Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Xếp hạng an ninh hệ thống hưu trí trên thế giới

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - MCGPI là nghiên cứu toàn diện về hệ thống lương hưu trên thế giới, sử dụng 03 chỉ số phụ là sự đầy đủ, tính bền vững và tính chính trực.

    - Vấn đề già hoá dân số, giảm đóng góp và rút tiền từ tiết kiệm hưu trí tăng đang khiến quỹ hưu trí ở Mỹ dần cạn kiệt, đồng thời tương đồng với tình hình ở Việt Nam theo MCGPI, và có tác động đến kế hoạch tài chính nghỉ hưu của mỗi cá nhân.

    Hệ thống hưu trí hiệu quả-kế hoạch tài chính nghỉ hưu thành công

    Nhiều người thường nghĩ rằng, tại các quốc gia phát triển thường có những hệ thống hưu trí tối ưu và bền vững, giúp đảm bảo đời sống an sinh của tất cả người dân, có được hưu trí an nhàn.

    Nhưng không hẳn là vậy. Chỉ số Lương hưu Toàn cầu của Viện CFA Mercer (MCGPI) chỉ ra rằng không có hệ thống nào là hoàn hảo ngay cả khi việc sẵn sàng nghỉ hưu trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh dân số già tăng lên trên toàn thế giới.

    MCGPI là một nghiên cứu và đánh giá toàn diện về 47 hệ thống lương hưu trên toàn thế giới, bao phủ 2/3 (64%) dân số thế giới. MCGPI sử dụng 03 chỉ số phụ—sự đầy đủ (40%), tính bền vững (35%) và tính chính trực (25%)—để đo lường và tính điểm từng hệ thống thu nhập hưu trí dựa trên hơn 50 chỉ báo.  

    Xếp hạng hệ thống thu nhập hưu trí các nước

    Theo báo cáo thường niên lần thứ 15 của MCGPI (2023), điểm hệ thống thu nhập hưu trí của Hoa Kỳ ở mức C+, tương đương 63.0/100 điểm, giảm từ 63.9 vào năm 2022. Mức điểm này khiến xếp hạng hệ thống hưu trí của Hoa Kỳ xuống hạng 22 trong số 47 quốc gia được đánh giá.

    Khoảng 90% người lao động nước naỳ, từ 21-64 tuổi, được bảo hiểm và bao gồm trong chương trình An sinh xã hội vào năm 2022. Đây là con số này được xem là tốt và an toàn cho một đất nước phát triển. Nhưng tại sao Hoa Kỳ lại có xếp hạng khá thấp trong chỉ số của MCGPI?

    Trong năm 2020, Mỹ đạt 60.4 điểm nhưng lúc đó đứng thứ 18/47 quốc gia, cho thấy hiện nay mặc dù điểm số của Mỹ có tăng nhưng vẫn tụt về phía sau do không theo kịp sự phát triển nhanh chóng của hệ thống hưu trí của các quốc gia khác.

    Các lãnh đạo tại Mercer, cho biết: “Bảo hiểm tiết kiệm hưu trí và các phương tiện hưu trí của tổ chức vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều người, tạo ra một khoảng cách về “tính đầy đủ” đáng kể trong kế hoạch hưu trí cần được giải quyết”. “Với dân số già đi và lãi suất giảm,  nợ chính phủ ngày càng tăng, việc các cá nhân phải trở nên tự chủ hơn trong tương lai là điều không thể tránh khỏi.”  

    Vấn đề hưu trí ở Mỹ có nét tương đồng với Việt Nam

    Đầu tiên, nói về hệ thống hưu trí của Mỹ, gồm nhiều cấu trúc và thành phần, bao gồm: An sinh xã hội, Kế hoạch hưu trí do người sử dụng lao động tài trợ (hay 401k), Tài khoản hưu trí cá nhân (IRA), Quỹ đầu tư hưu trí (kế hoạch phúc lợi xác định), và tài khoản tiết kiệm cá nhân.

    Những trở ngại lớn nhất khiến Hoa Kỳ không đạt được thứ hạng A của MCGPI xoay quanh vấn đề: 1) An sinh xã hội, 2) tài khoản 401(k), và 3) tiết kiệm cá nhân, là những nguồn thu nhập hưu trí lớn nhất của công dân Hoa Kỳ.

    Theo MCGPI, dự trữ của An sinh xã hội dự kiến ​​sẽ cạn kiệt vào năm 2033, khi đó chương trình sẽ chỉ có thể chi trả 77% phúc lợi cho người cao tuổi (dự kiến gồm ~ 66 triệu người), trừ khi những thay đổi lớn được thực hiện trước năm 2034 để củng cố quỹ tín thác.

    Thứ hai, những người lao động (NLĐ) tự do bị loại khỏi hệ thống sử dụng lao động và một nửa số công nhân Hoa Kỳ - khoảng 57 triệu người - không thể tiếp cận các kế hoạch hưu trí do người sử dụng lao động (NSDLĐ) tài trợ, chẳng hạn như kế hoạch 401(k). Việc đăng ký tự động NLĐ vào các kế hoạch 401(k) sẽ giúp cải thiện sự tham gia và tăng tổng số tiền tiết kiệm khi nghỉ hưu, nhưng hiện tại, chỉ có 1 trong 4 nhà tuyển dụng cung cấp dịch vụ đăng ký tự động này.

    Theo báo cáo, phần lớn NLĐ không thực sự chủ động trong việc tham gia vào kế hoạch hưu trí. Chỉ 5% NLĐ thực hiện các bước cần thiết để mở tài khoản tiết kiệm hưu trí nếu tài khoản đó không được chủ lao động của họ cung cấp.

    Dân số già hoá nhanh chóng. Người trên 65 tuổi chiếm 17.3% dân số vào năm 2022 và dự kiến sẽ chiếm 20.6% vào năm 2030; dân số của Mỹ hiện xấp xỉ 332 triệu người. Và, tỷ lệ sinh ở Mỹ giảm trong 20 năm qua cho thấy sẽ không có nhiều người trẻ thay thế những người rời bỏ lực lượng lao động. Trong khi đó, số người nghỉ hưu hàng ngày đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2000, với 10,000 người bước sang tuổi 65 mỗi ngày. Đến năm 2030, tất cả những người thuộc thế hệ baby boomer sẽ trên 65 tuổi. Và, hiện khoảng 1/4 tổng số người Mỹ dựa vào An sinh xã hội để đáp ứng nhu cầu chi tiêu hàng tháng.

    Những điều này càng khiến hệ thống quỹ hưu trí dần cạn kiệt nhanh hơn, bởi số người tham gia đóng góp giảm dần trong khi số người nghỉ hưu tăng nhanh.

    Một vấn đề khác là, người Mỹ rút tiền tiết kiệm hưu trí sớm thông qua các khoản vay đang gia tăng, điều này có thể ảnh hưởng đến sự đảm bảo tài chính trong tương lai của họ. Ở Mỹ gọi vấn đề này là “công nhân cướp bóc tiền tiết kiệm hưu trí của chính họ”.

    Các lo ngại khác gây ảnh hưởng tới an ninh hưu trí, ảnh hưởng đến hưu trí an nhàn của người dân Mỹ gồm, lạm phát cao, nợ chính phủ ngày càng tăng, tuổi thọ giảm do COVID, và số ca tử vong liên quan đến súng và dùng thuốc quá liều ngày càng gia tăng.

    Có thể thấy, các vấn đề như dự trữ của An ninh xã hội kỳ vọng sẽ cạn kiệt, người lao động không chủ động trong việc lập kế hoạch tài chính nghỉ hưu, lập kế hoạch hưu trí, dân số già hoá nhanh chóng, và rút tiền hưu trí, đều khá tương đồng với những vấn đề hưu trí hiện tại ở Việt Nam.  

    Ngoài Mỹ, thấy gì ở các nước khác?

    Hà Lan có hệ thống hưu trí đạt điểm A, với điểm chỉ số tổng thể là 85. Iceland theo sau với 83.5 điểm và Đan Mạch xếp thứ ba với 81.3 điểm. Trong khi, Argentina có giá trị chỉ số thấp nhất ở mức 42.3, xếp hạng 47.


    Một lý do khiến Hà Lan đạt điểm cao là tất cả người lao động đều có tài khoản lương hưu từ tư nhân và chính phủ. Lương hưu công cung cấp một mức lương cố định cho tất cả những người về hưu tùy thuộc vào thời gian họ sống và làm việc. Có những yêu cầu đối với người sử dụng lao động để cung cấp lương hưu cho tất cả người lao động. Hơn nữa, người lao động có thể tiết kiệm bằng các khoản đầu tư của chính họ dành cho thu nhập hưu trí.

    Đối với Iceland và Đan Mạch, hệ thống hưu trí của họ được tài trợ tốt, với mức tài sản cao so với GDP và mức độ bảo hiểm toàn diện cao. Họ cũng có một hệ thống lương hưu tư nhân phát triển tốt và tập trung mạnh vào sự hiểu biết tài chính của người dân trong việc lập kế hoạch tài chính nghỉ hưu.

    Theo báo cáo của Natxis, Chỉ số toàn cầu về an ninh hưu trí xếp hạng các quốc gia dựa trên bốn lĩnh vực: sức khỏe, chất lượng cuộc sống, tài chính khi nghỉ hưu và phúc lợi vật chất. Theo đó, Iceland và Đan Mạch nằm trong top 10 trên tổng 44 quốc gia được đánh giá, và Mỹ đứng thứ 20.  

    Singapore - Được đánh giá tốt nhất châu Á

    Singapore chỉ có một cấu trúc hưu trí đó là thông qua Quỹ Central Provident Fund (CPF) là chương trình tiết kiệm an sinh xã hội bắt buộc của chính phủ.

    Công dân nước này và NSDLĐ bắt buộc đóng góp hàng tháng vào quỹ CPF. Tổng mức đóng góp là 35% thu nhập (trong đó NLĐ đóng 20% và NSDLĐ đóng 15%). Mức đóng góp giảm dần theo độ tuổi của NLĐ, với tổng mức đóng góp còn 13% trong độ tuổi 61-65.

    Số tiền đóng góp được phân chia vào 03 tài khoản: 1) Tài khoản thông thường  -  được sử dụng để mua BĐS, bảo hiểm, đầu tư tài chính và trang trải cho học phí; 2) Tài khoản đặc biệt - được sử dụng để tích lũy tiền tiết kiệm hưu trí cho tuổi già; 3) Medisave - được sử dụng để trang trải viện phí.

    Theo MCGPI, hệ thống CPF của Singapore có tổng điểm là 76.3, và lần đầu tiên đạt điểm B+, tốt nhất châu Á và được xếp hạng thứ 7/47 quốc gia được đánh giá. Yếu tố thúc đẩy chính đằng sau thành công này là sự gia tăng đáng kể mức độ bao phủ lương hưu.

    Theo dữ liệu quý 2/2023 từ CPF, tổng số dư của các thành viên là khoảng 556.5 tỷ USD, tăng 2% so với năm 2022. Và số dư của các thành viên trong Tài khoản Hưu trí (RA) đã tăng 4.6% từ năm 2022 lên 105.5 tỷ USD trong quý 2/2023. RA được tạo khi thành viên CPF bước sang tuổi 55 và số tiền tiết kiệm được trong RA của họ sẽ được sử dụng để trả phí bảo hiểm cho chương trình CPF Life của chính họ. CPF Life là chương trình niên kim bảo hiểm tuổi thọ của Singapore cung cấp khoản thanh toán hàng tháng suốt đời còn lại.

    Mặt khác, tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ kéo dài vẫn là những vấn đề gây áp lực lên hệ thống thu nhập hưu trí. Do đó, Singapore đã nâng tuổi nghỉ hưu lên 63 để một người lao động khỏe mạnh và muốn tiếp tục làm việc có thể làm việc lâu hơn để tăng thu nhập hưu trí. Và đến năm 2030, tuổi nghỉ hưu sẽ lên tới 65. Điều này dự kiến sẽ củng cố thêm thành viên và mức đóng góp cho kế hoạch hưu trí sau này, và hy vọng sẽ bổ sung bảo hiểm hưu trí cho khoản tiết kiệm CPF của một cá nhân.

    Tuy vậy, một số chuyên gia ở Singapore cho rằng, CPF Life và các chương trình thu nhập hưu trí sẽ chỉ cung cấp thu nhập cho một kế hoạch hưu trí cơ bản hay tối thiểu. Nếu một cá nhân muốn có hưu trí an nhàn, họ sẽ phải đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu.

    Theo VinaCapital, Quỹ CPF của Singapore khá tương đồng với Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện nay và có thể được coi là một hình mẫu cho cải cách dài hạn của Quỹ Bảo hiểm Xã hội.

    Thái Lan - Được coi là ví dụ điển hình nhất ở ĐNÁ

    Thái Lan tuân thủ chặt chẽ theo hệ thống 03 Trụ cột soạn thảo bởi Ngân hàng Thế giới. Theo đó, bao gồm: I) An sinh xã hội, II) Quỹ hưu trí chính phủ cho nhân viên khu vực công và khu vực tư nhân, và các chương trình xác định mức đóng góp do tư nhân quản lý, và III) Kế hoạch hưu trí tự nguyện, bao gồm Quỹ tương hỗ hưu trí và Quỹ Provident.

    Trong đó, tổng đóng góp vào các quỹ ở trụ cột I và II là từ 3- 5% trên thu nhập, là tỷ lệ khá thấp. Nhưng bù lại, với trụ cột III, Quỹ tương hỗ hưu trí không có quy định tỷ lệ này và với Quỹ Provident là tối đa 15% trên thu nhập. Hai quỹ này có lịch sử hoạt động đầu tư khá ổn định và mang lại thu nhập lợi tức khá tốt cho người tham gia.

    Theo MCGPI, hệ thống hưu trí của Thái Lan có tổng điểm là 46.4, đạt điểm D, và được xếp hạng thứ 43/47 quốc gia được đánh giá. Giá trị chỉ số Thái Lan tăng từ 41.7 vào năm 2022 lên 46.4 vào năm 2023, chủ yếu là do mức độ bao phủ lương hưu tăng lên.

    Mặc dù hệ thống lương hưu của Thái Lan có nhiều đặc điểm mạnh nhưng hiện tại nó chưa có được hệ thống đa tầng hài hòa để cung cấp phạm vi bao phủ đầy đủ theo cách bền vững về mặt tài chính. Sự phân mảnh trong hệ thống hưu trí dẫn đến việc NLĐ có sự nghiệp lâu dài và đóng góp đáng kể cho an sinh xã hội nhưng lại nhận được phúc lợi không thỏa đáng.

    Vấn đề cấp bách hơn được cho là giới hạn lương đóng góp vào chương trình phúc lợi là 15,000 Bạt/tháng, không tăng kể từ năm 1999, và không còn phù hợp với mức thu nhập hiện nay của những người đóng góp trong lực lượng lao động Thái Lan.

    Trợ cấp tuổi già còn rất thấp so với mức chuẩn quốc gia và quốc tế. Hầu hết người cao tuổi phải dựa vào thu nhập từ công việc hoặc gia đình để đạt được mục tiêu thu nhập hưu trí. Tổng chi cho lương hưu ở Thái Lan chỉ lên tới 1.9% GDP năm 2019, thấp hơn các nước như Trung Quốc, Mông Cổ, Hàn Quốc và Việt Nam.

    Dân số Thái Lan từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng từ 1/5 người hiện nay (19%) lên 1/3 vào năm 2040 (33%), sẽ gây áp lực lên hệ thống hưu trí của nước này cùng lúc mức đóng góp giảm đáng kể khi tăng trưởng quốc gia chậm lại.

    Nhìn chung, theo các chuyên gia, việc cải thiện an ninh của hệ thống hưu trí trên toàn cầu, giúp người dân có hưu trí an nhàn, có thể bao gồm tăng độ bao phủ của nhiều hệ thống hưu trí tư nhân, khuyến khích mọi người làm việc lâu hơn một chút, tăng mức tài trợ dành cho nghỉ hưu, và hạn chế việc rút tiền từ hệ thống trước khi nghỉ hưu.      


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán