Điểm nhấn chính:
- Để tính tổng số tiền chi tiêu trong nền kinh tế, ta phải tính cả số tiền mặt đã chi và số tiền vay đã chi, hoặc hạn mức tín dụng đã sử dụng, bởi tất cả mọi người.
- Theo Ray Dalio, nguyên nhân chính dẫn đến biến động kinh tế là việc vay mượn, hay chu kỳ tín dụng.
Tín dụng là gì?
“Tín dụng” (Credit) có nhiều nghĩa trong tài chính, nhưng hầu hết mọi người nghĩ về nó như một thoả thuận giữa người đi vay tiền và người cho vay với cam kết trả lại cho người cho vay số tiền đó cùng với lãi suất.
“Tín dụng” không phải là vốn và cũng không tạo ra vốn. Nó chỉ là công cụ đại diện cho tiền và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh hoặc các mục đích tài chính khác.
Cách hiểu “tín dụng” trong nền kinh tế
Tín dụng trong nền kinh tế
Khi tính tổng số tiền chi tiêu, chúng ta cần cộng cả số tiền mặt đã chi và số tiền vay đã chi, hay hạn mức tín dụng đã sử dụng. Điều này rất quan trọng vì tổng số tiền chi tiêu, hoặc tổng giá trị giao dịch, là yếu tố thúc đẩy nền kinh tế và chu kỳ của nó.
Trong một nền kinh tế, hầu hết các giao dịch là giữa các cá nhân, nhưng các giao dịch lớn thì thường diễn ra giữa các doanh nghiệp, ngân hàng và chính phủ. Trên thực tế, người mua và người bán lớn nhất là chính phủ, hay ngân hàng trung ương, bởi họ có thể kiểm soát lượng tiền và tín dụng trong nền kinh tế thông qua quyền ấn định lãi suất và in tiền.
Để dòng tín dụng có thể tuần hoàn trong nền kinh tế một cách hiệu quả và liền mạch, thì sẽ cần tới hoạt động chi tiêu và tạo tín dụng giữa người dân và các doanh nghiệp, cũng như việc điều chỉnh lãi suất phù hợp của ngân hàng trung ương.
Tất cả những gì cần thiết để tạo ra tín dụng là người đi vay sẵn sàng hứa trả nợ và người cho vay sẵn sàng tin tưởng người đi vay. Khi lãi suất thấp, việc vay mượn có xu hướng tăng lên vì chi phí vay rẻ hơn. Ngược lại, khi lãi suất cao, sẽ có ít khoản vay hơn vì chi phí vay đắt đỏ.
Tín dung trong Tài chính doanh nghiệp
Các doanh nghiệp thường dựa vào tín dụng để tài trợ cho nghiên cứu, phát triển và mở rộng. Đặc biệt, các công ty khởi nghiệp có thể phụ thuộc vào tín dụng để khởi đầu.
Còn đối với các tổ chức tài chính, họ đóng vai trò trung gian, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng tín dụng tuần hoàn trong nền kinh tế, cũng như đánh giá mức độ tín nhiệm của người vay.
Ở khía cạnh khác, trong kế toán doanh nghiệp, “tín dụng” được hiểu theo cách khác trên bảng cân đối kế toán. Ví dụ, khi một công ty mua trước trả sau một thứ gì đó, khoản này sẽ được ghi nhận tăng (debit) ở mục tài sản, ví dụ trong hàng tồn kho, và trong phần nợ phải trả ghi nhận tăng (credit) ở mục khoản phải trả (Account payable). Còn khi công ty cấp tín dụng hay cung cấp hàng hoá, dịch vụ trước cho khách hàng, khoản giá trị này sẽ được ghi nhận tăng (debit) ở mục khoản phải thu (Account receivable) trong phần tài sản, và trừ (credit) ở mục tiền hay hàng tồn kho cũng trong phần tài sản, và sẽ không có nợ phát sinh.
Như vậy trong kế toán doanh nghiệp, có thể hiểu “credit” đồng nghĩa với giảm trong tài sản và tăng trong nợ phải trả, còn “debit” sẽ ngược lại là tăng trong tài sản và giảm trong nợ phải trả.
Mức độ tín nhiệm
“Tín dụng” cũng có thể được hiểu là khả năng trả nợ hoặc lịch sử tín dụng của một người hoặc doanh nghiệp. Thông tin trong báo cáo tín dụng của bạn được sử dụng để tính Điểm FICO – hay mức độ tín nhiệm. Những yếu tố trong báo cáo được dùng để tính điểm gồm lịch sử thanh toán (35%), số tiền nợ (30%), thời gian lịch sử tín dụng (15%), tín dụng mới (10%) và các loại tín dụng sử dụng (10%).
Tín dụng và chu kỳ kinh tế theo Ray Dalio
Theo Ray Dalio, nguyên nhân chính dẫn đến biến động kinh tế là tín dụng. Một trong những hành vi tự nhiên trong nền kinh tế đó chính là việc vay mượn, mọi người đều vay mượn, và điều này tạo nên các chu kỳ trong nền kinh tế.
Việc vay mượn có tác dụng kéo thu nhập của mọi người tăng lên. Để mua thứ gì đó bạn không đủ khả năng chi trả, nghĩa là bạn phải chi tiêu nhiều hơn số tiền bạn kiếm được (sử dụng tín dụng). Và khi bạn bắt đầu trả lại số tiền đã vay đó, chi tiêu của bạn có thể giảm xuống nếu bạn không thể kiếm được nhiều tiền hơn.
Khi thu nhập cao hơn thì nó có nghĩa là bạn có thể chi tiêu nhiều hơn nhưng cũng có nghĩa là bạn có thể vay nhiều hơn. Và tín dụng nhiều hơn sẽ dẫn đến chi tiêu nhiều hơn. Điều này tất nhiên sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế nếu như mọi người đều chi tiêu nhiều hơn.
Nhưng phải nhớ rằng, mỗi đồng bạn chi tiêu, người khác sẽ kiếm được. Và mỗi đồng bạn kiếm được đều là kết quả từ việc người khác chi tiêu.
Như vậy, theo dòng chảy tín dụng trong nền kinh tế, hoạt động chi tiêu của bạn có thể ảnh hưởng đến thu nhập của người khác và việc giảm thu nhập của họ cũng có thể làm giảm chi tiêu của bạn. Theo định nghĩa, thì một chu trình tín dụng (Credit cycle) được hình thành từ đây.
Bất cứ khi nào bạn vay, bạn tạo ra một chu kỳ. Và khi bạn và nhiều người khác nữa cùng ngưng việc vay tiền, nền kinh tế sẽ rơi vào chu kỳ suy thoái và chững lại, cho tới khi hoạt động tín dụng quay trở lại và thúc đẩy chi tiêu.
Điều này đúng với cả nền kinh tế nói chung cũng như đối với từng cá nhân. Miễn là nền kinh tế có tín dụng thì sẽ có chu kỳ kinh tế.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.