Điểm nhấn chính:
- Năm 2024, Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi quan trọng về chính sách lương hưu và bảo hiểm xã hội (BHXH), nhằm nâng cao quyền lợi của người lao động
- Tuổi nghỉ hưu của lao động nam trong điều kiện bình thường sẽ là 61 tuổi, và của lao động nữ sẽ là 56 tuổi 4 tháng.
- Việc bãi bỏ mức lương cơ sở tạo nên nhiều sự thay đổi trong chính sách nghỉ hưu mới nhất.
Năm 2024, Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi quan trọng về chính sách lương hưu và bảo hiểm xã hội (BHXH), nhằm nâng cao quyền lợi của người lao động. Dưới đây là 5 thay đổi lớn trong chính sách nghỉ hưu mới nhất mà người lao động cần chú ý:
Chính sách mới về tuổi nghỉ hưu
Căn cứ theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2024, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 61 tuổi, và của lao động nữ sẽ là 56 tuổi 4 tháng (so với năm 2023, tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi 9 tháng và của nữ là 56 tuổi). Đồng thời, người lao động cần đóng đủ 20 năm BHXH để đủ điều kiện hưởng lương theo quy định.
Với lao động nữ nghỉ hưu năm 2024, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức hưởng tối đa bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Với lao động nam nghỉ hưu năm 2024, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 20 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức hưởng tối đa bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Tăng lương hưu, trợ cấp BHXH
Ngày 10/11/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết 104 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Theo đó, từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Theo đó, mỗi nhóm đối tượng sẽ được xây dựng mức tăng lương hưu phù hợp, cụ thể:
Nhóm 1: Với những người nghỉ hưu thông thường, mức tăng lương hưu sẽ được tính toán hợp lý giữa khu vực đang làm việc với người nghỉ hưu, hài hòa giữa người cùng chức vụ trước và sau ngày 1/7/2024.
Nhóm 2: Với nhóm người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024, nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm phần chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương.
Nhóm 3: Với nhóm người nghỉ hưu trước năm 1995, sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa.
Dự kiến, nghị định điều chỉnh lương hưu sẽ trình Chính phủ trong tháng 5/2024 và công bố mức phần trăm tăng cụ thể kèm theo đó. Đối với người nghỉ hưu trước 1/7/2024, Chính phủ sẽ xem xét áp dụng mức bù để giảm phần chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương. Nhằm đảm bảo công bằng và không để đối tượng này không bị thiệt thòi khi cải cách tiền lương.
Thay đổi cách tính lương hưu tối thiểu và một số trợ cấp
Theo quy định hiện nay, khoản 5 điều 56 luật BHXH năm 2014, mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia BHXH bắt buộc bằng mức lương cơ sở.
Từ ngày 1/1 - 30/6/2024, mức lương cơ sở tiếp tục áp dụng theo mức 1.8 triệu đồng/tháng và tiền lương được tính bằng hệ số nhân với lương cơ sở. Vì thế, mức lương hưu thấp nhất là 1.8 triệu đồng/tháng.
Bắt đầu từ tháng 7/2024, Nhà nước quyết định bỏ mức lương cơ sở, và thay thế bằng chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết 27. Bên cạnh đó, dự thảo luật BHXH sửa đổi dự kiến được thông qua năm 2024 sẽ có những điều chỉnh tích cực về các khoản trợ cấp BHXH như trợ cấp sinh con, dưỡng sức sau sinh, dưỡng sức sau ốm và trợ cấp tuất hàng tháng.
Hiện Chính phủ đang đề xuất các khoản trợ cấp gắn với lương cơ sở bằng với mức cao nhất hiện nay và quy định bằng số tiền cụ thể, như trợ cấp dưỡng sức sau sinh, ốm đau là 540,000 đồng/ngày; trợ cấp 1 lần khi sinh con là 3.6 triệu đồng/con.
Thay đổi hệ số trượt giá BHXH
Ngày 29/12/2023, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 20/2023/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH (hay còn gọi là hệ số trượt giá BHXH). Hệ số trượt giá BHXH của năm 2024 sẽ thực hiện tương tự như năm 2023.
Hệ số trượt giá BHXH là một trong các căn cứ để tính tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động. Do vậy, nếu hệ số trượt giá BHXH tăng sẽ dẫn đến việc tăng tương ứng trong các chế độ như BHXH 1 lần, lương hưu hằng tháng, trợ cấp nghỉ hưu 1 lần và trợ cấp tuất 1 lần. Từ đó, sự gia tăng này góp phần tăng thu nhập cho người lao động, ổn định cuộc sống trong tương lai.
Thay đổi mức đóng BHYT
Hiện nay, căn cứ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì hàng tháng, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên đóng 4.5% tiền lương tháng vào quỹ bảo hiểm y tế theo quy định, trong đó, người sử dụng lao động đóng 3%, còn người lao động đóng 1.5%.
Đối với mức đóng BHYT hộ gia đình như sau: người đầu tiên trong hộ sẽ đóng 4.5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Đối với học sinh, sinh viên, mức đóng BHYT hàng tháng là 4.5% mức lương cơ sở, trong đó ngân sách hỗ trợ 30%. Tuy nhiên, từ 1/7/2024 bỏ mức lương cơ sở nên sẽ dẫn đến việc xem xét lại và đưa ra hướng dẫn mới về mức đóng và hưởng BHYT. Ngoài ra, chi phí khám chữa bệnh dưới 15% mức lương cơ sở (khoảng dưới 270,000 đồng) sẽ được BHYT chi trả 100%.
Từ
ngày 01/7/2024, với quyết định bãi bỏ mức lương cơ sở, mức đóng và hưởng bảo hiểm
y tế cho các đối tượng như hộ gia đình và học sinh, sinh viên sẽ được điều chỉnh
để phù hợp với thực tế kinh tế - xã hội.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.