Điểm nhấn chính:
- Thị trường nước giải khát Việt Nam là một ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn, dự kiến đạt 11.41 tỷ USD năm 2028.
- Đây cũng là ngành có sức cạnh tranh cao mà dẫn đầu là các doanh nghiệp từ nước ngoài. Song sự dịch chuyển về hành vi tiêu dùng là cơ hội cho các doanh nghiệp thay đổi vị thế trên thị trường.
Thị trường nước giải khát Việt Nam
Ngành Đồ uống là một ngành kinh tế - kỹ thuật đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, gồm các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh Bia, Rượu và Nước giải khát. Theo Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA), ngành Đồ uống chiếm tỷ trọng 4.5% trong nhóm ngành sản xuất kinh doanh dịch vụ, đóng góp khoảng 60,000 tỷ đồng cho ngân sách hàng năm, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu trong điều kiện kinh tế hội nhập.
Ngành đồ uống Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 8.4%/năm trong giai đoạn 2015 – 2019 (theo Euromonitor). Tuy vậy, tác động của Covid – 19 đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, bao gồm cả lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng cho sản phẩm không thết yếu. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, thị trường tiêu thụ đồ uống giảm 20% - 30%, doanh thu toàn ngành giảm mạnh 17% so với năm 2019, lợi nhuận trung bình của các doanh nghiệp trong ngành theo đó cũng giảm mạnh gần 95%.
Tổng quan thị trường nước giải khát không cồn Việt Nam
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, trung bình người Việt tiêu thụ 23 lít nước giải khát mỗi năm, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 40 lít/năm. Điều này cho thấy tiềm năng thị trường nước giải khát Việt Nam còn rất lớn. Theo Nielsen Việt Nam, trong năm 2023, doanh thu ngành giải khát Việt Nam đạt 8.25 tỷ USD, với hai ông lớn chiếm thị phần đầu ngành nước giải khát không cồn lần lượt là Suntory Pepsico (SPVB) với Coca-Cola, cả hai chiếm hơn 60% thị phần.
Thị trường nước giải khát bao gồm các dòng sản phẩm chính như: nước ngọt có ga, nước khoáng, nước ép trái cây và trà, nước uống thể thao và chức năng. Nước ngọt có ga chiếm tỷ trọng nhiều nhất.Tiếp đến là nước khoáng, dòng sản phẩm này đang tăng trưởng nhanh do người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sức khỏe. Nước ép trái cây và trà đóng chai cũng có sự tăng trưởng tốt, đặc biệt là các sản phẩm có thành phần từ thiên nhiên và không đường. Cuối cùng, nước uống thể thao và chức năng cũng có sự phát triển nhưng do phục vụ một nhóm khách hàng trẻ, sống tại thành thị, do đó thị phần nhỏ hơn.
Về độ tuổi và giới tính, nhóm tiêu thụ chính là các khách hàng từ 18-35 tuổi, đặc biệt là dòng sản phẩm nước ngọt có ga và trà đóng chai. Tuy nhiên, phụ nữ có xu hướng quan tâm đến sức khỏe nên ưu tiên các sản phẩm ít đường, có thành phần từ thiên nhiên, các dòng sản phẩm như nước trái cây, các loại trà. Về thu nhập, người có thu nhập cao có xu hướng ưa chuộng sản phẩm chất lượng cao, được nhập khẩu hoặc có thương hiệu đến từ nước ngoài hơn. Về khu vực địa lý, do lối sống tại thành thị đòi hỏi sự tiện dụng và nhanh chóng, TP.HCM và Hà Nội là hai thành phố chiếm tỷ trọng tiêu dùng nước giải khát đóng chai lớn nhất cả nước.
Xu hướng tiêu dùng
Do sự hiểu biết của người tiêu dùng ngày một tăng, kéo theo gia tăng sự lo ngại về ảnh hưởng sức khỏe của các sản phẩm nước giải khát. Hiện nay, sự ưa thích các sản phẩm giải khát tốt cho sức khỏe bao gồm các yếu tố: ít calo, không đường, có nguyên liệu hữu cơ. Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Cimigo, người tiêu dùng Việt quan tâm đến các yếu tố liên quan đến đồ uống bao gồm: giảm nguy cơ bệnh tật (58%), tăng cường sức đề kháng (52%), cải thiện sức khỏe tim mạch (50%), cải thiện hệ tiêu hóa (44%), cải thiện tâm trạng và sức khỏe tinh thần (52%)...
Bên cạnh việc quan tâm tới thành phần của sản phẩm, người tiêu dùng còn quan tâm đến giá trị đóng góp cho cộng đồng như bao bì thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng hoặc thực hiện các dự án từ thiện xã hội của công ty.
Điều này đã thúc đẩy sự cải tiến trong sản phẩm cũng như thúc đẩy chi phí cho chiến lược marketing và chi phí đóng gói của các công ty đầu ngành. Cụ thể, để đáp ứng yếu tố thân thiện với môi trường, công nghệ chiết rót vô trùng (Aseptic) đã được ra đời và dần thay thế cho công nghệ đóng chai PET (chiết nóng) và đóng lon nhôm. Công nghệ tiêu diệt hoàn toàn vi sinh vật và giúp các đồ uống có hạn sử dụng 12 tháng mà không cần chất bảo quản, giúp duy trì nguyên vẹn thành phần dinh dưỡng và hương vị sản phẩm. Tại Việt Nam, Tân Hiệp Phát là công ty tiên phong áp dụng công nghệ này từ những ngày đầu sản xuất, và cũng là khách hàng lớn nhất của GEA (đơn vị tạo ra công nghệ Aseptic) tại khu vực Đông Nam Á.
Các doanh nghiệp và thương hiệu nổi bật trong thị trường nước giải khát Việt Nam
1. Các doanh nghiệp nội địa
Có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào ngành nước giải khát không cồn, nhưng chỉ có một vài gương mặt có tiềm lực đủ lớn để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài như: Tân Hiệp Phát, Vinamilk,...
Tân Hiệp Phát (THP)
Tân Hiệp Phát bắt đầu trong ngành giải khát từ năm 1994. Ban đầu, sản phẩm chiến lược của công ty là bia laser nhưng không mang lại thành công. Đến năm 2001, sản phẩm nước tăng lực Number 1 giúp công ty gây được tiếng vang trên thị trường. Sau đó, THP tiếp tục tung ra các sản phẩm mà nhiều người Việt đều biết đến như: trà xanh 0 độ, trà thảo mộc Dr Thanh, sữa đậu nành Soya,...
Mặc dù là công ty nội địa dẫn đầu nhưng doanh thu của THP vẫn nhỏ bé so với các ông lớn có vốn nước ngoài khác. Phân tích tình hình tài chính của THP, trong năm 2022, doanh thu của THP đạt 3.8 ngàn tỷ đồng, tăng 16.6% so với 2021 nhưng không hơn doanh thu của năm 2022. Về lợi nhuận, lợi nhuận của công ty đạt 980 tỷ đồng trong năm 2020 nhưng giảm dần trong 2 năm tiếp theo. Đến năm 2022 chỉ đạt 500 tỷ đồng.
Vinamilk
Thành lập từ năm 1976, Vinamilk là doanh nghiệp được sở hữu bởi nhà nước. Sản phẩm chủ lực của Vinamilk là các sản phẩm về sữa nhưng bên cạnh đó, Vinamilk cũng có dòng sản phẩm nước giải khát. Trong đó, nổi tiếng nhất là dòng nước trái cây Vfresh.
Năm 2021, Vinamilk đã hợp tác liên doanh cùng với Kido tạo ra Liên doanh Vibev. Vibev ra đời dòng sản phẩm đầu tiên với tên Oh Fresh bao gồm: sữa bắp tươi Oh Fresh và Sữa đậu xanh tươi Oh Fresh. Ban đầu, Vibev được kỳ vọng sẽ thành công chiếm lại thị phần từ các ông lớn như SPVB hay Coca-cola do có được sự hậu thuẫn từ công ty lớn như Vinamilk và Kido. Song chỉ sau một năm hoạt động, liên doanh Vibev đã tan rã.
2. Các doanh nghiệp nước ngoài
Thị trường nước giải khát Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng. Song, các doanh nghiệp nước ngoài lại là các đơn vị chiếm lĩnh thị trường. Các thương hiệu nước ngoài nổi bật tại Việt Nam có thể nhắc đến như Coca-Cola, Suntory-PepsiCo (SVPB), Nestlé, Universal Robina.
Coca-Cola
Coca-Cola sau 20 năm phát triển đã trở thành một thương hiệu lớn tại thị trường Việt Nam sau một thời gian dài liên doanh, liên kết với các đối tác Việt Nam. Liên doanh đầu tiên của Coca-Cola Đông Dương là với Công ty Nông nghiệp và Thực phẩm Vinafimex, có trụ sở tại miền Bắc. Tháng 1/1998, Coca-Cola tiếp tục hợp tác với Công ty Nước Giải Khát Đà Nẵng.
Tháng 10/1998, sau khi Chính Phủ Việt Nam mở cửa cho phép Công ty Liên Doanh trở thành 100% vốn đầu tư nước ngoài. Các Liên Doanh của Coca-Cola lần lược thuộc sở hữu 100% của Coca-Cola Đông Dương. Sau khi sở hữu hoàn toàn các công ty liên doanh tại miền Nam, Đà Nẵng, Hà Nội, ba Công ty Nước Giải Khát Coca-Cola đã hợp nhất thành Coca-Cola Việt Nam, có trụ ở tại Quận Thủ Đức - Thành Phố Hồ Chí Minh.
Các sản phẩm nổi tiếng của Coca-Cola tại Việt Nam như: Coca-Cola, Coca-Cola Light, Coke Zero, Sprite, Fanta, Dasani, Aquarius, Fuzetea+, Schweppes. Năm 2022, Coca-Cola đạt doanh thu 11.1 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận hơn 680 tỷ đồng.
Suntory-Pepsico Vietnam (SPVB)
Pepsico gia nhập thị trường Việt Nam thông qua liên doanh với Công ty Nước giải khát Quốc tế (IBC) vào năm 1994. Tháng 4/2013, liên minh Suntory Pepsico Việt Nam ra đời là sự kết hợp giữa Suntory Holdings Limited và Pepsico Inc. SPVB là công ty 100% vốn nước ngoài với dòng sản phẩm chủ đạo là nước uống không cồn và nước khoáng.
SPVB là công ty dẫn đầu trong ngành đồ uống giải khát Việt Nam kể từ khi gia nhập thị trường. Vị thế dẫn đầu được duy trì nhờ vào sức mạnh tổng hòa giữa Suntory và Pepsico trong việc sản xuất và phân phối. Các sản phẩm chủ lực của SPVB là nước uống có ga, nước trái cây, nước đóng chai và các đồ uống thể thao có thể kể đến như: nước khoáng Aquafina, Pepsi, 7Up, TEA+, Revive, Sting,...
Phân tích tình hình tài chính của SPVB thì doanh thu của SPVB năm 2020 đạt hơn 17.2 ngàn tỷ đồng và 23.7 ngàn tỷ đồng trong năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của SPVB cũng tăng theo doanh thu, lần lượt đạt 2.5 nghìn tỷ đồng và 3 nghìn tỷ đồng trong hai năm 2020 và 2022.
URC Việt Nam
URC gia nhập thị trường Việt Nam năm 2003 và tới nay đang có 5 nhà máy sản xuất ở các tỉnh thành Bình Dương, Quảng Ngãi và Hà Nội. Các sản phẩm thức uống nổi bật của URC tại Việt Nam có thể kể đến như: Trà xanh C2, nước tăng lực Rồng Đỏ,...
Phân tích tình hình tài chính của URC thì về doanh thu, URC có doanh thu tăng đều trong 3 năm từ 2020 (5.3 ngàn tỷ đồng), 2021 ( 5.4 nghìn tỷ đồng), 2022 (6.7 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của thương hiệu này lại giảm dần qua các năm. Mặc dù đạt 490 tỷ trong năm 2020, năm 2021 lợi nhuận giảm 50.8% và tiếp tục giảm 16.8% vào năm 2022, đạt hơn 200 tỷ đồng.
Thách thức và cơ hội của thị trường nước giải khát Việt Nam
Bên cạnh nghiên cứu xu hướng tiêu dùng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nước giải khát Việt Nam cũng cần quan tâm đến các thách thức cũng như cơ hội để tận dụng tốt nhất tiềm năng phát triển của mình trong thị trường.
Thách thức
- Sự thay đổi trong pháp lý: Các Bộ Y tế, Tài chính đang đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có hàm lượng đường trên 5g/100ml,nhằm góp phần giảm đóng góp gây béo phì và bệnh không lây nhiễm.
- Thị trường nước giải khát Việt Nam là thị trường cạnh tranh cao giữa cả doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này có thể dẫn đến chi phí khổng lồ cho các chiến dịch Marketing.
- Sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng khi người tiêu dùng ưa chọn các sản phẩm tốt cho sức khỏe và thân thiện với môi trường hơn, đặt áp lực phải thay đổi chiến lược sản phẩm và công nghệ đóng gói.
Cơ hội
- Thu nhập của người dân Việt Nam tăng nhanh, đã tăng 30 - 40% trong 10 năm qua, trung bình gần 4,000 USD/người/năm vào năm 2021, đứng thứ 5 trong 9 quốc gia được dự báo có số người gia nhập tầng lớp trung lưu lớn nhất trong năm 2024 với 4 triệu người, và dự kiến tăng lên thành 23.2 triệu người vào năm 2030.
- Việt Nam hiện đang trong giai đoạn dân số vàng với dân số trẻ chiếm phần lớn. Theo báo cáo của UNFPA, năm 2023, Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ cao nhất trong lịch sử đất nước, với 21.1% tổng dân số là thanh thiếu niên thuộc độ tuổi 10 - 24 tuổi. Đây được xem là cơ hội tiềm năng cho thị trường nước giải khát Việt Nam.
- Cơ hội cho các sản phẩm tốt cho sức khỏe do người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe hơn.
- Đô thị hóa kéo theo nhu cầu và sự tiện lợi của các sản phẩm uống ngay (RTD-Ready to drink).
- Sự phát triển của các kênh bán lẻ hiện đại: cửa hàng tiện lợi và thương mại điện tử, giúp việc tiếp cận khách hàng trở nên dễ dàng hơn và chi phí cũng được tiết kiệm.
- Các doanh nghiệp nội địa thay vì cạnh
tranh tại "sân
nhà" có thể vươn ra thế giới khi đã đáp ứng
tiêu chuẩn của các thị trường "khó
tính" như: Mỹ, Nhật, Hàn,…
Với các yếu tố thuận lợi như hiện tại, thị trường nước giải khát Việt Nam được Statista dự đoán sẽ đạt doanh thu 11.41 tỷ USD vào năm 2028, tương ứng với mức tăng trưởng 6.62%/năm.
Xem thêm các bài phân tích tình hình tài chính và thương hiệu:
- Coca-Cola và PepsiCo: Ai là kẻ chiến thắng?
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.