Điểm nhấn chính:
- Xe tự lái là xe được trang bị các cảm biến, camera và hệ thống điện toán giúp xe có thể tự thực hiện các thao tác điều khiển xe mà không cần tới sự giám sát của con người.
- Sự phát triển của xe tự lái có thể làm thay đổi cả ngành công nghiệp ô tô lẫn nền kinh tế nói chung.
Tìm hiểu về xe tự lái
Ý tưởng về xe tự lái đã có từ hàng thế kỷ trước. Danh họa Leonardo Da Vinci đã phác thảo về chiếc xe tự lái vào cuối những năm 1400. Ngoài ra, hệ thống tự lái đã được áp dụng vào ngành hàng không từ những năm 1930. Cho tới nay, sự phát triển của công nghệ định vị toàn cầu (GPS), bản đồ, điện toán và cảm biến đã đạt đến mức có thể hiện thực hóa ý tưởng xe tự lái. Vậy sự xuất hiện của xe tự lái có thể ảnh hưởng như thế nào đến ngành công nghiệp ô tô và nền kinh tế nói chung?
Xe tự lái (Automatic vehicles - AVs) được trang bị các cảm biến như LiDAR, radar, camera và các cảm biến sóng siêu âm nhằm mục đích có được góc quan sát toàn diện 360 độ xung quanh xe. Các trang bị này giúp xe phát hiện được các vật thể, người đi bộ và trạng thái trên đường theo thời gian thật.
Hơn nữa, xe tự lái dựa vào bản đồ có độ phân giải cao và GPS để xác định lộ trình chính xác và hiểu rõ tình hình giao thông trong một phạm vi cụ thể. Trí tuệ nhân tạo (AI) và các thuật toán học máy được áp dụng để xử lý các dữ liệu từ cảm biến và bản đồ, phân tích dữ liệu về môi trường xung quanh, nhận diện vật thể nhằm đưa ra các quyết định phù hợp. Các hệ thống tự lái giúp điều khiển xe một cách an toàn và chính xác thông qua điều khiển tay lái, tăng tốc và phanh dựa trên quyết định của hệ thống AI.
Việc thử nghiệm và kiểm định xe tự lái được thực hiện thông qua các mô phỏng, thử nghiệm khép kín và chạy thử bên ngoài nhằm đảm bảo độ tin cậy và an toàn. Với việc kết hợp các công nghệ kể trên, AVs có thể phát hiện chướng ngại vật, nhận biết tín hiệu giao thông, điều hướng trên các cung đường phức tạp và phản ứng với các thay đổi bất ngờ. Sự ưu việt này khiến chúng có thể vận chuyển hành khách mà không cần tới sự can thiệp hay giám sát từ con người. Có thể thấy, AVs là một phương tiện, nếu được phát triển và ứng dụng rộng rãi, sẽ có nhiều tác động lớn đến ngành công nghiệp ô tô.
Theo mô tả của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, có 5 cấp độ đối với xe tự lái:
Cấp độ 1: Hệ thống hỗ trợ lái tiên tiến (ADAS) trên phương tiện, đôi khi có thể hỗ trợ con người trong việc tự đánh lái hoặc phanh/tăng tốc.
Cấp độ 2: ADAS có thể thực hiện phanh/tăng tốc và đánh lái cùng lúc trong một vài trường hợp cụ thể.
Cấp độ 3: Hệ thống tự động lái khi này là “tự động hóa có điều kiện”, có thể kiểm soát cả tốc độ và tay lái cùng một lúc, đồng thời có thể giám sát môi trường xung quanh, do đó nó có thể tự lái trong một số điều kiện nhất định.
Cấp độ 4: Hệ thống tự động lái (ADS) trên phương tiện có thể tự thực hiện tất cả các tác vụ bao gồm lái xe và giám sát môi trường xung quanh trong hầu hết các tình huống bình thường. Nếu ô tô rơi vào tình huống mà hệ thống tự động không thể lái (như thời tiết khắc nghiệt), nó sẽ thực hiện các biện pháp an toàn như tấp vào lề và dừng lại, thay vì yêu cầu người lái phải đảm nhận.
Cấp độ 5: ADS được cho là hoàn toàn có thể điều khiển phương tiện trong mọi trường hợp. Con người trong trường hợp này chỉ đóng vai trò là hành khách trên xe và hoàn toàn không can thiệp vào quá trình lái của xe.
Ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô
Trong quá khứ, ngành công nghiệp ô tô được biết đến là chậm thích nghi với những sự thay đổi trong công nghệ. Các nhà sản xuất ô tô truyền thống luôn miễn cưỡng trong việc phát triển dòng sản phẩm xe điện với đầy đủ các tính năng mà công ty khởi nghiệp như Tesla sau này thực hiện.
Sự nổi lên của xe tự động có thể dẫn đến sự chuyển biến rõ rệt trong mô hình kinh doanh truyền thống của ngành ô tô. Theo thống kê của Mordor Intelligence, quy mô ngành công nghiệp xe tự lái năm 2023 đạt giá trị 33.5 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt mức 93 tỷ USD vào năm 2028.
Ngoài việc sản xuất và bán xe, các nhà sản xuất AVs có thể tạo ra doanh thu mới từ việc cung cấp dịch vụ vận chuyển. Bao gồm phát triển dịch vụ vận chuyển bằng xe tự lái, nền tảng chia sẻ phương tiện hoặc dịch vụ cho thuê xe đối với khách hàng đăng ký trả tiền theo chu kỳ (subscription-based).
Những chiếc AVs trong tương lai phụ thuộc nhiều vào yếu tố công nghệ, do đó không thể không nghĩ đến sự tham gia của các gã công nghệ khổng lồ. Google và Apple cũng đã tập trung đầu tư vào công nghệ cho AVs, hình thành nên sự cạnh tranh mới đối với các nhà sản xuất truyền thống. Khi này các nhà sản xuất ô tô truyền thống có thể buộc phải tham gia cuộc đua AVs để không bị bỏ lại phía sau.
Hiện nay đã xuất hiện những sự kết hợp giữa nhà phát triển công nghệ tự lái, cung cấp dịch vụ gọi xe và nhà phát triển xe điện. Cụ thể, công ty Waymo - công ty con của Alphabet (Google) đã phát triển sản phẩm xe tự lái thế hệ thứ 5 kết hợp công nghệ tự lái trên dòng xe Jaguar I-PACE SUVs, đồng thời cung cấp dịch vụ gọi xe sử dụng sản phẩm này. Hiện tại, công nghệ tự lái của Waymo đã đạt đến cấp độ 4 theo mô tả của USEPA. Ngoài ra, một hãng khác là Cruise - sở hữu bởi General Motors cũng phát triển dịch vụ xe tự lái trên nền tảng xe điện Chevrolet Bolt, hãng xe cùng sở hữu bởi General Motors. Một thương hiệu khác trong mảng xe tự lái là Argo AI, cùng được hỗ trợ từ Ford và Volkswagen từng được hứa hẹn sẽ tham gia vào thị trường này nhưng đã dừng hoạt động từ cuối năm 2022 do thay đổi trong chiến lược của Ford sau khi mô hình này liên tục thua lỗ cũng như thiếu nhà đầu tư mới.
Do không cần thiết đến người lái, AVs trong tương lai có thể sẽ có thiết kế bên trong khác với hiện tại nhằm tối ưu cảm giác thoải mái khi ngồi trong xe, cũng như các tính năng như giải trí hay tạo không gian làm việc hiệu quả cũng sẽ được tối ưu hơn.
Với việc được trang bị hàng loạt các cảm biến và hệ thống AI để xử lý thông tin, AVs sẽ tạo ra lượng lớn dữ liệu quý giá nhằm mục đích cải thiện thuật toán tự lái, tăng cường độ an toàn và tối ưu luồng giao thông. Ngoài ra, chính quyền của các thành phố có thể sử dụng các thông tin này để kịp thời phân luồng hay xử lý các vấn đề giao thông theo thời gian thực.
Khi xe tự lái trở nên phổ biến và an toàn hơn, các tai nạn xe hơi do yếu tố con người gây ra cũng sẽ được hạn chế, do đó ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh của các tổ chức kinh doanh bán bảo hiểm xe hơi.
Ảnh hưởng tiềm tàng đến nền kinh tế
Đầu tiên, lượng lớn tài xế có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp khi các xe tự lái ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng sẽ xuất hiện nhiều công việc mới như việc giám sát hoạt động xe tự lái, bảo trì và phát triển phần mềm cho xe tự lái.
Như đã phân tích phía trên, xe tự lái có thể góp phần giúp tối ưu luồng giao thông, tối ưu vận tốc lái và giảm thiểu các tình huống tăng ga hay phanh đột ngột. Điều này giúp tăng hiệu quả trong việc sử dụng nhiên liệu, góp phần giảm phát thải.
Khi sở hữu xe cá nhân không còn trở nên tiện dụng hay tối ưu hơn việc di chuyển bằng các xe tự lái thông qua các nền tảng gọi xe như Uber hay Grab, người tiêu dùng sẽ hướng đến việc không sở hữu xe cá nhân. Điều này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu từ việc bán xe cá nhân, buộc các công ty phải tìm kiếm các nguồn thu nhập khác.
Giảm thiểu được số lượng xe hơi cá nhân cũng đồng thời giúp giảm diện tích đô thị cho các bãi đậu xe. Diện tích này thay vào đó có thể sử dụng cho các hạ tầng giao thông công cộng hoặc các không gian công cộng khác hoặc thay đổi thành các hạ tầng phụ trợ cho xe tự lái.
Chính phủ các nước cũng đã chung tay trong việc giảm thiểu phát thải nhằm làm chậm quá trình biến đổi khí hậu. Mục tiêu này được hiện thực hóa thông qua chính sách ưu đãi cho xe điện cũng như các điều kiện thắt chặt thậm chí cấm dần đối với xe xăng nhằm giảm số lượng xe xăng trong tương lai so với hiện nay. Hơn nữa, bền vững và thân thiện môi trường đang là vấn đề được nhiều người quan tâm bao gồm cả người tiêu dùng cá nhân và đặc biệt là các doanh nghiệp. Do vậy mà xe tự lái hay xe điện đều phù hợp trong xu hướng công nghệ xanh hiện nay.
Đã có nghiên cứu cho rằng căng thẳng từ việc lái xe đến nơi làm việc trong thời gian dài hoặc khoảng cách xa có thể dẫn đến giảm năng suất làm việc của nhân viên. Do đó, với sự phát triển của xe tự lái có thể làm giảm tình trạng này, giúp tăng năng suất lao động của doanh nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ việc cải thiện hệ thống logistic, giảm chi phí hoạt động và nâng cao sản lượng.
Vinfast nỗ lực phát triển xe công nghệ
Vinfast được thành lập năm 2017 bởi tỷ phú Phạm Nhật Vượng, có trụ sở chính đặt tại Hà Nội và tổ hợp sản xuất của Vinfast được đặt tại Hải Phòng, Việt Nam.
Khi mới thành lập, Vinfast đã cho ra mắt một số dòng xe chạy bằng xăng tại triển lãm Paris Motor Show, đánh dấu sự xuất hiện đầu tiên của Vinfast trước thế giới. Tuy nhiên, nhận thấy sự bùng nổ của xe điện, Vinfast không tiếp tục đầu tư phát triển các sản phẩm xe xăng mà thay đổi chiến lược của công ty sang tập trung nghiên cứu mảng xe điện vào năm 2020. Tháng 10/2020, Vinfast cho ra mắt các mẫu xe điện đầu tiên nhắm vào thị trường nội địa tại Việt Nam.
Tháng 1/2021, Vinfast tuyên bố ý định thâm nhập vào các thị trường Mỹ, Canada và Châu Âu vào năm 2022, và lần đầu tiết lộ kế hoạch IPO tại Mỹ. Đến tháng 4/2021, Vinfast cho ra mắt hai mẫu xe điện mới bao gồm VF8 và VF9 nhắm vào thị trường quốc tế. Tới tháng 3/2022, Vinfast thông báo về kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất xe và pin tại North Carolina, Mỹ với tổng mức đầu tư 2 tỷ USD. Và cuối năm 202, Vinfast đã dừng sản xuất các mẫu xe chạy bằng động cơ đốt trong và chuyển hoàn toàn sang sản xuất xe điện.
Riêng về công nghệ tự lái, Vinfast đang dừng ở mức sở hữu công nghệ hỗ trợ lái tiên tiến ở cấp độ 3 theo USEPA, nghĩa là người lái vẫn phải giám sát quá trình điều khiển của hệ thống trợ lái. Ngoài ra, hệ thống trợ lái tiên tiến cấp 3 này chỉ được trang bị ở dòng xe cao cấp như VF8 và VF9, đây cũng là hai dòng xe được cho là đối đầu trực tiếp với các dòng xe từ các tên tuổi lớn khác như Hyundai Ioniq 5, Kia EV6, Nissan Ariya, Tesla Model Y và Volkswagen ID.4.
Trong mảng xe điện, hiện đang được thống trị bởi các thương hiệu đến từ Trung Quốc nhờ vào công nghệ pin LFP (Lithium Ferrous Phosphate) phát triển bởi một công ty nội địa Trung - CATL. Trên toàn cầu, không chỉ Vinfast đang đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các thương hiệu Trung Quốc mà ngay cả Tesla là công ty tiên phong trong mảng xe điện cũng bị ảnh hưởng khi công nghệ pin này ra mắt. Hiện nay, các hãng xe điện từ Trung Quốc như BYD, Lynk&Co, Wuling, Haima, MG, … đã có mặt tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên tại thị trường nội địa, Vinfast vẫn có lợi thế sân nhà khi đã kịp chiếm lĩnh thị trường bằng cách phát triển mạng lưới trạm sạc dày đặc trên khắp cả nước. Bên cạnh đó, các thương hiệu từ Trung Quốc còn vấp phải rào cản về thuế quan tại Việt Nam.
Nhìn chung, Vinfast đã làm tốt trong việc góp phần làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về xe điện cũng như môi trường, đồng thời giúp thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô trong nước.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.