Điểm nhấn chính:
- Pump and dump, bơm giá và xả hàng, là chiến lược sử dụng các thông tin để thổi giá chứng khoán lên một mức cao nhất định, và nhanh chóng bán chúng sau đó.
- Hiểu biết cơ bản về chứng khoán: Nâng cao cảnh giác cũng như tìm hiểu kỹ các thông tin về cổ phiếu định mua sẽ giúp bạn hạn chế tổn thất có thể xảy ra.
Chiến lược Pump and Dump là gì?
“Pump and dump”, hay bơm và xả, là một kế hoạch thao túng giá chứng khoán, nhằm cố gắng tăng giá của chúng thông qua các khuyến nghị giả mạo. Những khuyến nghị này được đưa ra dựa trên những tuyên bố sai sự thật, được truyền thông bơm phồng quá mức.
Khi những thông tin “tốt” về cổ phiếu được tung ra, thị trường sẽ phản ứng bằng cách mua lượng lớn cổ phiếu, khiến giá của chúng tăng lên một cách nhanh chóng. Như vậy, thông qua việc tận dụng những thông tin này, những kẻ thao túng giá trong kế hoạch pump and dump đang nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu sẽ tiến hành bán chúng ngay khi giá cổ phiếu được đẩy lên một mức cao nhất định và kiếm lợi nhuận.
Hiểu biết cơ bản về chứng khoán: Cơ chế của chiến lược “Pump and dump”
Ngay từ cái tên, bạn có thể dễ dàng đoán được chiến lược pump and dump gồm hai giai đoạn: Bơm (pump) và Xả (dump). Hai giai đoạn này cùng nhau tạo nên “mô hình cây thông” trong biểu đồ giá cổ phiếu.
Theo đó, hai giai đoạn trong chiến lược “pump and dump” có thể được hiểu như sau:
Giai đoạn bơm (Pump)
Ở giai đoạn này, các nhà đầu tư có số vốn lớn và có khả năng thao túng thị trường, hay được gọi là “cá mập” và “đội lái”, sẽ mua một lượng lớn cổ phiếu. Động thái này làm cho giá cổ phiếu được đẩy lên cao.
Theo đó, loại cổ phiếu thường được áp dụng trong chiến lược này là nhóm cổ phiếu penny. Đó là bởi vì các cổ phiếu này có thị giá thấp nên dễ thu hút được nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể mua vào với số lượng lớn. Khi càng nhiều nhà đầu tư đổ dồn vào các cổ phiếu này, giá của chúng sẽ càng tăng, thậm chí là tăng trần.
Giá cổ phiếu không ngừng tăng cao sẽ đánh vào “lòng tham”, khiến nhiều nhà đầu tư chưa nắm giữ cổ phiếu này sẽ rơi vào tâm lý sợ bỏ lỡ (hay FOMO). Như vậy, họ bất chấp mua vào mà không đánh giá các chỉ số tài chính cơ bản hay thực hiện phân tích cổ phiếu. Kết quả là, sau một thời gian, không chỉ nhóm cá mập và đội lái, mà cả những nhà đầu tư nhỏ lẻ thông thường cũng hỗ trợ đẩy giá cổ phiếu lên cao vượt giá trị thực của nó.
Giai đoạn xả (Dump)
Một khi giá cổ phiếu được đẩy lên đến một ngưỡng cao lý tưởng, những cá nhân thao túng thị trường sẽ đồng loạt bán ra lượng cổ phiếu đang nắm giữ để thu về lợi nhuận. Một lượng lớn cổ phiếu bị bán sẽ nhanh chóng khiến giá cổ phiếu giảm. Khi đó, các nhà đầu tư lao vào bán tháo cổ phiếu mình nắm giữ tại bất kỳ mức giá nào.
Trong khi tâm lý FOMO trước đó khiến các nhà đầu tư mua vào cổ phiếu khi giá của chúng đã bị đẩy gần lên đến đỉnh, và tâm lý bán tháo có thể khiến họ bán cổ phiếu tại mức giá thấp hơn. Như vậy, hệ quả của chiến lược “pump and dump” sẽ khiến giá trị khoản đầu tư sụt giảm đáng kể, thậm chí là thua lỗ nghiêm trọng.
Các ví dụ “Pump and Dump” trong thực tế
Kế hoạch “pump and dump” thường xuất hiện và cũng trở nên nổi tiếng trong thị trường tiền điện tử. Vốn không được kiểm soát một cách chặt chẽ, thị trường này đã trở thành “miếng mồi béo bở” cho những kẻ lừa đảo sử dụng các thủ thuật để đánh lừa các nhà đầu tư. Để hiện thực hóa kế hoạch của mình, những kẻ này đã “cường điệu” giá trị tiền điện tử thông qua các nền tảng mạng xã hội như Twitter, Telegram hay Facebook với những tin tức sai lệch, không đúng sự thật.
Theo Chainalysis, trong số 1.1 triệu mã token được tung ra vào năm 2022, có 40,521 token được đánh giá là có tác động đến thị trường và khoảng 24% trong số 40,521 token này có xu hướng “pump and dump”. Theo đó, giá trị của các token này đã giảm mạnh 90% ngày sau một tuần đầu tiên ra mắt, cho thấy kế hoạch thao túng thị trường của các bên tung ra token khi đã nhanh chóng bán mạnh số lượng token họ nắm giữ sau đó.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, do các quy định kiểm soát còn hạn chế, các chiêu trò “pump and dump” vẫn xuất hiện với tần suất đáng kể trên các diễn đàn chứng khoán, nhóm chat và trang mạng xã hội.
Nhìn lại năm 2021, một nhóm cổ phiếu đã ghi nhận tăng mạnh, vượt xa giá trị thực và rồi giảm sâu sau đó. Ban đầu, nhóm cổ phiếu này có thị giá rất thấp và phần lớn dưới mệnh giá 10,000 đồng. Tuy nhiên, với bàn tay thâu tóm của một nhóm đứng đầu, các cổ phiếu này đã không ngừng tăng phi mã và trở thành tâm điểm trong các nhóm “phím hàng”. Một trong những người đứng đầu từng khẳng định rằng, đến cuối năm 2021, giá các cổ phiếu sẽ tăng gấp 2 lần, 3 lần và thậm chí là 4 – 5 lần.
Đúng như vậy, các cổ phiếu liên quan đều ghi nhận tăng gấp nhiều lần, thậm chí có cổ phiếu đã nhảy vọt tăng gấp 40 lần, từ 1,980 đồng hồi tháng 3/2021 lên 74,800 đồng chỉ sau khoảng 6 tháng. Tuy vậy, sau khi tạo đỉnh, giá các cổ phiếu nhanh chóng tụt dốc, mất khoảng 50 – 70% giá trị ở thời điểm cao nhất. Dù có sự can thiệp của Ủy ban chứng khoán Nhà nước sau đó, song thiệt hại mà các nhà đầu tư đã phải gánh chịu là rất lớn.
Hiểu biết cơ bản về chứng khoán: Làm thế nào để tránh rơi vào bẫy Pump and Dump?
Như vậy, để tránh phải chịu tổn thất khi trúng bẫy pump and dump, nhà đâu tư cần có hiểu biết cơ bản về chứng khoán và có thể tham khảo các cách để phòng ngừa bẫy pump and dump dưới đây:
Nâng cao cảnh giác với những “khuyến nghị đầu tư” mang tính mời chào
Bạn nên thận trọng trước những lời gọi mua cổ phiếu có tính chất như "cơ hội đầu tư hiếm có". Bởi vì có rất nhiều cách để những thủ thuật tinh vi này có thể tiếp cận bạn - qua email; các lời bình luận, phản hồi hay bài đăng trên mạng xã hội của bạn; tin nhắn SMS hoặc các cuộc gọi điện thoại đến bạn. Theo đó, nếu không nhanh chóng cảnh giác, bạn có thể phải chịu tổn thất đáng kể bởi những thủ thuật này thay vì khoản lợi nhuận khổng lồ mà những kẻ lừa đảo hứa hẹn bạn. Để ý dấu hiệu của những cảnh báo đỏ:
- Giá cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng nữa.
- Cổ phiếu có sóng, trade short-term kiếm tiền nhanh
- Khoản đầu tư “chắc chắn” sẽ giúp bạn trở nên giàu có
- Bạn phải mua cổ phiếu này ngay bây giờ nếu không sẽ đánh mất cơ hội hiếm có
- Bạn sẽ có cơ hội “1 vốn 4 lời” và thậm chí là “1 vốn 10 lời”.
- Các quảng cáo giao dịch T+0, được mua bán trong ngày với lợi nhuận “khủng”
Đây đều là những chiến thuật phổ biến được những người chào “hàng” chứng khoán và những người quảng cáo vô đạo đức sử dụng, mà nhà đầu tư cần phải cảnh giác.
Đề phòng những lời gọi mời trong các hội, nhóm của bạn
Những kẻ lừa đảo có thể tiếp cận thành viên các nhóm cộng đồng bạn tham gia. Thậm chí, chúng có thể trở thành viên chung nhóm với bạn và dễ dàng tiếp cận bạn dựa trên danh nghĩa là “bạn cùng nhóm/tổ chức”. Điều này có thể khiến bạn lơ là cảnh giác hơn và dễ khiến bạn dính bẫy các chiêu trò lừa đảo của chúng.
Khi đã có hiểu biết cơ bản về chứng khoán, trước khi đầu tư, bạn hãy tự mình tiến hành nghiên cứu cổ phiếu và thẩm định các thông tin liên quan đến chúng. Việc nghiên cứu cổ phiếu kỹ lưỡng và thẩm định các thông tin về tính hợp pháp của công ty phát hành cổ phiếu, các số liệu có trong báo cáo tài chính hay về tiềm năng tăng trưởng của chúng trong tương lai trước khi rót một khoản tiền vào một (một số) cổ phiếu bất kỳ sẽ giúp bạn tránh được những tổn thất nặng nề hay biến động bất thường xảy ra, đồng thời cũng có thể tránh khỏi bẫy pump and dump.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.