Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Chủ nghĩa bảo hộ: Cạnh tranh toàn cầu hay bảo vệ trong nước

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu và công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu là một trong hai chính sách được các quốc gia cân nhắc khi muốn thúc đẩy nền kinh tế.

    - Hàn Quốc và Đài Loan là hai trường hợp thành công khi áp dụng chiến lược công nghiệp hóa thay thể nhập khẩu và sau đó chuyển dịch sang công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu.

    Chủ nghĩa bảo hộ là gì?

    Khi một quốc gia muốn phát triển nền kinh tế, vai trò của chính sách thương mại trong việc tạo hình công nghiệp quốc nội trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trọng tâm của vấn đề này đặt ra câu hỏi: một quốc gia nên bảo vệ nền công nghiệp nước nhà trước sự cạnh tranh toàn cầu hay nên mở cửa với thương mại quốc tế để thúc đẩy đổi mới và phát triển.

    Chủ nghĩa bảo hộ (Protectionism) là một trong những chính sách kinh tế chính phủ thực hiện nhằm hạn chế nhập khẩu và thúc đẩy sản xuất trong nước. Các chính sách này thường bao gồm hàng rào thuế quan, hạn ngạch thương mại hoặc trợ giá, được đặt ra để bảo vệ nền công nghiệp nội địa trước sự cạnh tranh từ nước ngoài.

    Phía ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ cho rằng những chính sách này giúp nuôi dưỡng ngành công nghiệp còn non trẻ, bảo vệ nguồn cung việc làm và giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nước ngoài. Mặt khác, phía không ủng hộ cho rằng chủ nghĩa bảo hộ dẫn đến tình trạng kém hiệu quả, làm tăng giá tiêu dùng do thiếu sự cạnh tranh từ nước ngoài, đồng thời ngăn nền kinh tế trong nước tận dụng những lợi ích từ thương mại quốc tế.

    Chủ nghĩa bảo hộ thường được xem như là một giải pháp cân bằng giữa hai chiến lược đối lập là, thay thế nhập khẩu và tăng trưởng định hướng xuất khẩu. Cả hai chiến lược này có những lợi ích và hạn chế riêng, nhưng đều nhằm mục đích tạo ra sự cân bằng giữa cạnh tranh toàn cầu và bảo vệ kinh tế nội địa.

    Chính sách công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu là gì?

    Chính sách công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu (Import substitution industrialization, ISI) là một chiến lược kinh tế phổ biến ở các nước đang phát triển trong suốt thế kỷ 20, đặc biệt là ở các quốc gia châu Mỹ La Tinh và châu Phi. Mục tiêu chính của chính sách này là phát triển công nghiệp nội địa nhằm thay thế hàng nhập khẩu bằng hàng sản xuất trong nước. Chính phủ thường sẽ áp dụng các chính sách ISI nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa cho đến khi chúng có sự cạnh tranh nhất định trên thị trường toàn cầu.

    Một số chính sách ISI cụ thể

    - Áp đặt thuế nhập khẩu cao thường là một trong những công cụ chính của ISI nhằm tăng giá các sản phẩm nhập khẩu và khuyến khích người dân tiêu dùng hàng sản xuất trong nước.

    - Thiết lập các doanh nghiệp nhà nước (SOE) trong các lĩnh vực quan trọng để dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa. Những doanh nghiệp này được hỗ trợ về vốn và được bảo vệ trước sự cạnh tranh quốc tế.

    - Tập trung vào ngành công nghiệp nhẹ như thực phẩm, quần áo, và sau đó chuyển sang các ngành công nghiệp nặng và phức tạp hơn như hóa chất, ô tô và thép.

    - Tín dụng ưu đãi và trợ cấp cho các ngành công nghiệp chiến lược, đặc biệt là các ngành thay thế hàng nhập khẩu.

    - Nhà nước thường sử dụng tỷ giá hối đoái ưu đãi để giảm chi phí nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên liệu thô, đồng thời làm cho hàng nhập khẩu (nhất là các sản phẩm tiêu dùng không cần thiết) trở nên đắt đỏ hơn để khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa.

    - Áp đặt quy định hạn ngạch và giấy phép đặc biệt cho việc nhập khẩu một số loại hàng hóa nhằm hạn chế nguồn cung hàng ngoại vào thị trường trong nước.

    Mặt trái của chính sách ISI

    Chính sách công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu (ISI) có nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đặc biệt là trong dài hạn.

    - Thiếu cạnh tranh: Các biện pháp bảo hộ quá mức như tăng thuế nhập khẩu và hạn ngạch tạo ra môi trường ít cạnh tranh, khiến các doanh nghiệp nội địa có xu hướng kém hiệu quả. Điều này dẫn đến việc sản xuất hàng hóa kém chất lượng với chi phí cao, như đã xảy ra ở nhiều nước Mỹ-Latinh trong thế kỷ 20. Khi không phải đối mặt với áp lực cạnh tranh quốc tế, các doanh nghiệp nội địa không có động lực cải tiến sản phẩm hay giảm giá thành.

    - Quản lý yếu kém, tham nhũng, và trục lợi: Các doanh nghiệp nhà nước và các ngành công nghiệp nhận được trợ cấp lớn từ chính phủ thường không có trách nhiệm giải trình và hoạt động không hiệu quả. Sự phụ thuộc quá nhiều vào các quyết định từ phía chính phủ làm cản trở sự đổi mới sáng tạo và phát triển năng lực tự thân của doanh nghiệp, khiến nền kinh tế khó thích nghi với những thay đổi của thị trường quốc tế.

    - Khủng hoảng cán cân thanh toán: Khi xuất khẩu bị bỏ bê do chính sách tập trung vào thị trường nội địa, các quốc gia dễ rơi vào vòng xoáy nợ nần và khủng hoảng kinh tế. Điều này đặc biệt xảy ra khi các quốc gia này phải tiếp tục nhập khẩu các hàng hóa và công nghiệp quan trọng dẫn đến thiếu hụt ngoại tệ.

    - Khó có thể thành công ở các quốc gia có quy mô dân số nhỏ: Do thị trường nội địa không đủ lớn để tiêu thụ sản lượng từ các ngành công nghiệp quy mô lớn, khả năng phát triển kinh tế sẽ bị hạn chế và khiến việc công nghiệp hóa trở nên kém bền vững.

    Chính sách công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu là gì?

    Trái ngược với chính sách ISI, chính sách công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu (Export-Oriented Industrialization, EOI) tập trung vào việc sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế. Mục tiêu của chính sách này là hội nhập nền kinh tế trong nước với nền kinh tế toàn cầu thông qua việc tận dụng các lợi thế cạnh tranh, chẳng hạn như giá nhân công rẻ, tài nguyên thiên nhiên dồi dào, để thúc đẩy phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

    Một số chính sách EOI cụ thể

    - Hỗ trợ tài chính và tín dụng ưu đãi thông qua các khoản vay lãi suất thấp và các ưu đãi về thuế hoặc tài chính khác cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là những ngành chiến lược có tiềm năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. -             Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để giảm phụ thuộc vào nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu, giúp giảm chi phí sản xuất và gia tăng giá trị cho sản phẩm xuất khẩu.

    - Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có thể thông qua việc thiết lập các khu kinh tế đặc biệt (Special Economic Zones, SEZs), miễn thuế hoặc giảm thuế doanh nghiệp, và đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp nước ngoài.

    - Xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu quốc gia để tiếp cận các thị trường nước ngoài thông qua các hội chợ quốc tế, chiến dịch tiếp thị, và tạo dựng thương hiệu quốc gia mạnh.

    - Kiểm soát và duy trì tỷ giá hối đoái ổn định, đôi khi điều chỉnh tỷ giá thấp hơn để khuyến khích xuất khẩu bằng cách làm cho sản phẩm nội địa trở nên rẻ hơn trên thị trường quốc tế.

    - Ưu tiên phát triển giáo dục, kỹ năng lao động, nghiên cứu phát triển (R&D) và phát triển cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và hỗ trợ hoạt động sản xuất và xuất khẩu, để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đồng thời, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu và mở rộng sang nhiều thị trường quốc tế khác nhau, giúp giảm rủi ro phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.

    Mặt trái của chính sách EOI

    Chính sách công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu (EOI) cũng tiềm ẩn nhiều thách thức và rủi ro cho các quốc gia áp dụng.

    - Phụ thuộc vào kinh tế toàn cầu: Trong giai đoạn suy thoái hoặc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhu cầu từ các thị trường quốc tế giảm sút mạnh, từ đó có thể kéo theo suy thoái trong nước do phần lớn sản xuất phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.

    - Phụ thuộc vào một số ngành nhất định: Sự phụ thuộc quá mức vào một vài ngành công nghiệp có lợi thế xuất khẩu, ví dụ như dệt may, điện tử hoặc nông sản, có thể khiến nền kinh tế trở nên dễ tổn thương trước các biến động về giá cả và nhu cầu của các sản phẩm đó trên thị trường quốc tế.

    - Mất cân bằng trong phát triển xã hội và kinh tế: Sự phát triển không đồng đều giữa các ngành, tạo ra khoảng cách về thu nhập giữa người lao động trong các ngành xuất khẩu và những người làm trong các ngành khác. Điều này góp phần làm gia tăng bất bình đẳng xã hội, gây ra sự chênh lệch giàu nghèo và các vấn đề xã hội khác.

    - Giảm tiêu dùng nội địa do duy trì đồng tiền yếu: Các quốc gia thường giữ đồng tiền của mình ở mức yếu nhằm làm cho hàng hóa xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Nhưng việc này khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ, từ đó làm giảm sức mua của người dân trong nước.

    -  Chuyển dịch dòng vốn và ưu tiên đầu tư: Nguồn vốn đầu tư nội địa thường chuyển dịch sang các ngành có lợi thế xuất khẩu, khiến các ngành công nghiệp nội địa hoặc truyền thống có thể không nhận được sự đầu tư xứng đáng, dẫn đến sự lạc hậu và kém phát triển.

    - Rủi ro từ chính sách bảo hộ của quốc gia nhập khẩu: Khi các nước nhập khẩu áp dụng thuế quan cao, hạn chế nhập khẩu, hoặc những biện pháp bảo hộ khác, các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dễ gặp phải khó khăn. Và, việc tập trung vào một số thị trường chính cũng làm gia tăng nguy cơ cho nền kinh tế khi các thị trường này thay đổi chính sách thương mại.

    Thế cân bằng giữa cạnh tranh và bảo hộ

    Cả chính sách công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu và chính sách công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu đều cố gắng tạo ra sự cân bằng giữa cạnh tranh toàn cầu và bảo vệ trong nước, nhưng hiệu quả của chúng phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh kinh tế rộng hơn. Theo truyền thống, nhiều quốc gia ban đầu áp dụng chính sách ISI sau đó chuyển sang chính sách EOI khi ngành công nghiệp của họ trưởng thành.

    Ví dụ như trường hợp của Hàn Quốc và Đài Loan sử dụng chính sách bảo hộ để phát triển các ngành công nghiệp trong nước, sau đó chuyển dịch sang tăng trưởng dựa trên xuất khẩu, dẫn đến thành công tăng trưởng kinh tế mà còn được biết đến với tên gọi "Thần kỳ Châu Á - Asian Miracles".

    Vào những năm 1960, Hàn Quốc áp dụng các chính sách bảo hộ trong thời kỳ công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu, giúp bảo vệ ngành công nghiệp non trẻ như sắt thép và may mặc khỏi sự cạnh tranh từ quốc tế. Cho đến những năm 1970, khi các ngành công nghiệp này đã có năng lực cạnh tranh và áp dụng công nghệ, Hàn QUốc chuyển sang chiến lược công nghiệp hóa tập trung xuất khẩu.

    Tương tự, Đài Loan thời gian đầu chọn áp dụng chiến lược công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu, bảo vệ ngành nông nghiệp và các ngành công nghiệp nhẹ. Tuy nhiên, dần dà quốc gia này chuyển dịch sang chiến lược tăng trưởng dựa trên xuất khẩu, đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ điện tử bán dẫn. Hiện nay, Đài Loan đã trở thành trung tâm toàn cầu về công nghệ sản xuất chip và các linh kiện điện tử.

    Ngược lại với trường hợp trên, các quốc gia như Argentina và Brazil đã phải vật lộn khi áp dụng chiến lược thay thế nhập khẩu trong thời gian quá dài dẫn đến kém hiệu quả và đình lạm nền kinh tế.

    Argentina đã theo đuổi chiến lược thay thế nhập khẩu trong một thời gian dài kể từ giữa thế kỷ 20, với mục tiêu xây dựng nền tảng công nghiệp có năng lực tự chủ. Nhưng do Argentina tiếp tục duy trì chiến lược này quá lâu đã dẫn đến sự thiếu cạnh tranh và tình trạng đình lạm của nền kinh tế khi nền công nghiệp của quốc gia này không theo kịp phát triển công nghệ trên thế giới. Ngoài ra, Argentina phải đối mặt với khủng hoảng cán cân thanh toán và không thể duy trì tăng trưởng công nghiệp.

    Brazil cũng theo đuổi chiến lược ISI trong khoảng thời gian 50 năm từ những năm 1930 đến những năm 1980, kéo theo sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp xe hơi và điện tử. Tuy nhiên, ngành công nghiệp của Brazil sau đó trở nên kém năng suất vì liên tục phụ thuộc vào hỗ trợ từ Chính phủ và không có sự hội nhập với thị trường quốc tế. Cho đến những năm 1990, Brazil quyết định mở cửa thông qua cải cách kinh tế, cho dù vậy, hậu quả từ việc phụ thuộc vào chính sách thay thế nhập khẩu vẫn ảnh hưởng mãi về sau.

    Có thể thấy, sự thành công của Hàn Quốc hay Đài Loan không phụ thuộc vào lựa chọn giữa chiến lược ISI hay EOI mà mấu chốt là thời điểm các quốc gia này chuyển dịch từ chiến lược này sang chiến lược còn lại.

    Việt Nam đang theo đuổi chính sách nào?

    Kể từ năm 1986, Việt Nam đã theo đuổi chính sách công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu. Cụ thể, Việt Nam đã hội nhập vào thương mại quốc tế đánh dấu bởi sự gia nhập vào WTO năm 2007. Ngoài ra, Việt Nam đã thực hiện ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EUVFTA). Các FTA này đã mở ra thị trường mới cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

    Việt Nam tập trung vào hoạt động xuất khẩu như yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cụ thể là các ngành công nghiệp dệt may, điện tử và nông nghiệp. Với sự tham gia của các đối tác như Samsung, Việt Nam đã trở thành một trong những mắt xích chính trong chuỗi cung ứng linh kiện điện tử toàn cầu.

    Trước năm 2011, thương mại Việt Nam luôn trong trạng thái thâm hụt. Tuy nhiên kể từ năm 2012 cho đến nay, cán cân thương mại Việt Nam liên tục ghi nhận thặng dư thương mại trừ năm 2015. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng từ mức 132 tỷ USD của năm 2013 đến 371.3 tỷ USD của năm 2022, trung bình tăng trưởng 12.2% mỗi năm.

    Năm 2023, cán cân thương mại của Việt Nam ghi nhận mức thặng dư kỷ lục, đạt gần 26 tỷ USD. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị xuất khẩu năm 2023 bao gồm: thiết bị điện tử, linh kiện máy tính (57.3 tỷ USD); Thiết bị di động và linh kiện (52.4 tỷ USD); Máy móc (43.1 tỷ USD); Sản phẩm dệt may (33.3 tỷ USD).

    Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua các ưu đãi liên quan về thuế, lao động giá rẻ và đầu tư công vào hệ thống cơ sở hạ tầng. Các đặc khu kinh tế và khu chế xuất đã được thành lập nhằm thúc đẩy dòng vốn nước ngoài.

    Tuy nhiên, với một số ngành nghề cụ thể Việt Nam vẫn áp dụng chính sách thay thế nhập khẩu, đặc biệt là các ngành như chế tạo ô tô thông qua việc đánh thuế lên các dòng ô tô nhập khẩu. Mục tiêu của việc áp dụng chính sách trên nhằm thúc đẩy nền công nghiệp xe hơi trong nước, thúc đẩy các nhà sản xuất xe hơi đặt nhà máy tại Việt Nam, hướng đến nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô và chuyển giao công nghệ.

    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán