Khoảng cách thế hệ tồn tại do mỗi thế hệ mới đều phát triển văn hóa và quan điểm sống độc đáo của riêng họ, và khác biệt đáng kể so với thế hệ trước.
Khoảng cách thế hệ thể hiện ở nhiều phương diện khác nhau, bao gồm sự khác biệt trong phong cách giao tiếp, chuẩn mực về đạo đức, giá trị và thái độ đối với công nghệ, xã hội, môi trường và chính trị. Nó ảnh hưởng đến cách mọi người tương tác với nhau, đặc biệt là ở nơi làm việc và trong môi trường gia đình.
Thuật ngữ "khoảng cách thế hệ" được sử dụng phổ biến nhất để mô tả sự khác biệt giữa thế hệ trẻ và thế hệ lớn tuổi hơn, chẳng hạn thế hệ X, Millennials và Gen Z. Mỗi thế hệ này được định hình bởi các sự kiện lịch sử, tiến bộ công nghệ, văn hóa và chuẩn mực xã hội khác nhau, có thể dẫn đến sự khác biệt đáng kể trong cách họ nhìn thế giới và tiếp cận cuộc sống.
Sự khác biệt giữa các thế hệ
Dưới đây là một số điểm khác biệt chính giữa các thế hệ X, Millennials và Gen Z trong phong cách làm việc:
Gen X
Thế hệ X, hay Gen X, (sinh từ năm 1965-1980) thường nổi bật với sự độc lập, dễ thích nghi và chịu khó. Họ lớn lên trong tình trạng nền kinh tế Việt Nam chưa mở cửa, kinh tế còn nghèo và thiếu điều kiện. Do đó, Gen X có xu hướng tự chủ, tháo vát và sẵn sàng thay đổi. Họ chăm chỉ, chịu khó trong công việc và cuộc sống, đồng thời thường được thúc đẩy bởi quyền tự chủ và cơ hội phát triển cá nhân.
Tuy nhiên do nên kinh tế chưa phát triển, kiến thức chưa cập nhật với thế giới, nên thế hệ này thường bảo thủ hơn, đồng thơi cũng ít chấp nhận rủi ro hơn.
Gen Y
Thế hệ Y, hay Millennials, (sinh từ năm 1981-1996) lớn lên trong thời kỳ thay đổi công nghệ và toàn cầu hóa nhanh chóng, điều này đã hình thành nên thái độ của họ đối với công việc và xã hội. Và vì vậy, họ có xu hướng hiểu biết về công nghệ và sử dụng thành thạo các công cụ giao tiếp kỹ thuật số, đồng thời có thể thích làm việc từ xa hoặc trong môi trường làm việc phi truyền thống.
Millennials cũng được biết đến là những người có ý thức xã hội đa dạng, đặc biệt quan tâm đến công bằng xã hội và tính bền vững của môi trường. Họ đánh giá cao sự hợp tác và làm việc theo nhóm, đồng thời cởi mở, đón nhận nhiều cơ hội cho phép họ mở rộng mối quan hệ, tác động tích cực đến xã hội và thăng tiến trong công việc.
Tuy nhiên, đặc điểm này còn khiến những thế hệ khác có suy nghĩ không tốt về Millennials là vì họ có xu hướng chuyển đổi công việc thường xuyên để theo đuổi các cơ hội tốt hơn. Họ cũng có thể phải vật lộn với nợ nần và bất ổn tài chính, điều này có thể ảnh hưởng đến các quyết định và ưu tiên nghề nghiệp của họ.
Gen Z
Thế hệ Z, hay Gen Z, (sinh từ năm 1997-2012) thường được biết đến là những người “bản địa” đối với công nghệ kỹ thuật số, và họ coi trọng sự sáng tạo, đổi mới và tinh thần kinh doanh mạnh mẽ. Họ lớn lên trong thời kỳ bất ổn kinh tế, khủng hoảng môi trường và biến động xã hội và chính trị. Họ coi trọng công việc cho phép họ theo đuổi đam mê và tạo ra tác động tích cực cho xã hội. Họ thường được thúc đẩy bởi các cơ hội sáng tạo, đổi mới và trách nhiệm xã hội.
Ngoài ra, Gen Z cũng đề cao cái tôi lớn và sự tự do cá nhân, yêu thích sự tự chủ kể cả trong cuộc sống lẫn tài chính. Thế hệ này đa dạng về chủng tộc và sắc tộc và tương tự như thế hệ Millennials về niềm tin xã hội và chính sách. Bình đẳng xã hội, đa dạng giới tính, trách nhiệm môi trường là những điều mà Millennials và Gen Z hướng đến. Chính vì điều này mà Gen Z có một đặc điểm tính cách nổi bật là “luôn tìm kiếm và tôn trọng sự thật”.
Đồng thời, Gen Z được kỳ vọng là sẽ có tài chính tốt, trưởng thành trong một nền kinh tế vững mạnh. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2020 đã làm đảo lộn sự ổn định đó và điều gì xảy ra tiếp theo vẫn chưa được xác định.
Tại sao khoảng cách thế hệ quan trọng trong nơi công sở?
Trong kinh doanh, khoảng cách thế hệ rất quan trọng vì nó có thể ảnh hưởng đến cách một công ty vận hành và tương tác với nhân viên, khách hàng và các bên liên quan. Dưới đây là một số lý do tại sao khoảng cách thế hệ lại quan trọng đối với doanh nghiệp:
- Sự đa dạng của lực lượng lao động: Với sự gia tăng của lực lượng lao động đa thế hệ, các doanh nghiệp hiện bao gồm các nhân viên thuộc các nhóm tuổi khác nhau. Sự đa dạng này có thể mang lại những quan điểm, ý tưởng và kỹ năng khác nhau cho công ty, điều này có thể dẫn đến sự đổi mới và tăng trưởng.
- Phân khúc khách hàng: Các thế hệ khác nhau có nhu cầu và sở thích khác nhau khi nói đến sản phẩm và dịch vụ. Hiểu được những khác biệt này có thể giúp các doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược tiếp thị và bán hàng của mình để nhắm mục tiêu vào các nhóm tuổi cụ thể một cách hiệu quả hơn.
- Tuyển dụng và giữ lại: Mỗi thế hệ đều có những giá trị và kỳ vọng riêng khi đi làm. Các doanh nghiệp hiểu và đáp ứng các giá trị này có thể thu hút và giữ chân nhân tài hàng đầu ở các nhóm tuổi khác nhau.
- Giao tiếp: Giao tiếp hiệu quả là điều cần thiết cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, các thế hệ khác nhau có thể có phong cách và sở thích giao tiếp khác nhau. Bằng cách hiểu những khác biệt này, doanh nghiệp có thể điều chỉnh các chiến lược truyền thông của mình để đảm bảo rằng tất cả nhân viên và các bên liên quan đều nhận và hiểu được thông điệp.
Các cân nhắc đặc biệt khác
Hiểu các thế hệ khác nhau là rất quan trọng để các doanh nghiệp đối tượng khách hàng và cách tiếp cận. Bước đầu tiên là hiểu sản phẩm hoặc dịch vụ do doanh nghiệp của bạn cung cấp và đối tượng mục tiêu của chúng là ai. Từ đó, tìm cách tốt nhất để tiếp thị cho họ, mà không bị rập vào khuôn mẫu hay thiên kiến về một nhóm hay thứ gì khác, là một bước quan trọng để thành công.
Các doanh nghiệp phải trung thực với bản sắc của họ. Ví dụ, nếu một công ty không được coi là sành điệu hoặc trẻ trung, thì việc sử dụng biệt ngữ trẻ trung (hay teencodes) để tiếp thị cho Gen Z sẽ bị coi là không trung thực và có thể gây tác dụng ngược.
Millennials và thế hệ X là thế hệ có quy mô lớn nhất. Những người thế hệ Millennials đang bước vào độ tuổi trung niên và sẽ có nhiều của cải hơn để chi tiêu. Hiểu những loại đặc điểm này của một thế hệ sẽ giúp tiếp thị hiệu quả hơn. Ngoài ra, biết những gì các thế hệ này cần tại một thời điểm nhất định sẽ rất có ích.
Ví dụ, những người thuộc thế hệ X sắp nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu, vì vậy hiểu các khía cạnh và nhu cầu của việc nghỉ hưu, chẳng hạn như sản phẩm đầu tư ít rủi ro hoặc chuyến đi chơi giá rẻ, trong việc tiếp thị sản phẩm có thể hữu ích. Thế hệ Millennials còn khá trẻ, ở độ tuổi từ 30 đến 40, việc giải quyết các chủ đề như mua nhà hoặc chiếc ô tô đầu tiên hoặc lập gia đình có thể hấp dẫn họ.
Ngoài ra, một doanh nghiệp cần phải biết nơi tiếp thị. Những người thuộc thế hệ X lớn lên trong thời đại không có điện thoại thông minh hay Internet. Mặc dù có nhiều người hiểu biết về công nghệ, nhưng nhiều người vẫn duy trì thói quen đọc báo giấy và xem truyền hình cáp. Nếu bạn đang tiếp thị cho những người thuộc thế hệ X, đó là một yếu tố cần xem xét. Mặt khác, Gen Z lớn lên với điện thoại thông minh và máy tính bảng trong tay, vì vậy tiếp thị kỹ thuật số cho họ sẽ là bước đi thông minh.
Làm thế nào để thu hẹp khoảng cách thế hệ?
Có nhiều cách để thu hẹp khoảng cách thế hệ trong một số tình huống nhất định tại nơi làm việc. Khuyến khích làm việc nhóm hay tham gia các dự án với nhiều thành viên giữa các thế hệ có thể là một chiến thuật hiệu quả. Hoặc, tạo ra các giá trị văn hóa rõ ràng, chẳng hạn như nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng công việc hơn là công việc đó được thực hiện ở đâu (văn phòng hay từ xa). Kết hợp nhiều kênh truyền thông phù hợp với mọi cá nhân, tổ chức các chương trình cố vấn, và nhấn mạnh sự tôn trọng lẫn nhau tại nơi làm việc cũng là những phương pháp hữu ích.
Tóm tắt:
- Khoảng cách thế hệ được định nghĩa là những suy nghĩ và thế giới quan khác nhau giữa các nhóm thế hệ như Baby Boomers, Gen X, Millennials, Gen Z.
- Làm việc nhóm, tôn trọng sự khác biệt và giá trị văn hóa là điều quan trọng giúp giảm khoảng cách thế hệ.
- Doanh nghiệp nên thấu hiểu các đặc điểm khác nhau của từng thế hệ để tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu và tiếp thị hiệu quả ở từng nhóm đối tượng có độ tuổi khác nhau.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.