Điểm nhấn chính:
- Vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu cho các doanh nghiệp trong việc tìm ra các phương pháp giải quyết tối ưu.
- Ngành thực phẩm đang phải đối mặt với thách thức về đa dạng hóa các sản phẩm nhằm đáp ứng thị hiếu của khách hàng
- Trí tuệ nhân tạo (AI) giúp doanh nghiệp tối ưu hóa các quy trình quản lý của mình.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng
Căng thẳng địa chính trị hay những biến đổi cung và cầu trên thị trường có thể gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hóa, khiến nhiều doanh nghiệp phải chịu mức chi phí phát sinh cao. Vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu phức tạp làm ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu thô và sản xuất cây trồng.
Để hạn chế tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, các công ty thực phẩm và đồ uống nên đa dạng hóa nhà cung cấp để tăng tính linh hoạt nhằm huy động nguồn hàng hóa kịp thời. Kết hợp sử dụng công nghệ để cải thiện dự báo cung và cầu cũng góp phần nâng cao chất lượng quản lý hàng tồn kho, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Biến đổi khí hậu và tính bền vững
Ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống chịu ảnh hưởng sâu sắc từ biến đổi khí hậu, tác động trực tiếp đến sản lượng, giá cả và tính bền vững của ngành nông nghiệp. Nhiệt độ tăng kéo theo các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt, hạn hán và các mùa thay đổi, gây ra những thay đổi tiêu cực về chất lượng và tính sẵn có của nguyên liệu thô. Từ đó, tạo ra những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng. Ngoài ra, các mối nguy hiểm đối với an toàn thực phẩm cũng gia tăng, chẳng hạn như nồng độ độc tố nấm mốc tăng cao, đất thoái hóa và khó khăn trong việc kiểm soát thời tiết khắc nghiệt.
Bên cạnh biến đổi khí hậu, tính bền vững cũng là một trong những tiêu chí quyết định đến sự vận hành của công ty trong dài hạn. Hiện nay, ngành nông nghiệp và bán lẻ thực phẩm là hai trong số những ngành gây ô nhiễm nhất thế giới. Do đó, để hoạt động kinh doanh trở nên hiệu quả hơn, doanh nghiệp cần phấn đấu hướng tới mức phát thải ròng bằng 0. Hơn nữa, điều chỉnh chuỗi cung ứng theo sự thay đổi khí hậu cũng như lập kế hoạch dài hạn trước sự bất ổn của thị trường đều là những chiến lược quan trọng.
Mối quan tâm về chất lượng và an toàn thực phẩm
Ngày nay, chất lượng và an toàn thực phẩm là một trong những tiêu chí hàng đầu của người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm phù hợp. Họ ngày càng ưa thích các loại thực phẩm tươi sống cũng như các sản phẩm nông nghiệp sạch, gây áp lực vô hình lên các doanh nghiệp trong việc bảo quản hàng hóa, thực phẩm. Đặc biệt, quản lý dây chuyền lạnh đang là thách thức lớn đối với ngành công nghiệp thực phẩm. Chủ yếu là vì những mặt hàng này có thời hạn sử dụng ngắn hơn và dễ bị vi sinh vật phát triển hơn, vì thế việc duy trì an toàn thực phẩm càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Để giảm bớt nỗi lo về chất lượng và an toàn thực phẩm, doanh nghiệp có thể sử dụng các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm như HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn), đồng thời tăng cường đào tạo về an toàn thực phẩm cho nhân viên có thể giúp cải thiện chất lượng và an toàn thực phẩm tổng thể. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng cảm biến IoT để giám sát việc lưu trữ thực phẩm và chuỗi khối nhằm truy xuất nguồn gốc, giải quyết những lo ngại về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Thay đổi sở thích của người tiêu dùng
Trong những năm trở lại đây, ngành thực phẩm đang phải đối mặt với thách thức phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm. Nguyên nhân là do thị hiếu của người tiêu dùng đang dần chuyển sang các loại thực phẩm lành mạnh và an toàn hơn, chẳng hạn như hàng hóa hữu cơ - không biến đổi gen, không có chất phụ gia nhân tạo, cũng như cung cấp các loại protein thuần chay cho người sử dụng. Do đó, việc tạo ra sản phẩm cần phải thay đổi một cách chiến lược để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng có quan tâm đến môi trường.
Bên cạnh đó, việc hợp tác với các công ty khởi nghiệp hay tổ chức học thuật giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận những cải tiến thực phẩm tiên tiến, tăng thêm khả năng thấu hiểu hành vi của người tiêu dùng. Từ đó, xây dựng niềm tin của khách hàng về sản phẩm của mình, biến khó khăn trong việc thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng thành cơ hội đi đầu trong việc sản xuất hàng hóa thân thiện với môi trường và sức khỏe.
Tuân thủ quy định và toàn cầu hóa
Toàn cầu hóa cùng với các quy định thắt chặt đặt ra một thách thức phức tạp đối với lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Các doanh nghiệp phải đối mặt với một loạt bộ luật thương mại quốc tế liên quan đến vấn đề xuất nhập khẩu. Bên cạnh những lợi ích mà toàn cầu hóa mang lại, nó còn tăng thêm tính phức tạp khi buộc các doanh nghiệp phải tùy chỉnh sản phẩm của mình sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường.Việc làm quen với các tiêu chuẩn khác nhau này có thể tốn rất nhiều nguồn lực và đòi hỏi phải có kiến thức sâu rộng về hệ thống pháp luật của từng quốc gia.
Tuy nhiên, các tổ chức có thể sử dụng phần mềm tuân thủ để tự động hóa quy trình và cập nhật quy định nhằm xử lý các vấn đề do toàn cầu hóa và các quy định đặt ra. Ngoài ra, tham khảo lời khuyên từ các chuyên gia pháp lý trong khu vực cũng giúp việc quản lý các quy định và sửa đổi sản phẩm cho phù hợp với thị trường khu vực dễ dàng hơn mà không ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp.
Công nghệ giúp vượt qua những thách thức
Vượt qua những trở ngại trong kinh doanh sản xuất thực phẩm và đồ uống đòi hỏi sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành. Nhờ đó, trí tuệ nhân tạo (AI) giúp doanh nghiệp tối ưu hóa các quy trình quản lý của mình, đem lại hiệu quả năng suất cao hơn. Ngoài ra, AI còn có thể dự đoán trước tình hình doanh nghiệp, từ đó tăng cường đảm bảo chất lượng, đánh giá rủi ro và truy xuất nguồn gốc, cho phép chuyển đổi kỹ thuật số nhằm tối đa hóa quy trình sản xuất và ra quyết định.
Tuy nhiên, để tận dụng những ưu điểm trong việc tích hợp công nghệ một cách triệt để, đòi hỏi doanh nghiệp cần đạt được sự cân bằng giữa tự động hóa và công việc của con người. Qua đó, kết hợp thành công các kỹ năng của lực lượng lao động và tiến bộ kỹ thuật, tăng tính cạnh tranh với các công ty đối thủ trong toàn ngành.
Tác động tiêu cực từ tình hình lạm phát cao
Lạm phát làm tăng giá bán hàng
Lạm phát cao gây ra những tác động tiêu cực đến toàn nền kinh tế nói chung, đặc biệt là ngành thực phẩm. Khi lạm phát tăng nhanh, doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí gia tăng do tiền lương và chi phí nguyên vật liệu cũng bắt đầu tăng theo. Khi những chi phí này tăng lên, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng chuyển một phần hoặc toàn bộ chi phí bổ sung đó sang người tiêu dùng. Từ đó, lạm phát cao chính là nguyên nhân chủ yếu làm cho giá bán hàng ngày càng cao.
Hiệu ứng gia tăng CPI
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là thước đo phản ánh sự thay đổi trung bình về giá theo thời gian trong một nhóm hàng hóa và dịch vụ cụ thể trên thị trường.
Khi chỉ số giá CPI của nhóm ngành thực phẩm tăng lên, nghĩa là giá cả của chúng đang tăng nhanh hơn trong rổ hàng hóa được dùng để tính CPI. Hơn nữa, thực phẩm chiếm một phần đáng kể trong ngân sách của nhiều hộ gia đình nên việc tăng chi phí này sẽ đẩy lạm phát tổng thể lên cao ngay cả khi giá cả các mặt hàng khác vẫn ổn định.
Tương
tự, những biến động về CPI của ngành năng lượng cũng mang lại tác động đáng kể
đến chỉ số CPI toàn cầu. Bởi vì ngành năng lượng liên quan trực tiếp đến việc sử
dụng nguyên liệu thô và nhiên liệu công nghiệp trên các lĩnh vực kinh tế khác
nhau. Do đó, các giao dịch hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn, từ đó làm tăng áp lực lạm
phát chung.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.