Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Các loại Tài chính xanh (Green financing)

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Khái niệm tài chính xanh chỉ các sản phẩm tài chính đóng góp vào việc cải thiện môi trường. 

    - Các loại hình tài chính xanh phổ biến gồm: khoản vay mua nhà thế chấp xanh, khoản vay xanh, ngân hàng xanh hay chứng khoán xanh.

    - Thực hiện “tài chính xanh” cho các dự án hay hoạt động đầu tư giúp hướng tới việc cắt giảm khí thải và góp phần bảo vệ môi trường.

    Sau khi đã tìm hiểu tài chính xanh là gì, bài viết sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm các loại hình tài chính xanh khác nhau nhé.

    Các loại hình tài chính xanh

    Khoản vay mua nhà thế chấp xanh

    Khoản vay mua nhà thế chấp xanh là việc ngân hàng hay tổ chức tín dung cung cấp các điều khoản ưu đãi cho các bất động sản có xếp hạng bền vững môi trường, hoặc nếu người mua đồng ý đầu tư vào việc cải thiện hiệu suất môi trường của bất động sản đó.

    Mặc dù khái niệm khoản vay mua nhà thế chấp xanh còn tương đối mới tại Việt Nam song thời gian qua, chính phủ và các tổ chức tài chính đã và đang thúc đẩy các dự án nhà ở bền vững và tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt trong những năm gần đây, Việt Nam càng tập trung vào các dự án nhà ở xanh, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường.

    Khoản vay xanh

    Khoản vay xanh, hay tín dụng xanh, là những khoản vay được sử dụng để tài trợ cho các dự án, sáng kiến hỗ trợ môi trường, như tấm pin mặt trời hộ gia đình, ô tô điện, dự án tiết kiệm năng lượng, v.v.

    Tại Việt Nam, các khoản vay xanh hiện nay bao gồm:

    - Tín dụng đầu tư của Nhà nước được Ngân hàng Phát triển (VDB) thực hiện;

    - Cho vay vốn với lãi suất ưu đãi và hỗ trợ lãi suất vay vốn được Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam thực hiện;

    - Cho vay đầu tư của Quỹ đầu tư phát triển địa phương;

    - Cho vay hợp vốn được Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam thực hiện;

    - Tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng thương mại.

    Ngân hàng xanh

    Các ngân hàng xanh hoạt động tương tự như các ngân hàng truyền thống, tuy nhiên họ sử dụng các quỹ đại chúng để thúc đẩy đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo và các sáng kiến thân thiện với môi trường khác.

    Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2021, Việt Nam có khoảng 25 ngân hàng thương mại thực hiện gói tín dụng xanh, trong đó có 68% có kế hoạch mở rộng hoạt động tín dụng xanh trong ngắn và trung hạn. Ngoài ra, tính đến 30/06/2022, dư nợ tín dụng của Việt Nam đối với các dự án xanh đạt hơn 474 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

    Trái phiếu xanh

    Trái phiếu xanh chiếm một tỷ trọng lớn trong nguồn vốn xanh. Chúng bao gồm các khoản đầu tư trái phiếu, thu nhập từ các khoản này được sử dụng để tài trợ cho nhiều sáng kiến xanh như năng lượng tái tạo, giao thông xanh và hệ thống bảo tồn, v.v.

    Tính từ đầu năm 2021, doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu phát hành trái phiếu xanh ra thị trường quốc tế. Với tổng khối lượng phát hành năm 2021 đạt 01 tỷ USD đã giúp Việt Nam trở thành thị trường có lượng phát hành lớn thứ 2 khu vực ASEAN. Ngoài ra trong giai đoạn 2021 – 2022, Vingroup đã trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong việc phát hành các khoản nợ phát triển bền vững nhiều nhất Việt Nam, với tổng giá trị khoảng 1,325 tỷ USD.


    Các chứng khoán xanh khác

    Ngoài trái phiếu xanh, các chứng khoán xanh khác đề cập đến các cổ phiếu của các công ty tham gia vào các hoạt động được coi là thân thiện với môi trường, hoặc các quỹ tương hỗ hay quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đầu tư vào các công ty hoặc dự án có tác động tích cực đến môi trường.

    Bằng cách đầu tư vào các chứng khoán xanh, các cá nhân hoặc tổ chức có thể tài trợ các sáng kiến thân thiện với môi trường, đồng thời có khả năng thu được lợi nhuận từ khoản đầu tư của họ.

    Vào tháng 7/2017, Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã giới thiệu Chỉ số phát triển bền vững Việt Nam (VNSI) nhằm tạo ra một thước đo mới cho thị trường chứng khoán. Chỉ số này chọn ra 20 doanh nghiệp có thực hành ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) tốt nhất và cho thấy hiệu quả đầu tư của các mã cổ phiếu bền vững. Theo HoSE, vào năm 2021, Vinamilk đạt tổng điểm ESG là 90%, cao hơn mức trung bình của ngành khoảng 30%.

    Ngoài ra, theo báo cáo của PwC, các công ty quản lý tài sản trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng giá trị tài sản liên quan đến ESG của họ lên 33.9 nghìn tỷ USD vào năm 2026, từ 18.4 nghìn tỷ USD vào năm 2021. Với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm dự kiến (CAGR) là 12.9%, tài sản ESG sẽ chiếm 21.5% tổng tài sản quản lý (AuM) của các công ty này.

    Điều này cho thấy lĩnh vực đầu tư xanh là rất tiềm năng, đang được phát triển khá nhanh chóng và dòng vốn sẵn sàng để đón chào xu hướng này cũng rất dồi dào. Tuy nhiên, cũng theo PwC, kiến thức tài chính doanh nghiệp Việt nam về tài chính xanh, cũng như mức độ cam kết và thực hành ESG tại Việt Nam vẫn còn khá thấp.

    Khái niệm tài chính xanh vs. tài chính bền vững

    Trong khi Tài chính bền vững ESG đề cập đến các công cụ tài chính đáp ứng các mục tiêu tổng thể về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), thì khái niệm tài chính xanh chỉ hướng tới các mục tiêu môi trường. Theo Bloomberg, tài chính bền vững và tài chính xanh chiếm 1/3 tổng số tiền luân chuyển toàn cầu – tương đương 30.7 nghìn tỷ USD – trong tổng tài sản được quản lý và theo dõi trong năm 2018.

    Phần lớn lượng khí thải đến từ các dự án lớn của các doanh nghiệp, được tài trợ bởi các nhà đầu tư hoặc bởi các khoản vay hay các hoạt động tài chính khác. Phát thải đến từ các khoản tài trợ này thường đóng góp hơn 700 lần vào lượng khí thải cacbon của các doanh nghiệp so với phát thải từ các hoạt động thông thường hàng ngày của họ. Việc nâng cao kiến thức tài chính doanh nghiệp về tài chính xanh và thực hiện tài chính xanh có thể thúc đẩy doanh nghiệp hướng tới việc cắt giảm lượng khí thải, và có thể giúp họ đạt được các khoản vay ưu đãi hơn với điều kiện cam kết bảo vệ môi trường.

    Khái niệm tài chính xanh trong lĩnh vực ngân hàng

    Nhận thức về khái niệm tài chính xanh đã góp phần phát triển định hướng của nó trong lĩnh vực ngân hàng. Cả ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư đều đã bắt tay khai thác lĩnh vực này, như lồng ghép các yếu tố môi trường vào chiến lược và quản trị ngân hàng. Nó cũng bao gồm việc huy động vốn cho các tài sản xanh, cụ thể như thông qua khởi tạo khoản vay, cung cấp sản phẩm tín dụng và tiết kiệm, và các hoạt động trên thị trường vốn như trái phiếu xanh.

    Đồng thời, sự phát triển của tài chính xanh cũng được thúc đẩy nhờ nỗ lực mang tính toàn cầu, bao gồm sự xuất hiện của các “Nguyên tắc ngân hàng có trách nhiệm” và “Mạng lưới ngân hàng bền vững”.

    Các Ngân hàng Phát triển Đa phương (MDB) cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn tài trợ cho khí hậu toàn cầu và tăng đòn bẩy tài chính cho các dự án ít carbon. Theo đó, các ngân hàng tăng cường lập kế hoạch đầu tư công và tư nhân, thực hiện công tác chuẩn bị, cơ cấu, tài trợ và giảm thiểu rủi ro.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán