Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Giao dịch chênh lệch lãi suất ảnh hưởng TTCK toàn cầu

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Sự sụp đổ của TTCK thế giới gần đây phản ánh nhiều hơn về việc các nhà đầu tư đang giảm bớt các giao dịch chênh lệch lãi suất hơn là phản ánh sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ trong triển vọng kinh tế của Mỹ.

    - Giao dịch chênh lệch lãi suất là chiến lược giao dịch liên quan đến việc vay với lãi suất thấp và đầu tư vào một tài sản mang lại tỷ lệ lợi nhuận cao hơn.

    Giao dịch chênh lệch lãi suất là gì?

    Giao dịch chênh lệch lãi suất (Carry trade) là một chiến lược giao dịch liên quan đến việc vay với lãi suất thấp và đầu tư vào một tài sản mang lại tỷ lệ lợi nhuận cao hơn. Cụ thể là vay bằng một loại tiền tệ có lãi suất thấp và chuyển đổi số tiền vay sang một loại tiền tệ khác. Số tiền thu được sẽ được gửi bằng loại tiền tệ thứ hai nếu nó cung cấp lãi suất cao hơn, hoặc dùng để mua vào các loại tài sản như cổ phiếu, hàng hóa, trái phiếu hoặc bất động sản được tính bằng loại tiền tệ thứ hai.

    Thực tế, có một số người bị “dụ dỗ” bởi chính sách vay tiền mặt lãi suất 0% do các công ty phát hành thẻ tín dụng cung cấp trong thời gian giới hạn ban đầu (6 tháng – 1 năm), để đầu tư vào một tài sản có lợi nhuận cao hơn. Các loại thẻ tín dụng này ban đầu sẽ yêu cầu trả trước một khoản "phí giao dịch" cố định là 1%. Với 1% là chi phí vốn cho khoản ứng trước tiền mặt, chẳng hạn 100 triệu đồng, giả sử một nhà đầu tư đã đầu tư số tiền vay này vào chứng chỉ tiền gửi (CD) một năm có lãi suất là 3%. Giao dịch chênh lệch lãi suất như vậy sẽ mang lại lợi nhuận 200 triệu đồng (100 triệu x [3% - 1%]) hoặc 2%.

    Mặc dù giao dịch chênh lệch lãi suất có thể đem lại khoản lợi nhuận tiềm năng, nhưng chiến lược này cũng có những rủi ro đáng kể.

    Thứ Hai đen tối của thị trường chứng khoán toàn cầu

    Nhiều nhà phân tích cho rằng, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán thế giới trong những ngày gần đây phản ánh nhiều hơn về việc các nhà đầu tư đang giảm bớt các giao dịch chênh lệch lãi suất hơn là phản ánh sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ trong triển vọng kinh tế của Mỹ.

    Trong khi dữ liệu việc làm của Mỹ yếu hơn dự kiến ​​vào thứ Sáu tuần qua là chất xúc tác cho đợt bán tháo trên thị trường, với chỉ số Nikkei blue-chip của Nhật Bản vào thứ Hai (ngày 5/8) đã giảm 12.4%, chịu đợt bán tháo lớn nhất trong một ngày kể từ đợt bán tháo Thứ Hai Đen tối năm 1987. Sự sụt giảm này đã đẩy chỉ số Nikkei vào thị trường gấu do giảm 27% so với mức đỉnh điểm ngày 11/7 là 42,426.77, từ đó xóa sổ 113 nghìn tỷ Yên (792 tỷ USD) của giá trị thị trường từ đỉnh điểm đó. Trong cùng khoảng thời gian, đồng yên đã mạnh lên, giao dịch quanh mức 142 yên/USD, so với khoảng 161 yên/USD vào đầu tháng 7. Lợi suất tráiphiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản giảm xuống 0.75%, trong khi tuần trước đó vẫn ở mức trên 1%. Như một hiệu ứng domino, các thị trường chứng khoán khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng lao dốc trong phiên đầu tuần 5/8. Chỉ số Taiex của Đài Loan rơi tự do hơn 8%, trong khi KOSPI của Hàn Quốc "bốc hơi" hơn 8% và thị trường phải tạm ngưng giao dịch. Ngay cả những thị trường được xem là ổn định hơn như Singapore và Úc cũng không thoát khỏi cơn lốc bán tháo, với mức giảm trên 3%.

    Tại Mỹ, trong phiên đầu tuần, chỉ số Dow Jones giảm hơn 1,000 điểm trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về suy thoái kinh tế do sự chậm lại trong thị trường lao động và chi tiêu tiêu dùng. Chỉ số S&P 500 giảm 160 điểm, tương đương 3%, xuống còn 5,186 điểm, là mức giảm trong một ngày lớn nhất trong gần hai năm. Nasdaq, chỉ số tập trung vào công nghệ, cũng giảm 3.4% khi các cổ phiếu công nghệ lớn bị bán tháo.

    Nhưng nhìn chung, riêng lo ngại về nên kinh tế của Mỹ chậm lại là không đủ để trở thành động lực chính cho những biến động toàn cầu dữ dội như vậy trong những ngày qua.

    Nguồn cơn đến từ đâu?

    Câu trả lời có thể nằm ở một vấn đề lớn hơn là việc hủy bỏ các giao dịch chênh lệch lãi suất, khi mà các nhà đầu tư đã vay tiền từ các nền kinh tế có lãi suất thấp như Nhật Bản hoặc Thụy Sĩ, để tài trợ cho các khoản đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao hơn ở những nơi khác như là Mỹ.

    Các giao dịch chênh lệch lãi suất được tài trợ bằng đồng Yên nằm trong số những giao dịch phổ biến nhất ở các thị trường mới nổi vì tính biến động vẫn ở mức thấp và các nhà đầu tư đặt cược rằng lãi suất của Nhật Bản sẽ tiếp tục ở mức thấp nhất trong thời gian tới.

    Carry trade đã diễn ra trong nhiều tháng trước đó khi mà đồng yên Nhật gỉam mạnh so với đồng USD do chênh lệch lãi suất điều hành; cụ thể đồng yên Nhật đã mất 9.5% giá trị so với đồng USD trong năm 2023 và trong 6 tháng đầu năm 2024 đã mất giá thêm 11.1%. Do vậy, từ tháng 3/2024, chính phủ Nhập Bản ngưng hẳn chính sách lãi suất âm (NIRP), thông qua việc tăng lãi suất thêm 10 điểm cơ bản lên mức 0.0% - 0.1%, nhằm bảo vệ đồng tiền của họ cũng như chống lại sự giảm phát diễn ra trong nhiều năm qua.

    Tuy nhiên, việc này vẫn chưa thực sự có hiệu quả bởi đồng yên Nhật vẫn tiếp tục giảm so với đồng USD do Fed vẫn kiên định duy trì lãi suất của họ ở mức cao lịch sử 23 năm. Trong cuộc họp chính sách vào tháng 6, đã có một số thành viên hội đồng quản trị của Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) kêu gọi tăng lãi suất sớm để kiềm hãm sự mất giá quá sức của đồng yên. Vào thời điểm đó, đồng yên dao động quanh mức 157 đổi 1 USD, và rồi chạm mức thấp nhất trong 38 năm qua ở dưới mức 161 vào tháng 7.

    Điều này đã tác động đáng kể đến quyết định chính sách của BoJ trong cuộc họp cuối tháng 7/2024 vừa qua, khi chính phủ nước này quyết định tăng lãi suất lên mức 0.25%, là mức cao nhất kể từ năm 2008. Hơn nữa, cơ quan này cũng cho biết sẽ giảm tốc độ mua trái phiếu hàng tháng xuống còn khoảng 3,000 tỷ yên (19.6 tỷ USD) bắt đầu từ quý đầu tiên của năm 2026, và dự kiến ​​lượng trái phiếu chính phủ nắm giữ sẽ giảm từ 7% đến 8% trong khoảng hai năm tới.

    Kế hoạch này cho thấy, BoJ đang bắt đầu chính sách thắt chặt định lượng (QT) sau một thời gian dài mua tài sản khiến họ đang nắm giữ hơn một nửa trái phiếu đang lưu hành của quốc gia, với tỷ lệ thị trường thậm chí còn lớn hơn đối với các kỳ hạn 10 năm trở xuống. Các chuyên gia đánh giá, tốc độ cắt giảm mua trái phiếu của BoJ là chậm hơn so với kỳ vọng nhưng kế hoạch của họ có vẻ quyết liệt hơn nhiều so với các dự báo khác của thị trường chung.

    Chính vì kế hoạch thắt chặt chính sách trên mà đồng yên Nhật đã có mức hồi phục bất ngờ, tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng, hơn 10.7% so với đồng USD, từ mức 161.45 đổi 1 đồng USD xuống mức 144.17 vào ngày 5/8. Và việc này gần như đã “bóp cò” cho cơn sóng tháo gỡ các giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trades) toàn cầu, chủ yếu đối với các vị thế có liên quan đến việc vay đồng yên để giao dịch.

    Ngoài ra, trong cuộc họp tháng 7, chính phủ Nhật cũng đã xác nhận biện pháp can thiệp trị giá 36.8 tỷ USD để kiềm hãm đà giảm giá của đồng Yên trong khoảng thời gian tháng 6 – 7. Đây là lần can thiệp thứ hai kể từ cuối tháng 5/2024 - là lần can thiệp đầu tiên kể từ tháng 10/2022.

    Thị trường toàn cầu đang cố gắng tháo gỡ giao dịch chênh lệch lãi suất

    Năm ngoái, các nhà phân tích của Deutsche Bank đã cảnh báo rằng chính phủ Nhật Bản đang tham gia vào một "giao dịch chênh lệch lãi suất" khổng lồ trị giá 20 nghìn tỷ USD, và việc này có thể gây ra những rủi ro bất ngờ nếu ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách.

    Và tới nay, mối lo ngại về giao dịch chênh lệch lãi suất đã gia tăng đáng kể, đặc biệt trong nhiều tuần qua, với số tiền khổng lồ liên quan đến giao dịch này lên tới hàng nghìn tỷ USD đến từ các nhà đầu tư riêng lẻ cũng như quỹ đầu tư và tổ chức. Dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho thấy hoạt động vay đồng yên xuyên biên giới đã tăng 742 tỷ USD kể từ cuối năm 2021. Và, việc tháo gỡ các giao dịch chênh lệch lãi suất toàn cầu đang góp phần làm rung chuyển thị trường trên toàn thế giới trong những ngày gần đây.

    Giải thích đơn giản, nhiều nhà giao dịch đã vay yên Nhật với lãi suất thấp trước đó, chuyển đổi chúng sang USD và sử dụng số tiền này để mua cổ phiếu Mỹ. Bây giờ BoJ tăng lãi suất, giúp đồng yên tăng giá đáng kể so với USD. Việc này khiến những nhà giao dịch trên gặp rắc rối lớn, bởi họ không chỉ phải trả lãi suất cao hơn cho đồng yên mà họ đã vay, mà còn phải đối mặt với khoản lỗ ngoại hối khổng lồ. Do vậy mà để tránh mức lỗ gia tăng, các nhà giao dịch đang cố gắng bán cổ phiếu Mỹ để chuyển sang tiền mặt USD, nhằm chuyển đổi trở lại JPY và trả nợ nhanh chóng. Điều này dẫn đến việc bán tháo và call margin ở thị trường chứng khoán Mỹ trong ngắn hạn, tuy không diễn ra trên diện rộng nhưng các cổ phiếu vốn hóa lớn và trong ngành công nghệ, như Nvidia và Tesla, chịu sự ảnh hưởng lớn nhất. Và thêm vào đó, chiến tranh Trung Đông leo thang và bất ổn chính trị và kinh tế Mỹ cũng làm tăng thêm nỗi sợ hãi và hoảng loạn trên thị trường tài sản.

    Ví dụ, nếu bạn đã vay 10 triệu yên trong tháng 6/2024 và ngay lập tức chuyển sang đồng USD, bạn sẽ có khoảng 62,000 USD. Nhưng xét theo cách đồng yên tăng giá trong tháng 7 đến đầu tháng 8/2024, bạn sẽ cần khoảng 70,000 USD để trả khoản vay đó ngày hôm nay, ngay cả khi không tính đến lãi suất và phí. Nói cách khác, bạn cần kiếm được khoảng 13% từ số tiền vay đó trong một tháng mới hòa vốn.

    Tuy tỷ lệ cổ phiếu Mỹ do các tài khoản Nhật Bản nắm giữ tương đối nhỏ, chỉ chiếm 1.1% vốn hóa thị trường. Nhưng với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ USD liên quan đến giao dịch chênh lệch lãi suất, việc tháo gỡ các vị thế này có thể còn kéo dài trong ngắn hạn và sẽ có tác động lớn đến các thị trường trên toàn thế giới, đặc biệt là Mỹ, khi các nhà đầu tư bán cổ phiếu và các tài sản khác để trả các khoản vay đó.

    Hơn nữa, đồng yên dự kiến sẽ còn tăng so với đồng USD, khi một số nhà phân tích dự báo BoJ có thể tiếp tục tăng lãi suất lên mức 0.5%. Và, các nhà đầu cơ cũng đã cắt giảm mạnh các khoản cược giảm giá đối với đồng yên trong những tuần gần đây, đưa vị thế bán ròng (net short position) đồng yên xuống còn 6.01 tỷ USD, mức nhỏ nhất kể từ tháng 1/2024, giảm từ mức là 14.53 tỷ USD – là mức cao nhất trong 7 năm đạt được hồi tháng 4/2024.

    Ngoài ra, lưu ý rằng, với các quỹ đầu cơ (hedge funds), họ thường tài trợ cho các khoản cược của mình thông qua việc vay mượn, nên việc điều chỉnh danh mục của họ đang làm trầm trọng thêm các động thái của thị trường. Các ngân hàng cung cấp đòn bẩy cho các quỹ đầu cơ, về cơ bản là một khoản vay để tài trợ cho hoạt động đầu tư, giúp khuếch đại lợi nhuận của quỹ đầu cơ nhưng cũng có thể làm tăng tổn thất cho các ngân hàng nếu các quỹ không “sắp xếp” được.

    Theo Goldman Sachs, đòn bẩy gộp từ công ty môi giới chính của họ, hay tổng số tiền mà các quỹ đầu cơ đã vay, đã giảm trong tháng 6 và tháng 7, nhưng vẫn ở mức gần mức cao nhất trong 5 năm. Tuần cuối tháng 7 đánh dấu tuần thứ ba liên tiếp mà các quỹ đầu cơ cược rằng cổ phiếu sẽ giảm vượt xa các khoản cược rằng cổ phiếu sẽ tăng; cứ một vị thế mua được thêm vào cho mỗi 3.3 lần cược bán khống.

    Nhìn chung, việc giảm đòn bẩy của các giao dịch chênh lệch lãi suất sẽ mất vài ngày và có thể thúc đẩy nhiều nhà đầu cơ và nhà giao dịch ngắn hạn hoạt động nhiều hơn để nắm bắt cơ hội, từ đó sẽ dẫn đến tình trạng biến động tài sản toàn cầu kéo dài.

    Nhưng tất nhiên, đó không phải là lý do duy nhất khiến thị trường giảm. Bởi sự lo ngại nền kinh tế Mỹ chậm lại với nhiều hoài nghi về một cuộc suy thoái có thể diễn ra, và căng thẳng ở Trung Đông, cũng là những yếu tố lớn khiến thị trường toàn cầu tiếp tục chao đảo mạnh, ít nhất là trong ngắn hạn.

    Ngoài ra, riêng đối với Mỹ, sự biến động tỷ giá đồng yên gần đây và tác động lên giá cổ phiếu Mỹ đang được xem là chỉ báo cảnh báo sớm về quy mô khó khăn của Mỹ trong việc duy trì thị trường vốn đang thiếu sự bền vững. Bởi vì, hiện tại các nhà đầu tư nước ngoài đang bước vào giai đoạn “hồi hương vốn” về nước để tránh những biến động toàn cầu cũng như trước kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất, và sự chảy ra ngoài của dòng vốn quốc tế này có khả năng kéo dài trong nhiều năm tới.

    Nguồn: Tổng hợp

    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán