Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Giữ chân nhân sự bằng tháp Maslow

Nội dung

    Điểm nhấn chính

    - Theo lý thuyết của Abraham Maslow, con người có một số nhu cầu cơ bản và tất cả các nhu cầu này được sắp xếp thành 5 bậc thang, từ nhu cầu cơ bản nhất cho đến nhu cầu cao cấp hơn.

    - Tháp nhu cầu Maslow có ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn vì nó cho thấy rằng, con người không chỉ có những nhu cầu về vật chất mà còn có nhu cầu về tinh thần, xã hội.

    Tìm hiểu cùng Tititada!

    Doanh nghiệp nào cũng muốn đồng hành cùng nhân sự của mình ở mọi giai đoạn trong sự nghiệp. Vì thế, các chuyên gia và ban lãnh đạo công ty luôn cố gắng giữ chân các nhân tài, trợ giúp họ trong các cuộc khủng hoảng. Để làm được điều này một cách hiệu quả nhất, họ phải hỗ trợ 1 cách phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu và mong muốn của nhân viên ở từng cấp độ khác nhau.

    Bài viết này sẽ giải thích cho bạn về Tháp nhu cầu của Maslow - một lý thuyết động lực trong tâm lý học bao gồm một mô hình năm tầng về nhu cầu của con người, thường được mô tả dưới dạng các cấp bậc trong một kim tự tháp.

    Chi tiết về Tháp nhu cầu của Maslow

    Tháp nhu cầu của Maslow (Maslow’s Hierarchy of Needs) được phát triển bởi nhà tâm lý học Abraham Maslow vào năm 1943. Ông đề xuất rằng con người có năm cấp độ nhu cầu:

    - Cấp độ thứ nhất (thấp nhất): Nhu cầu sinh lý (Physiological needs) là những nhu cầu vật chất cơ bản nhất của con người bao gồm thức ăn, nước uống và thậm chí là oxy. Trong môi trường làm việc, chúng được phản ánh ở nhu cầu về sự cung cấp lương cơ bản để đảm bảo sự sống còn.

    - Cấp độ thứ hai: Nhu cầu an toàn (Safety needs) bao gồm một môi trường thể chất và tinh thần an toàn và bảo đảm không bị đe dọa. Điều này nghĩa là họ mong muốn tránh khỏi bạo lực và mưu cầu một cuộc sống, xã hội bình yên, có trật tự. Trong môi trường làm việc, nhu cầu an toàn phản ánh các dịch vụ bên lề như bảo hiểm, phúc lợi cá nhân.

    - Cấp độ thứ ba: Nhu cầu xã hội (Belongingness needs) phản ánh mong muốn được công nhận từ đồng nghiệp, có được mối quan hệ bạn bè, trở thành thành viên của một tập thể và được yêu thương, v.v.

    - Cấp độ thứ tư: Nhu cầu được tôn trọng (Esteem needs) liên quan đến mong muốn có một hình ảnh tích cực về bản thân và nhận được sự chú ý, công nhận và đánh giá cao từ người khác. Trong các tổ chức, nhu cầu này phản ánh động cơ làm việc để được công nhận, tăng cường trách nhiệm, địa vị và tín nhiệm của những đóng góp cho tổ chức.

    - Cấp độ thứ năm (cao nhất): Nhu cầu được thể hiện bản thân (Self-actualization needs) là loại nhu cầu cao nhất bao gồm nhu cầu tự hoàn thiện. Họ quan tâm đến việc phát triển toàn bộ tiềm năng, nâng cao năng lực của mình và trở thành một “phiên bản” tốt hơn. Nhu cầu có thể được đáp ứng trong tổ chức bằng cách cung cấp cho mọi người những cơ hội để phát triển, sáng tạo và được đào tạo để thực hiện các nhiệm vụ đầy thử thách và chuyên môn.

    Theo lý thuyết của Maslow, những nhu cầu bậc thấp được ưu tiên, có nghĩa là chúng phải được đáp ứng được thỏa mãn trước khi các nhu cầu bậc cao hơn được kích hoạt. Ví dụ: Một người mong muốn sự an toàn về thể chất sẽ nỗ lực hết mình để đảm bảo một môi trường an toàn hơn và sẽ không quan tâm đến nhu cầu được tôn trọng hoặc nhu cầu được thể hiện. Khi mức độ an toàn đạt được như mong muốn của họ, tầm quan trọng của nó sẽ giảm dần và nhu cầu tiếp theo sẽ được kích hoạt.

    Nguồn: Internet

    Ưu điểm của tháp Maslow

    1. Sự đơn giản

    Ưu điểm lớn nhất của tháp Maslow là nó rất đơn giản để hiểu bởi vì chúng ta đều trải qua ít nhất một trong số các giai đoạn này của kim tự tháp trong suốt cuộc đời của mình. Cụ thể là đối với một lao động trung bình, nhu cầu của họ sẽ luôn bị giới hạn ở cấp độ thấp về nhu cầu thức ăn, chỗ ở và quần áo nhưng đối với một doanh nhân tỷ phú, ưu tiên hàng đầu của họ sẽ là cấp độ cao hơn về nhu cầu lòng tự trọng hoặc ý thức đạt được mọi thứ và họ sẽ không bao giờ nghĩ đến thức ăn, chỗ ở, quần áo vì những nhu cầu này đã được đáp ứng từ lâu.

    2. Sự đề cập đến bản chất con người

    Lý thuyết này xem xét bản chất cơ bản của con người là đòi hỏi nhiều hơn khi những nhu cầu ở cấp độ thấp hơn được thỏa mãn. Có thể hiểu rõ hơn qua một ví dụ, giả sử một đứa trẻ nhỏ đang đói và được đưa ra hai lựa chọn một là thức ăn và một là đồ chơi thì nó sẽ không chọn đồ chơi mà sẽ ăn thức ăn trước rồi mới đòi đồ chơi. Nhưng khi đứa nhỏ đã no thì chúng sẽ chọn đồ chơi mà không chọn thức ăn nữa. Vì thế có thể nói rằng bản chất ham muốn này vốn đã có ở con người từ khi mới sinh ra.

    3. Sự phù hợp

    Nó phù hợp trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống. Cụ thể, ưu tiên hàng đầu của mỗi người luôn là thực hiện những thu xếp cần thiết để có được thức ăn, sau đó là an ninh cho chỗ ở, chỗ làm việc. Khi các nhu cầu đó được thỏa mãn, cá nhân sẽ chuyển sang nhu cầu về các mối quan hệ xã hội cũng như có được sự công nhận đến từ mọi người. Cuối cùng họ sẽ mong muốn trau dồi bản thân để đạt được những thành tựu nhất định.

    Nhược điểm của tháp Maslow

    1. Không phải tất cả các cá nhân đều suy nghĩ giống nhau

    Nhược điểm lớn nhất của lý thuyết này là không phải tất cả các cá nhân đều suy nghĩ giống nhau, do đó đối với một số cá nhân, tình cảm và sự tôn trọng xã hội quan trọng hơn nhu cầu an toàn và đó là lý do tại sao người ta thấy nhiều người chọn mua ô tô đắt tiền để khoe khoang với xã hội trước khi mua gói bảo hiểm, nhà ở cho gia đình vì họ cảm thấy hài lòng khi được xã hội biết đến hơn là đáp ứng nhu cầu an toàn của gia đình.

    2. Sự khác biệt về văn hóa

    Một hạn chế khác của lý thuyết này chắc chắn sẽ là sự khác biệt về văn hóa khi lý thuyết này được áp dụng cho các quốc gia khác nhau, vì mỗi quốc gia có nền văn hóa khác nhau. Ví dụ ở các quốc gia như Hoa Kỳ, trẻ em sau một độ tuổi nhất định sẽ rời khỏi nhà và cha mẹ không cần phải lo lắng về tương lai của con cái và con cái cũng không phải lo lắng về cha mẹ, trong khi ở những quốc gia như Ấn Độ, nơi văn hóa gia đình rất phổ biến, trẻ em và cha mẹ đều phải nghĩ đến nhau bất kể khi nào.

    3. Khó đo lường

    Rất khó để đo lường sự hài lòng mà một người nhận được sau khi thỏa mãn từng cấp độ nhu cầu vì nó mang tính chất chủ quan và liên quan đến tâm trí con người. Điều mà bất kỳ máy móc hay phương pháp nào cũng không thể dự đoán được.

    Masan Group đã áp dụng tháp Maslow như thế nào?

    Masan Group là tập đoàn tiêu dùng dẫn đầu giá trị vốn hóa và đã vươn lên thành tập đoàn hàng đầu Việt Nam. Tập đoàn vừa được vinh danh là “Nơi làm việc tốt nhất châu Á 2023”, đồng thời cũng là công ty chiến thắng hạng mục giải thưởng đặc biệt: Doanh nghiệp có môi trường làm việc đa dạng, bình đẳng và hòa nhập. Vì thế, công ty mong muốn đầu tư đáng kể vào nguồn nhân lực và theo đuổi chiến lược "đặt con người lên hàng đầu". Tìm hiểu về nơi làm việc của Tập đoàn Masan mới thấy được tại sao doanh nghiệp này lại nhận được giải thưởng cao quý này. Ngoài áp dụng tốt tháp nhu cầu Maslow trong việc quảng bá sản phẩm, quá trình hoạt động và điều hành, các nhà quản trị của Masan cũng áp dụng khá tốt trong tuyển dụng và đối đãi với nhân viên của họ.

    Nhu cầu sinh lý: Để duy trì một mức sống ổn định và phù hợp với cuộc sống hiện nay, mức lương phù hợp là yếu tố mang tính quyết định rất lớn ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi người. Điển hình là Tập đoàn sẵn sàng chi trả cho vị trí Quản lí ngành thực phẩm ở Nghệ An - Hà tĩnh khoảng 2,000-3,000 USD/tháng, và đương nhiên, tiền lương sẽ tăng theo mức năng lực của nhân viên. Chính sách tăng lương tùy theo năng lực sẽ giúp cho các nhân viên có động lực làm việc hơn, từ đó sẽ giúp công ty phát triển hơn trong tương lai.

    Nhu cầu an toàn: Ban lãnh đạo còn khuyến khích và hỗ trợ nhân viên cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Hiểu được mong muốn của nhân viên về nơi làm việc, công ty đưa ra lịch trình làm việc linh hoạt, các chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện, teambuilding thường xuyên và các hoạt động thể thao như yoga và chạy bộ. Các gói lợi ích như bảo hiểm, tiền thưởng, hoa hồng cũng được đảm bảo và có tính cạnh tranh cao.

    Nhu cầu xã hội: Khi làm việc tại Masan, các nhân viên của tập đoàn phải luôn làm việc theo nhóm để tận dụng tối đa kỹ năng của các thành viên trong nhóm đưa công ty phát triển và đi lên. Kỹ năng nghe, hiểu, phân tích cũng tăng lên từng ngày làm việc, từ đó sự gắn kết giữa các cá nhân sẽ ngày càng bền chặt hơn.

    Nhu cầu được tôn trọng: Mọi người đều có cơ hội bình đẳng để theo đuổi nguyện vọng của mình mà không phải đối mặt với sự phân biệt đối xử hay thành kiến. Công ty đảm bảo sự công bằng thông qua các chính sách nhân sự nhất quán áp dụng cho tất cả nhân viên, cùng với nhiều chương trình khác nhau nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và chia sẻ ý tưởng.

    Nhu cầu thể hiện bản thân: Năm 2022, công ty đã tổ chức hàng trăm buổi đào tạo, tổng cộng hơn 46,000 giờ, thu hút 24,250 người tham gia. Ngoài kỹ năng chuyên môn, các buổi đào tạo này còn chú trọng phát triển các kỹ năng mềm, nâng cao hiệu quả công việc, nâng cao khả năng giao tiếp và hợp tác của nhân viên. Công ty cũng cung cấp lộ trình nghề nghiệp rõ ràng cho những nhân viên có năng lực, những người đóng góp tích cực vào sự phát triển của công ty.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán