Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên tại Trung Quốc

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Trung Quốc đang đối mặt với trình trạng tỷ lệ thất nghiệp thanh niên ở mức báo động.

    - Tỷ lệ thất nghiệp mới tăng vọt lên mức cao nhất năm 2024 là 18.8% vào T8/2024, sau vài đợt giảm trong nhiều tháng trước đó. Những con số này được cho là đang che giấu mức độ thực sự của vấn đề.  

    Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên báo động tại Trung Quốc

    Tại Trung Quốc, một lượng lớn những người trẻ tuổi đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trên thị trường việc làm. Điều này đặc biệt đúng khi thị trường lao động và nền kinh tế chung gặp khó khăn do sự đàn áp trong kế sách điều hành của chính phủ.

    Trung Quốc hiện đang chỉ đạo phát huy “lực lượng lao động năng suất mới” với những chính sách nhằm tập trung vào các lĩnh vực cụ thể trong khoa học và công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và robot. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng điều này có thể khiến nhu cầu giảm đi đối với các lĩnh vực khác, và có nguy cơ bỏ lại phía sau một thế hệ những người trẻ có trình độ cao, những người đã lỡ mất đợt bùng nổ kinh tế trước đó và quá muộn để có thể đào tạo lại cho các ngành công nghiệp mới nổi.

    Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên Trung Quốc đã đạt đến mức đáng khi ngạc, với tỷ lệ thất nghiệp của khoảng 100 triệu thanh niên Trung Quốc từ độ tuổi 16-24 lần đầu tiên vượt quá 20% vào hồi tháng 4/2023. Và sau đó, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 21.3% vào tháng 6/2023, trong khi một số ước tính cho rằng tỷ lệ thực sự có thể lên tới 40% ở các vùng nông thôn hoặc thậm chí 50% khi tính cả lao động bán thời gian hoặc thiếu việc làm.

    Mặc dù không có cách nào để theo dõi tất cả những người tìm việc trong độ tuổi từ 16-24 một cách chính xác, nhưng theo một phát ngôn viên của Cục Thống kê Trung Quốc năm 2023, có tới 33 triệu người đang tìm kiếm việc làm. Con số này đã gây lo ngại đến nỗi chính phủ đã ngưng toàn bộ việc công bố dữ liệu thất nghiệp thanh niên từ năm ngoái.

    Sau đó, Trung Quốc đã điều chỉnh lại các tiêu chí tính toán tỷ lệ thất nghiệp bằng cách loại trừ sinh viên khỏi dữ liệu. Và đến tháng 12/2023, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên đã giảm gần một phần ba.

    Tuy nhiên một năm sau, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên vẫn là một vấn đề đau đầu, với tỷ lệ thất nghiệp mới tăng vọt lên mức cao nhất năm 2024 là 18.8% vào tháng 8/2024, sau vài đợt giảm trong nhiều tháng trước đó, có lúc đạt 13.2% vào tháng 6/2024. Nhiều nhà phân tích cho rằng những con số này đang che giấu mức độ thực sự của vấn đề.

    "Mặc dù không thể gọi những tầng lớp thanh niên hiện nay là 'thế hệ mất mát', nhưng nhìn chung đó là một sự lãng phí lớn về nguồn vốn nhân lực," một nhà kinh tế học Trung Quốc nhận xét về tiềm năng lãng phí của hàng triệu người trẻ có trình độ cao.

    Lý do các lực lượng không mang lại lợi ích gia tăng

    Trong khi nền kinh tế Trung Quốc có thể không còn mở rộng với tốc độ kép hàng năm với hai con số như vào đầu những năm 2000, nhưng cường quốc châu Á này vẫn được dự đoán sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay, một con số mà hầu hết các quốc gia phương Tây chỉ có thể mơ tới.

    Điều này đặt ra câu hỏi là vậy tại sao Trung Quốc không thể tạo ra đủ việc làm cho khoảng 12 triệu sinh viên tốt nghiệp và hàng triệu người tốt nghiệp trung học khác tham gia lực lượng lao động trong năm nay?  

    Lời hứa về “thịnh vượng chung”

    Sự phục hồi yếu sau đại dịch và căng thẳng thương mại với phương Tây góp phần ảnh hưởng đến thị trường việc làm. Bên cạnh đó còn có những chính sách nhắm vào các ngành công nghệ, bất động sản và giáo dục tư nhân vào năm 2020 – 2021 với mục tiêu hướng tới là “thịnh vượng chung” (common prosperity), cũng đã ảnh hưởng đến triển vọng việc làm của nhiều thanh niên.

    Các tập đoàn công nghệ lớn Trung Quốc, đã chứng kiến sự mất mát hơn một nghìn tỷ USD giá trị thị trường. Do vậy mà các công việc văn phòng, truyền thống vốn được coi là con đường sự nghiệp an toàn đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng sa thải hàng loạt, nhóm người bị ảnh hưởng nặng nhất là những nhân viên trẻ.

    Hơn nữa, việc này cũng ảnh hưởng đến các khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp và làm giảm đi lòng nhiệt huyết và dũng cảm của các doanh nhân trẻ. Số lượng các công ty khởi nghiệp mới ở Trung Quốc đã giảm 97% trong 6 năm qua, từ hơn 51,000 vào năm 2018 xuống còn khoảng 1,200 vào năm ngoái, theo tờ Financial Times.

    Gia tăng sự khó khăn này là sự khủng hoảng của ngành bất động sản cuốn theo tiền tiết kiệm cả đời của hàng chục triệu người. Ngành giáo dục tư nhân từng phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc, cung cấp dịch vụ dạy kèm tư nhân cho ước tính 75 triệu học sinh, cũng bị tàn phá. Các nền tảng dạy học trực tuyến đã phát triển trong nhiều năm nhờ vào sự cạnh tranh khốc liệt trong giáo dục đại học và văn hóa đề cao về điểm số cao. Vào năm 2019, ước tính có khoảng 10 triệu người làm việc trong lĩnh vực dạy kèm tư nhân ở Trung Quốc, nhiều người trong số họ là sinh viên vừa mới tốt nghiệp.

    Với ít sự lựa chọn trong khu vực tư nhân, kỳ thi công chức năm 2024 cho thấy rõ sự mất cân đối trầm trọng. Một con số kỷ lục cho thấy có đến ba triệu ứng viên nộp đơn cho chỉ 39,600 vị trí trống. Dù số lượng vị trí việc làm mới này đã tăng gấp đôi kể từ năm 2019.

    Ngay cả trong khu vực chính phủ, vốn được coi là "chén cơm sắt" cho một công việc suốt đời, cũng đã có sự cắt giảm lớn. Bắc Kinh, chẳng hạn, đã công bố giảm 5% lực lượng lao động vào năm ngoái, trong khi các tỷnh Hà Nam và Sơn Đông đã cắt giảm tổng cộng khoảng 15,600 vị trí kể từ năm 2022. Sự suy thoái này đã khiến nhiều chuyên gia trẻ như Anna Wang, 23 tuổi, cảm thấy thất vọng và kiệt sức. Sau khi từ bỏ công việc tại một ngân hàng nhà nước do áp lực cao và thường xuyên làm thêm giờ không lương, Wang nói: "Tôi đã làm công việc của ba người, chỉ để nhận được 6,000 nhân dân tệ mỗi tháng.” Tương tự, Olivia Lin, 30 tuổi, rời khỏi vị trí công chức vào tháng 7 sau một đợt bị cắt giảm thưởng rộng rãi và các sếp thường xuyên ám chỉ về việc sa thải thêm. Bốn văn phòng cấp quận đã bị giải thể trong thành phố Thâm Quyến trong năm nay.  

    Sinh viên tốt nghiệp nghề chưa được tận dụng

    Các sinh viên tốt nghiệp trường nghề (Vocational graduates) của Trung Quốc, dù có kỹ năng, đang phải đối mặt với một thực tế phũ phàng khi mà giáo trình giáo dục của họ không phù hợp với nhu cầu thị trường. Dữ liệu cho thấy có 3.9 triệu sinh viên tốt nghiệp trường nghề của đất nước này chủ yếu được đào tạo cho các công việc sản xuất và dịch vụ cấp thấp. Và, các chuyên gia dự đoán rằng sẽ mất nhiều năm để cải cách để khắc phục tình trạng thiếu đầu tư kinh niên vào đào tạo nghề.

    Yao Lu, một nhà xã hội học tại Đại học Columbia, ước tính rằng khoảng 25% sinh viên tốt nghiệp đại học từ 23-35 tuổi hiện đang làm những công việc dưới trình độ học vấn của họ.

    Hơn nữa, nhiều người trẻ lại đang ngại tham gia vào các công việc có tay nghề thấp, và chọn theo đuổi nhưng nghề có tính cạnh tranh rất cao, đặc biệt là các vị trí văn phòng nhàn hạ, càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng việc làm và sự cân đối cung cầu trong thị trường lao động chung. Điều này khiến Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lực lượng trong các lĩnh vực như thợ hàn, thợ mộc, hay chăm sóc người cao tuổi, v.v.  

    Quan niệm văn hóa ăn mòn vào nhận thức về giáo dục

    Sự thật là tỷ lệ thất nghiệp thanh niên ngày càng tăng bị làm trầm trọng thêm bởi văn hóa ưu tiên đối với giáo dục trình độ đại học, dẫn đến nhận thức rằng tốt nghiệp cao đẳng nghề là không an toàn, có ít kỹ năng, và có thể làm giảm sự uy tín của các vị trí công việc.

    Năm 2024, Trung Quốc đã có tới 11.79 triệu sinh viên tốt nghiệp, nhiều người trong số họ không muốn làm việc trong các lĩnh vực nghề, ngay cả khi các ngành như sản xuất đang bị thiếu hụt lao động. Sự miễn cưỡng này bắt nguồn từ quan niệm truyền thống của “Khổng giáo” (Confucianism), ưu tiên lao động trí óc hơn lao động chân tay, do vậy mà dẫn đến sự mất cân bằng giữa giáo dục và nhu cầu thị trường lao động.

    Trong giai đoạn cải cách và mở cửa của Trung Quốc, nhu cầu về giáo dục đã tăng vọt vì nó được coi là một hàng hóa tiêu dùng và là một kênh cho sự thăng tiến xã hội. Điều này làm trầm trọng thêm khoảng cách giữa cung và cầu trong giáo dục. Vào giữa những năm 1990, để giải quyết khoảng cách này, chính sách định hướng công nghiệp hóa ngành giáo dục của chính phủ Trung Quốc đã tìm cách thị trường hóa và phân cấp ngành giáo dục theo các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường toàn cầu. Khi kinh phí của chính phủ được phân bổ dựa trên số lượng sinh viên, các trường đại học đã bắt đầu nhận nhiều sinh viên hơn để duy trì kinh phí hỗ trợ đó.

    Cuộc cải cách này trùng hợp với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và sự kiện sa thải hàng loạt nhân viên từ các doanh nghiệp nhà nước trong khi chuẩn bị cho việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việc tiếp tục mở rộng giáo dục đại học và tăng số lượng sinh viên được coi là cách để hấp thụ cuộc khủng hoảng lúc đó và giữ nhiều người trẻ tuổi tránh khỏi thị trường lao động yếu kém trong vài năm. Kết quả là tỷ lệ chấp nhận vào đại học đã tăng từ 33% vào năm 1998 lên 92% vào năm 2021, với tổng số sinh viên đại học tăng gấp 10 lần.

    Và, giáo dục-đào tạo nghề tiếp tục chịu đựng mức độ uy tín xã hội thấp do định kiến văn hóa xã hội về công việc nghề - là không an toàn, thấp kém và là lựa chọn cho những người kém học.  

    Cần nhiều con chips hơn là công nhân viên?

    Khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục nâng cao chuỗi giá trị, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu thống trị công nghệ toàn cầu. Các khoản đầu tư lớn vào trí tuệ nhân tạo, sản xuất chip và năng lượng xanh sẽ giúp Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào phương Tây. Tuy nhiên, những ngành này không nhất thiết cần một lượng lớn lao động mới, và thậm chí có thể giúp nhiều doanh nghiệp cắt giảm chi phí nhân viên.

    Ước tính lượng việc làm bị thay thế do AI và các công nghệ liên quan ở Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực (dịch vụ, xây dựng, công nghiệp và nông nghiệp) từ năm 2017 đến năm 2037, là 207 triệu việc làm, theo một báo cáo của PwC.

    “Chính phủ đang tập trung vào các ngành mới nổi như AI và xe điện, vốn là những ngành nhỏ và không cần nhiều lao động, dẫn đến cơ hội tạo việc làm hạn chế,” Li từ Global Counsel cho biết. “Điều này cản trở sự đổi mới và đột phá công nghệ - một cách mỉa mai, đó lại là thứ mà Bắc Kinh muốn dựa vào để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.”

    Li cũng cho rằng căng thẳng thương mại đang diễn ra với phương Tây đã khiến ngành xuất khẩu của Trung Quốc chịu áp lực khi phải "thay thế các đơn hàng giá trị cao từ phương Tây đang rủi ro bằng các đơn hàng giá trị thấp hơn từ các nước Nam bán cầu," điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm trong nước.  

    Ngành dịch vụ bị dư thừa lao động ngắn hạn

    Mặt khác của sự mất cân đối cấu trúc là do ngành dịch vụ không theo kịp và không thể hấp thụ được sự gia tăng đột biến của lực lượng lao động có trình độ đại học. Dữ liệu cho thấy ngành dịch vụ chỉ chiếm 53% GDP của Trung Quốc, thấp hơn mức trung bình toàn cầu và thấp hơn đáng kể so với các nền kinh tế tiên tiến, chẳng hạn như Mỹ với mức 78%.

    Trong khi ngành dịch vụ liên tục mở rộng thị phần lao động tổng thể trong những năm gần đây, nguồn cung các công việc dịch vụ tay nghề thấp như lái xe công nghệ và giao hàng đã tăng nhanh hơn so với các công việc yêu cầu kỹ năng cao.

    Có hơn 200 triệu người làm việc trong các công việc ngắn hạn (Gig workers) như lái xe công nghệ và giao hang ổ Trung Quốc. nhưng vấn đề là các thị trường ngắn hạn này đang trở nên bão hòa. Chỉ riêng trong năm 2024, một chục thành phố ở Trung Quốc đã phát đi cảnh báo về tình trạng quá tải trong lĩnh vực lái xe công nghệ. Đối với nhiều người, lựa chọn dự phòng này không còn khả thi, và càng khiến giới trẻ Trung Quốc có ít lựa chọn hơn.  

    Tầng lớp lao động mới: “Rotten-tail kid”

    Sự gia tăng thất nghiệp này đã tạo ra một tầng lớp xã hội mới, được gọi là "Rotten-tail kid". Cụm từ này đã trở thành từ khóa trên mạng xã hội trong năm nay, bắt nguồn từ cụm từ "Rotten-tail building" ám chỉ hàng chục triệu ngôi nhà xây dựng dở dang đã gây rắc rối cho nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2021.

    Nhiều người trong số này, dù được giáo dục tốt, buộc phải chấp nhận công việc lương thấp hoặc trong một số trường hợp, dựa vào lương hưu của cha mẹ để duy trì cuộc sống.

    Áp lực văn hóa đối với người trẻ Trung Quốc là rất lớn, họ thường xuyên được kỳ vọng làm việc "9-9-6" nghĩa là từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần. Sự kiệt sức này là một nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp thanh niên cao và dai dẳng. Đối mặt với những giờ làm việc vất vả với mức lương thấp, nhiều thanh niên ở Trung Quốc chọn cách "nằm im" không làm việc (lie flat) hay tham gia bất kỳ hoạt động kinh tế nào, hoặc trở thành “đứa trẻ chuyên nghiệp” (professional children) được trả tiền bởi cha mẹ hoặc ông bà để chỉ để sống cùng và chăm sóc họ.  

    Nỗ lực hướng tới sự ổn định kinh tế

    Để đối phó với cuộc khủng hoảng thất nghiệp thanh niên đang leo thang, trong một bài phát biểu vào tháng 5/2024, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi các quan chức trên toàn quốc coi việc làm là ưu tiên hàng đầu và ưu tiên tạo việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp. Ông cũng thúc đẩy các chương trình đào tạo lại cho các ngành công nghiệp mới nổi, cải thiện ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp thuê thực tập sinh không được trả lương và mở rộng hạn ngạch tuyển dụng cho các vị trí trong cơ quan nhà nước. Năm 2022, Bắc Kinh đã nâng cao địa vị chính thức của các trường dạy nghề và tăng cường tài trợ cho các trường này.

    Mặc dù những thay đổi này được hoan nghênh, nhưng đều không thể giải quyết các nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự mất cân đối trong thị trường lao động. Hơn nữa, tác động thực sự của các chương trình này đã bị hạn chế bởi tình trạng suy giảm tăng trưởng kinh tế.

    Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2024 đạt 5% và hiện nhiều nhà phân tích đã giảm dự báo tăng trưởng cho năm 2024 xuống còn 4.7% - 4.8%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 6-7% trong thập kỷ qua. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị của Trung Quốc đã tăng từ 5.2% vào tháng 7 lên 5.3% vào tháng 8/2024. Tăng trưởng doanh số bán lẻ - một chỉ số chính về niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng, chỉ đạt 2.1% trong tháng 8, thấp hơn mức dự báo 2.5%. Đồng thời, sản xuất công nghiệp đã chậm lại với mức tăng 4.5% trong tháng 8, giảm từ mức 5.1% vào tháng 7.

    "Điều này phản ánh sự mất cân đối cơ cấu trong nền kinh tế Trung Quốc, với nguồn cung mạnh hơn và nhu cầu yếu hơn," Darius Tang, giám đốc liên kết tại Fitch Bohua, giải thích.

    Chính phủ nên hướng tới việc thu hẹp hơn nữa khoảng cách giữa lương của sinh viên tốt nghiệp cao đẳng nghề và sinh viên trình độ đại học, và cải thiện nhận thức xã hội và văn hóa về giáo dục cao đẳng nghề, để từ đó giảm bớt áp lực cho thị trường lao động trong tương lai. Điều này có thể giúp đảo ngược xu hướng thất nghiệp đang gia tăng đối với những sinh viên tốt nghiệp trẻ đầy tham vọng và được giáo dục cao của Trung Quốc.  

    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán