế cho người cao tuổi ở Việt Nam vẫn còn được xem là yếu. Vì hiện cả nước chỉ có 1 bệnh viện lão khoa trung ương, 49/63 bệnh viện tỉnh, thành phố có khoa Lão, 3 cơ sở đào tạo bộ môn lão khoa. Ngoài ra, đối với người cao tuổi, khả năng chi trả y tế là 43% và tiếp cận dịch vụ y tế chỉ ở mức 17.3%, còn rất hạn chế6.

    Một vấn đề khác liên quan đến dân số cao tuổi ở Việt Nam là người cao tuổi nữ nhiều hơn người cao tuổi nam. Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ Việt Nam, trong năm 2015, tỷ lệ nam giới so với nữ giới ở độ tuổi 60-69 tuổi là 100/131, trong khi ở độ tuổi 70-79, tỷ lệ này là 100/149, và trên tuổi 80 là 100/2006. Điều này cho thấy nguy cơ lớn hơn đang đối mặt với hệ thống bảo hiểm sức khỏe xã hội vì phụ nữ cao tuổi thường có thu nhập thấp, rủi ro bệnh tật cao hơn, và bị hạn chế trong việc tiếp cận các hệ thống chăm sóc y tế và sức khỏe.

    Sự thay đổi của truyền thống tương trợ giữa các thế hệ

    Truyền thống lâu đời của Việt Nam, trong đó thế hệ trẻ hỗ trợ cho người cao tuổi trong gia đình khi nghỉ hưu, đang bị thách thức do sự suy giảm kích thước đơn vị gia đình, bên cạnh đó trình độ dân trí tăng lên, tỷ lệ đô thị hóa và chi phí cuộc sống tăng cao, đã đặt gánh nặng quá mức lên các thành viên hỗ trợ trong gia đình, do đó họ có thể chọn không chu cấp cho thế hệ cao tuổi. Điều này sẽ dẫn đến gánh nặng cho chương trình an sinh xã hội khi mỗi cá nhân ngày càng mong đợi nhiều hơn từ các khoản tiết kiệm hưu trí của họ.

    Kết luận

    Điểm nổi bật của dân số Việt Nam là dân số đã ở giai đoạn sớm của già hóa và tốc độ già hóa đang gia tăng nhanh chóng. Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, dân số già là thách thức cho cả nền kinh tế về vấn đề đảm bảo duy trì một cuộc sống khỏe mạnh cho người cao tuổi. Những thách thức chính của một dân số già hóa, được đề cập trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Averting the Old Age, như sau:

    - Nhu cầu cho các dịch vụ y tế tăng lên khi dân số đang già đi, bởi vì các vấn đề sức khỏe thường tập trung vào người già, trong khi chi phí y tế ngày càng leo thang. Điều này sẽ tạo ra áp lực lên nguồn lực của quốc gia, đặc biệt là đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, có mức GDP bình quân đầu người và tỉ lệ dự trữ thấp.

    - Các quỹ y tế và hưu trí do nhà nước quản lý thường không đủ đáp ứng do chi phí quản lý cao.

    - Các quỹ hưu trí do nhà nước quản lý thường không tính đến yếu tố lạm phát, do đó tầng lớp lao động thu nhập thấp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

    Trong khi dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng, và trợ cấp hưu trí dự kiến ​​sẽ tăng theo cấp số nhân, tỷ lệ tham gia thực tế suy giảm trong khi số lượng người về hưu sớm đang tăng vọt. Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, việc người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng trong những năm vừa qua cho thấy họ không chỉ thiếu tiền, thiếu thông tin mà còn “thiếu cả niềm tin” vào chính sách. Để hạn chế điều này, Luật bảo hiểm xã hội cần sớm có chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động tham gia đóng góp để hưởng lương hưu và những mức độ thụ hưởng khác thay vì chỉ nhận bảo hiểm xã hội một lần7.


    1. https://danso.org/viet-nam/

    2. https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2021/08/Dan-so-gia-hoaVI.pdf

    3. https://vietnam.unfpa.org/vi/topics/gi%C3%A0-h%C3%B3a-d%C3%A2n-s%E1%BB%91#:~:text=Vi%E1%BB%87t%20Nam%20l%C3%A0%20m%E1%BB%99t%20trong,s%E1%BA%BD%20t%C4%83ng%20l%C3%AAn%20h%C6%A1n%2025%25.

    4. https://tieudungplus.vn/viet-nam-ty-le-nguoi-song-phu-thuoc-ngay-mot-gia-tang-11549.html

    5. https://tapchicongsan.org.vn/chuong-trinh-muc-tieu-y-te-dan-so/-/2018/811402/xu-the-gia-hoa-dan-so-o-nuoc-ta-va-van-de-cham-soc-suc-khoe%2C-su-dung-lao-dong-nguoi-cao-tuoi.aspx

    6. https://moh.gov.vn/ (Bộ Y tế)

    7. https://vneconomy.vn/rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-khong-chi-vi-thieu-tien-ma-thieu-ca-niem-tin.htm


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán