Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Vấn đề đầu tư công tại Việt Nam

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Hạn chế về cơ sở hạ tầng khiến chi phí của doanh nghiệp tăng cao, giảm sức cạnh tranh và nền kinh tế mất nhiều cơ hội.

    - Theo Dragon Capital, 10 năm qua tỷ lệ vốn đầu tư FDI/GDP vào Việt Nam luôn ở mức 5–7%, vượt trội so với các quốc gia láng giếng với tỷ lệ 0.5–4%, nằm ở nhóm cao nhất thế giới. Nhưng hạ tầng giao thông yếu kém là điểm nghẽn của kinh tế Việt Nam.

    Vấn đề đầu tư công tại Việt Nam

    Báo cáo WEF Transport Infrastructure Competitiveness năm 2019 cho biết, hạ tầng giao thông Việt Nam xếp thứ 66/141 quốc gia, trong đó chất lượng đường bộ đứng thứ 103. Hạn chế về cơ sở hạ tầng khiến chi phí của doanh nghiệp tăng cao, giảm sức cạnh tranh và nền kinh tế mất nhiều cơ hội.

    Tổng mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước GĐ 2021 – 2025 là 2.87 triệu tỷ đồng, theo NQ29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo tính toán, từ 2021 đến ước tính hết năm 2024 mới đạt khoảng 2.09 triệu tỷ, tức khoảng 27% kế hoạch cho giai đoạn 2021 - 2025, tương đương còn hơn 780,000 tỷ chưa giải ngân.

    Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 12/2024 là 529,632 tỷ đồng, đạt 77.55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ giải ngân ước 12 tháng năm 2024 thấp hơn năm trước, năm 2023 đạt 81.87% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

    TP.HCM, một trong hai đầu tàu kinh tế lớn của cả nước được giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 rất lớn với trên 79,263 tỷ đồng, chiếm 11.8% kế hoạch Thủ tướng chính phủ giao cả nước, song đến cuối tháng 12 cũng mới giải ngân 51%, cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ giải ngân chung cả nước.

    Nhìn chung, dù có những tín hiệu lạc quan về dòng vốn song câu chuyện đầu tư công của Việt Nam vẫn còn nhiều ách tắc, nếu được hóa giải thì mới khơi thông cho phát triển kinh tế.

    Theo các chuyên gia Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam đang trong quá trình trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Để hoàn thành mục tiêu này, Chính phủ dự kiến cần duy trì tăng trưởng GDP hàng năm ở mức 7% trong GĐ 2021-2030 và từ 6.5 - 7.5% trong GĐ 2031-2050.

    Việt Nam cũng phải đảm bảo tổng đầu tư toàn xã hội của tất cả các thành phần kinh tế đạt bình quân từ 32 - 35% GDP trong giai đoạn từ 2021-2030, bao gồm đầu tư công ở mức bình quân 7.3% GDP mỗi năm để hỗ trợ xây dựng hạ tầng trong giai đoạn trên.

    Vì vậy, với mức giải ngân vốn đầu tư công qua các năm vừa qua thì nền kinh tế được đánh giá vẫn tương đối thiếu vốn đầu tư. Theo Dragon Capital, 10 năm qua tỷ lệ vốn đầu tư FDI/GDP vào Việt Nam luôn ở mức 5–7%, vượt trội so với các quốc gia láng giếng với tỷ lệ 0.5–4%, nằm ở nhóm cao nhất thế giới. Nhưng hạ tầng giao thông yếu kém là điểm nghẽn của kinh tế Việt Nam.

    Hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) - chỉ tiêu kinh tế phản ánh cần bao nhiêu đồng vốn đầu tư thực hiện tăng thêm để tăng thêm 01 đồng tổng sản phẩm trong nước (GDP) – của Việt Nam ở mức cao so với nhiều quốc gia trong khu vực, cho thấy hiệu suất của nền kinh tế, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư của nền kinh tế tương đối thấp.

    Số liệu từ cục Thống kê Việt Nam, ICOR (2011-2015) là 5.96, ICOR (2016–2019) là 5.89 và ICOR (2016–2020) là 7.56 (năm 2020 là ngoại lệ do Covid-19, đạt 14.27). Theo một chuyên gia, “để so sánh, trong cùng bối cảnh và cùng một trình độ phát triển kinh tế - xã hội, Nhật Bản những năm 70 và Hàn Quốc, Đài Loan những năm 80, chỉ số ICOR của họ chỉ dao động vào khoảng 2.5 đến 3, chỉ bằng nửa chúng ta hiện nay. So với các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, họ cũng ở trong khoảng là 3 đến 4. Do đó, chỉ số ICOR của chúng ta hiện nay vẫn ở mức quá cao so với các nước khác”.

    Như vậy, nâng cao hiệu suất chi tiêu công được nhận định có thể đem lại tác động tới tăng trưởng tổng năng suất và quy mô GDP. Việc duy trì bền vững mức đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cơ sở hạ tầng xã hội và sản xuất, tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân đẩy mạnh đầu tư.

    Và nếu không đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là:

    - Ngành xây dựng: Đầu tư công chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư xây dựng. Khi giải ngân chậm, các dự án bị đình trệ, dẫn đến thiếu việc làm và các doanh nghiệp xây dựng giảm doanh thu.

    - Ngành sản xuất vật liệu xây dựng: Sự đình trệ trong các dự án làm giảm nhu cầu về vật liệu như xi măng, thép, gạch, ảnh hưởng đến sản lượng và doanh thu của các nhà sản xuất.

    - Ngành vận tải và logistics: Các dự án hạ tầng giao thông bị trì hoãn làm giảm hiệu quả vận chuyển, tăng chi phí logistics, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

    - Ngành bất động sản: Hạ tầng chậm phát triển làm giảm giá trị và sức hấp dẫn của các dự án bất động sản, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư và mua bán.

    - Ngành tài chính - ngân hàng: Các dự án đầu tư công chậm tiến độ dẫn đến việc các khoản vay không được giải ngân kịp thời, ảnh hưởng đến dòng tiền và lợi nhuận của các ngân hàng.

    Các dự án trọng điểm quốc gia

    Nguồn: Vietcap (Tháng 12/2024)  

    Câu chuyện đầu tư công năm 2025

    Kế hoạch Đầu tư công năm 2025
    Xét trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, năm 2025 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng tốc để hoàn thành kế hoạch hiện tại cũng như bắt đầu xây dựng kế hoạch cho giai đoạn mới 2026-2030, hướng tới Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

    Năm 2025, Chính phủ đệ trình kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước là 790,727 tỷ đồng, cao hơn so với con số hơn 670,000 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2024. Nếu được thông qua, áp lực giải ngân năm 2025 sẽ nặng nề hơn, trong khi đó, chuyện áp lực giải ngân vốn đầu tư công vẫn là bài toán những năm gần đây.   

    Dư địa tài khóa
    Nợ công tính đến cuối năm 2023 ước tính khoảng 4 triệu tỷ đồng, tương đương 39 – 40%GDP, tăng nhẹ so với năm 2022 song đã giảm mạnh từ mức 58.3% vào năm 2018.

    Theo đó, tỷ lệ nợ công/GDP Việt Nam vẫn được đánh giá ở mức an toàn nếu so với mức trần nợ công là 60%GDP mà Quốc hội đề ra đến năm 2030. Hay so với các quốc gia như Philipines (57%), Thái Lan (61%) hay Malaysia (67%), cũng cho thấy dư địa tài khóa còn dồi dào để linh hoạt thực hiện các chính sách tài khóa, tạo động lực cho nền kinh tế và đầu tư công.

    Giải pháp đột phá về thể chế

    Trên thực tế, việc giải ngân vốn, bao gồm vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài rất chậm, nhiều dự án phải gia hạn thời gian thực hiện, không hoàn thành đúng thời hạn dự kiến. Một số trường hợp phát sinh phí cam kết làm tăng chi phí, kéo dài thời gian thực hiện, gây lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả sử dụng vốn vay, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch ĐTC nói chung.

    Thủ tướng ký công điện số 104/CĐ-TTg ngày 08/10/2024 nhằm đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024, giúp giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan tới giải ngân và yêu cầu Bộ Tài Chính phải đảm bảo nguồn vốn thanh toán kịp thời cho các dự án.

    Luật Đầu tư công đang được sửa đổi và đang trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, kèm theo đó là các luật khác như luật sửa đổi 4 luật liên quan đến đầu tư. Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) với 05 nhóm chính sách lớn.

    - Thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm nhằm kịp thời chủ trương chính sách.

    - Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính linh hoạt.

    - Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực thực hiện dự án đầu tư công.

    - Thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

    - Đơn giản hóa trình tự, thủ tục; sửa đổi, bổ sung một số quy định để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

    Trong đó, Luật Đầu tư công sửa đổi đã đề xuất tách "giải phóng mặt bằng" thành dự án riêng độc lập đối với tất cả các nhóm dự án để giảm thời gian “delay”; vốn, dự án chờ mặt bằng. Theo Bộ trưởng, điều này sẽ tiết kiệm thời gian từ 6 - 8 tháng cho mỗi dự án, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

    Các dự án đầu tư lớn tới thời hạn hoàn thành và nghiệm thu

    Nhiều dự án đầu tư công trên cả nước đang có chuyển biến rõ rệt và đầu tư công sẽ là nhóm ngành đáng chú ý trong năm 2025 khi nhiều dự án trọng điểm sẽ tới thời hạn hoàn thành và nghiệm thu. Các doanh nghiệp có giá trị hợp đồng đã ký (backlog) lớn đảm bảo tiến độ triển khai, chất lượng theo yêu cầu có thể ghi nhận doanh thu cao.

    Nguồn: Asean securities (Tháng 10/2024)

    Ngoài ra, nhu cầu đường dây truyền tải điện, trạm biến áp dự báo tăng trong 2025/2026. Tình trạng quá tải trên hệ thống, thiết bị truyền tải điện quốc gia vẫn ở mức cao (ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam đạt trung bình 21%/9%/19% trong 8Th2024) đòi hỏi đẩy mạnh triển khai các dự án truyền tải điện trong bối cảnh tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện GĐ 2026-2030 dự báo đạt 7%/năm.

    Nhìn chung, thực trạng giải ngân vốn đầu tư công tại Việt Nam vẫn còn chậm, gây ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn lực và sự phát triển của nhiều ngành kinh tế. Tuy nhiên, với việc dự án Luật Đầu tư công và các chính sách thúc đẩy mạnh mẽ từ Chính phủ, triển vọng cải thiện đang dần rõ ràng. Nếu triển khai hiệu quả, đầu tư công sẽ tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng quốc gia.


      Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

      Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada
      Tải App Ngay
      hoặc truy cập tititada.com

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 7.5%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán