Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Câu chuyện hủy niêm yết của Toshiba

Nội dung

    Điểm nhấn chính: 

    - Giá niêm yết cổ phiếu của công ty giảm xuống vùng đáy trong lịch sử, giảm từ 88 USD (năm 2008) xuống còn 15 USD (năm 2016).

    - Gã khổng lỗ công nghệ Toshiba chính thức hủy niêm yết sau một thập kỷ đầy biến động. 

    - Sau thương vụ mua bán lớn nhất châu Á trong năm nay khi Toshiba chấp thuận đề nghị của Japan Industrial Partners với giá 15,3 tỷ USD, Toshiba được kỳ vọng sẽ phát triển trở lại.  

    Ngày 20/12/2023 vừa qua, Toshiba đã chính thức hủy niêm yết khỏi sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, sau 74 năm niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây là một sự kiện có sức ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Toshiba là một trong những “tượng đài” hùng mạnh, là biểu tượng của ngành công nghệ Nhật Bản.  

    Hành trình của “gã khổng lồ” công nghệ Toshiba

    Gã khổng lồ Toshiba từng là gương mặt đại diện cho sự thống trị của Nhật Bản trong lĩnh vực điện tử. Toshiba được thành lập vào năm 1875, tức đến nay doanh nghiệp này đã có tuổi đời là 150 tuổi. Tiền thân của Toshiba là hai công ty:

    - Tanaka Siezo – sho (Tanaka Engineering Works), được thành lập vào năm 1882, nổi tiếng về cơ khí và phát minh chiếc đồng hồ perpetual clock. Dưới cái tên Shibaura Seisaku-sho (Shibaura Engineering Works) kể từ năm 1904, công ty này trở thành một trong những nhà sản xuất thiết bị điện hạng nặng lớn nhất Nhật Bản.

    - Hakunetsu-sha & Co., Ltd., được thành lập vào năm 1890 và là nhà sản xuất đèn sợi đốt đầu tiên của Nhật Bản. Nhờ sự đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh sau đó, công ty đã phát triển thành nhà sản xuất các sản phẩm tiêu dùng và trở thành Tokyo Denki (Tokyo Electric Co.).

    - Năm 1939, hai công ty này sáp nhập để thành lập nhà sản xuất thiết bị điện tích hợp với tham vọng trở thành một trong những nhà sản xuất máy điện hàng đầu thế giới, Tokyo Shibaura Denki (Tokyo Shibaura Electric Co., Ltd.), và chính thức được gọi là “Toshiba” kể từ năm 1978.  


    Người tiên phong công nghệ

    Toshiba đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống con người, nhờ phát minh ra nhiều sản phẩm đầu tiên của Nhật Bản: đèn sợi đốt đầu tiên (1890), máy phát điện bánh xe nước (1894), quạt điện đầu tiên (1894), tủ lạnh và máy giặt (1930), TV màu đầu tiên (1960), ...

    Theo Jiemian News, Toshiba từng là biểu tượng cổ phiếu ngành công nghệ,  biểu tượng cho sức mạnh của ngành công nghiệp chế tạo Nhật Bản, từng cùng với Sharp và Panasonic tạo thành “Big Three” của ngành đồ điện gia dụng Nhật Bản, với phạm vi kinh doanh gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, năng lượng hạt nhân, sản xuất điện, chất bán dẫn, thiết bị gia dụng, máy tính, thiết bị gia dụng, xây dựng cơ sở hạ tầng...

    Những năm 1980 và 1990, chính phủ Nhật Bản cung cấp các khoản vay và trợ cấp giá rẻ để giúp hỗ trợ ngành công nghệ nước này phát triển mạnh mẽ. Thuận đà phát triển, Toshiba ngày càng trở nên nổi tiếng và khẳng định “vị trí” của mình là cổ phiếu ngành công nghệ hàng đầu.

    Thành tựu nổi bật nhất của Toshiba là chiếc máy tính cá nhân xách tay T1100 đầu tiên trên thế giới (1985). Đây là máy tính xách tay mang cấu hình IBM của máy tính để bàn. IBM khi đó đã đi đầu về công nghệ và đổi mới các bộ phận. Đồng thời, nó đã xác lập “tiêu chuẩn” của một chiếc máy tính xách tay tương lai cũng như là điểm khởi đầu cho sự thống trị về PC của Toshiba. Theo đó, Toshiba đã nắm 20% thị phần thị trường PC toàn cầu vào năm 1996. Không những vậy, Toshiba còn tạo dấu ấn nhờ đi đầu trong lĩnh vực bán dẫn, bằng việc phát minh ra ổ flash NAND (1991), thành phần chính của tất cả phần cứng hiện đại. Đây cũng là chip lưu trữ dữ liệu đầu tiên có thể giữ lại bộ nhớ mà không cần nguồn điện.

    Những năm 1990 và 2000, Toshiba trở thành công ty lớn trong ngành sản xuất máy tính xách tay, đồng thời duy trì vị trí dẫn đầu thị trường ổ đĩa flash NAND. Theo một báo cáo năm 2007, công ty chiếm 17.8% tổng doanh số bán máy tính tại các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ và chiếm thị phần lên tới 18% trên thị trường ổ flash NAND, chỉ đứng sau Samsung với thị phần 35%, là một trong những cổ phiếu ngành công nghệ hàng đầu trên thế giới thời điểm bấy giờ. 

    Westinghouse phá sản, giá niêm yết cổ phiếu lao dốc và chuỗi những rắc rối bắt đầu

    Vào thời kỳ đỉnh cao, Toshiba không chỉ thống trị lĩnh vực thiết bị gia dụng mà còn góp mặt vào lĩnh vực bán dẫn, thiết bị y tế, điện hạt nhân và cơ sở hạ tầng. Tuy vậy, sự suy thoái của Toshiba cũng bắt đầu từ đây, đặc biệt là từ khi hãng công nghệ này kinh doanh hạt nhân.

    Năm 2005, cuộc đua mang tên “xây dựng nhà máy điện hạt nhân” bùng nổ trên thế giới, khi nhiều nước bắt đầu đầu tư và ký kết cam kết trong lĩnh vực này. Năm 2006, Toshiba đã mua lại Westinghouse, một nhà sản xuất thiết bị điện hạt nhân hạng nặng toàn cầu của Mỹ, với giá cao ngất ngưởng, 5.4 tỷ USD.

    Tuy nhiên, sự cố rò rỉ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 (dưới tác động của trận sóng thần lịch sử) đã khiến số đơn đặt hàng giảm, dẫn đến việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trên toàn cầu bắt đầu trì trệ, Nhật Bản cũng ngừng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân và đóng cửa tất cả các lò phản ứng hạt nhân, khiến hoạt động kinh doanh của Toshiba cũng bị vạ lây.  

    Vụ bê bối kế toán

    Để che đậy lỗ hổng trong hoạt động kinh doanh, Toshiba đã “gian lận tài chính” trong 8 năm. Tháng 05/2015, Toshiba thông báo đang điều tra một vụ bê bối trong bộ phận kế toán và cho biết đây là vụ bê bối gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử công ty.

    Trong nỗ lực làm hài lòng các cổ đông, CEO Atsutoshi Nishida (người chế tạo ra T1100) đã làm giả sổ sách tài chính. Atsutoshi Nishida bắt đầu “cook số” và “khuyến khích” cấp dưới của mình làm điều tương tự. Tháng 01/2009, khi bộ phận PC có thể chịu khoản lỗ là 18 tỷ Yên (khi đó ~203 triệu USD), Nishida đã yêu cầu "cải thiện" lợi nhuận lên 10 tỷ Yên.

    Theo kết luận của một ủy ban điều tra độc lập, Toshiba đã phóng đại lợi nhuận lên thêm 1.2 tỷ USD tính đến năm 2015. Vụ bê bối bị vạch trần đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, giá niêm yết cổ phiếu và danh tiếng của công ty. Kể từ đó, việc kinh doanh của Toshiba ngày càng kém đi và nhiều lần rơi vào vũng lầy thua lỗ.

    Số liệu từ companiesmarketcap cho thấy, doanh thu của Toshiba đạt 72.39 tỷ USD vào năm 2008. Tuy nhiên, đến năm 2016, con số này chỉ còn 47.25 tỷ USD và tiếp tục giảm vào những năm tiếp theo. Năm 2022, doanh thu của Toshiba là 25.31 tỷ USD.

    Nguồn: Companiesmarketcap.com,  Tititada Research

    Những sự kiện này nhanh chóng khiến Toshiba đã bị loại khỏi danh sách các công ty chứng khoán Tokyo tốt nhất tại Nhật Bản. Giá niêm yết cổ phiếu của công ty giảm xuống vùng đáy trong lịch sử, giảm từ 88 USD (năm 2008) xuống còn 15 USD (năm 2016).  

    Bán các mảng kinh doanh

    Mặc dù, sự xuất hiện của Internet vào những năm 2000, đã góp phần thúc đẩy doanh số bán máy tính và các sản phẩm khác. Tuy nhiên, làn sóng cạnh tranh gia tăng khi nhiều công ty như Acer và Asus, đã tận dụng cơ hội để bán máy tính xách tay và các sản phẩm điện tử khác. Hay sự xuất hiện của các thương hiệu đến từ Trung Quốc, với mức giá thấp hơn như Lenovo, … cũng đe dọa đến sự tồn tại của Toshiba.

    Cùng với đó, suy thoái năm 2008 cũng góp phần ảnh hưởng nặng nề đến công ty. Theo các báo cáo, doanh thu từ bộ phận PC đã giảm hơn 80% trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2015. Do đó, năm 2015, Toshiba bắt đầu gia công sản xuất TV, và các sản phẩm của công ty dần rút khỏi thị trường bên ngoài Nhật Bản. Sau loạt khó khăn phải đối mặt, Toshiba đã đóng cửa và bán nhiều mảng hoạt động kinh doanh.

    - Tháng 10/2015, Toshiba bán mảng kinh doanh cảm biến hình ảnh cho Sony với giá 165 triệu USD

    - Tháng 12/2016, Toshiba bán 80% cổ phần mảng sản xuất điện tử gia dụng Toshiba Lifestyle Products & Services Corporation cho tập đoàn Midea Group (Trung Quốc) với giá 473 triệu USD. Midea được quyền sử dụng thương hiệu Toshiba cho các thiết bị này trên toàn cầu trong vòng 40 năm

    - Mảng kinh doanh thiết bị y tế (Toshiba Medical Systems Corporation) được bán cho Cannon, hiện có tên là Canon Medical Systems Corporation

    - Mảng TV cho Hisense với giá trị 114.4 triệu USD

    - Mảng kinh doanh máy tính xách tay được bán cho Sharp

    Theo một nghiên cứu từ nhà cung cấp dữ liệu IDC, Toshiba nắm 20% thị trường PC toàn cầu vào năm 1996 và đến năm 2016, thị phần của hãng đã giảm xuống chỉ còn 5%. Cuối năm 2019, trước khi hoàn tất bán mảng PC cho Sharp, Toshiba đã không còn tên trong top các thương hiệu chiếm thị phần lớn trong thị trường PC toàn cầu, bao gồm Levono (24.1%), HP Inc (19.4%), Dell (17.5%), Apple (9.8%), Asus (7.2%) và Acer (6.5%).

    Toshiba từng là một trong những hãng đi đầu trong lĩnh vực máy tính xách tay. Tuy nhiên, họ đã dần đánh mất sức mạnh này trong vài thập kỷ qua. Những vấn đề nội bộ cùng với việc các thương hiệu khác đưa sản phẩm máy tính xách tay lên một tầm cao mới, như MacBook của Apple, đã khiến Toshiba dần mờ nhạt trong tâm trí người tiêu dùng.

    Theo đó, Toshiba đã bán mảng PC cho Sharp với giá hời – chỉ 36 triệu USD nhưng vẫn giữ 19.9% cổ phần của công ty và quyền mua có lợi cho Sharp. Sharp nhanh chóng đổi tên doanh nghiệp thành “Dynabook” và bắt đầu tung ra các mẫu máy mới để vực dậy thương hiệu. Đến cuối tháng 6/2020, Sharp thực hiện quyền chọn mua 19.9% cổ phần còn lại, mảng PC của Toshiba chính thức đổi chủ hoàn toàn.

    Mặt khác, đầu năm 2017, hãng liên tục trễ hạn công bố báo cáo tài chính do những rắc rối tại mảng điện hạt nhân ở Mỹ. Toshiba buộc phải xin phá sản Westinghouse và rao bán khi thiệt hại hơn 6 tỷ USD.

    Toshiba có giá trị ròng âm hơn 500 tỷ Yên và phải khắc phục trước cuối tháng 03/2018 nếu muốn tiếp tục niêm yết trên SGDCK Tokyo. Để làm được điều này, Toshiba không còn lựa chọn nào ngoài việc bán đi “viên ngọc quý” của mình, bộ phận chip nhớ của công ty, vốn đóng góp khoảng 90% lợi nhuận hoạt động của tập đoàn.

    Nhà máy chip của Toshiba ở Yokkaichi là một trong những nhà máy lớn nhất thế giới. Thời kỳ hoàng kim của chip nhớ truy cập ngẫu nhiên động (RAM động), ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản được ví như “kẻ thống trị thế giới”, với thị phần toàn cầu hơn 50% vào năm 1990. Cùng với đó, Toshiba cũng từng chiếm thị phần lên tới 18% trên thị trường ổ flash NAND, chỉ đứng sau Samsung (35%), báo cáo năm 2007.

    Tuy nhiên, trước những khó khăn công ty đang đối mặt, Toshiba quyết định bán mảng chip cho quỹ Bain Capital của Mỹ với giá 2,000 tỷ yen (~18 tỷ USD) vào cuối năm 2017.

    Cũng trong năm này, Toshiba huy động được 600 tỷ yen (5.4 tỷ USD) từ 60 nhà đầu tư nước sau đợt phát hành cổ phiếu khẩn cấp. Nhờ khoản tiền này cùng với tiền bán mảng chip, đã “cứu Toshiba một bàn thua trông thấy” trước việc bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán. 

    Quyết định “tự bán mình”

    Đỉnh điểm là Toshiba bắt đầu “bán chính mình”. Tháng 04/2021, quỹ đầu tư tư nhân Châu Âu CVC đề xuất tư nhân hóa Toshiba với giá 21 tỷ USD, song Toshiba từ chối. Sau đó, các tập đoàn nước ngoài khác như Bain Capital, KKR, Blackstone Group... quan tâm đến việc mua lại Toshiba.


    Ban lãnh đạo Toshiba cũng đề xuất phương án chia tập đoàn thành hai hoặc ba, tức một bộ phận tập trung vào kinh doanh thiết bị điện tử và lưu trữ, bộ phận còn lại tập trung vào năng lượng và cơ sở hạ tầng. Nhưng cuối cùng, các ý kiến trên đều bị cổ đông bác bỏ.      

    Tháng 6/2022, Toshiba nhận được 8 lời chào mua và chọn ra 4 cái tên tiềm năng, trong đó có Bain Capital, CVC Capital Partners, JIP và Japan Investment Corp (JIC).

    Đến tháng 3/2023, Toshiba thông qua nghị quyết chấp nhận đề nghị mua lại từ liên minh nội địa Nhật Bản Japan Industrial Partners (JIP) với giá 15.3 tỷ USD. Phương án mua lại của JIP nhận được sự ủng hộ từ chính phủ Nhật Bản và nhiều công ty Nhật Bản, gồm ROHM Electronics, Chubu Electric Power Co., Ltd., cũng như các khoản vay được cung cấp bởi 5 ngân hàng lớn của Nhật Bản, trong đó có Ngân hàng Mizuho và Ngân hàng Sumitomo Mitsui Trust.

    Toshiba đã lâm vào nhiều khủng hoảng trong 8 năm qua, bắt đầu từ bê bối kế toán năm 2015, dẫn đến việc bị yêu cầu tái cấu trúc lại công ty. Việc mua lại được kỳ vọng sẽ mở ra trang mới cho hãng công nghệ này.

    Theo đó, Toshiba ngày 21/9 thông báo lời chào mua của một tập đoàn tài chính do JIP đứng đầu đã được ký kết, trị giá gần 14 tỷ USD, dọn đường cho việc tư nhân hóa và hủy niêm yết của công ty, đánh dấu một trong những giao dịch mua và sáp nhập lớn nhất châu Á trong năm nay.

    Theo báo Nikkei, Quỹ Đối tác công nghiệp Nhật Bản đã thực hiện thương vụ chào mua đối với Toshiba, tỷ lệ đăng ký cổ đông là 78.65%, vượt quá 67.7% số cổ đông cần thiết để tiến hành đại hội cổ đông. Ngày 22/11, Toshiba đưa ra thông báo kế hoạch hủy niêm yết đã được ĐHĐCĐ bất thường thông qua và hủy niêm yết vào ngày 20/12, trở thành tập đoàn tư nhân.  

    Những gì “đợi” Toshiba phía trước?

    Trên thực tế, sự trở lại của Toshiba dự báo rất khó khăn, khi doanh thu đã giảm một nửa. Nếu doanh thu năm 2015 của Toshiba là 44.67 tỷ USD thì đến năm 2023 chỉ còn 22.67 tỷ USD. Tính đến ngày 19/12, giá trị thị trường của Toshiba là khoảng 2 nghìn tỷ yen (khoảng 14 tỷ USD).

    Theo đó, sau thương vụ mua bán này, Toshiba được các chuyên gia khuyên loại bỏ những lĩnh vực kinh doanh kém lợi nhuận và phát triển chiến lược kinh doanh mạnh mẽ hơn cho một số công nghệ tiên tiến.

    Bản thân Quỹ Đối tác công nghiệp Nhật Bản, đơn vị thực hiện thương vụ chào mua, có kế hoạch hồi sinh Toshiba với một kế hoạch kinh doanh mới và sự điều hành ổn định. Nếu có cách thức hoạt động đổi mới có tính đột phá, Toshiba có thể trở lại là một công ty quan trọng trên thị trường.

    Ngoài ra, mới đây, Toshiba đã có động thái hợp tác với Rohm để đầu tư 2.7 tỷ USD vào các nhà máy để cùng sản xuất chip năng lượng.

    Tóm lại, một thập kỷ biến động và bê bối đã đánh sập Toshiba. Thương hiệu đã buộc phải "bán mình" và rời thị trường chứng khoán sau 74 năm niêm yết. Liệu thương vụ trên sẽ là hồi kết hay sẽ là chương mới của một 'tượng đài'? Mong rằng động thái trong những năm tới đây của Toshiba sẽ là câu trả lời thỏa đáng về hình ảnh một doanh nghiệp từng là điểm sáng của ngành công nghệ Nhật Bản.

    Cập nhật ngày 28/12/2023


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán