Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Việt Nam đứng thứ 3 về tiêu thụ mì gói năm 2022_P1

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Mì ăn liền là một món ăn phổ biến của người Việt Nam, nằm trong top ngành hàng FMCG được mua sắm thường xuyên nhất.

    - Năm 2022, Việt Nam đứng thứ 3 về tiêu thụ mì ăn liền -8.46 tỷ gói, trung bình 85 suất ăn/người/năm.

    - Acecook, Masan Consumer, Asia Foods và Uniben là những thương hiệu mì ăn liền lớn nhất trên thị trường VN hiện nay.

    Tìm hiểu cùng Tititada!

    Vào những năm 70-80, mì ăn liền là món ăn xa xỉ đối với người Việt, mức giá dao động từ 500-1,500đ, ai cũng khao khát có được một tô mì nóng rồi ăn với cơm. Mì ăn liền thường được gọi là mì tôm, bởi lúc mới ra mắt, nó được đóng gói trong bao bì có 2 con tôm.

    Việt Nam đứng thứ 3 về tiêu thụ mì ăn liền trong năm 2022

    Hiện, mì ăn liền là một trong những món ăn phổ biến hàng đầu Việt Nam, hầu hết tất cả các gia đình người Việt đều có trong nhà những gói mì ăn liền của các thương hiệu khác nhau. Theo xếp hạng của Hiệp hội Mì gói thế giới (WINA), Việt Nam đứng thứ 3 về tiêu thụ mì gói trong năm 2022, tương đương 8.46 tỷ gói, đứng đầu là Trung Quốc (45.07 tỷ gói) và đứng thứ 2 là Indonesia (14.26 tỷ gói).

    Ngoài ra, theo WINA, Việt Nam đứng đầu thế giới về khẩu phần ăn mì ăn liền của mỗi người vào năm 2022, tương đương 85 suất ăn/người/năm, nghĩa là cứ 4 ngày người Việt lại ăn 1 gói mì. Hàn Quốc đứng thứ 2 với khoảng 77 suất ăn/người/năm. Thái Lan đứng vị trí thứ 3 với khoảng 55 suất ăn/người/năm.

    Số lượng mì gói bán ra trên toàn cầu năm 2022 tăng gần 2.6% so với năm 2021. Nhu cầu sử dụng mì ăn liền toàn cầu năm 2022 tăng lên mức kỷ lục 121.2 tỷ gói. Đây là năm thứ 7 liên tiếp ghi nhận nhu cầu sử dụng mì tôm tăng.

    Năm 2020, khi nhiều người bị buộc phải ở nhà do dịch COVID-19, nhu cầu mì gói toàn cầu tăng đột biến 9.5% so với năm 2019. Mức tăng này giảm còn 1.4% trong năm 2021 và lại tăng mạnh trong năm 2022.

    Tùy thuộc vào lối sống mà các khu vực khác nhau có thể ưa chuộng các loại mì ăn liền khác nhau, chẳng hạn như sử dụng mì ăn liền được đựng dưới dạng gói hoặc ly, phổ biến nhất là mì được đựng trong gói.

    Thị trường mì ăn liền toàn cầu được phân thành loại chiên và không chiên và loại chiên chiếm nhiều thị phần nhất. Xét về loại sản phẩm, mì ăn liền có thể được chia thành Thịt gà, Thịt bò, Hải sản và Rau củ. Năm 2021, mì ăn liền hương vị gà được ưa chuộng hàng đầu, chiếm 29.56% thị phần, theo sau đó là vị Hải sản, Rau củ và các hương vị khác. Người Việt thích mì có độ dẻo, họ còn cho thêm hành, chanh và ớt vào mì ăn liền đã nấu chín. Siêu thị/đại siêu thị là kênh phân phối chiếm thị trường lớn nhất do có sẵn nhiều thương hiệu, hương vị và kích cỡ mì ăn liền, giá cả cạnh tranh.

    Mở rộng thị trường mì ăn liền toàn cầu

    Mì ăn liền có nguồn gốc từ Nhật Bản, đã trở thành thực phẩm toàn cầu hỗ trợ nhu cầu ăn uống của người dân trên khắp thế giới, với hơn 100 tỷ khẩu phần được tiêu thụ hằng năm bởi sự tiện lợi, hương vị, dinh dưỡng và giá cả phải chăng.

    Châu Á vốn là nơi mà đồ ăn có nước trở thành một phần văn hóa, vì thế, khi mì gói ra đời, Châu Á -Thái Bình Dương nắm giữ thị phần lớn nhất do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, dân số lớn và nhu cầu về thực phẩm tiện lợi ngày càng tăng.

    Những năm gần đây nhu cầu sản phẩm mì gói cũng đang ngày một lớn hơn tại những nước như Mỹ và Mexico, nơi mà văn hóa này trước đây không tồn tại. Năm 2021, Mexico đứng đầu thế giới về mức tăng trưởng nhu cầu mì gói, tăng đến 17.2% so với năm 2020 và năm 2022 tăng 11% so với năm 2021. Tại thị trường Bắc Mỹ, nhu cầu giảm 1.4% trong năm 2021 và sau đó mức tăng trưởng này hồi phục lên 3.4% trong năm 2022.

    Thực chất, nhu cầu mì gói tăng mạnh trong năm 2022 một phần là do lạm phát ở nhiều nước cao, nên người tiêu dùng tìm đến mì ăn liền như một lựa chọn giá cả hợp lý. Đại diện công ty sản xuất mì ăn liền của Nhật – Nissin Foods phát biển rằng những người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu không ăn mì ăn liền trước đây giờ đang quen dần hơn với việc có nó trong cuộc sống hàng ngày của họ, lý do chính bởi lạm phát.

    Kết quả kinh doanh đã thể hiện rõ điều này, Nissin Foods và doanh nghiệp mì tôm khác đầu ngành của Nhật Toyo Suisan đều công bố lợi nhuận từ các thị trường ngoài Nhật tăng vọt trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2023. Cả hai công ty này có kế hoạch mở nhà máy sản xuất tại Mỹ trước năm 2025 để đáp ứng cho nhu cầu tại Mỹ và Mexico tăng dần.

    Tuy nhiên, giá của mì ăn liền cũng buộc phải tăng theo lạm phát. Trong năm 2022, các doanh nghiệp mì ăn liền lớn tăng giá khoảng 10% và đến năm 2023 tăng thêm 10% nữa bởi giá nguyên liệu và đóng gói tăng cao. Mặc dù giá tăng liên tiếp 10% trong 2 năm liền, nhưng khối lượng bán lại không giảm nhiều.

    Các công ty chủ chốt trên thị trường mì ăn liền toàn cầu bao gồm Công ty TNHH Thực phẩm Mì ăn liền Master Kong (Thẩm Dương), Tập đoàn Thực phẩm Hà Bắc Hualong, Indofood Sukses Makmur, Công ty TNHH Sản phẩm Thực phẩm Nissin, Nestle S.A., Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam,…

    Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tham gia thị trường mì ăn liền vì rào cản vốn lớn. Số lượng người mới tham gia thị trường mì ăn liền ở mức thấp do mức vốn đầu tư cao và lòng trung thành của người tiêu dùng đối với các thương hiệu cụ thể. Quy mô thị trường mì ăn liền toàn cầu đạt 52.7 tỷ USD vào năm 2022, kỳ vọng thị trường sẽ đạt 71.1 tỷ USD vào năm 2028, đạt tốc độ tăng trưởng (CAGR) là 4.9% trong giai đoạn 2023-2028.

    Mì ăn liền tại thị trường Việt Nam

    Tại Việt Nam, mì ăn liền chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa tiêu dùng nhanh (FMCG), nằm trong top ngành hàng FMCG được mua sắm thường xuyên nhất, trung bình khoảng 18 lần/năm.

    Những năm 1980, mì ăn liền là một món xa xỉ, với giá từ 500-1,500đ là một số tiền không hề nhỏ. Hiện nay, sản phẩm mì ăn liền cũng được phân loại rõ rệt với các phân khúc bình dân có giá dao động khoảng 1,500 – 3,000 đồng/gói; phân khúc bình dân với giá 3,500 – 5,000 đồng/gói và phân khúc cao cấp với giá từ 7,000 đồng/gói trở lên. Tuy vậy, phần lớn thị phần vẫn tập trung ở phân khúc bình dân. Trong bối cảnh lạm phát, giá mì tôm vào Q1/2022 đã tăng 25% svck do sức ép từ giá xăng dầu và nguyên liệu đầu vào.

    Xu hướng mì ăn liền cao cấp có tiềm năng phát triển mạnh vì người tiêu dùng Việt Nam ngày càng khó tính hơn và sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho những sản phẩm mì ăn liền chất lượng cao với nguyên liệu và hương vị tốt hơn. Trong phân khúc này có hai ông lớn thống lĩnh thị trường là Hảo Hảo của Acecook và Omachi của Masan Consumer.

    Mì ăn liền được xem là ngành hàng khó bị thay thế. Một xu hướng khác do lối sống hối hả của người Việt, cần bữa ăn tiện lợi và giá cả phải chăng. Thị trường mì ăn liền tại Việt Nam bị phân mảnh, với số lượng lớn các nhà sản xuất quy mô nhỏ.

    Gần đây, Việt Nam lần đầu tiên cho ra mắt mì ăn liền làm từ quả thanh long ruột đỏ - đây cũng là sản phẩm mì làm từ thanh long đầu tiên trên thế giới. Giúp giải quyết vấn đề khó khăn của bà con nông dân Bình Thuận, nâng cao giá trị trái thanh long và tìm đầu ra ổn định cho nông sản. Tháng 7/2023, mì thanh long chính thức được xuất khẩu độc quyền sang Mỹ và Canada và xuất khẩu thành công sang Trung Quốc vào tháng 11.

    Liệu các bạn có tò mò về các ông lớn trên thị trường mì ăn liền Việt Nam đã kinh doanh ra sao trong thời gian qua hay không? Hãy đón chờ phần tiếp theo vào ngày mai nhé!


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán