Điểm nhấn chính:
- Tại Việt Nam, nợ công bao gồm: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương.
- Tỷ lệ nợ công của Việt Nam thấp hơn nhiều quốc gia bất chấp quá trình tăng trưởng kinh tế ấn tượng.
Tìm hiểu cùng Tititada!
Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia đạt mức tăng trưởng nhanh trong khu vực và trong top thế giới. Tuy vậy, Việt Nam đã “thành công” trong việc quản lý tỷ lệ nợ công trong bối cảnh không ngừng nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng. Vậy, nợ công là gì và tình hình nợ công tại Việt Nam như thế nào, hãy cùng Tititada tìm hiểu nhé!
Nợ công là gì?
Nợ công là tổng số tiền mà một quốc gia đi vay, có thể từ trong nước hay nước ngoài. Tại một số quốc gia, thuật ngữ “nợ công” có thể được sử dụng thay thế cho thuật ngữ “nợ chính phủ”, “nợ quốc gia” và nó bao gồm cả các khoản nợ của các đơn vị thành phố, bang hay thành phần kinh tế thuộc quốc gia đó.
Tuy nhiên, theo quy định tại Việt Nam, thuật ngữ “nợ công” được định nghĩa là khoản nợ bao gồm:
- Nợ Chính phủ là khoản nợ phát sinh từ các khoản vay trong nước, nước ngoài, được ký kết, phát hành nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ.
- Nợ được Chính phủ bảo lãnh là khoản nợ do doanh nghiệp, ngân hàng chính sách của Nhà nước vay được Chính phủ bảo lãnh.
- Nợ chính quyền địa phương là khoản nợ phát sinh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vay.
Như vậy, các khoản nợ khác trong quốc gia, như từ doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), không bao gồm trong nợ công của Việt Nam. Chính lợi thế này đã giúp Việt Nam có tỷ lệ nợ công thấp tương đối so với các quốc gia khác.
Các khoản vay của Chính phủ có thể là vay trong nước, vay từ người dân, các doanh nghiệp trong nước, thông qua phát hành trái phiếu, tín phiếu kho bạc và các ngân hàng thương mại nội địa. Hoặc, Chính phủ cũng có thể vay từ nước ngoài, thông qua hợp tác với các đối tác song phương, như mượn tiền từ các quốc gia phát triển khác (như Nhật Bản), hoặc các tổ chức đa phương như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Các quốc gia thường đo lường tỷ lệ nợ công tính trên tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) và tỷ lệ nợ công/GDP sẽ phản ánh chất lượng quản lý kinh tế của quốc gia đó. Tỷ lệ càng thấp càng tốt, vì cho thấy nền kinh tế kiểm soát được các khoản nợ để làm đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng.
Các thành phần trong nợ công
Từ khái niệm ở trên, nợ công theo quy định của Việt Nam bao gồm ba thành phần:
1. Nợ Chính phủ
Trong đó, nợ Chính phủ gồm có:
- Nợ do Chính phủ phát hành công cụ nợ;
- Nợ do Chính phủ ký kết thỏa thuận vay trong nước, nước ngoài;
- Nợ của ngân sách trung ương vay từ quỹ dự trữ tài chính của Nhà nước, ngân quỹ nhà nước, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
2. Nợ được Chính phủ bảo lãnh
Trong đó, nợ được Chính phủ bảo lãnh gồm có:
- Nợ của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh;
- Nợ của ngân hàng chính sách của Nhà nước được Chính phủ bảo lãnh.
3. Nợ chính quyền địa phương
Trong đó, nợ chính quyền địa phương gồm có:
- Nợ do phát hành trái phiếu chính quyền địa phương;
- Nợ do vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài;
- Nợ của ngân sách địa phương vay từ ngân hàng chính sách của Nhà nước, quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh, ngân quỹ nhà nước và vay khác theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Có phải "nợ công” luôn xấu?
Chúng ta thường bị “ấn tượng xấu” khi đề cập đến một khoản nợ. Tuy vậy, nợ cũng có “nợ tốt” và “nợ xấu”.
Khi nào nợ công được xem là TỐT cho nền kinh tế?
Nợ công là một cách tốt để các quốc gia có thể nhận thêm dòng vốn để đầu tư vào tăng trưởng của nền kinh tế. Nói cách khác, nợ công là một cách an toàn để người dân ở các quốc gia khác đầu tư vào sự tăng trưởng của quốc gia này và thường được chính phủ đứng ra bảo lãnh.
Khi được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, nợ công có thể cải thiện chuẩn mức sống của một quốc gia. Nó cho phép chính phủ quốc gia nhận nguồn tài trợ, có thể xây dựng đường xá, cơ sở hạ tầng, cải thiện hệ thống giáo dục, hay thậm chí là phục hồi sau khủng hoảng kinh tế, như đại dịch Covid – 19, v.v.
Khi nào nợ công được xem là XẤU đối với nền kinh tế?
Đến một mức nào đó, khi chính phủ vay quá nhiều tiền vì các lợi ích trước mắt, có thể dẫn đến nguy cơ quốc gia đó bị “vỡ nợ” và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, chất lượng nền kinh tế. Lúc này, các bên tài trợ thường yêu cầu một mức lãi suất cao hơn để bù đắp cho những rủi ro họ đang đối mặt, khiến chi phí đi vay tăng lên.
Do đó, vai trò và nhiệm vụ của Chính phủ là, phải xác định được đâu là ngưỡng tối đa mà một quốc gia có thể đi vay để đạt hiệu quả cao nhất, tránh để lại hậu quả không mong muốn trong quá trình phát triển quốc gia.
Vấn đề nợ công tại Việt Nam như thế nào?
Tỷ lệ nợ công/GDP
Tính đến cuối năm 2022, dư nợ công của Việt Nam bao gồm:
1. Nợ Chính phủ: 3.25 triệu tỷ đồng
- Vay nước ngoài: 975 nghìn tỷ đồng, có xu hướng giảm trong giai đoạn 2018 – 2022, từ mức đỉnh 1.136 triệu tỷ đồng (2020).
- Vay trong nước: 2.27 triệu tỷ đồng, có xu hướng tăng nhanh, tăng 574 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2018-2022.
- Đối tác song phương cho Việt Nam vay nhiều nhất là Nhật (khoảng 400 nghìn tỷ đồng), tiếp đến là Hàn Quốc (khoảng 27.5 nghìn tỷ đồng) và Pháp (khoảng 26.7 nghìn tỷ).
- Xét theo đối tác đa phương, đứng đầu là World Bank (trên 354 nghìn tỷ), thứ hai là Ngân hàng phát triển châu Á - ADB (khoảng 182 nghìn tỷ đồng).
2. Nợ được Chính phủ bảo lãnh: 298 nghìn tỷ đồng
- Vay nước ngoài: 143 nghìn tỷ đồng
- Vay trong nước: 155 nghìn tỷ đồng
3. Nợ của chính quyền địa phương: 53 nghìn tỷ đồng, có xu hướng tăng trở lại sau khi giảm vào năm 2019.
Như vậy, với tổng dư nợ công năm là 3.6 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam năm 2022 là 37.4%, nối tiếp xu hướng giảm những năm gần đây, từ 61.4% (năm 2017) xuống 43.1% (năm 2021) và thấp hơn nhiều so với giới hạn cảnh báo 55%GDP được Quốc hội cho phép. Ngoài ra, theo dự kiến của World Bank, con số này sẽ giảm về mức 36% vào cuối năm 2023.
Trong khi đó, tại một số quốc gia thuộc khu vực châu Á, tỷ lệ nợ công/GDP cao hơn đáng kể so với Việt Nam, như Philippines (60.9%), Thái Lan (61.0%), Trung Quốc (77.1%), Nhật Bản (263.9%) và Hàn Quốc (49.6%).
Tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam thấp là nhờ đâu?
Nợ công của Việt Nam thấp là nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn tốc độ gia tăng các khoản vay. Giai đoạn 2011 – 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 6.0%/năm, với quy mô GDP đã tăng gấp 3.53 lần, từ 116 tỷ USD (năm 2010) lên đến 409 tỷ USD (năm 2022). Trong khi đó, dư nợ công năm 2022 ở mức 3.6 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3.21 lần so với mức 1,122 nghìn tỷ đồng năm 2010.
Thứ hai, nền kinh tế định hướng xuất khẩu đã giúp Việt Nam có dòng thu nhập ngoại hối ổn định và quản lý nợ nước ngoài hiệu quả hơn. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gấp 2.8 lần sau 10 năm, từ 132.03 tỷ USD (năm 2010) lên 371.85 tỷ USD (năm 2022), với giá trị trung bình đạt 233 tỷ USD/năm.
Thứ ba, chi tiêu công hiệu quả khi ưu tiên phân bổ chi tiêu vào các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng và lợi ích xã hội (cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, v.v.) đã giúp chính phủ tối ưu hóa chi tiêu và giảm nhu cầu vay quá mức.
Thứ tư, Việt Nam luôn cố gắng duy trì nền kinh tế vĩ mô ổn định, với lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tỷ giá hối đoái ổn định và các chính sách tài khóa hợp lý. Sự ổn định này đã giúp chính phủ quản lý nợ dễ dàng hơn và duy trì tỷ lệ nợ/GDP thấp.
Ngoài ra, quá trình cải cách cơ cấu và tự do hóa nền kinh tế trong vài thập kỷ qua đã góp phần giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng và giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay, qua đó tăng tính hiệu quả, năng suất và khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
Nợ công có tăng nếu Việt Nam trở thành quốc gia phát triển?
Mặc dù không thể dự đoán chính xác những gì sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng tính đến hiện tại, Việt Nam đã không phụ thuộc nhiều vào nợ như các quốc gia khác. Một điểm sáng thấy rõ nhất là trong đại dịch COVID-19, khi nhiều quốc gia ghi nhận tỷ lệ nợ công/GDP tăng thêm 10% - 20% thì tỷ lệ này của Việt Nam chỉ tăng từ 55.0% (năm 2019) lên 55.9% (năm 2020), trước khi giảm xuống khoảng 40% vào các năm tiếp theo.
Nếu
Việt Nam phát huy thành tích đã đạt được, tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ công thấp, đây
sẽ là bàn đạp để kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.